Thể chế đạo đức công vụ của một số nước và những khuyến nghị cho Việt Nam

(QLNN) – Xây dựng đội ngũ công chức và hoàn thiện thể chế đạo đức công vụ, tạo khung pháp lý cơ bản cho đội ngũ công chức áp dụng thực hiện là điều cần thiết. Hiện nay, ở nhiều quốc gia trên thế giới, thể chế ĐĐCV đã được quy định theo hướng cụ thể và thể hiện dưới hình thức có giá trị pháp lý cao – đó là các đạo luật.

 

Ảnh minh họa (Nguồn: http://mpvethics.com).
Thể chế đạo đức công vụ của một số nước trên thế giới
Hoa Kỳ

Đây là quốc gia triển khai thực hiện chế độ liêm chính đối với đội ngũ công chức nhà nước từ rất sớm. Năm 1978, Hoa Kỳ đã ban hành Đạo luật về đạo đức Chính phủ và thành lập Văn phòng Đạo đức Chính phủ (OGE) – một cơ quan của Chính phủ nhằm thực hiện sứ mệnh ngăn ngừa xung đột lợi ích, bảo vệ liêm chính, củng cố lòng tin của người dân.

OGE có chức trách chính là: soạn thảo Quy phạm hành vi đạo đức của nhân viên trong các cơ quan hành chính; xét duyệt các quy tắc phụ về hành vi đạo đức do các ban, ngành hành chính đặt ra; giám sát tình hình khai báo tài sản công khai và bí mật của các quan chức chính quyền; thẩm xét lý lịch những quan chức được Tổng thống bổ nhiệm1.

Từ đầu năm 1989, Chính phủ Hoa Kỳ đã ký sắc lệnh ban hành 14 nguyên tắc đạo đức đối với công chức Liên bang, trong đó quy định những việc công chức được làm, không được làm nhằm thực hiện tính liêm chính trong quan hệ công tác và xã hội, ngay cả nguyên tắc liên quan đến sử dụng công sản.

Bên cạnh đó, Chính phủ Hoa Kỳ và các bang cũng như từng ngành còn ban hành các văn bản khác liên quan đến quy định đạo đức của công chức, như: quy định các chuẩn mực quy tắc đạo đức đối với công chức; 10 nguyên tắc đạo đức hàng đầu của Bộ Thương mại; quy định về quan hệ với đồng nghiệp nơi công sở của Tòa thị chính thị trấn Nehalem, bang Oregon; Bộ quy tắc ứng xử của Sở Xây dựng thành phố New York…2.

Thái Lan

Năm 1928, dưới triều đại Vua Rama VII – một nhà quân chủ chuyên chế, Luật Công vụ Vương quốc Thái Lan đã được ban hành. Theo Luật này, công chức được coi là “đầy tớ phục vụ nhà vua”. Sau thắng lợi của cuộc cách mạng tư sản năm 1932, Thái Lan chuyển từ chế độ quân chủ chuyên chế sang chế độ quân chủ lập hiến, vai trò của công chức ở Thái Lan cũng thay đổi theo chế độ chính trị này. Luật Công vụ năm 1928 đã nhiều lần được sửa đổi, bổ sung nhằm phù hợp với chế độ chính trị mới.

Luật Công vụ mới của Thái Lan được chính thức ban hành năm 1992 là cuộc cải cách lớn về hệ thống quản lý nhân sự công vụ. Tuy nhiên, nhằm xây dựng và nâng cao năng lực của đội ngũ công chức, đáp ứng nhu cầu hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới, Thái Lan đã tiến hành nghiên cứu, sửa đổi một số nội dung của Luật Công vụ.

Có thể nói, trong suốt quá trình lịch sử, các quy định pháp luật về (đạo đức công vụ) ĐĐCV ở Thái Lan được xây dựng nhằm thực thi chiến lược cải cách và phát triển nhân sự để hình thành đội ngũ công chức có đủ năng lực, trình độ và đạo đức, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Điều này  được quy định trong hệ thống các văn bản pháp luật một cách khá đồng bộ, như :

– Luật Công vụ năm 1992 (Điều 91): công chức phải tuân thủ các quy định, các hoạt động hành chính và quy chế ĐĐCV do Uỷ ban Công vụ ban hành.

