Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo bậc trung học cơ sở tại quận Hoàng Mai, Hà Nội

(QLNN) – Những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai có nhiều đổi mới với những bước phát triển nổi bật và đạt được một số thành tựu quan trọng trong thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

 

Khai giảng năm học mới tại Mai Động – Trường THCS công lập quận Hoàng Mai – Hà Nội (Ảnh: FB Trường THCS Mai Động)

Kết quả triển khai các nhiệm vụ giáo dục toàn diện

Một là, đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động và phong trào thi đua. Phòng Giáo dục Đào tạo (GDĐT) quận Hoàng Mai đã chỉ đạo các trường tiếp tục thực hiện có hiệu quả trong các phong trào thi đua: “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”; “Dân chủ – Kỷ cương – Tình thương – Trách nhiệm”; “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học… Đặc biệt, phong trào “Nhà giáo Hoàng Mai đỡ đầu học sinh có khó khăn” được các trường tích cực hưởng ứng: cán bộ, giáo viên THCS Lĩnh Nam nhận đỡ đầu 148 học sinh nghèo với tổng số tiền hỗ trợ là 39.600.000đ/tháng; Trường THCS Định Công, mỗi cán bộ, giáo viên giúp đỡ từ hai học sinh yếu, kém trong cả năm học; Trường THCS Thịnh Liệt thực hiện miễn phí tiền học thêm cho 12 học sinh với tổng số tiền 16.871.000đ…1.

Hai là, nâng cao chất lượng giáo dục. Duy trì tốt nề nếp “dạy và học”, thực hiện nghiêm túc quy chế chuyên môn; có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; coi trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh; tập trung chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá bảo đảm chuẩn kiến thức, kỹ năng từng môn học. Về chất lượng giáo dục bậc THCS, tính đến hết học kỳ I năm học 2017 – 2018 được đánh giá như sau:

– Kết quả xếp loại hạnh kiểm: tốt là 92,02%; khá 7,82%; trung bình 0,16%; không có học sinh xếp loại hạnh kiểm yếu.

– Kết quả xếp loại học lực: giỏi là 7.110/16.099 học sinh (đạt 44,16%); khá  5.510/16.099 học sinh (đạt 34,22%); trung bình 2.503/16.099 học sinh (chiếm 15,55%); yếu, kém 976/16.099 học sinh (chiếm 6,06%)2.

Đặc biệt, kết quả thi vào lớp 10 THPT công lập đứng thứ 2/30 quận, huyện toàn thành phố, tăng 1 bậc so với năm học trước3.

– Giáo dục văn – thể – mỹ: phòng GDĐT đã chỉ đạo các trường duy trì câu lạc bộ phát triển năng khiếu học sinh về văn nghệ, thể dục – thể thao, mỹ thuật. Phối hợp với quận đoàn tổ chức tốt các hoạt động Đội, giúp giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh.

Ba là, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Chỉ đạo việc thực hiện bồi dưỡng thường xuyên trong mỗi nhà trường, như tự bồi dưỡng tại chỗ; tổ chức các chuyên đề chuyên môn cấp trường, cụm, quận; tổ chức bồi dưỡng đại trà theo chuyên đề; quan tâm phát triển đội ngũ giáo viên cốt cán; tăng cường vai trò và hiệu quả hoạt động của tổ, nhóm chuyên môn, tập trung bồi dưỡng đổi mới phương pháp dạy học, sử dụng thiết bị dạy học, kiểm tra đánh giá, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), viết và áp dụng sáng kiến kinh nghiệm, trao đổi học tập. Trong năm 2017, ngành đã tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi, nhân viên giỏi cấp THCS và lựa chọn được 6 giáo viên ở các trường: Mai Động, Tân Định, Thanh Trì, Lĩnh Nam, Giáp Bát dự thi cấp thành phố4.

