Trường Harvard Kennedy – Nơi ươm mầm các tài năng lãnh đạo khu vực công

(QLNN) – Với khuôn viên đẹp và rộng, nằm trên đường John F. Kennedy ở phố Cambridge, thuộc bang Massachusetts, Hoa Kỳ, Trường Harvard Kennedy được biết đến là cơ sở trực thuộc Đại học Harvard, đảm nhận việc đào tạo ở trình độ sau đại học đối với các chuyên ngành hành chính công, chính sách công và các chương trình liên quan tới phát triển quốc tế.

Một góc khuôn viên Trường Harvard Kennedy, Đại học Harvard, Hoa Kỳ (Ảnh: StarkSilverCreek.com).
Nơi ươm mầm các tài năng lãnh đạo khu vực công

Trường Harvard Kennedy ban đầu có tên gọi là Trường Cao học hành chính công Harvard (Harvard Graduate School of Public Administration – GSPA), được thành lập vào năm 1936 và chính thức chào đón thế hệ học viên đầu tiên vào năm 1937. Khi ấy, trường mới chỉ đào tạo cấp bằng thạc sĩ chuyên ngành hành chính công với thời gian đào tạo 1 năm.

Cho tới những năm 60 của thế kỷ XX, Trường mới bắt đầu triển khai chương trình đào tạo cấp bằng Thạc sĩ chuyên ngành chính sách công. Trường chính thức được đổi tên thành Trường Quản lý nhà nước John F. Kennedy – mang tên vị tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ (John F. Kennedy School of Government – gọi tắt là Trường Harvard Kennedy) như hiện nay từ năm 1966.

Với khuôn viên đẹp và rộng, nằm trên đường John F. Kennedy ở phố Cambridge, thuộc bang Massachusetts, Hoa Kỳ, hiện nay Trường được biết tới là cơ sở trực thuộc Đại học Harvard, đảm nhận việc đào tạo ở trình độ sau đại học đối với các chuyên ngành hành chính công và chính sách công. Trường cung cấp các chương trình đào tạo cấp bằng thạc sĩ chính sách công, hành chính công và các chương trình liên quan tới phát triển quốc tế.

Bên cạnh đó, trường cũng liên kết với một số trường chuyên ngành và khoa chuyên môn thuộc hệ thống của Đại học Harvard để đào tạo cấp bằng tiến sĩ chuyên ngành: kinh tế chính trị và quản lý nhà nước, chính sách công, chính sách y tế, chính sách xã hội. Ngoài ra, Trường cũng tổ chức một số chương trình đào tạo công chức điều hành cho các quan chức cấp cao của Chính phủ Hoa Kỳ, đồng thời tiến hành các nghiên cứu liên quan tới chính trị học, quản lý nhà nước, kinh tế học và các vấn đề quốc tế khác.

Đến với Trường Harvard Kennedy là đến với môi trường lý tưởng cho nghiên cứu, học tập và trải nghiệm với tinh thần cống hiến vì lợi ích của cộng đồng. Phương châm hoạt động của Trường là: “mỗi người chúng ta đều có một cơ hội duy nhất để cống hiến nên phải có trách nhiệm trong việc giải quyết những thách thức mà thời đại chúng ta đang phải đối mặt vì một thế giới tốt đẹp hơn”.

Phương châm này được lấy cảm hứng từ lời kêu gọi nổi tiếng của vị Tổng thống trẻ nhất nước Mỹ – John F. Kennedy về tinh thần phục vụ và cống hiến vì lợi ích chung được đề cập tới trong diễn văn tuyên thệ nhậm chức của ông vào ngày 20/01/1963, rằng:…“các bạn – những người dân nước Mỹ của tôi, đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho các bạn, mà hãy hỏi các bạn đã làm được gì cho Tổ quốc. Những người bạn trên thế giới của tôi, đừng hỏi nước Mỹ sẽ làm gì cho các bạn, mà hãy hỏi chúng ta có thể cùng nhau làm được gì cho tự do của nhân loại”. Diễn văn này của Kennedy được giới sử học Hoa Kỳ đánh giá là một trong 4 bài diễn văn nhậm chức hay nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Trong lịch sử phát triển gần tám thập kỷ qua, Trường Harvard Kennedy đã nỗ lực để xác lập vị trí tiên phong trong nghiên cứu chính sách công. Hiện nay, trường đã phát triển thành một trong những tổ chức nghiên cứu về khoa học xã hội nổi tiếng nhất thế giới với 15 trung tâm nghiên cứu và các viện chuyên môn cùng hơn 30 chương trình đào tạo cấp bằng và các chương trình đào tạo công chức điều hành khác.

Với hơn 46.000 cựu học viên ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đảm nhận những vị trí quan trọng khác nhau ở cả khu vực công, khu vực tư cũng như ở các tổ chức phi lợi nhuận, Trường Harvard Kennedy đang ngày càng cho thấy mức độ uy tín và tầm ảnh hưởng rộng lớn của mình trên toàn thế giới. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, Giám đốc Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick, Tổng thống Mexico Felipe Calderon, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf và nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của Việt Nam Cao Đức Phát… là những gương mặt chính khách điển hình trưởng thành từ cái nôi đào tạo danh tiếng này.