– Luật ĐĐCV năm 1994, gồm 4 chương về đạo đức, trong đó đề ra những nguyên tắc ứng xử của công chức trong thực thi công vụ, bảo đảm tính hiệu quả và hiệu lực hoạt động thực thi công vụ của công chức. Bên cạnh đó, các quy định của Luật ĐĐCV cũng đề cao danh dự và danh tiếng của công chức nhằm khuyến khích sự ngưỡng mộ và tôn trọng của công chúng. Nội dung cơ bản của Luật ĐĐCV bao gồm:

Thứ nhất, đạo đức cá nhân: nguyên tắc đạo đức và tiêu chuẩn đạo đức tốt; nghĩa vụ với sự trung thực, không tìm kiếm lợi ích cá nhân; duy trì thái độ tích cực và tự phát triển của bản thân mỗi công chức.

Thứ hai, đạo đức trong công sở: trung thực, công bằng và không thành kiến; thực hiện nhiệm vụ với khả năng cao nhất cùng sự siêng năng và chính xác trong công việc; kỷ luật giờ giấc và sử dụng thời gian của mỗi công chức một cách có ích nhất trong công sở; bảo vệ tài sản và cẩn thận trong sử dụng tài sản công.

Thứ ba, đạo đức trong mối quan hệ với đồng nghiệp, cấp trên và cấp dưới: hợp tác, giúp đỡ và lắng nghe; quan tâm tới cấp dưới về tinh thần, động cơ làm việc và hạnh phúc của họ; xây dựng tinh thần đồng đội và phương pháp làm việc theo nhóm khi thực hiện các công việc, nhiệm vụ; có thái độ nhã nhặn và mối quan hệ tốt với mọi người.

Thứ tư, đạo đức trong mối quan hệ với nhân dân và xã hội: phục vụ nhân dân công bằng và nhã nhặn; đề cao sự thật; tránh nhận quà và các đặc ân vượt quá mức quy định.

Cùng với việc ban hành các văn bản pháp luật về công vụ, việc tổ chức thực thi luôn được Chính phủ chú ý và đề ra những giải pháp phù hợp. Tháng 6/1995, Chính phủ Thái Lan phê chuẩn kế hoạch thực hiện Luật ĐĐCV, trong đó nêu rõ: đưa chương trình và các giải pháp thực hiện Luật ĐĐCV vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; nội dung đạo đức công chức là một thành phần bắt buộc trong chương trình đào tạo công chức ở mọi cấp, trong thi tuyển và đề bạt công chức; tiêu chuẩn đạo đức và đánh giá về đạo đức nghề nghiệp của công chức trong hành vi cá nhân của công chức…3.

Nhật Bản

Nhật Bản là một trong những nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới. Công cuộc cải cách hành chính (CCHC) đã được Chính phủ Nhật Bản thực hiện từ thập niên 70 thế kỷ XX. Những năm đầu của thế kỷ XXI, công cuộc CCHC ở Nhật Bản có những bước chuyển quan trọng với mục tiêu xây dựng một nhà nước mới, một xã hội mới để phát triển và phồn vinh. Pháp luật về đạo đức công chức Nhật Bản chính là một trong những yếu tố quan trọng của thể chế công vụ.

Bài học kinh nghiệm qua CCHC nói chung và cải cách công vụ nói riêng của Nhật Bản là coi trọng giá trị đạo đức công chức. Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng hai bộ luật rất quan trọng liên quan đến công chức là Luật Công chức và Luật Đạo đức công chức. Theo đó, phẩm chất, đạo đức và ý thức công dân của công chức cũng như việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn cho công chức, chú trọng năng lực và kết quả công tác của công chức là những vấn đề mà Chính phủ Nhật Bản hết sức quan tâm. Bởi vì chỉ có như vậy mới bảo đảm cho quá trình tuyển dụng công chức diễn ra thực sự nghiêm túc và bảo đảm cho công chức luôn là hình mẫu của công dân Nhật Bản đích thực để mọi người noi theo.

Luật Đạo đức công chức năm 1999 với 6 chương, 46 điều quy định về đạo đức công chức, trong đó xác định rõ mục đích của việc điều chỉnh pháp luật về đạo đức công chức nhằm góp phần duy trì đạo đức và ngăn chặn những hành vi vi phạm đạo đức của công chức trong hoạt động công vụ. Một trong những nội dung cơ bản của Luật Đạo đức công chức Nhật Bản là quy định cụ thể về vấn đề nhận quà biếu và nghĩa vụ kê khai của công chức đối với quà biếu trong hoạt động công vụ. Theo đó, quà biếu có giá trị từ 5.000 Yên trở lên phải kê khai và quy định rõ thời hạn phải kê khai4.

