Quản lý nhà nước đối với di tích lịch sử – văn hóa tại TP. Hồ Chí Minh – thực trạng và giải pháp

(QLNN) – Di tích lịch sử – văn hóa có ý nghĩa quan trọng trong việc quy hoạch mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước. Các địa phương trên cả nước, trong đó có TP. Hồ Chí Minh xác định du lịch là một ngành kinh tế có định hướng phát triển bền vững, khai thác các giá trị tài nguyên du lịch về di tích lịch sử – văn hóa gắn với lễ hội truyền thống tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, tạo thêm cơ sở cho hội nhập, phát triển.

 

Thực trạng quản lý nhà nước đối với di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh

Di tích lịch sử – văn hóa (DTLSVH) có ý nghĩa quan trọng trong việc quy hoạch mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước, góp phần phát huy được tiềm năng, giá trị của di tích theo hướng gắn di tích, lễ hội với phát triển du lịch. Các địa phương trên cả nước, trong đó có TP. Hồ Chí Minh xác định du lịch là một ngành kinh tế có định hướng phát triển bền vững, khai thác các giá trị tài nguyên du lịch về DTLSVH gắn với lễ hội truyền thống tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, tạo thêm cơ sở cho hội nhập, phát triển.

Đến hết tháng 6/2016, toàn thành phố  có 167 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt (di tích lịch sử); 55 di tích quốc gia (2 di tích khảo cổ học, 30 di tích kiến trúc nghệ thuật, 23 di tích lịch sử); 110 di tích cấp thành phố (65 di tích kiến trúc nghệ thuật, 45 di tích lịch sử). Các di tích đã xếp hạng phân bố tập trung trên địa bàn các quận, huyện nhưng tập trung nhiều ở các quận, như quận 1, quận 3, quận 10, 12 và huyện Bình Chánh.

Bảo tàng Hồ Chí Minh đón gần 16.000 du khách tham quan dịp Tết Kỷ Hợi 2019 (Nguồn: http://baotanghochiminh.vn).

Trong thời gian qua, quản lý nhà nước (QLNN) đối với DTLSVH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã đạt được một số kết quả như sau:

Một là, công tác điều tra các công trình, địa điểm trên địa bàn thành phố có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đã được tiến hành với đối tượng cụ thể như các công trình là cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo; các công trình kiến trúc mộ táng, công trình kiến trúc dân dụng, bia kỷ niệm sự kiện lịch sử, các cảnh quan thiên nhiên; các công trình kiến trúc đô thị có giá trị về kiến trúc nghệ thuật.

Một số DTLSVH tiêu biểu cấp quốc gia đã và đang tiến hành hoạt động tu bổ như: Tòa án Nhân dân thành phố, (xây dựng từ năm 1881, là công trình Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia được công nhận vào năm 2012 và đến nay đã có tuổi thọ trên 130 năm). Tháng 3/2016, Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã được tiến hành trùng tu, dự kiến có tổng kinh phí 320 tỷ đồng và thực hiện theo hai giai đoạn.

Hai là, nhiều DTLSVH đã được bảo quản, tu bổ, tôn tạo và khai thác có hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc, giáo dục truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Thành phố đã tiến hành tu bổ, tôn tạo nhiều DTLSVH xuống cấp như chùa Viên Giác, chùa Phụng Sơn…

Ba là, các phòng văn hóa và thông tin quận, huyện thường xuyên phối hợp với các quận đoàn cũng như phòng giáo dục và đào tạo thực hiện kế hoạch liên tịch thực hiện về công tác tuyên truyền, giới thiệu về DTLSVH cho đối tượng học sinh, phối hợp chọn đăng ký tham gia chăm sóc các DTLSVH.

Bốn là, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức các đợt tập huấn định kỳ cho tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý DTLSVH trên địa bàn thành phố về kiến thức quản lý di sản văn hóa.

Một số hạn chế trong QLNN đối với DTLSVH

– Đội ngũ cán bộ chuyên môn còn thiếu nên một người phải đảm nhận nhiều công việc, do đó hiệu quả công việc chưa cao.

– Công tác tu bổ, tôn tạo DTLSVH còn gặp nhiều khó khăn, còn chồng chéo với các quy định về quản lý đầu tư xây dựng.

– Quy định hiện hành về trách nhiệm QLNN của các cấp còn chung chung. Do thiếu quy định phân cấp nên các ban quản lý di tích mang tính chất liên ngành hoạt động không ổn định, chưa thực sự đạt hiệu quả trong quản lý, điều hành. Điển hình, công trình cần được tu bổ kịp thời như chùa Sác tứ Trường Thọ được công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm 2000. Chùa tọa lạc tại quận Gò Vấp, đã tiến hành trùng tu nhiều lần nhưng đến nay, chùa đang xuống cấp cần được tu bổ lại để bảo tồn giá trị DTLSVH.