Theo giới lãnh đạo của Trường cho biết, 4 yếu tố làm cho Trường Harvard Kennedy trở thành địa chỉ đào tạo hàng đầu và có tầm ảnh hưởng rộng lớn như hiện nay. Đó là:

– Sự nghiêm túc trong thực hiện những cam kết về sứ mệnh cũng như khả năng tạo cảm hứng trong nghiên cứu và làm việc cho đội ngũ nhân viên của các thế hệ lãnh đạo của Trường.

– Có cách thức giải quyết vấn đề thông qua những kỹ năng và công cụ tốt, với những hoạt động phân tích chất lượng cao.

– Tạo điều kiện cho học viên được tiếp cận trực tiếp với những ý tưởng mới về những vấn đề nóng bỏng trong khu vực công hiện nay, hay nói cách khác là tạo điều kiện cho họ được tiếp cận với những vấn đề của thực tiễn.

– Tạo môi trường lý tưởng cho việc giao lưu, học hỏi lẫn nhau giữa các học viên trên cơ sở khơi nguồn cảm hứng sáng tạo và tôn trọng các quan điểm của nhau. Bởi Trường Harvard Kennedy là nơi thu hút rất nhiều sinh viên đến từ nhiều quốc gia, thuộc nhiều lĩnh vực và đang tham gia học tập ở nhiều chương trình đào tạo khác nhau.

Quan hệ hợp tác của Trường Harvard Kennedy về khoa học chính sách với Việt Nam

Kể từ khi bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, hai quốc gia đã tích cực hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực giáo dục cũng rất được chú trọng. Và Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (Fulbright Economics Teaching Program – viết tắt là FETP) được thành lập năm 1994 là kết quả hợp tác giữa Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh của Việt Nam và Trường Harvard Kennedy của Hoa Kỳ. Ngân sách hoạt động chính của chương trình do Vụ Văn hóa và Giáo dục, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ. Đây là một tổ chức giáo dục của Việt Nam với sự tham gia của các đối tác quốc tế, một chương trình tiên phong về hợp tác giáo dục ở Việt Nam. Riêng đến năm 2015, chương trình này đã tổ chức được 20 khóa đào tạo với gần 1.200 cựu học viên – những người cam kết cống hiến cho sự phát triển của đất nước.

Trên cơ sở sự hỗ trợ của Trường Harvard Kennedy, cùng với đội ngũ giảng viên Việt Nam và quốc tế vừa hiểu biết sâu sắc về Việt Nam vừa kết nối sự hiểu biết này với các xu thế toàn cầu và khu vực, Chương trình Fulbright có sứ mệnh hình thành, truyền thụ và phổ biến kiến thức thông qua việc hỗ trợ cho ba sáng kiến trọng tâm gồm: Giảng dạy chương trình Thạc sĩ Chính sách công và đào tạo các khóa ngắn hạn cao cấp; Nghiên cứu những vấn đề chính sách phức tạp mà Việt Nam đang đối mặt và Tổ chức các hoạt động đối thoại chính sách công ở Việt Nam. Cụ thể:

Hợp tác trong đào tạo Thạc sĩ chính sách công (MPP)

Chương trình MPP của FETP là chương trình đào tạo sau đại học chuyên ngành chính sách công đầu tiên tại Việt Nam. Với mục tiêu giúp xây dựng nền tảng tư duy vững mạnh về năng lực phân tích chính sách, quản lý và lãnh đạo cho các nhà chuyên môn ở Việt Nam, chương trình MPP này sẽ trang bị cho học viên cách xác định bản chất và các khía cạnh then chốt của chính sách công, khám phá những giải pháp khả thi và xác định năng lực về mặt tổ chức để thực hiện các giải pháp này.

Chương trình này được thiết kế dựa trên triết lý và phương pháp đào tạo tiên phong về chính sách công của Trường Harvard Kennedy, song bên cạnh đó cũng quan tâm tới việc cập nhật khối kiến thức về những thách thức của các nhà hoạch định chính sách ở khu vực công trong nền kinh tế đang phát triển và chuyển đổi. Đội ngũ giảng viên của trường thường xuyên rà soát lại nội dung đào tạo nhằm bảo đảm chương trình đào tạo phản ánh trung thực nhất tình hình phát triển kinh tế hiện tại và tương lai của Việt Nam.

Đối tượng tuyển sinh chính của chương trình MPP là các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách và quản lý trong khu vực công, các chuyên gia nghiên cứu và các giảng viên đại học. Mặc dù chương trình này không đào tạo về quản trị kinh doanh nhưng vẫn có thể phù hợp với một số nhà quản lý trong khu vực tư nhân, đặc biệt là những người công tác trong các lĩnh vực giao thoa giữa doanh nghiệp và nhà nước. Học viên hoàn thành tất cả những yêu cầu để tốt nghiệp chương trình MPP sẽ được nhận bằng Thạc sỹ Chính sách công do Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cấp.