Phi-líp-pin

Năm 1989, Nghị viện Phi-líp-pin đã thông qua Luật về quy tắc ứng xử và chuẩn mực đạo đức cho công chức (Republic act no 6713) . Mục tiêu của Luật này là định ra hệ thống tiêu chuẩn về ĐĐCV cho công chức, theo đó, mỗi cá nhân khi trở thành công chức phải thực hiện các chuẩn mực đạo đức như:

(1) Cam kết hoạt động vì lợi ích chung: công chức phải đặt lợi ích của người dân lên trên lợi ích cá nhân.

(2) Tính chuyên nghiệp: công chức thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ của mình với trình độ và năng lực cao nhất; thực thi công vụ với sự tận tâm và cống hiến hết mình cho nhiệm vụ được giao.

(3) Sự công bằng và trung thực: công chức thường xuyên gắn bó chặt chẽ với nhân dân; trong thực thi công vụ phải hành động một cách công bằng, thẳng thắn và không phân biệt đối xử với bất cứ ai; luôn luôn tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; không được làm trái pháp luật và trung thực trong kê khai tài sản.

(4) Sự trung lập về chính trị: công chức cung cấp dịch vụ công cho tất cả mọi người, không được phân biệt đảng phái chính trị.

(5) Hành vi ứng xử của công chức với người dân, phải lịch thiệp, nhã nhặn, cung cấp kịp thời và đầy đủ cho người dân thông tin về thủ tục, chính sách của nhà nước (trừ thông tin mật theo quy định).

(6) Chủ nghĩa dân tộc và lòng yêu nước: công chức phải luôn luôn trung thành với nước Cộng hòa Phi-líp-pin và người dân;

(7) Cam kết hành động vì chế độ dân chủ: công chức phải tôn trọng Hiến pháp, đặt lòng trung thành với đất nước lên trên sự trung thành với đảng phái chính trị.

(8) Lối sống giản dị: công chức và gia đình có lối sống giản dị, khiêm tốn phù hợp với thu nhập.

Nếu vi phạm Luật về quy tắc ứng xử và tiêu chuẩn ĐĐCV, tùy theo mức độ vi phạm, công chức sẽ bị phạt tới sáu tháng lương hoặc bị đình chỉ công tác một năm, hoặc bị thuyên chuyển công tác. Nếu vi phạm nặng về những hành động và giao dịch bị cấm, vi phạm kê khai tài sản, công chức sẽ bị phạt tù tới 5 năm hoặc phạt tiền tới 5.000 peso, hoặc phải chịu cả hai hình phạt này và bị thôi việc trong cơ quan nhà nước sau khi tòa án đã xem xét và quyết định. Người nào lấy và sử dụng các bản kê khai của công chức cho mục đích bị cấm sẽ bị phạt tối đa là 25.000 peso5.

Những khuyến nghị cho hoàn thiện thể chế đạo đức công vụ ở Việt Nam hiện nay

Một là, cần xác định rõ vai trò đặc biệt quan trọng của ĐĐCV. Từ kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới cho thấy, để nền hành chính hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì cần xây dựng và hoàn thiện thể chế ĐĐCV mà quan trọng nhất là phải xây dựng Luật Công vụ, trong đó chứa đựng các quy tắc xử sự chung, các chuẩn mực nhằm ràng buộc công chức vào khuôn khổ khi thực thi công vụ, mặt khác, tạo động lực, cơ chế rõ ràng để họ thực hiện nhiệm vụ tốt hơn.

Trong những quy định của pháp luật về ĐĐCV, điều quan trọng là sự đề cao tính giáo dục nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC). Dù việc giáo dục ở đây hàm ý là giáo dục bắt buộc trong quá trình quản lý, nhưng trong quản lý, cần biết vận dụng và kết hợp nhiều phương pháp khác nhau, phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Hai là, nâng cao chất lượng quy trình xây dựng thể chế ĐĐCV, từ khâu biên soạn nội dung đến ban hành và tổ chức thực hiện. Quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần được thực hiện chặt chẽ. Việc luật hóa đầy đủ trách nhiệm của CBCC và hình thành cơ chế giám sát chặt chẽ, có chế tài nghiêm minh đối với những vi phạm về đạo đức và trách nhiệm sẽ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC ở nước ta.

