Giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân

(QLNN) – Chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện để mọi người dân tham gia bảo hiểm y tế được thể hiện nhất quán trong nhiều nghị quyết, chính sách của Ðảng, Nhà nước và từng bước được thể chế hóa, triển khai có hiệu quả trên thực tiễn. Tuy nhiên, để phấn đấu đến năm 2020, có hơn 90% dân số Việt Nam tham gia, cần tiếp tục nghiên cứu và thực hiện nhiều giải pháp để mở rộng diện bao phủ của bảo hiểm y tế. Từ đó, ngày càng có nhiều người dân được thụ hưởng những lợi ích chính đáng từ chính sách mang tính nhân văn sâu sắc này.

 

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).
Thực trạng công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế

Tại Nghị quyết số 68/2013/QH13 ngày 29/11/2013 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT), tiến tới BHYT toàn dân (giai đoạn 2016 – 2017), Quốc hội giao Chính phủ: “phải bảo đảm đến năm 2015 đạt ít nhất 75% dân số tham gia BHYT và đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT”.

Để triển khai Nghị quyết này, ngày 14/9/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1584/QĐ-TTg về việc giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2015 – 2020 cho từng địa phương với mục tiêu năm 2015 phải đạt 75,4% dân số tham gia BHYT và năm 2020 đạt 84,3% dân số tham gia BHYT.

Nhằm tiếp tục đẩy nhanh lộ trình tiến tới BHYT toàn dân, ngày 28/6/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1167/QĐ-TTg về điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT, giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, năm 2016 là 79% dân số tham gia BHYT và đến năm 2020 là 90,7% dân số tham gia BHYT.

Thực hiện các văn bản trên, các cơ quan, ban, ngành có liên quan, đặc biệt là Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã xác định việc phát triển đối tượng tham gia BHYT là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành. Với sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị nói chung và của các bộ, ban, ngành, địa phương nói riêng, công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT đã kịp thời được tổ chức triển khai và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, cụ thể:

Quy định về hoạt động của đại lý thu BHYT được ngành BHXH ban hành kịp thời đã tạo cơ sở cho việc mở rộng hệ thống các đại lý thu để phát triển đối tượng tham gia BHYT. Bên cạnh đó, quy trình quản lý thu BHYT; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT cũng được ban hành nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho việc tổ chức thực hiện trên thực tiễn.

BHXH Việt Nam còn ban hành quy trình tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, trong đó thực hiện 3 hình thức gồm: giao dịch điện tử, sử dụng dịch vụ bưu chính (doanh nghiệp không phải trả phí) và giao dịch trực tiếp tại bộ phận “một cửa” nhằm cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chờ đợi đối với người tham gia BHYT.

Đặc biệt, nhiều văn bản cụ thể khác cũng được BHXH Việt Nam ban hành để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển đối tượng tham gia BHYT nhằm đơn giản hóa thủ tục tham gia BHYT theo hộ gia đình, hướng dẫn lập danh sách tham gia BHYT theo hộ gia đình…

Từ năm 2016, các cơ quan, ban, ngành ở trung ương và địa phương đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ phát triển đối tượng được giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 – 2020.

Trong đó phải kể đến sự chủ động phối hợp giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam trong việc tổ chức các buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ban, ngành để thống nhất các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHYT, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội và tình hình thực tế tại mỗi địa phương, đặc biệt là tại các địa phương có tỷ lệ tham gia BHYT thấp hơn tỷ lệ bình quân chung của cả nước.

Cùng với đó, các địa phương còn phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện; xây dựng kế hoạch, phương án sử dụng nguồn kết dư quỹ khám, chữa bệnh (KCB) và các nguồn tài chính khác để hỗ trợ thêm cho một số nhóm đối tượng tham gia BHYT, như: người cận nghèo, người cao tuổi dưới 80 tuổi…

BHXH Việt Nam cũng đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch và giải pháp phát triển BHYT theo từng nhóm đối tượng; mở rộng đại lý thu BHYT để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi tham gia BHYT; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHYT tại các đơn vị sử dụng lao động để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm về đóng BHYT…

Nhờ đó, tính đến cuối năm 2016, cả nước đã có 75,92 triệu người tham gia BHYT, tăng 5,942 triệu người so với năm 2015, đưa tỷ lệ bao phủ BHYT lên 81,9% dân số, vượt chỉ tiêu kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHYT theo Quyết định số 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là 2,9%.

