Một số yếu tố bảo đảm bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp thành công

(QLNN) – Các quy định của pháp luật về bầu cử đã tạo ra một không gian pháp lý cho quyền ứng cử, bầu cử của công dân, tạo lập cơ sở pháp lý cho bầu cử. Điều này bảo đảm cho bầu cử, kết quả bầu cử được đánh giá là dân chủ, việc chuyển giao quyền lực là hợp hiến, hợp pháp và đáp ứng yêu cầu về tính chính danh cần phải có của các cơ quan đại diện.

 

Ảnh: http://tapchitaichinh.vn

Pháp luật về bầu cử

Pháp luật về bầu cử, trong đó quan trọng nhất là Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu Hội đồng nhân dân (ĐBHĐND) năm 2015 đã quy định đầy đủ, cụ thể, chi tiết toàn bộ nội dung, quy trình, thủ tục bầu cử, nhiệm vụ, quyền hạn của các bên có liên quan trong quá trình bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND.

Đó là những quy định chung về bầu cử (nguyên tắc bầu cử, tuổi bầu cử và tuổi ứng cử, tiêu chuẩn của người ứng cử, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác bầu cử, ngày bầu cử, kinh phí tổ chức bầu cử), dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ ĐBQH, ĐBHĐND, đơn vị bầu cử và khu vực bỏ phiếu, Hội đồng bầu cử quốc gia và các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương, danh sách cử tri, ứng cử và hiệp thương, giới thiệu người ứng cử ĐBQH, ĐBHĐND, tuyên truyền, vận động bầu cử, nguyên tắc và trình tự bỏ phiếu, kết quả bầu cử, bầu cử bổ sung ĐBQH, ĐBHĐND, xử lý vi phạm pháp luật về bầu cử.

Việc đưa ra các quy định pháp luật về bầu cử mới chỉ là một khía cạnh. Khía cạnh quan trong hơn về mặt thực tiễn là pháp luật về bầu cử được tổ chức thực hiện trong thực tế như thế nào. Đầy đủ, đúng đắn, minh bạch, công bằng, trách nhiệm, hiệu quả là những yêu cầu quan trọng đặt ra cho cả Nhà nước và xã hội trong thực hiện pháp luật về bầu cử. Để đáp ứng những yêu cầu này, tư tưởng “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà…

Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng, tức là dân chủ, đoàn kết”1 cần được tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân biết đến. Với tư tưởng đó, các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền, cử tri sẽ xuất hiện nhu cầu tìm hiểu các quy định của pháp luật về bầu cử, nâng cao hiểu biết của mình về bầu cử, hình thành, dự liệu những hành vi phù hợp với yêu cầu của Hiến pháp, pháp luật về bầu cử. Kết hợp với trách nhiệm của Nhà nước trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật về bầu cử cũng như cung cấp đầy đủ, kịp thời các điều kiện về nhân lực, vật lực phục vụ cho bầu cử, pháp luật về bầu cử có thêm được những cơ sở cho việc thực hiện trong thực tế.

Thông tin về các ứng cử viên

Bầu cử là việc cử tri chọn người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri. Pháp luật chỉ quy định về tiêu chuẩn người ứng cử, nhưng người được cử tri chọn làm người đại diện không chỉ phải đủ tiêu chuẩn làm ĐBQH, ĐBHĐND theo quy định của pháp luật mà còn phải có được niềm tin từ cử tri nhiều hơn so với các ứng cử viên khác.

Do vậy, các ứng cử viên không chỉ cạnh tranh về phẩm chất, năng lực, trình độ mà còn phải là cạnh tranh trong cả việc gây dựng niềm tin với cử tri. Điều này lý giải, tại sao nhiều người đáp ứng được các tiêu chuẩn mà pháp luật đưa ra, song không phải ai cũng được cử tri thực sự tin cậy.