Bên cạnh chương trình MPP, FETP cũng tổ chức các khóa đào tạo dành cho các nhà hoạch định chính sách cấp cao về quá trình hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu theo góc độ kinh tế và pháp lý cũng như các khóa chuyên ngành ngắn hạn tập trung vào những lĩnh vực chủ chốt phù hợp với sự phát triển của Việt Nam như kinh tế, tài chính và luật.

Nghiên cứu chính sách công

Hoạt động nghiên cứu chính sách công ở Việt Nam được bắt đầu từ năm 1989 khi Viện phát triển quốc tế Harvard hơp tác với Chính phủ Việt Nam trong hoạt động tư vấn chính sách. Trong suốt hơn 20 năm qua, đặc biệt là kể từ khi FETP được thành lập vào năm 1994 với sự hỗ trợ của Trường Harvard Kennedy, hoạt động nghiên cứu chính sách công ở Việt Nam đã trở nên đa dạng hơn, bao trùm nhiều lĩnh vực chính sách quan trọng như kinh tế vĩ mô, kinh tế phát triển, tài chính công, giáo dục đại học, cơ sở hạ tầng, thẩm định đầu tư công, thương mại quốc tế, luật và quản trị công.

Các nghiên cứu về chính sách công thường được thực hiện với sự tham gia của các nhà nghiên cứu trong nước – những người hiểu sâu sắc nền kinh tế và thể chế của Việt Nam và các nhà nghiên cứu quốc tế – những người mang đến tri thức và kinh nghiệm toàn cầu.

Hiện nay, nhóm nghiên cứu điển hình về chính sách công của FETP thường do một giảng viên giàu kinh nghiệm của Chương trình này điều phối, với sự hợp tác chặt chẽ của các đồng nghiệp ở các trường đại học hay viện nghiên cứu thuộc Đại học Harvard và các chuyên gia trong khu vực tư nhân ở Việt Nam. Các công trình nghiên cứu về lĩnh vực này của FETP có tính phê bình cao trên tinh thần khoa học và xây dựng, góp phần nhận dạng vấn đề chính sách công của Việt Nam một cách khách quan và chính xác hơn cũng như đưa ra những khuyến nghị chính sách thích hợp và hiệu quả hơn.

Tham gia hỗ trợ đối thoại chính sách
+ Phối hợp tổ chức Chương trình lãnh đạo quản lý cao cấp Việt Nam 2012 (VELP)

Chương trình này được tổ chức dựa trên sáng kiến của Chính phủ Việt Nam, Chương trình Phát triển Liên hiệp Quốc và Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard nhằm tạo ra một diễn đàn cho các nhà hoạch định chính sách cấp cao và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam tham gia đối thoại dựa trên những nghiên cứu thực tiễn về các thách thức chính sách đối với Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.

Năm 2012, Chương trình này được tổ chức tại Trường Harvard Kennedy từ ngày 13-17/2. Đoàn cán bộ của Việt Nam với hơn 20 nhà hoạch định chính sách cao cấp cao đã tham gia Chương trình này. Các thành viên của đoàn Việt Nam tham dự VELP đã có những đánh giá cao đối với Chương trình này ở những khía cạnh, như:

  • VELP đã cung cấp những quan điểm và nhận thức mới, sâu sắc về những vấn đề kinh tế thế giới, nhất là các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU – vốn đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam;
  • VELP là cơ hội để học hỏi và phản ảnh quan điểm trong một không gian thư giãn tại khuôn viên Trường Haravard Kennedy – một trong những trường đại học danh tiếng nhất thế giới;
  • Thông qua VELP, các thành viên có thể lắng nghe, đặt câu hỏi và thảo luận với những chuyên gia hàng đầu thế giới về các lĩnh vực liên quan;
  • VELP đã giúp nhìn nhận lại những giả định của các nhà hoạch định chính sách về nền kinh tế Việt Nam, nhất là những yếu tố liên quan đến triển vọng duy trì tăng trưởng cao.
+ Phối hợp tổ chức Diễn đàn chính sách công châu Á

Diễn đàn Chính sách công châu Á là sự kiện hằng năm quy tụ các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo từ các khu vực kinh doanh và xã hội dân sự để cùng thảo luận về các vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong khu vực. Mục tiêu của diễn đàn là thúc đẩy sự tương tác giữa các tổ chức nghiên cứu hàng đầu, thông qua đó khuyến khích việc chia sẻ thông tin và đổi mới, sáng tạo chính sách và các vấn đề được quan tâm khác. Sáng kiến tổ chức diễn đàn này là Chương trình Indonesia tại Trường Harvard Kennedy.

Năm 2014, Diễn đàn này được tổ chức với chủ đề “Giao thông đô thị và sử dụng đất tại các thành phố đang phát triển nhanh ở châu Á” trong hai ngày 05 và 06/6/2014 tại Thành phố Hồ Chí Minh với sự phối hợp của Chương trình Indonesia tại Trường Harvard Kennedy và FETP.

Tài liệu tham khảo:
1. http://www.hks.harvard.edu.
2. http://www.fetp.edu.vn

ThS. Đoàn Kim Huy
Học viện Hành chính Quốc gia