Văn phòng Dự án Liên Hiệp quốc về Quản trị

(QLNN) – Văn phòng Dự án Liên Hiệp quốc về Quản trị (United Nations Project Office on Governance – viết tắt là UNPOG), được thành lập vào tháng 6/2006, nhằm thúc đẩy nền quản trị hiệu quả, liêm chính, minh bạch theo kết quả của Diễn đàn toàn cầu lần thứ 6 về tái cấu trúc chính phủ. Theo Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, nhiệm vụ của UNPOG đã được gia hạn đến cuối năm 2030.

 

Khái quát về UNPOG

UNPOG có trụ sở đặt tại thành phố Incheon, Hàn Quốc là một bộ phận của Ủy ban Liên hiệp quốc về kinh tế và các vấn đề xã hội (UNDESA), dưới sự bảo trợ và quản lý của Phòng Thể chế công và Chính phủ số (DPIDG). Nhiệm vụ chính của UNPOG là tăng cường năng lực quản trị công của các quốc gia thành viên đang phát triển ở châu Á và Thái Bình Dương, đặc biệt hơn cả là để đạt được mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (PTBV).

Trong những năm qua, dưới sự giám sát của DPIDG cùng sự hỗ trợ của Bộ Nội vụ và Chính phủ Hàn Quốc, UNPOG đã góp phần hiệu quả vào việc tăng cường năng lực hành chính công tại các quốc gia thành viên đang phát triển mà trọng tâm là khu vực châu Á và Thái Bình Dương. Những thành tựu mà UNPOG đạt được trong việc hỗ trợ các quốc gia thành viên đang phát triển nâng cao năng lực chính phủ đã được công nhận.

Tái cấu trúc hành chính công là con đường chủ động, tích cực và cần thiết phía trước. Nếu không có sự hiện đại hóa hành chính công và chuyển đổi để thích ứng với nhu cầu ngày nay thì việc hiện thực hóa một tương lai tốt hơn cho tất cả mọi người sẽ là không thể. Nếu không có một nền hành chính hiệu quả, chính phủ sẽ mất năng lực và khi đó, không thể duy trì được sự PTBV. Chính tầm nhìn này đã định hướng nhiệm vụ và trách nhiệm của DPIDG cũng như UNPOG trong việc hỗ trợ các quốc gia tái cơ cấu thể chế và hành chính công nhằm hiện thực hóa các mục tiêu PTBV một cách hiệu quả, minh bạch, có trách nhiệm và mang tính bao quát.

Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên hiệp quốc đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của UNPOG trong Nghị quyết E/2014 L.30/Rev.1, trong đó chỉ ra rằng: Ban Thư ký Liên hiệp quốc sẽ “tăng cường phát triển năng lực quản trị và hành chính công thông qua việc cung cấp các dịch vụ tư vấn, đào tạo, bao gồm tự đánh giá và nâng cao nhận thức, cũng như các dự án kỹ thuật như Văn phòng Dự án Liên hiệp quốc về quản trị”.

Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững

Năm 2015, các quốc gia đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV và 17 mục tiêu PTBV. Năm 2016, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu có hiệu lực, nhấn mạnh yêu cầu hạn chế sự gia tăng của nhiệt độ toàn cầu.

Vào ngày 01/01/2016, 17 mục tiêu PTBV nêu trên đã chính thức có hiệu lực. Trong 15 năm tới, với những mục tiêu mới được áp dụng chung cho tất cả, các quốc gia sẽ huy động các nỗ lực để chấm dứt mọi hình thức nghèo đói, chống lại sự bất bình đẳng và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, bảo đảm rằng không ai bị bỏ lại phía sau.

Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV khuyến khích các quốc gia thành viên thúc đẩy các nỗ lực đầy tham vọng đối với các mục tiêu PTBV. Các quốc gia được khuyến khích tích hợp những mục tiêu PTBV này vào các chiến lược và kế hoạch phát triển quốc gia, trong đó có tính đến mức độ phát triển và năng lực tương ứng của họ.

