EGPA – Diễn đàn lớn về hành chính công châu Âu

(QLNN) – Là một trong những nhóm khu vực của Viện Khoa học hành chính quốc tế (IIAS), có trụ sở tại Brúc-xen (Bỉ), Nhóm Hành chính công châu Âu (EGPA) được thành lập và hoạt động với sứ mệnh trở thành một diễn đàn lớn về hành chính công cho các học giả và các nhà thực tiễn ở châu Âu.

 

Hội nghị thường niên 2019 của EGPA với chủ đề “Tạo dựng một thế giới tốt đẹp hơn” (Shaping a better world), dự kiến được tổ chức vào tháng 9/2019 tại Belfast, Bắc Ireland, Vương quốc Anh (Nguồn: https://www.egpa-conference2019.org).
Chiến lược và mục tiêu hoạt động

Nhóm hành chính công châu Âu (European Group for Public Administration – viết tắt là EGPA) xác định chiến lược phát triển dựa trên hai phương diện/trụ cột, thể hiện rõ bản chất của hành chính công, trong đó:

– Ở phương diện khoa học của hành chính công, EGPA đóng góp bằng cách tạo diễn đàn trên hầu hết các lĩnh vực nghiên cứu và các nhu cầu tìm hiểu của các học giả về hành chính công; thông qua 22 nhóm nghiên cứu thường trực (Permanent Study Groups – PSGs) luôn chủ động đề xuất và tiến hành các nghiên cứu về hành chính công, quản lý công và chính sách công; tổ chức các hội nghị thường niên cũng như một loạt sự kiện học thuật lớn khác.

– Ở phương diện nghề nghiệp của hành chính công, EGPA đóng góp bằng cách cung cấp một diễn đàn khoa học mang tính chất đặc thù (unique platform), cung cấp kiến thức lý luận và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt về hành chính để hỗ trợ việc phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho các nhà quản lý và công chức ở các nước châu Âu cũng như các nước khác trên thế giới.

Đặc biệt, EGPA hiện đang xuất bản ấn phẩm khoa học với tên gọi “Nghiên cứu chính sách của EGPA về Quản trị công ở châu Âu” (EGPA Policy Papers on European Governance). Đây là tài liệu do các nhóm nghiên cứu thường trực của EGPA biên soạn, trong đó chắt lọc các kết quả nghiên cứu từ các đề tài khoa học, đồng thời cung cấp nhiều chỉ dẫn trong thực thi chính sách để giải quyết các vấn đề liên quan đến quản trị công ở các nước châu Âu. Thông qua việc phát hành tài liệu này, nhiều nhà nghiên cứu và đội ngũ công chức ở các nước thuộc khu vực châu Âu cũng tìm kiếm được những giải pháp để thực thi công vụ hiệu quả.

EGPA có các mục tiêu hoạt động cụ thể gồm:

– Tổ chức, khuyến khích việc sáng tạo và trao đổi kiến thức về sự phát triển của lý thuyết cũng như thực tiễn hành chính công nhằm thúc đẩy các nghiên cứu so sánh và phát triển lý thuyết hành chính công dưới cách tiếp cận của châu Âu.

– Tạo điều kiện cho sự đổi mới tư duy, ý tưởng, phương pháp và kỹ thuật trong lĩnh vực hành chính công.

– Duy trì và thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng các chuyên gia về hành chính công, trong đó đặc biệt khuyến khích sự tham gia của các học giả và công chức trẻ tuổi.

Các hoạt động chủ yếu 

Để hiện thực hóa các mục tiêu của mình, EGPA tổ chức các hoạt động chủ yếu sau:

– Tổ chức hội nghị thường niên: Hội nghị thường niên của EGPA là sự kiện quan trọng của EGPA. Hội nghị được tổ chức luân phiên tại các quốc gia thành viên ở châu Âu. Trong dịp này, tất cả các nhóm nghiên cứu của EGPA cũng đều tổ chức các buổi thảo luận riêng. Hội nghị thường niên lần đầu tiên của EGPA được tổ chức năm 1975 tại Thủ đô Vác-xa-va (Ba Lan), với chủ đề “Trách nhiệm của công chức” (The Responsibility of Civil Servants).

Hội nghị thường niên gần đây nhất được tổ chức vào tháng 9/2018 tại Lausanne của Thụy Sĩ. Tới đây, Hội nghị thường niên năm 2019 dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 9/2019 với chủ đề “Tạo dựng một thế giới tốt đẹp hơn” (Shaping a better world) tại Belfast, Bắc Ireland, Vương quốc Anh.

