Những điểm mới của chính sách tinh giản biên chế hiện nay

(QLNN) – Nghị định số 113/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế có nhiều điểm mới đáng chú ý, được bổ sung theo hướng mở rộng đối tượng tinh giản biên chế để đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế và phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương chủ động trong việc thực hiện tinh giản biên chế.

Ảnh minh họa (Nguồn: https://luatvietnam.vn).

1. Sau hơn 1 năm thực thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 06/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, đến nay công tác này đã đạt được nhiều kết quả. Đến nay, đa số các bộ, ngành, địa phương đã phê duyệt Đề án tinh giản biên chế của từng cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý và Đề án tinh giản biên chế bộ, ngành, địa phương mình giai đoạn 2016 – 2021 và của từng năm theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Quyết định số 2218/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW và Chỉ thị số 02/CT-TTg.

Cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh được sắp xếp, kiện toàn theo hướng thu gọn đầu mối (giảm số phòng và chi cục thuộc Sở), giảm một số cơ quan cấp huyện do địa phương sắp xếp, thu gọn đầu mối, chẳng hạn: TP Hà Nội giảm 3 Phòng Dân tộc, Lào Cai giảm 9 Phòng Y tế, Bắc Kạn giảm 16 phòng Y tế và Phòng Dân tộc…

Đặc biệt, tính từ năm 2015 đến ngày 28/02/2018, tổng số người tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP là 34.663 người, trong đó, năm 2015 là 5.778 người, năm 2016 là 11.923 người, năm 2017 là 12.660 người và 2 tháng đầu năm 2018 là 4.302 người1.

Bên cạnh những kết quả đó, đến nay vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương chưa phê duyệt Đề án tinh giản biên chế của bộ, ngành, địa phương mình giai đoạn 2016 – 2021 và một số bộ, ngành, địa phương đã phê duyệt Đề án tinh giản biên chế nhưng kết quả thực hiện tinh giản biên chế còn thấp.

Một số địa phương sử dụng biên chế công chức vượt so với chỉ tiêu biên chế công chức được Trung ương giao hằng năm, trong đó đặc biệt tình trạng tự ký hợp đồng làm chuyên môn, nghiệp vụ trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập vẫn diễn ra phổ biến ở các bộ, ngành, địa phương. Công tác thống kê, báo cáo về quản lý, sử dụng biên chế công chức, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập tại một số bộ, ngành, địa phương chưa kịp thời.

Khắc phục những hạn chế kể trên và triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Bộ Nội vụ đã xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế. Đến ngày 31/08/2018, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP đã được Chính phủ chính thức ban hành về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế.

2. Nghị định số 113/2018/NĐ-CP có nhiều điểm mới đáng chú ý, được bổ sung theo hướng mở rộng đối tượng tinh giản biên chế để đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế và phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương chủ động trong việc thực hiện tinh giản biên chế, cụ thể:

Thứ nhất, bổ sung trường hợp tinh giản biên chế:

Nghị định bổ sung thêm đối tượng tinh giản biên chế là: Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ do sắp xếp tổ chức bộ máy theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý. Bên cạnh đó, Nghị định cũng bổ sung thêm các trường hợp tinh giản biên chế, gồm: Những người đã là cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền điều động sang công tác tại các hội được giao biên chế và ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí để trả lương nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

– Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức được phân loại, đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 01 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp.

– Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, viên chức có 01 năm được phân loại đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp.

– Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, mỗi năm có tổng số ngày nghỉ làm việc là số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại Khoản 1 Điều 23 Luật Bảo hiểm xã hội, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định hiện hành.

Ngoài ra, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP còn sửa đổi một số đối tượng tinh giản biên chế đã quy định tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP. Trong đó có trường hợp những người đã là cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền cử tham gia quản lý hoặc đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước mà dôi dư do cơ cấu lại doanh nghiệp đó.

Thứ hai, về quản lý và sử dụng số biên chế đã thực hiện tinh giản:

Tại Điều 5 của Nghị định này quy định theo hướng: Các cơ quan, tổ chức, đơn vị được sử dụng tối đa 50% số biên chế đã thực hiện tinh giản và giải quyết chế độ nghỉ hưu đúng tuổi hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật để tuyển dụng mới công chức, viên chức và lao động hợp đồng, bảo đảm thực hiện tinh giản biên chế theo đúng quy định của Đảng và của pháp luật. Trường hợp Bộ, ngành, địa phương được thành lập tổ chức mới hoặc được cấp có thẩm quyền giao thêm chức năng, nhiệm vụ, thì Bộ, ngành, địa phương tự cân đối trong tổng biên chế được cấp có thẩm quyền giao để bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.”

Quy định này cũng nhằm bảo đảm để các cơ quan, đơn vị thực hiện đúng chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Kết luận số 17-KL/TW ngày 11/9/2017 của Bộ Chính trị về tình hình thực hiện biên chế, tinh giản biên chế của các tổ chức trong hệ thống chính trị năm 2015-2016, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2017-2021.