Để đặt niềm tin đúng người thì thông tin về người đó phải được đưa ra một cách đầy đủ, khách quan, chính xác. Thông tin như một bản lý lịch cá nhân (cùng với  thông tin về tài sản) của ứng cử viên là cần nhưng chưa đủ. Những thông tin này chỉ phản ánh được phần nào phẩm chất, năng lực, trình độ, tài sản của ứng viên, chưa phản ánh được hai yêu cầu về năng lực, kỹ năng rất quan trọng đối với ứng cử viên khi trở thành ĐBQH, ĐBHĐND. Do đó cần phải thông tin thêm hai nội dung sau:

Thứ nhất, năng lực, kỹ năng tổng hợp, khái quát, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của cử tri. ĐBQH, ĐBHĐND là người đại diện cho cử tri. Song mỗi một cử tri, nhóm cử tri có những nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng riêng. Rút ra một ý chí, nguyện vọng, lợi ích chung và phản ánh được cái chung đó từ những nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng riêng- đó là kỹ năng cần phải có ở ĐBQH, ĐBHĐND.

Ví dụ, trong một buổi tiếp xúc cử tri, có nhiều ý kiến phát biểu về nhiều nội dung khác nhau của đời sống xã hội, đó có thể là vấn đề giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, kinh tế, trật tự an toàn xã hội…, vấn đề ở tầm vĩ mô hoặc vi mô với những yêu cầu, nguyện vọng khác nhau. Tất nhiên, người đại biểu không thể đưa nguyên văn từng ý kiến đó ra trước nghị trường mà phải tổng hợp, khái quát lại những điểm chung nhất trong các ý kiến đó là gì. Sau đó là thể hiện chính xác được ý chí, nguyện vọng chung đó.

Thứ hai, năng lực, kỹ năng thu hẹp sự khác biệt và giải quyết xung đột lợi ích. ĐBQH, ĐBHĐND không chỉ đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri nơi bầu ra mình mà còn đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri cả nước (hoặc địa phương – đối với ĐBHĐND). Ở đây xuất hiện hai nhóm ý chí, nguyện vọng: (1) của cử tri cả nước (hoặc địa phương); (2) của cử tri nơi bầu ra ĐBQH, ĐBHĐND.

Trong thực tế, hai nhóm này có thể có những khác biệt, xung đột nhất định bởi cách tiếp cận, phân tích, đánh giá vấn đề… khác nhau. Chọn lựa nhóm nào là câu hỏi không dễ dàng nếu như ĐBQH, ĐBHĐND không có năng lực, kỹ năng thu hẹp sự khác biệt và giải quyết xung đột lợi ích.

Để đánh giá được mức độ đáp ứng hai yêu cầu trên đối với ứng cử viên, cử tri cần nhiều thông tin hơn nữa về các ứng cử viên, bên cạnh những thông tin phổ thông: tên, tuổi, nghề nghiệp, nơi làm việc, trình độ học vấn, đào tạo chuyên môn và tài sản. Đó là những thông tin về hoạt động, kết quả hoạt động, giá trị mà các kết quả hoạt động của ứng cử viên đem lại cho đời sống xã hội hiện thực. Tất nhiên, cử tri phải được tiếp cận những thông tin đó thông qua những hình thức thuận lợi nhất, phù hợp với khả năng thực tế của cử tri.

Quan trọng hơn, cử tri phải có điều kiện để kiểm chứng những thông tin đó khi cử tri có nhu cầu. Không có gì thuyết phục cử tri hơn khi thông tin về ứng cử viên được kiểm chứng trong thực tế. Điều này cũng khẳng định tính minh bạch, trung thực trong thông tin. Vì vậy, trong hội nghị tiếp xúc cử tri thì nội dung “người ứng cử và cử tri trao đổi dân chủ, thẳng thắn và cởi mở những vấn đề cùng quan tâm”2 phải là một nội dung trọng yếu, sâu sắc. Khi vận động bầu cử qua phương tiện thông tin đại chúng, các ứng cử viên cần thể hiện được những minh chứng cho các thông tin về bản thân.

Chương trình hành động của ứng cử viên không chỉ cho cử tri biết ứng cử viên làm gì (nếu trúng cử) mà còn phải cho cử tri biết ứng cử viên làm như thế nào, đã có những bảo đảm nào cho chương trình hành động đó được thực hiện.