Nghị quyết A/RES/69/327 của Đại hội đồng Liên hiệp quốc nhấn mạnh thêm nhu cầu ngày càng tăng của việc củng cố các thể chế và dịch vụ công nhằm hỗ trợ PTBV. Thành công của mục tiêu PTBV phụ thuộc vào sự phối hợp các nỗ lực thực hiện thông qua quản trị công tốt.

Để đạt được các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV, các quốc gia thành viên phải chuyển đổi nền hành chính công. Trong khi nhiều quốc gia đang đạt được tiến bộ ở tất cả các cấp quản trị thì cần nhiều nỗ lực hơn nữa để bảo đảm 17 mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 đạt được đúng thời hạn. Do đó, việc xây dựng kế hoạch, nguồn lực và đổi mới cần phải được thực hiện một cách mạch lạc và gắn kết.

Mục tiêu của UNPOG

Mục tiêu của UNPOG là nhằm tăng cường năng lực của các nước đang phát triển để chuyển các khung chính sách được quốc tế thống nhất thành các chiến lược và chương trình ở tất cả các cấp quản trị công. UNPOG làm việc với các quốc gia thành viên Liên hiệp quốc nhằm đạt được những thành tựu mong đợi sau đây:

(1) Tăng cường năng lực của chính phủ tại các quốc gia đích để xây dựng thể chế, ở cấp quốc gia và địa phương, có thể hỗ trợ các mục đích và mục tiêu PTBV theo cách tích hợp, hiệu quả, minh bạch và có trách nhiệm;

(2) Nâng cao năng lực của chính phủ tại các quốc gia, mục đích để thúc đẩy đổi mới trong việc cung cấp dịch vụ toàn diện ở các lĩnh vực cụ thể, bao gồm: y tế, giáo dục, tạo việc làm, môi trường, nhằm hỗ trợ đạt được các mục đích và mục tiêu PTBV.

Các hoạt động chính

(1) Cuộc thi hùng biện về mục tiêu PTBV

Cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức trong giới trẻ và lắng nghe tiếng nói của giới trẻ. Bên cạnh đó, khuyến khích những người trẻ tham gia vào cuộc thảo luận về việc thực hiện các mục tiêu PTBV. Khi giới trẻ đưa ra những quan điểm mới, cuộc thi sẽ là cơ hội để UNPOG và các cơ quan khác của Liên hiệp quốc lắng nghe ý kiến của các cá nhân trẻ về những thách thức mà họ đang phải đối mặt. Các giải pháp sáng tạo cho các vấn đề toàn cầu được giới trẻ đề xuất có thể được chọn làm tài liệu tham khảo chính cho những hoạt động tương lai của các cơ quan. Những người chiến thắng của cuộc thi được mời tham dự các sự kiện do UNPOG tổ chức với tư cách là các nhà lãnh đạo trẻ.

(2) Hội nghị chuyên đề khu vực

Dưới sự bảo trợ của DPIDG và phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Hàn Quốc, UNPOG đã và đang tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề hằng năm cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương kể từ năm 2017 với mục đích tăng cường năng lực của hành chính công và thúc đẩy đổi mới hướng tới Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV.

Mục tiêu cuối cùng của hội nghị chuyên đề hằng năm là tăng cường năng lực của chính phủ để xây dựng thể chế ở cấp quốc gia và địa phương nhằm hỗ trợ thực hiện mục tiêu PTBV; thúc đẩy đổi mới để cung cấp dịch vụ toàn diện tăng cường năng lực của chính phủ nhằm phát triển các hệ thống sáng tạo mở để khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc thiết kế, cung cấp và thực hiện các chính sách cũng như xây dựng quan hệ đối tác hiệu quả.