– Nhiều DTLSVH xuống cấp nhưng thiếu nguồn kinh phí để tu bổ. Thực tế, TP. Hồ Chí Minh áp dụng giải pháp công tác xã hội hóa trong việc trùng tu và đã thực hiện tiến hành trùng tu được một số công trình tiêu biểu: quận Thủ Đức đã vận động nhân dân đóng góp cho chùa Sùng Đức mở rộng tiền đường với chi phí khoảng 3 tỷ đồng từ nguồn vận động xã hội hóa; quận Bình Thạnh thực hiện công tác xã hội hóa hoạt động trùng tu, tôn tạo, bảo quản các di tích ở địa bàn quận trên 350 triệu đồng; quận Tân Bình đã tiến hành tu bổ, tôn tạo di tích miếu Tân Kỳ và miếu Ông Bổn bằng kinh phí xã hội hóa hơn 400 triệu đồng.

Hạn chế trong QLNN đối với DTLSVH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh xuất phát từ một số nguyên nhân sau:

– Hệ thống pháp luật về quản lý và đầu tư, tu bổ DTLSVH chưa hoàn thiện.

– Nguồn kinh phí đầu tư cho lĩnh vực DTLSVH khá lớn nhưng vẫn dàn trải.

– Công tác kết nối giữa cộng đồng với hệ thống DTLSVH thành phố chưa được thực hiện thường xuyên; công tác phổ biến, tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng còn yếu.

– Thiếu sự chủ động trong công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy DTLSVH.

– Công tác kiểm tra, giám sát còn hạn chế.

– Chế độ, chính sách đãi ngộ còn thiếu đồng bộ.

Một số giải pháp hoàn thiện công tác QLNN đối với DTLSVH trên địa bàn thành phố

Thứ nhất, tiến hành thường xuyên hoạt động quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển trong quản lý DTLSVH.

Cần sớm hoàn chỉnh quy hoạch và hoàn thành công tác kiểm kê DTLSVH; xây dựng lộ trình hằng năm cho việc tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị DTLSVH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, các DTLSVH có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng.

Thứ hai, rà soát để kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đối với DTLSVH.

Tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về DTLSVH để kịp thời điều chỉnh, bổ sung hệ thống chính sách về DTLSVH, nhất là những chính sách về xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị DTLSVH.

Thứ ba, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác QLNN đối với DTLSVH.

Kiện toàn tổ chức bộ máy về quản lý DTLSVH ở các cấp để thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ; tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực cho bảo tồn và phát huy giá trị DTLSVH, bao gồm đội ngũ quản lý, đội ngũ nghiên cứu về DTLSVH, các kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, kỹ thuật viên, thợ nghề, nghệ nhân, những người làm công tác bảo vệ DTLSVH ở cơ sở; có chính sách thu hút nguồn nhân lực; nâng cao công tác QLNN trong việc xây dựng và thực thi các dự án đầu tư tu bổ tôn tạo và phát huy DTLSVH, trước hết phải xây dựng tổ chức có đủ năng lực quản lý dự án.

Thứ tư, đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa trong quản lý DTLSVH trên địa bàn.

Xã hội hóa không đồng nghĩa với việc tự do hóa và tư nhân hóa mọi hoạt động, trong quá trình này thì cơ quan chủ quản phải giữ vai trò quan trọng. Cần huy động nhiều nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị DTLSVH, ngoài ngân sách của Nhà nước, cần thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Thứ năm, phân cấp quản lý cho từng địa phương; nâng cao chất lượng quản lý DTLSVH và quản lý hoạt động trùng tu, tôn tạo các DTLSVH.

Đẩy mạnh phân cấp để nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc quản lý DTLSVH; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực xã hội cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị DTLSVH; phân cấp nguồn ngân sách cho hoạt động quản lý DTLSVH cho từng địa phương.

Nâng cao chất lượng hoạt động quản lý đối với DTLSVH, quản lý các nguồn thu bảo đảm công khai, minh bạch; bảo đảm vệ sinh môi trường và cảnh quan DTLSVH; thanh tra, kiểm tra việc trùng tu, tôn tạo các DTLSVH để bảo đảm chất lượng công trình.

Thứ sáu, tăng cường quản lý hợp tác quốc tế và áp dụng công nghệ trong quản lý DTLSVH.

Xây dựng và thực hiện chương trình, dự án hợp tác quốc tế về bảo vệ và phát huy giá trị DTLSVH; tham gia các tổ chức và điều ước quốc tế về bảo vệ và phát huy giá trị DTLSVH; nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ hiện đại trong lĩnh vực bảo quản, tu bổ DTLSVH.

Thứ bảy, tiến hành thường xuyên công tác thanh tra, kiểm tra có hiệu quả và xử lý nghiêm minh sai phạm trong QLNN đối với DTLSVH.

Tiếp nhận và kiến nghị việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về DTLSVH; các cơ quan chức năng của Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch cần thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, nắm tình hình quản lý và phát huy giá trị DTLSVH trên địa bàn, kiểm tra các công trình được tu bổ bằng nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa; trực tiếp giải quyết và tham mưu lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chỉ đạo các địa phương xử lý kịp thời, đúng quy định những vi phạm xảy ra tại DTLSVH.

Tài liệu tham khảo:
1. Trung tâm bảo tồn di tích TP. Hồ Chí Minh. Hành trình di sản văn hóa TP. Hồ Chí Minh. H. NXB. Thông Tấn, 2011.
2. Quyết định số 2751/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh về Chương trình hành động trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

ThS. Phạm Thành Vao
Học viện Hành chính Quốc gia