Có 53/63 tỉnh, thành phố hoàn thành hoặc hoàn thành vượt chỉ tiêu bao phủ BHYT do Thủ tướng Chính phủ giao; 10 tỉnh, thành phố chưa hoàn thành chỉ tiêu, gồm: Bình Phước, Bình Thuận, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Hà Giang, Hòa Bình, Lâm Đồng, Tây Ninh, Vĩnh Long. Trong đó, có 2 tỉnh có tỷ lệ bao phủ BHYT thấp hơn 70% dân số là: Bình Thuận (68,3%) và Kiên Giang (69,7%)1. Tính đến ngày 30/6/2017, cả nước đã có 77,81 triệu người tham gia BHYT, đạt 83,35% dân số tham gia BHYT2.

Các nhóm đối tượng có tỷ lệ tham gia BHYT cao (đạt gần 100%) bao gồm: (1) Nhóm người lao động và người sử dụng lao động đóng BHYT thuộc khối hành chính sự nghiệp; (2) Nhóm được tổ chức BHXH và ngân sách nhà nước đóng BHYT; (3) Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ như: hộ cận nghèo được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng và hộ cận nghèo được ngân sách địa phương hỗ trợ phần trách nhiệm phải đóng của người tham gia BHYT.

Các nhóm có tỷ lệ tham gia BHYT thấp bao gồm: (1) Nhóm người lao động và người sử dụng lao động đóng BHYT thuộc khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh, hộ kinh doanh cá thể; (2) Nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình làm nông – lâm – ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình; (3) Nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình…

Nhằm góp phần thúc đẩy việc mở rộng diện bao phủ BHYT, trong năm 2018, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ban, ngành và chính quyền địa phương quyết liệt tổ chức thực hiện kê khai, lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT trên toàn quốc cho hơn 92 triệu người với trên 24 triệu hộ gia đình. Sau khi rà soát, đến nay đã cơ bản hoàn thiện cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT, quản lý tập trung thống nhất trong cả nước3.

Nhờ đó, đến hết năm 2018, toàn quốc đã có 83,515 triệu người tham gia BHYT, đạt 102,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; đạt tỷ lệ bao phủ BHYT toàn quốc là 88,5% (vượt 3,3% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg). Hiện nay, tổng số người tham gia BHYT trên toàn quốc được cấp thẻ là 82,25 triệu người4.

Bên cạnh những kết quả tích cực kể trên, công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, thể hiện trên các mặt sau:

Một là, tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHYT vẫn cao và diễn biến phức tạp. Năm 2016, tổng số nợ BHYT là 3.013 tỷ đồng5. Đến tháng 4/2018, tổng số nợ BHYT vẫn còn khoảng 2.000 tỷ đồng6.

Tình trạng trốn đóng BHYT vẫn còn diễn ra phổ biến ở các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ do cơ quan BHXH không xác định được số người lao động làm việc tại các doanh nghiệp này.

Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cả nước có khoảng 16 triệu người đang làm việc thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc, tuy nhiên, đến hết ngày 30/6/2017, mới có 11,983 triệu người tham gia BHYT, vẫn còn trên 4 triệu người chưa tham gia BHYT7.

Hai là, khó khăn trong việc xác định tổng số đối tượng do các bộ, ngành quản lý.

Hiện nay, cơ quan BHXH khó xác định đối tượng đích do các bộ, ngành quản lý như: số lượng người lao động trong các doanh nghiệp; số lượng học sinh, sinh viên; người thuộc hộ gia đình cận nghèo; người thuộc hộ gia đình nông – lâm – ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình; trẻ em dưới 6 tuổi; cựu chiến binh; thân nhân người có công; thân nhân liệt sỹ; thân nhân công an, quân đội…, để tuyên truyền, vận động và phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong việc lập danh sách tham gia BHYT, bảo đảm không bỏ sót đối tượng, tránh cấp trùng thẻ hoặc đổi mã quyền lợi cho đối tượng tham gia.