– Tổ chức các cuộc đối thoại: nhằm tăng cường trao đổi và nâng cao hiểu biết về kiến thức khoa học hành chính và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt giữa các học giả, các nhà quản lý ở khu vực châu Âu với các khu vực khác trên thế giới, EGPA thường xuyên phối hợp với các đối tác tổ chức các cuộc đối thoại về những chủ đề cùng quan tâm, trong đó đáng lưu ý là: phối hợp với Hiệp Hội Hành chính công Hoa Kỳ (ASPA) tổ chức Đối thoại xuyên Đại Tây Dương (Transatlantic Dialogues – TAD); phối hợp với Mạng lưới các cơ sở nghiên cứu và đào tạo hành chính khu vực Trung và Đông Âu – NISPAcee) tổ chức Đối thoại xuyên châu Âu (Trans European Dialogues – TED); phối hợp với các đối tác thuộc khu vực Trung Đông và Bắc Phi tổ chức Đối thoại Euro – MENA (European and Middle East and North Africa).

– Thành lập và điều hành các nhóm nghiên cứu thường trực: hiện tại, EGPA có 22 nhóm nghiên cứu thường trực, phụ trách việc nghiên cứu về các chủ đề của lĩnh vực hành chính công, quản lý công và chính sách công. Thông qua các hoạt động của mình, các nhóm giúp thúc đẩy việc nghiên cứu và phổ biến các sáng kiến, các đề tài mới có giá trị cho sự tiến bộ của tri thức về các lĩnh vực nêu trên.

Đặc biệt, nhiều ý tưởng, sáng kiến của các nhóm nghiên cứu đề xuất đã trở thành chủ đề chính cho các học giả trao đổi, thảo luận trong các cuộc đối thoại, hội thảo, tọa đàm do EGPA chủ trì tổ chức hoặc phối hợp với các đối tác tổ chức. Ngoài ra, nhiều kết quả nghiên cứu có giá trị của các nhóm hiện đã được công bố trên ấn phẩm khoa học của EGPA với tên gọi “Nghiên cứu chính sách của EGPA về quản trị công ở châu Âu” để quảng bá tới đông đảo độc giả.

– Tổ chức Hội thảo chuyên đề định hướng nghiên cứu cấp tiến sỹ (PhD Symposium). Ở hội thảo này, các nghiên cứu sinh sẽ gửi các đề tài dự kiến nghiên cứu tới Ban Tổ chức và được thẩm định về chất lượng, sau đó sẽ được lựa chọn để trình bày tại Hội thảo và sẽ được trao đổi để nhận ý kiến góp ý từ các học giả đầu ngành và các đại biểu tham dự.

Đến nay, Hội thảo chuyên đề này đã tổ chức được hơn 10 năm. Qua đây, các nghiên cứu sinh, các nhà nghiên cứu trẻ tuổi sẽ có cơ hội tham gia vào cộng đồng nghiên cứu liên ngành và mang tầm quốc tế. Các cơ sở đào tạo tiến sỹ chuyên ngành hành chính công và quản lý công ở các quốc gia châu Âu cũng có cơ hội để tăng cường giao lưu và hợp tác thông qua sự kiện này.

– Tổ chức Hội thảo nói tiếng Pháp (French Speaking Seminar). Hội thảo này được tổ chức trong thời điểm diễn ra Hội nghị thường niên của EGPA. Mặc dù các hội thảo của EGPA chủ yếu vẫn sử dụng ngôn ngữ chính là tiếng Anh, song thông qua việc tạo điều kiện cho các học giả sử dụng tiếng Pháp để trao đổi và tranh luận, Hội thảo này cũng góp phần khẳng định sự quan tâm của cộng đồng khu vực đối với một không gian ngôn ngữ.

Bên cạnh đó, Hội thảo không chỉ cung cấp vốn từ vựng chuyên ngành mà còn cho thấy các mô hình tư tưởng/cách tư duy, phương pháp và chuẩn mực khoa học mang tính so sánh của các quốc gia nói tiếng Pháp, đồng thời thể hiện sự tôn trọng đối với tính đa dạng của văn hóa chính trị – hành chính ở các quốc gia khác nhau.