Nội dung xây dựng và hoàn thiện thể chế ĐĐCV cần hướng vào hai vấn đề: chủ thể của đạo đức (đội ngũ CBCC) và nhân tố bảo đảm cho quá trình xây dựng và phát triển ĐĐCV (các cơ quan nhà nước). Khi ban hành các quy định về ĐĐCV, phải có biện pháp để bảo đảm sự tuân thủ một cách tự giác từ phía đội ngũ CBCC, tạo ra được sự đồng thuận trong quá trình thực hiện. Trên cơ sở đó góp phần nâng cao ĐĐCV trong đội ngũ CBCC.

Ba là, cần xác định thể chế ĐĐCV là yếu tố cốt lõi trong quá trình CCHC; trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng và các tệ nạn khác. Tham nhũng chính là “vật cản” làm chậm, cản trở việc thực hiện các chính sách đổi mới mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra. ĐĐCV của CBCC là yếu tố cốt lõi bảo đảm cho hoạt động và công tác quản lý nhà nước có hiệu quả. Chính vì vậy, trong quá trình CCHC, đòi hỏi phải xây dựng những cơ chế, quy định pháp luật phù hợp hơn để duy trì và phát huy cao nhất các giá trị cơ bản của nền công vụ – một nền công vụ vì dân; góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào đội ngũ CBCC.

Bốn là, cần thiết lập hệ thống quản lý ĐĐCV trong quá trình thực thi nhiệm vụ của các cơ quan trong bộ máy nhà nước từ Trung ương tới cơ sở. Hiện tại, Việt Nam chưa có một tổ chức nào chuyên trách về vấn đề ĐĐCV, chưa có một cơ quan nào chuyên sâu về công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động công vụ của đội ngũ CBCC mà chỉ dừng lại ở những đoàn thanh tra công vụ. Vì vậy, cần thiết lập những cơ quan có thẩm quyền và phải mang tính độc lập về ĐĐCV.

Như vậy, hệ thống quản lý ĐĐCV phải là cơ quan độc lập trong bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước. Hệ thống cơ quan này có nhiệm vụ ban hành những quy phạm liên quan đến ĐĐCV, các quy tắc hành vi, những chuẩn mực ứng xử…, đồng thời, kiểm tra quá trình thực hiện những nội dung đó của đội ngũ CBCC. Xây dựng hệ thống quản lý đạo đức công chức cần phải tuân thủ những nguyên tắc chung, phổ biến đã được các nước áp dụng như: các chuẩn mực ĐĐCV cần phải rõ ràng; được quy định trong khung pháp lý; công chức cần được hướng dẫn về ĐĐCV; công chức nên biết quyền và nghĩa vụ của họ khi làm việc sai trái…

Năm là, xây dựng Bộ quy tắc ứng xử – hệ thống giá trị cốt lõi trong hoạt động công vụ. Để hình thành Bộ quy tắc ứng xử, cần xác định giá trị cốt lõi của nền công vụ, định ra các nguyên tắc ĐĐCV và quy định cụ thể các chuẩn mực hành vi ứng xử để thực hiện.

Trong đó, các giá trị cốt lõi là tất cả những yếu tố được coi là chuẩn mực, nó chính là nền tảng để hình thành nên những quy tắc, nội quy, là “linh hồn” của tổ chức, là yếu tố then chốt của văn hóa tổ chức, là công cụ định hướng hành vi của đội ngũ công chức. Giá trị cốt lõi của nền công vụ Việt Nam được hình thành và xác định dựa trên quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về những chuẩn mực, đạo đức của người cán bộ cách mạng. Nhà nước cần định ra những nguyên tắc ĐĐCV và quy định cụ thể các chuẩn mực hành vi ứng xử của công chức khi thực thi công vụ để họ vận dụng thực hiện.

Chú thích:
1. Đỗ Thị Ngọc Lan. Nghiên cứu so sánh quy định về đạo đức công vụ của một số quốc gia và Việt Nam. H. NXB Chính trị quốc gia, 2012, tr. 159 – 160.
2. Tổ chức OECD. Một số khuyến nghị nhằm tăng cường đạo đức công vụ.
3. Thang Văn Phúc, Nguyễn Minh Phương. Hệ thống công vụ và xu hướng cải cách của một số nước trên thế giới. H. NXB Chính trị quốc gia, 2004.
4. www.jinji.go.jp/rinri/eng/index.hth.
5. Nguyễn Thị Mơ. Xây dựng, nâng cao đạo đức công vụ ở Phi-líp-pin và bài học kinh nghiệm. http://tcnn.vn, ngày 16/6/2018.

ThS. Nguyễn Thị Minh Trang
Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng