Tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho công chức cấp xã

(QLNN) – Mục đích của Nhà nước khi xây dựng, ban hành pháp luật là để điều chỉnh các quan hệ xã hội, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhà nước, tập thể và công dân, thực hành và phát huy các quyền tự do dân chủ của các tầng lớp nhân dân. Muốn cho pháp luật được thực hiện một cách đầy đủ, nghiêm túc trong thực tế xã hội, phát huy được đầy đủ vai trò, chức năng của nó thì pháp luật phải được thẩm thấu vào trong nhận thức và bộc lộ ra thông qua hành vi pháp luật hợp pháp của mỗi thành viên trong xã hội.

Ảnh:http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn
Vai trò của việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho công chức cấp xã

Vai trò của bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho công chức cấp xã (CCCX) được thể hiện trên những phương diện sau đây:

Trước hết, góp phần cung cấp, trang bị, nâng cao hiểu biết về pháp luật cho đội ngũ CCCX.

Pháp luật không thể tự nó đến được với mỗi người, mà phải thông qua hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Đó chính là phương thức truyền tải, chuyển giao những thông tin pháp luật, nội dung các nguyên tắc, quy định pháp luật đến với đông đảo CBCC nhà nước và các tầng lớp nhân dân, trong đó có đội ngũ CCCX, giúp họ nắm bắt, hiểu biết pháp luật một cách nhanh chóng, kịp thời để hoàn thành tốt chức trách được giao.

Đối với đội ngũ CCCX, vì nhiều nguyên nhân về lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội… mà trình độ, kiến thức về pháp luật còn nhiều hạn chế. Để nâng cao kiến thức pháp luật cho đội ngũ CCCX thì phương thức chủ yếu mà các cơ quan chức năng phải triển khai là tăng cường công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ CCCX.

Hai là, góp phần xây dựng, củng cố niềm tin đối với pháp luật cho đội ngũ CCCX.

Từ vai trò cung cấp thông tin, nâng cao kiến thức, hiểu biết pháp luật cho các tầng lớp nhân dân, hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ CCCX có vai trò góp phần xây dựng, củng cố niềm tin cho đội ngũ CCCX đối với pháp luật, bởi CCCX là những người trong phạm vi chức năng của mình tham gia vào các quan hệ pháp luật với tư cách là người quản lý nhà nước và quản lý xã hội. Thái độ và hành vi xử sự đúng pháp luật hay không của CCCX là biểu hiện sinh động, là tấm gương phản chiếu tính pháp chế trong tổ chức và hoạt động của chính quyền nhà nước nói chung, chính quyền cấp cơ sở nói riêng.

Ba là, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, thực hiện hành vi pháp luật hợp pháp cho CCCX.

CCCX là những người trực tiếp, có tác động rất mạnh đến hiểu biết, nhận thức, thái độ, tình cảm của nhân dân đối với pháp luật. Với tư cách này, đội ngũ CCCX phải được trang bị các kiến thức và kỹ năng trong việc áp dụng pháp luật vào công việc thực tiễn.

Ý thức tự giác chấp hành pháp luật của đội ngũ CCCX chỉ có thể được nâng cao khi công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho họ được tiến hành thường xuyên, liên tục, kịp thời, hiệu quả và có tính thuyết phục. Bồi dưỡng kiến thức pháp luật là quá trình nâng cao năng lực chuyên môn, kiến thức pháp luật, kỹ năng thực hiện pháp luật một cách thường xuyên, là quá trình tăng cường năng lực nói chung trên cơ sở kiến thức, kỹ năng đã được đào tạo.

Để CCCX thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, việc bồi dưỡng có nhiệm vụ cập nhật, trang bị thêm, trang bị mới những kiến thức pháp luật, những văn bản quy phạm pháp luật, văn bản pháp quy mới được ban hành để cho CCCX thực hiện tốt hơn, đem lại hiệu quả cao hơn đối với nhiệm vụ được giao.

Mục tiêu của việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho công chức cấp xã

Mục tiêu chung của hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho CCCX là để trang bị cho họ những kiến thức, hiểu biết pháp luật nhất định nhằm giúp họ thực thi công vụ một cách đúng đắn, trách nhiệm. Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho CCCX phải hướng đến các mục tiêu cụ thể sau đây:

– Về nhận thức: bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho CCCX nhằm cung cấp, trang bị được cho CCCX những thông tin, kiến thức pháp luật cần thiết liên quan đến quá trình thực thi công vụ. Đây là mục tiêu quan trọng đầu tiên của hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho CCCX, bởi lẽ có đạt được mục tiêu cung cấp, trang bị thông tin, kiến thức pháp luật thì mới có thể hiện thực hóa các mục tiêu tiếp theo.

