Huyện Gò Quao ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, góp phần thực hiện tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn

(QLNN) – Trong thời gian qua, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Kiên Giang, huyện Gò Quao đã quan tâm đầu tư và tạo điều kiện để phát triển nông thôn. Đến nay, huyện đã đạt 15 tiêu chí nông thôn mới, các xã: Định Hòa, Định An, Vĩnh Hòa, Hưng Nam được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Riêng xã Vĩnh Tuy và Vĩnh Phước A đạt 19/19 tiêu chí. Các xã còn lại đạt từ 70% các tiêu chí trở lên; có 6/11 xã, thị trấn đạt chuẩn văn hóa

 

Gò Quao là huyện vùng nông thôn thuộc tỉnh Kiên Giang, với diện tích tự nhiên 43.950,67 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 38.745,91 ha; dân số 138.376 người, trong đó có 128.810 người dân sống ở nông thôn, sinh sống chủ yếu bằng nghề sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, từ khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền huyện Gò Quao đã quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng thành công xã nông thôn mới theo lộ trình từng năm. Theo báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Gò Quao, đến nay, huyện đã đạt 15 tiêu chí nông thôn mới.

Cấp ủy, chính quyền huyện Gò Quao luôn xác định: để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trong huyện cũng như lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng thành công xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành các kế hoạch chuyên đề toàn khóa, đề ra nhiều giải pháp thực hiện đạt kế hoạch.

Trong đó, huyện Gò Quao xác định phải đi lên từ nông nghiệp, muốn nâng cao đời sống cho nhân dân thì chú trọng vào việc phát triển tốt các mô hình kinh tế tập thể, biết ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, giảm chi phí, hạn chế rủi ro, từng bước tìm đầu ra ổn định cho các mặt hàng nông sản, nâng cao chất lượng giá thành sản phẩm. Đây là phương pháp sản xuất có lợi nhất cho người nông dân, và giải pháp này đã nhận được sự đồng thuận cao nhất từ cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân trong huyện.

Vụ đông xuân 2015-2016, Trạm Khuyến nông huyện Gò Quao (tỉnh Kiên Giang) triển khai trình diễn 10 ha mô hình áp dụng quy trình “1 phải 5 giảm” tại Thị trấn Gò Quao (https://www.mard.gov.vn. Theo Trung Tâm Khuyến Nông Kiên Giang).

Hằng năm, UBND huyện Gò Quao đã chỉ đạo các ngành chuyên môn thuộc UBND huyện phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành cấp tỉnh và các trường dạy nghề trong, ngoài tỉnh mở các lớp dạy nghề trung hạn, ngắn hạn, để người dân nông thôn trên địa bàn huyện có đủ kiến thức, kinh nghiệm áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng thu nhập gia đình. Cụ thể, chỉ tính trong hai năm (2015 – 2016), toàn huyện đã mở được 45 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 1.270 lao động nông thôn tiếp cận những kiến thức mới về trồng trọt và chăn nuôi, bao gồm: kỹ thuật chăn nuôi lợn, gà, cá, lươn, ếch, trồng lúa chất lượng cao, trồng cây hồ tiêu, cây ăn quả, kỹ thuật trồng nấm rơm, bào ngư, linh chi…

Sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của huyện, thu nhập của người dân chủ yếu là từ trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Theo kết quả của một số mô hình sản xuất có hiệu quả, từ năm 2011 đến nay, được sự hỗ trợ của các ngành cấp tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể huyện đã tổ chức thực hiện được trên 201 mô hình sản xuất, trong đó có trên 147 mô hình trồng trọt và trên 30 mô hình chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn huyện.

Nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao được nhân rộng ra nhiều xã trên địa bàn huyện, như: mô hình trồng lúa chất lượng cao năng suất bình quân từ 6,7 – 7 tấn/ha, mô hình nuôi lợn thu nhập từ 0,7 – 1 triệu đồng/tháng (quy mô 4 – 5 con/hộ), mô hình trồng tiêu thu nhập bình quân 285 triệu đồng/ha/năm; mô hình nuôi lươn mật độ 60 con/m2 x 50m2 lợi nhuận bình quân 6.500.000/mô hình; mô hình nuôi cá trê vàng thương phẩm trong ao, mật độ 20 con/m2 x 300m2, lợi nhuận bình quân 13 triệu đồng…

Mô hình kỹ thuật canh tác lúa theo hướng hàng hóa chất lượng cao, bền vững, giảm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường, góp phần tăng giá trị hạt gạo xuất khẩu và mở rộng thị trường gạo Việt Nam đủ sức cạnh tranh xuất khẩu sang thị trường khó tính.