Ba là, một số đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT nhưng tỷ lệ tham gia BHYT chưa đầy đủ, như: học sinh, sinh viên; người thuộc hộ gia đình cận nghèo; người thuộc hộ gia đình nông – lâm – ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình.

Bốn là, chưa có quy định phối hợp với cơ quan BHXH để rà soát nhằm tránh tình trạng cấp trùng thẻ BHYT đối với đối tượng thân nhân quân nhân do Bộ Quốc phòng quản lý.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các hạn chế, vướng mắc trong việc phát triển đối tượng tham gia BHYT, song nhìn chung, nguyên nhân chủ yếu là do công tác tuyên truyền chưa thực sự sâu rộng, hiệu quả nên nhận thức về vai trò của BHYT ở nhiều nơi còn chưa đầy đủ.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền chưa quyết liệt dẫn đến việc chấp hành chính sách, pháp luật về BHYT chưa nghiêm, tình trạng trục lợi BHYT chưa được khắc phục kịp thời và xử lý nghiêm; các chế tài về xử lý nợ đóng, trốn đóng BHYT chưa đủ mạnh và thiếu tính răn đe nên tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHYT còn xảy ra nhiều tại các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó là việc trao đổi, cung cấp thông tin về các nhóm đối tượng phải tham gia BHYT giữa các bộ, ngành và BHXH Việt Nam còn hạn chế. Cho đến nay, vẫn chưa có sự ràng buộc về trách nhiệm cung cấp thông tin nên cơ quan BHXH Việt Nam không xác định được đối tượng đích. Mặt khác, mặc dù tham gia BHYT là bắt buộc nhưng một số đối tượng không tham gia cũng chưa có chế tài xử lý.

Một số giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân

Thứ nhất, đối với các cơ quan trung ương: cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách về BHYT, đặc biệt là chính sách hỗ trợ tham gia BHYT cho người lao động trong lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp và diêm nghiệp tham gia BHYT theo hộ gia đình. Hoàn thiện quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm trong tham gia BHYT; có cơ chế quản lý quỹ BHYT hiệu quả, phòng, chống lạm dụng, trục lợi, tạo bình đẳng trong việc KCB BHYT giữa bệnh viện công và bệnh viện tư nhân.

Các bộ, ngành cần cung cấp số lượng đối tượng đích do bộ, ngành mình quản lý để cơ quan BHYT vận động, đôn đốc đối tượng tham gia BHYT. Cùng với đó, các bộ, ngành trình Chính phủ kịp thời  ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền đối với các văn bản quy định về đối tượng thay thế các văn bản đã hết hiệu lực.

Đặc biệt, nhằm khắc phục tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHYT vẫn đang tiếp diễn tại nhiều địa phương, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và chính sách an sinh xã hội, Chính phủ và các ngành chức năng cần xây dựng chế tài chặt chẽ để yêu cầu các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia BHYT theo đúng Luật BHYT. Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm doanh nghiệp, đơn vị trốn đóng, nợ đóng BHYT và các tập thể, cá nhân lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.

Thứ hai, đối với ngành Y tế: cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận với BHYT và dịch vụ KCB. Khi chất lượng KCB được nâng cao, quyền lợi của người tham gia BHYT được bảo đảm theo quy định, tất yếu người dân sẽ tham gia BHYT nhiều hơn. Do đó, ngành Y tế cần có biện pháp tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức triển khai các dịch vụ KCB; chia sẻ và quản lý thông tin hiệu quả giữa các cơ sở y tế và BHXH.

Bên cạnh đó, không ngừng nâng cao chất lượng KCB, đặc biệt là tại các tuyến y tế cơ sở và tạo điều kiện cho các bệnh viện tư nhân tham gia chăm sóc, KCB bằng BHYT nhằm góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên và giảm tình trạng lãng phí. Cùng với đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực y tế, tăng cường cơ sở vật chất và khẩn trương hoàn thiện cơ chế mua sắm thuốc, vật tư y tế theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch.