– Xuất bản và phối hợp hỗ trợ, hoàn thiện các ấn phẩm khoa học về quản trị và hành chính công ở châu Âu. Bên cạnh việc duy trì xuất bản đều đặn ấn phẩm “Nghiên cứu chính sách của EGPA về quản trị công ở châu Âu”, EGPA cũng thường xuyên xuất bản các ấn phẩm khoa học có giá trị học thuật cao. Mới đây nhất, sau thành công của Hội nghị thường niên 2018 tại Thụy Sĩ, EGPA đã xuất bản ấn phẩm khoa học với tựa đề “Hành chính công châu Âu và những đóng góp của EGPA”.

Đây là công trình nghiên cứu sâu sắc và toàn diện về hành chính công ở châu Âu trong hơn 40 năm qua và đánh giá những đóng góp thiết thực của EGPA, đồng thời đưa ra những dự báo về định hướng phát triển của hành chính công ở khu vực này trong tương lai. Cũng trong dịp này, ấn phẩm khoa học “Hành chính công Thụy Sĩ – Những đóng góp cho sự thịnh vượng của quốc gia” – (Swiss Public Administration – Making the State Work Successfully) cũng được giới thiệu tới các đại biểu tham dự, qua đó giúp các học giả có sự liên hệ và góc nhìn so sánh về nền hành chính công Thụy Sĩ.

Hội viên và tư cách hội viên 

Hiện tại, AGPA có hai nhóm hội viên, gồm:

– Hội viên cá nhân: bất cứ ai quan tâm đến lĩnh vực hành chính công đều được chào đón để trở thành hội viên của AGPA sau khi nộp đơn đăng ký và được nhóm phê duyệt. Các hội viên là cá nhân được yêu cầu nộp phí thường niên với mức phí 75 Euro. Khi đã trở thành hội viên của nhóm, các cá nhân được giảm mức phí khi đăng ký tham gia Hội nghị thường niên hay các cuộc đối thoại thường niên của EGPA. Các hội viên được quyền truy cập và khai thác thông tin trên hệ thống thông tin điện tử của nhóm, đồng thời cũng có thể tham gia các hoạt động nghiên cứu của các nhóm nghiên cứu thuộc EGPA.

– Hội viên là các tổ chức: các tổ chức cũng có thể trở thành hội viên của nhóm. Tuy nhiên, mức phí thường niên được yêu cầu là 375 Euro. Khi trở thành hội viên, các tổ chức được nhận một ấn phẩm khoa học của Tạp chí Khoa học hành chính quốc tế (International Review of Administration Sciences – IRAS)1 và được giảm giá khi lựa chọn mua thêm các ấn phẩm khác của EGPA.

Hằng năm, khi nhóm tổ chức Hội nghị thường niên, các hội viên là các tổ chức được phép cử 3 đại diện tham dự, mức phí tham gia cũng được giảm so với các đại biểu khác. Đồng thời, cũng giống như hội viên cá nhân, hội viên là các tổ chức cũng được quyền truy cập và khai thác thông tin trên hệ thống thông tin điện tử của nhóm và tham gia các hoạt động nghiên cứu của các nhóm nghiên cứu thuộc EGPA.

Có thể nói, cùng với các nhóm thành viên khác thuộc hệ thống của Viện Khoa học hành chính quốc tế (IIAS), như: Hiệp hội quốc tế các trường và học viện hành chính (IASIA), Nhóm hành chính công khu vực Mỹ Latinh (LAGPA), Nhóm Hành chính công châu Á (AGPA), Nhóm hành chính công châu Âu (EGPA) đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sự phát triển của IIAS.

Trong hơn 40 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt là trong những năm gần đây, EGPA đã góp phần quan trọng trong việc thể hiện rõ tầm ảnh hưởng của IIAS tại khu vực châu Âu nói riêng và ở các khu vực khác trên thế giới nói chung. Cũng qua đây cho thấy những nỗ lực và đóng góp thiết thực của IIAS vào sự phát triển chung của khoa học hành chính thế giới./.

Chú thích:
1. IRAS là tạp chí khoa học chính thống về hành chính của IIAS, đồng thời là cơ quan ngôn luận của các tổ chức thành viên thuộc cộng đồng hành chính IIAS, trong đó có EGPA. IRAS được thành lập từ năm 1927, xuất bản bằng ba thứ tiếng: Anh, Pháp, Trung Quốc và phát hành rộng rãi trên phạm vi toàn cầu.
Tài liệu tham khảo:
1. https://www.iias-iisa.org.
2. https://www.egpa-conference2018.org.
3. https://www.egpa-conference2019.org.

  ThS. Đoàn Kim Huy
Học viện Hành chính Quốc gia