Tính tích cực chính trị của cử tri

Bầu cử ĐBQH, ĐBHĐND là một hoạt động trong quá trình thiết lập nên bộ máy nhà nước nói chung, Quốc hội, Hội đồng nhân dân nói riêng. Do vậy, bầu cử không đơn thuần chỉ là “một ngày hội” mà còn là ngày hệ trọng quyết định chất lượng ĐBQH, ĐBHĐND và cũng là của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, suy rộng ra, là cả bộ máy nhà nước.

Khi cử tri lựa chọn không đúng người đại diện thì nhà nước và cử tri cùng phải chịu ảnh hưởng xấu của lựa chọn đó. Để tránh được điều này, tích cực chính trị của cử tri là một yếu tố quyết định. Tính tích cực chính trị của cử tri cho biết mức độ quan tâm, sự chủ động, trách nhiệm của cử tri đối với bầu cử.

Với sự quan tâm, tinh thần chủ động, ý thức trách nhiệm cao với bầu cử, cử tri chủ động tìm hiểu thông tin về phẩm chất, năng lực, trình độ, kỹ năng của ứng cử viên. Từ đó, cử tri có những phân tích, sàng lọc, đánh giá về từng ứng cử viên, tự kiểm chứng thông tin liên quan đến ứng cử viên, so sánh giữa các ứng cử viên và tự quyết định lựa chọn ứng cử viên. Cử tri cũng sẽ nhận diện được phẩm chất, năng lực thực sự của ứng cử viên như thế nào. Như vậy, bảo đảm cho việc lựa chọn khách quan, chính xác hơn thay vì lựa chọn chỉ theo cảm tính, lựa chọn ngẫu nhiên.

Cũng với trách nhiệm cao, cử tri sẽ trực tiếp đi bỏ phiếu, tránh được tình trạng “đi bỏ phiếu hộ, bỏ phiếu giúp”, vừa không đúng pháp luật, vừa không thể hiện được ý chí của mỗi cử tri. Mặt khác, với sự tinh tường của cử tri thì những ứng cử viên cơ hội, chưa đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, “nói hay làm dở” sẽ bị loại bỏ, “Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu”3.

Cũng là nguy hiểm nếu cử tri bày tỏ thái độ thờ ơ đối với bầu cử hoặc quan niệm “bầu cho vui, bầu cho xong”. Điều này không chỉ cho biết về một mối quan hệ không bền vững giữa Nhà nước với cử tri mà với sự thờ ơ đó, lá phiếu của cử tri thiếu đi sự cẩn trọng cần phải có, kết quả là, có thể có những ứng cử viên chưa thật sự xứng đáng nhưng vẫn được bầu. Ngoài ra, cho dù Nhà nước có nỗ lực phổ biến, giáo dục pháp luật về bầu cử, các ứng cử viên ra sức vận động bầu cử, song sẽ không đạt được mục tiêu nếu như cử tri không chia sẻ, không quan tâm.

Sự thiếu quan tâm, thiếu trách nhiệm của cử tri đối với bầu cử cũng là nguyên nhân làm cho cử tri không đi bỏ phiếu, dẫn đến có thể phải tổ chức bầu cử lại khi khi số cử tri đi bỏ phiếu chưa đạt quá một nửa tổng số cử tri ghi trong danh sách cử tri. Ở khía cạnh này, bầu cử, không chỉ là quyền của công dân mà còn thể hiện trách nhiệm của công dân với lịch sử đất nước.

Sự bình đẳng giữa các ứng cử viên trong quá trình bầu cử

Số ứng cử viên nhiều hơn số đại biểu được bầu, do vậy, tất yếu có sự cạnh tranh giữa các ứng cử viên trong việc có được sự tín nhiệm của cử tri. Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử tự do và dân chủ, sự cạnh tranh này phải bình đẳng, lành mạnh, minh bạch, trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật.