Thứ ba, đối với ngành BHXH: BHXH Việt Nam cần phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách về BHYT, đặc biệt là ban hành những quy định để bảo đảm việc thực hiện ngày càng tốt hơn những quyền lợi mà người tham gia BHYT được thụ hưởng. Đồng thời, kịp thời xem xét, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BHYT để củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách BHYT- một trong những chính sách trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước.

BHXH các địa phương phải chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phát triển đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình, ngay tại cơ sở và ở từng địa bàn, từng cụm dân cư.

Đặc biệt, nhằm khắc phục tình trạng một số người thuộc hộ gia đình nông – lâm – ngư nghiệp và diêm nghiệp ở các địa phương do thiếu thông tin, chưa nhận thức đầy đủ về quyền lợi khi tham gia BHYT, Hội nông dân các cấp cần phát huy vai trò, kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, phổ biến, tư vấn chính sách, pháp luật về BHYT đối với từng hội viên, để mở rộng đối tượng tham gia BHYT.

Cùng với đó, cần chủ động hơn nữa trong việc trang bị kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp tuyên truyền, vận động, tư vấn về chính sách, pháp luật BHYT cho đội ngũ cán bộ tuyên truyền, các cộng tác viên, cán bộ chủ chốt tại cơ sở của các đoàn thể, các đại lý thu BHYT tại các địa phương, đơn vị.

Ngoài ra, BHXH các địa phương cũng cần chủ động, kịp thời tham mưu, đề xuất với Hội đồng nhân dân các cấp, đưa chỉ số phát triển đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình vào chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội trong năm của địa phương. Đồng thời, kiến nghị để cấp ủy Đảng các cấp coi nội dung này là tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành việc thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 – 2020 tại địa phương.

Thứ tư, đối với các địa phương: quán triệt và tiếp tục chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-TW của Bộ Chính trị, UBND các tỉnh, thành phố cần huy động các nguồn lực hỗ trợ các đối tượng tham gia BHYT để mở rộng phạm vi bao phủ BHYT. Đồng thời, tăng cường vai trò và trách nhiệm trong việc phát triển đối tượng tham gia BHYT và quản lý nhà nước về BHYT trên địa bàn.

Các tỉnh, thành phố cũng có thể xem xét sử dụng nguồn ngân sách của địa phương và huy động các nguồn tài trợ khác để hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho các nhóm đối tượng thuộc hộ gia đình cận nghèo, học sinh, sinh viên, người làm nông – lâm – ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình…

Hoặc có thể thông qua các tổ chức đoàn thể, vận động các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, nhiệt tình, thiết thực tham gia hỗ trợ mua và tặng thẻ BHYT cho những người còn khó khăn, giúp họ có được chỗ dựa khi ốm đau, bệnh tật. Đây là biện pháp không chỉ giúp tăng độ bao phủ BHYT mà còn tăng thu quỹ BHYT, giúp giảm bội chi từ quỹ BHYT. Qua đó, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo đảm công bằng xã hội trên địa bàn địa phương cũng như trên phạm vi toàn quốc./.

Chú thích:
1, 2, 5, 7. Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Báo cáo kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, giai đoạn 2016 – 2017.
3. Phát triển vững chắc bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế góp phần đảm bảo an sinh xã hội bền vững. https://baohiemxahoi.gov.vn, ngày 28/12/2018.
4. Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ ngành bảo hiểm xã hội năm 2019. https://baohiemxahoi.gov.vn, ngày 04/01/2019.
6. Thảo Miên. Nợ bảo hiểm xã hội đã lên tới 12.960 tỷ đồng. http://thoibaotaichinhvietnam.vn, ngày 11/4/2018.
Tài liệu tham khảo:
1. Diệu Linh. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Sức khỏe là vốn quý nhất của con người”. http://giaoduc.net.vn, ngày 01/7/2017.

ThS. Đoàn Kim Huy
Học viện Hành chính Quốc gia