Trên thực tế hiệu quả của một số mô hình được triển khai tại huyện Gò Quao cho thấy, công tác ứng dụng, chuyển giao khoa học – kỹ thuật và sản xuất theo mô hình liên kết được huyện quan tâm chỉ đạo. Tính riêng năm 2016, UBND huyện đã phối hợp với các công ty triển khai mô hình cánh đồng lớn gắn với đầu tư bao tiêu sản phẩm tại các xã, thị trấn được 5.975 ha (tăng 1.246,3 ha so cùng kỳ năm 2015). Huyện còn khuyến khích các hợp tác xã đăng ký nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Cấp ủy, chính quyền huyện Gò Quao đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, toàn huyện có 100% xã, thị trấn làm tốt công tác ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, chất lượng mô hình phải nâng lên; phấn đấu có từ 80% trở lên số hộ nông nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế; thu nhập bình quân đầu người từ 2.700 USD trở lên; giới thiệu, giải quyết việc làm mới hằng năm từ 2.000 lao động trở lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50%, trong đó đào tạo nghề 45%…

Từ những kết quả đạt được, năm 2017 huyện Gò Quao đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các dự án trọng điểm, kế hoạch trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ huyện. Tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp thúc đẩy sản xuất – kinh doanh, khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của huyện; rà soát, bổ sung hoàn thiện quy hoạch và quản lý, điều hành theo quy hoạch nhất là quy hoạch phát triển nông nghiệp, quy hoạch phát triển giao thông, thủy lợi, quy hoạch phát triển công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ…, trong đó coi trọng việc nâng cao chất lượng và mở rộng các loại hình kinh tế tập thể, thông qua các loại hình này để chuyển giao khoa học – kỹ thuật, giống, vốn… giảm bớt chi phí, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của các mặt hàng nông, thủy sản.

Mô hình tiêu leo tràm của gia đình anh Nguyễn Anh Vũ ở ấp 2, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao (Nguồn bài và ảnh: Hồng Đạt (TTXVN).

Để thực hiện đạt mục tiêu trên, cấp ủy, chính quyền Gò Quao xác định: về lĩnh vực kinh tế, trong thời gian tới tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới về giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật nuôi trồng và chế biến nông sản, công nghệ sau thu hoạch, công nghệ sinh học… nhằm đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng năng suất, chất lượng và có khả năng cạnh tranh cao.

Tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch phù hợp với yêu cầu phát triển; thực hiện tái cơ cấu lại sản xuất ngành nông nghiệp, tập trung bố trí cây trồng, vật nuôi chủ lực, có thế mạnh của huyện. Quy hoạch ổn định vùng sản xuất lúa chất lượng cao phục vụ yêu cầu chế biến và xuất khẩu; tập trung nhân rộng sản xuất lúa theo mô hình “4 tốt”, mô hình cánh đồng mẫu lớn theo hướng VietGAP và bảo đảm có 70% diện tích đất trồng lúa được chủ động tưới, tiêu; thực hiện tốt mô hình liên kết bao tiêu lúa hàng hóa giữa nông dân với doanh nghiệp.

Đẩy mạnh nuôi thủy sản theo hướng đa dạng hóa các loại hình nuôi phù hợp với đặc điểm tự nhiên của từng tiểu vùng, phát triển các mô hình ở các xã ven sông Cái Lớn, Cái Bé, Cái Tư, các kênh rạch và tận dụng mặt nước ao, hồ, trên ruộng lúa. Chú trọng phát triển mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm ở hộ gia đình và nuôi tập trung theo hướng chủ động phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Phấn đấu nâng tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp đạt 25% trở lên vào năm 2020.

Ngoài ra, để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ huyện, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn ngày càng tốt hơn, Gò Quao tập trung xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của huyện. Đồng thời, tiếp tục huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, trong đó tập trung xây dựng cơ bản hoàn thiện hệ thống điện, giao thông, thủy lợi; đẩy mạnh quảng bá, kêu gọi, thu hút đầu tư vào các chương trình, dự án trọng điểm phát triển kinh tế – xã hội của huyện.

Huyện Gò Quao phấn đấu sớm trở thành huyện nông thôn mới, mà xuất phát điểm là huyện vùng nông thôn, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, cho nên việc ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong thực hiện các tiêu chí ở lĩnh vực kinh tế và tổ chức sản xuất, như: tiêu chí thu nhập, tiêu chí hộ nghèo, tiêu chí lao động có việc làm và tiêu chí tổ chức sản xuất. Công tác ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã và đang góp phần rất lớn trong việc xây dựng thành công huyện nông thôn mới cũng như làm đòn bẩy thúc đẩy cho việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Tài liệu tham khảo:
1. Ủy ban nhân dân huyện Gò Quao. Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới năm 2016.
2. Ủy ban nhân dân huyện Gò Quao. Báo cáo kết quả của một số mô hình sản xuất có hiệu quả trên địa bàn huyện giai đoạn 2011 – 2015.

Ngô Huyền Trang
Ban Tuyên giáo Huyện ủy Gò Quao, tỉnh Kiên Giang