Hội nghị chuyên đề cung cấp một nền tảng tốt cho những người tham gia nhận diện tình hình thực tiễn và ý tưởng tốt, tăng cường hợp tác giữa các quốc gia, giữa chính quyền trung ương và địa phương cũng như giữa tất cả các bên liên quan.

Hội nghị bao gồm các cuộc thảo luận về cải thiện thể chế công, cung cấp dịch vụ công, các hành động để các địa phương hiện thực hóa các mục tiêu PTBV; về tác động của công nghệ tiên tiến đối với khu vực công; về việc thu hút tất cả các bên liên quan, đặc biệt là các tổ chức xã hội dân sự và khu vực tư nhân; về tăng cường các biện pháp thực hiện và kế hoạch, chính sách cho các mục tiêu PTBV vào bối cảnh của từng quốc gia khác nhau.

(3) Phát triển năng lực

UNPOG thúc đẩy việc phát triển năng lực ở cấp quốc gia và địa phương thông qua cách tiếp cận toàn diện và tích hợp. Điều này bao gồm các đánh giá nhu cầu năng lực, hỗ trợ việc thiết kế và thực hiện lộ trình tái thiết thể chế và năng lực để phát triển, thực hiện giám sát, đánh giá các chính sách và dịch vụ nhằm thực hiện các mục tiêu PTBV. Tất cả những điều này sẽ được cung cấp thông qua các hội thảo đào tạo, các khóa học trực tuyến và bộ công cụ phát triển.

UNPOG hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế khác trong khu vực để hỗ trợ phát triển năng lực tại các quốc gia thành viên.

(4) Nghiên cứu và phân tích chính sách

UNPOG sẽ tiến hành nghiên cứu theo chủ đề và phân tích chính sách, bao gồm: (1) xây dựng thể chế ở cấp quốc gia và địa phương để hỗ trợ thực hiện mục tiêu PTBV theo cách thức tích hợp, hiệu quả, minh bạch và có trách nhiệm; (2) đổi mới để cung cấp dịch vụ toàn diện; (3) khuyến khích đổi mới để thu hút sự tham gia của cộng đồng, bao gồm cả những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất trong việc thiết kế, cung cấp và thực hiện các chính sách để hiện thực hóa các mục tiêu PTBV, cũng như thiết kế và thực hiện quan hệ đối tác hiệu quả.

Một số nghiên cứu được tiến hành, như: vai trò của chính phủ điện tử đối với bình đẳng giới, chính phủ điện tử vì sự phân quyền của phụ nữ ở châu Á – Thái Bình Dương… đã cung cấp những thông tin hữu ích cho những người quan tâm. UNPOG đang nỗ lực để trở thành một trung tâm tri thức khu vực cho các quốc gia thành viên để chia sẻ kiến thức và trao đổi thực tiễn tốt.

(5) Thông tin liên lạc và hỗ trợ

UNPOG hỗ trợ chuyển giao kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm và bài học kinh nghiệm giữa các quốc gia trong khu vực, đồng thời hỗ trợ xây dựng các lựa chọn chính sách để hiện thực hóa mục tiêu PTBV. Điều này được hỗ trợ thông qua các cuộc hội thảo, cuộc họp, tham quan học tập và các hoạt động truyền thông khác.

(6) Xuất bản Tạp chí Quản trị công UNPOG

Tạp chí được xuất bản hằng quý, cập nhật công việc của UNPOG, tạo ra diễn đàn thúc đẩy các hình thức hợp tác và tham gia mới trong bối cảnh phát triển công nghệ xuyên biên giới và giúp các thành viên có thêm kiến thức chuyên sâu về mục tiêu PTBV với nguyên tắc bao trùm là “không ai bị bỏ lại phía sau”./.

Tài liệu tham khảo:
1. Giới thiệu về UNPOG. http://www.unpog.org.

ThS. Đỗ Hoàng Mai
Học viện Hành chính Quốc gia