–  Về thái độ: bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho CCCX có mục tiêu làm hình thành ở họ thái độ, tình cảm và niềm tin đối với pháp luật. Nếu được trang bị kiến thức pháp luật mà không tạo được tình cảm, niềm tin đối với tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật thì CCCX rất dễ mắc phải các hành vi sai lệch, xa rời các nguyên tắc, quy định của pháp luật để theo đuổi lợi ích riêng của mình.

– Về hành vi: bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho CCCX có mục tiêu cụ thể là làm hình thành hành vi xử sự tích cực theo pháp luật, nghĩa là phải làm hình thành trong mỗi CCCX ý thức tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật và hành vi xử sự tích cực theo các yêu cầu của pháp luật.

Tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho công chức cấp xã

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn, các địa phương trên cả nước đã xây dựng đề án đào tạo đội ngũ CCCX với mục tiêu. Năm 2010 có 100% CCCX đạt tiêu chuẩn về lý luận chính trị và chuyên môn theo quy định. Cho đến nay, đề án cơ bản đã hoàn thành, đặc biệt việc đào tạo trình độ trung cấp lý luận chính trị cho CCCX cơ bản đạt chỉ tiêu đề ra của đề án.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) CCCX theo tiêu chuẩn chức danh trong thời gian qua được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của cấp ủy và chính quyền địa phương. Thông qua việc ĐTBD đã góp phần từng bước xây dựng được đội ngũ CCCX vững vàng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, tận tụy với công việc, có năng lực hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao, khắc phục được các mặt hạn chế trong điều hành hoạt động, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho công tác đặt ra ở địa bàn cơ sở.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, công tác bồi dưỡng CCCX những năm qua ở nước ta cũng còn một số hạn chế. Nội dung, chương trình ĐTBD CCCX còn chung chung, mới chỉ chú ý đến kiến thức quản lý nhà nước, lý luận chính trị, chưa chú trọng bồi dưỡng kiến thức pháp luật đối với từng chức danh CCCX cụ thể. Do đó, việc thực thi công vụ vừa thiếu tính chuyên nghiệp, vừa không đáp ứng kịp thời yêu cầu của người dân.

Từ thực tiễn công tác ĐTBD CCCX thời gian qua, có thể rút ra những kinh nghiệm sau cho công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho CCCX:

Thứ nhất, phải có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cơ sở. Cần thiết phải có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt của cấp ủy Đảng và chính quyền cơ sở từ việc lựa chọn cử CCCX đi ĐTBD kiến thức pháp luật đúng tiêu chuẩn chức danh công chức hiện đang đảm nhận, đến việc bố trí sử dụng CCCX sau ĐTBD.

Thứ hai, phải xác định rõ mục tiêu ĐTBD kiến thức pháp luật cho CCCX. Theo Quyết định số 163/QĐ-TTg ngày 25/01/ 2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 – 2025 thì “phấn đấu đến năm 2020, 100% cán bộ, CCCX có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên; 90% CCCX có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí đảm nhiệm, bảo đảm hằng năm ít nhất 80% cán bộ, công chức được cập nhật kiến thức pháp luật, được bồi dưỡng về đạo đức công vụ…”.

Do vậy, trong thời gian tới, cần xác định rõ mục tiêu là bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho CCCX phải gắn liền với nhu cầu thực tế quản lý hành chính nhà nước ở cơ sở. Ngoài ra, việc thực hiện kế hoạch đào tạo phải phù hợp với đối tượng người học. Đối tượng học viên với các chức danh công chức khác nhau thì phải có nội dung và phương pháp bồi dưỡng khác nhau.

Thứ ba, phải có kế hoạch cụ thể cho việc bố trí, sử dụng CCCX sau đào tạo; tránh việc bố trí sử dụng theo cảm hứng “vì người dùng việc”; bố trí, sử dụng lấp chỗ trống. Ngoài ra, việc sử dụng CCCX sau đào tạo phải căn cứ vào chuyên môn, năng lực, sở trường, trình độ của mỗi người, tránh tình trạng sử dụng không hiệu quả rồi lại thuyên chuyển sang làm công việc khác.

Thứ tư, phải có biện pháp xem xét, xếp loại CCCX sau một thời gian sử dụng nhằm đánh giá hiệu quả của công tác bố trí, sử dụng sau ĐTBD. Từ đó, có thể đề ra những biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này./.

Tài liệu tham khảo:
1. Hiến pháp năm 2013
2. Luật Cán bộ, công chức năm 2008
3. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015
4. Nghị định số 92/2009/NĐCP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã
5. Quyết định số 163/QĐ-TTg ngày 25/01/ 2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 – 2025.
 ThS. Lê Phương Thúy
Học viện Hành chính Quốc gia