Thứ ba, bổ sung cách tính trợ cấp:

Nghị định số 113/2018/NĐ-CP quy định về cách tính trợ cấp cụ thể như sau: Thời điểm được dùng làm căn cứ để tính đủ tuổi đời hưởng chế độ, chính sách nghỉ hưu trước tuổi là ngày 01 tháng sau liền kề với tháng sinh của đối tượng; trường hợp trong hồ sơ của đối tượng không ghi rõ ngày, tháng sinh trong năm thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm sau liền kề với năm sinh của đối tượng.

Thời gian để tính trợ cấp là thời gian làm việc trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và các hội được tính hưởng bảo hiểm xã hội và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (theo sổ bảo hiểm xã hội của mỗi người), nhưng chưa hưởng trợ cấp thôi việc hoặc chưa hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần hoặc chưa hưởng chế độ phục viên, xuất ngũ. Nếu thời gian tính trợ cấp có tháng lẻ thì được tính tròn theo nguyên tắc dưới 3 tháng thì không tính; từ đủ 3 tháng đến đủ 6 tháng tính là 1/2 năm; từ trên 6 tháng đến dưới 12 tháng tính tròn là 1 năm.

Nghị định cũng quy định, trường hợp thực hiện tinh giản biên chế không đúng đối tượng theo quy định của pháp luật, người đã hưởng chính sách tinh giản biên chế và cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý trực tiếp người đó có trách nhiệm như sau:

–  Người đã hưởng chính sách tinh giản biên chế phải hoàn trả số tiền đã thực nhận khi thực hiện chính sách, chế độ tinh giản biên chế theo quy định. Trường hợp người đó đã mất trong thời gian nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì sẽ không phải hoàn trả kinh phí đã nhận, số kinh phí này sẽ do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý trực tiếp người đó sử dụng kinh phí thường xuyên để thanh toán, ngân sách nhà nước không bổ sung kinh phí.

– Cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý trực tiếp người thực hiện tinh giản biên chế có trách nhiệm: Thông báo cho cơ quan bảo hiểm xã hội dừng thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội cho người thực hiện tinh giản biên chế không đúng quy định; chuyển cho cơ quan bảo hiểm xã hội số kinh phí đã chi trả cho người thực hiện tinh giản biên chế trong thời gian hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế); chi trả cho người thực hiện tinh giản biên chế số tiền chênh lệch giữa chế độ người đó được hưởng theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức với chế độ người đó đã hưởng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; thanh toán cho các tổ chức liên quan các chế độ cán bộ, công chức, viên chức được hưởng theo quy định; chịu trách nhiệm thu hồi tiền hưởng chế độ, chính sách tinh giản biên chế đã cấp cho cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ tư, về trình tự thực hiện tinh giản biên chế:

Nghị định số 113/2018/NĐ-CP sửa lại quy định về trình tự thực hiện tinh giản biên chế theo hướng: Các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức lập danh sách và dự toán số tiền trợ cấp cho từng đối tượng tinh giản biên chế trình bộ, ngành, địa phương.

Bộ, ngành, địa phương chủ động phê duyệt danh sách đối tượng tinh giản biên chế và tạm ứng kinh phí từ nguồn chi ngân sách thường xuyên hàng năm để thực hiện việc chi trả các chế độ, chính sách cho đối tượng tinh giản biên chế. Định kỳ 2 lần/năm, bộ, ngành, địa phương gửi Bộ Nội vụ để kiểm tra về đối tượng và kết quả thực hiện tinh giản biên chế và gửi Bộ Tài chính để kiểm tra, quyết toán và bổ sung kinh phí (nếu có).

Căn cứ báo cáo về đối tượng và kết quả tinh giản biên chế của bộ, ngành, địa phương, Bộ Nội vụ có ý kiến bằng văn bản gửi bộ, ngành, địa phương và Bộ Tài chính về việc thực hiện tinh giản biên chế của bộ, ngành, địa phương đó để Bộ Tài chính kiểm tra và quyết toán kinh phí thực hiện tinh giản biên chế của bộ, ngành, địa phương.

Mặt khác, Nghị định còn bổ sung quy định xác định ngày, tháng được dùng làm căn cứ để tính chế độ chính sách về hưu trước tuổi để bảo đảm thống nhất với Nghị định số 46/2010/NĐ-CP ngày 27/4/2010 của Chính phủ quy định về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức./.

Chú thích:
1. Kim Thanh, Bộ Nội vụ đề xuất mở rộng đối tượng tinh giản biên chế, http://www.dangcongsan.vn, ngày 02/04/2018.

Tài liệu tham khảo:
1. Quang Phong, Người hưởng chính sách tinh giản biên chế sai đối tượng phải hoàn trả tiền, ngày 05/09/2018.
2. Bổ sung trường hợp tinh giản biên chế, http://vpcp.chinhphu.vn, ngày 04/09/2018.

 TS. Đoàn Nhân Đạo
Học viện Hành chính Quốc gia