Bốn là, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, ứng dụng CNTT. Tập trung đầu tư thiết bị giáo dục; chủ động sửa sang trường lớp, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học thiết yếu phục vụ công tác dạy và học. Chủ động khắc phục khó khăn về thời gian, trang thiết bị, đường truyền…, nghiêm túc triển khai ứng dụng phần mềm tuyển sinh trực tuyến vào lớp 6 bảo đảm tính minh bạch, công khai, công bằng trong tuyển sinh.

Công tác dạy tin học ở các nhà trường được quan tâm. 100% học sinh THCS được học tin học cơ bản. 100% các trường trong quận đã sử dụng địa chỉ email để phục vụ điều hành và quản lý; sử dụng sổ điểm điện tử, học bạ điện tử; 98,35% giáo viên cấp THCS được cấp tài khoản trên mạng “Trường học kết nối” và 30/30 tổ chuyên môn của các trường THCS công lập đã thực hiện sinh hoạt chuyên môn qua “Trường học kết nối”5.

Năm là, công tác phổ cập, xã hội hóa giáo dục. Tổ chức tập huấn cho ban giám hiệu, giáo viên, nhân viên của các trường thực hiện công tác phổ cập giáo dục, bảo đảm nội dung, quy trình, thủ tục kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Phối hợp với chính quyền địa phương điều tra, vận động tối đa số trẻ trong độ tuổi, trẻ khuyết tật còn đủ sức khỏe ra lớp.

Sáu là, đổi mới công tác quản lý. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, chấn chỉnh kỷ cương làm việc. Hệ thống các văn bản quản lý, chỉ đạo của ngành được triển khai nghiêm túc, bảo đảm kịp thời, đúng tiến độ. Bám sát các văn bản chỉ đạo về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học; chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm túc 3 công khai tại trường (chất lượng giáo dục, điều kiện bảo đảm chất lượng cơ sở giáo dục, thu – chi tài chính). Tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên học tập, cập nhật thường xuyên các văn bản hướng dẫn của cấp trên để nắm vững và thực hiện đúng. Tổ chức họp giao ban định kỳ hàng tháng để đánh giá, rút kinh nghiệm công tác tháng và triển khai nhiệm vụ tháng tiếp theo.

Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm định chất lượng giáo dục tiếp tục được thực hiện nghiêm túc theo kế hoạch và có nhiều đổi mới. Kiểm tra theo chuyên đề với các nội dung: công tác quản lý, công tác tuyển sinh, nề nếp kỷ cương, phổ cập giáo dục, công tác thu chi, dạy thêm học thêm…

Công tác thu, chi tài chính nghiêm túc, đúng quy định. Tổ chức và tham mưu với quận kiểm tra và phê duyệt các nội dung thu của 100% các trường THCS công lập về công tác thu chi đầu năm học mới. Qua kiểm tra, về cơ bản các trường đã thực hiện thu – chi tài chính đúng quy định.

Công tác thi đua, khen thưởng được triển khai thực hiện nghiêm túc, bảo đảm chính xác, kịp thời. Các cụm thi đua tổ chức họp thống nhất tiêu chí thi đua theo từng cấp học, tổ chức tốt hội nghị ký giao ước thi đua, tạo ra bầu không khí tích cực trong hoạt động của các nhà trường.

Lễ tổng kết năm học 2018 – 2019 và chia tay học sinh lớp 9 ra trường tại Trường Trung học cơ sở Trần Phú, Hoàng Mai (Nguồn: https://http://pgdhoangmai.hanoi.edu.vn/).

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục vẫn còn một số hạn chế sau: (1) Công tác tuyên truyền các văn bản quy định về thu – chi, dạy thêm, học thêm của một số trường chưa tốt nên còn gây hiểu lầm, thắc mắc của cha mẹ học sinh và cán bộ, giáo viên nhà trường; (2) Một số cán bộ quản lý mới được bổ nhiệm nên kinh nghiệm quản lý còn hạn chế; giáo viên mới ra trường còn lúng túng trong áp dụng phương pháp dạy học, kỹ năng sư phạm còn hạn chế; giáo viên tuổi cao hạn chế trong việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy; (3) Việc nộp công văn, báo cáo của một số nhà trường chưa đúng tiến độ, không theo quy trình; văn bản ban hành của một số nhà trường chưa đúng thể thức; (4) Phần mềm sổ điểm điện tử tuy đã được nâng cấp nhưng vẫn còn bất cập, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và chất lượng công việc.