Mỗi một ứng cử viên sẽ có những lợi thế riêng trong tranh cử, như: tuổi tác, trình độ học vấn, chuyên môn, kinh nghiệm công tác, khả năng diễn thuyết, lĩnh vực và phạm vi hoạt động, thành tích và sự cống hiến, nguồn lực tài chính… Song các lợi thế này chỉ được sử dụng với mục đích để minh chứng cho cử tri thấy ứng cử viên xứng đáng có thể trở thành người đại diện cho cử tri.

Trước hết, những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử phải được loại trừ hoàn toàn, bao gồm: “Lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân khác; lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử; lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình; sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri”4.

Tiếp đến là sự trung thực của mỗi một ứng cử viên. Khi một ứng cử viên thực hiện hành vi vận động bầu cử không hoặc thiếu trung thực, lành mạnh, minh bạch là thể hiện ứng cử viên đã không tôn trọng chính bản thân mình cũng như mục đích ứng cử không phải là để phục vụ lợi ích chung. Đối với cử tri, không khó để cử tri nhận biết được điều này và những ứng cử viên như vậy sẽ không được lựa chọn.

Ở một khía cạnh khác, bình đẳng giữa các ứng cử viên trong quá trình bầu cử cần đến thái độ, sự ứng xử bình đẳng của cử tri đối với các ứng cử viên. Ứng cử viên cần được các cử tri nhìn nhận, đánh giá công tâm, khách quan, tập trung vào những tiêu chí mà pháp luật đã quy định: Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác; có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu; có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội (hoặc Hội đồng nhân dân nếu là ĐBHĐND); liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.

Trong điều kiện xã hội thông tin hiện nay, ứng cử viên cũng cần nhận được sự khách quan, công bằng từ các cơ quan truyền thông. Thông tin về ứng cử viên, tần số xuất hiện, thời gian xuất hiện thông tin đó trên phương tiện truyền thông là khác nhau đối với một ứng cử viên. Tuy nhiên, một sự chệnh lệch quá lớn, thông tin một chiều có thể tạo ra sự thiếu bình đẳng giữa các ứng cử viên.

Kỹ thuật tổ chức các hoạt động trong bầu cử cũng là một yếu tố tác động đến sự bình đẳng giữa các ứng cử viên. Chẳng hạn như việc tính toán để có một số dư hợp lý giữa các đơn vị bầu cử: một đơn vị bầu cử (ĐBHĐND) được bầu 2 đại biểu có số dư là 3 ứng cử viên và một đơn vị được bầu 2 đại biểu có số dư đại biểu là 4 thì khó có thể được xem là hợp lý về số dư giữa các đơn vị bầu cử.

Trong hội nghị tiếp xúc cử tri, sự giới thiệu khác nhau cho các ứng cử viên khác nhau cũng đem lại cho cử tri ấn tượng ban đầu khác nhau về ứng cử viên… Điều này đòi hỏi các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia vào tổ chức bầu cử một thái độ vô tư, công bằng đối với mỗi ứng viên, không có phân biệt đối xử. Cần thấy rằng bước vào bầu cử, các ứng cử viên đều bình đẳng với một tư cách duy nhất: ứng cử viên. Bảo đảm sự bình đẳng giữa các ứng cử viên là cơ sở cho sự cạnh tranh lành mạnh giữa các ứng cử viên cũng như góp phần vào tính khách quan của bầu cử.

Công dân có quyền bầu cử, ứng cử. Song tổ chức một cuộc bầu cử và tạo ra các yếu tố bảo đảm cho cuộc bầu cử đó đem lại một kết quả, giá trị cho sự phát triển của quốc gia là trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và mỗi cử tri. Cùng với yếu tố bảo đảm then chốt là sự lãnh đạo của Đảng và các yếu tố kinh tế, xã hội khác, những yếu tố bảo đảm được đề cập góp phần làm cho cuộc bầu cử ĐBQH, ĐBHĐND nhiệm kỳ 2016 – 2021 thành công./.

Chú thích:
1,3. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 4. H. NXB Chính trị quốc gia, 2000, tr.239, 253.
2. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Điều 66, khoản 2, điểm d, tr.74.
4. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Điều 68, tr.75-76.
 PGS.TS. Lương Thanh Cường
 Học viện Hành chính Quốc gia