Giải pháp thực hiện đổi mới giáo dục bậc trung học cơ sở tại quận Hoàng Mai

Thứ nhất, Sở GDĐT Hà Nội cần có sự chỉ đạo sát sao về chuyên môn, trong đó, tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng về chuyên môn vào những thời điểm thích hợp để giáo viên có thể tham gia đầy đủ. Sở GDĐT cần tham mưu với UBND thành phố đẩy nhanh tiến độ đầu tư mua sắm tập trung, tạo điều kiện cho các trường sớm có trang thiết bị dạy học hiện đại; quản lý giám sát theo thẩm quyền việc xây dựng theo quy hoạch được phê duyệt của các chủ đầu tư ở các dự án, khu đô thị mới, bảo đảm xây dựng đồng bộ, đặc biệt là xây dựng trường học; với các dự án xây dựng trường học mà chủ đầu tư chậm triển khai, đề nghị UBND Thành phố thu hồi và bàn giao cho UBND quận lập dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách hoặc kêu gọi đầu tư xã hội hóa; điều chỉnh những điểm còn bất cập trong phần mềm tuyển sinh trực tuyến và sổ điểm điện tử.

Thứ hai, đối với UBND quận Hoàng Mai, cần tiếp tục quan tâm đến sự nghiệp phát triển giáo dục của địa phương. Bổ sung nhân sự cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cho các trường và phòng GDĐT kịp thời, bảo đảm đủ nhân sự theo quy định. Dành quỹ đất để xây dựng trường công lập. Có biện pháp kiểm soát tình hình dân số thuộc quận, tránh tình trạng số lượng dân tăng quá nhanh gây áp lực lớn cho ngành GDĐT về trường học, lớp học và sĩ số học sinh trong từng lớp.

Thứ ba, với ngành GDĐT quận Hoàng Mai cần xác định việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT bậc THCS tại quận từ chính nội lực của ngành và cấp học. Rà soát, bổ sung quy hoạch mạng lưới trường lớp để từng bước tăng số lượng trường học đạt chuẩn quốc gia, trường chất lượng cao phù hợp với quy hoạch của quận và thành phố. Phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên, bảo đảm yêu cầu về số lượng, cơ cấu và chất lượng theo quy định.

Đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng cho học sinh phổ thông từ bậc THCS. Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; triển khai hiệu quả, bảo đảm chất lượng chương trình tiếng Anh theo Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020”. Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý, chỉ đạo điều hành và đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá; ứng dụng phần mềm trong tuyển sinh đầu cấp và nâng cấp, bổ sung, sử dụng hiệu quả kho học liệu điện tử.

Tăng cường cơ sở vật chất và nguồn lực bảo đảm chất lượng các hoạt động GDĐT. Đầu tư trang thiết bị dạy học theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa, hiện đại, đạt chuẩn quốc gia, chất lượng cao. Quản lý chặt chẽ chất lượng giáo dục trong nhà trường, kết hợp với việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục để huy động mọi nguồn lực tham gia chăm lo phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng của ngành.

Chú thích:
1, 2, 4, 5. Báo cáo số 11 /BC-PGD&ĐT ngày  06/02/2018 của phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai về  Sơ kết học kỳ I, nhiệm vụ trọng tâm học kỳ II năm học 2017 – 2018 ngành Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai.
3. Báo cáo tại Hội nghị tổng kết năm học 2017 – 2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018 – 2019 tại quận Hoàng Mai, ngày 16/8/2018.

Hoàng Thị Trang
Học viện Hành chính Quốc gia