Lãnh đạo – đổi mới tư duy và tầm nhìn trong kỷ nguyên chuyển đổi số

(QLNN) – Trí thông minh – sáng tạo – sự khác biệt là những đặc trưng của người lãnh đạo trong kỷ nguyên chuyển đổi số. Đứng trước các cơ hội và thách thức mà cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại, nhà lãnh đạo buộc phải đổi mới tư duy và tầm nhìn lãnh đạo để dẫn dắt nền kinh tế trong cuộc đua kinh tế – công nghệ toàn cầu.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34. (Nguồn: TTXVN)

Công nghệ số, tư duy và tầm nhìn lãnh đạo

Khoảng cách số, công nghệ số đã và đang đặt ra yêu cầu đối với lãnh đạo cần có một tinh thần quản trị của một doanh nhân.

Liên quan đến thể chế và quản trị trong kỷ nguyên chuyển đổi số hiện nay đang đòi hỏi Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn, mạnh hơn cho cơ sở hạ tầng công nghệ số. Bởi lẽ, công nghệ số sẽ đem lại cho người dân nhiều cách làm ăn mới để tăng thu, tăng sự hiểu biết lẫn nhau, tăng tri thức cho người dân một cách tự nhiên; ngoài ra, công nghệ số cũng tạo cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả hơn. Do đó, Việt Nam cần khuyến khích và tạo động lực hơn nữa cho các doanh nghiệp kinh doanh trong nền công nghệ số, trong nền kinh tế chia sẻ như Uber, Grap,…

Trong 8 tháng đầu năm 2018, nền kinh tế chia sẻ đã huy động được gần 2 tỷ USD cho doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng của công nghệ số1. Trong khi đó, Việt Nam lại đang có vẻ như cố gắng hạn chế các loại hình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số. Thực tế này đã đặt ra yêu cầu, Việt Nam cần suy xét lại về vấn đề chính sách, tư duy và tầm nhìn của lãnh đạo trước yêu cầu đặt ra của kỷ nguyên chuyển đổi số.

Đối với khối lãnh đạo doanh nghiệp cần phải xây dựng được một nền tảng số để kinh doanh và quản lý trên nền tảng số hóa, tự động hóa. Người lãnh đạo trong kỷ nguyên chuyển đổi số phải có tư duy nhanh nhạy, thích ứng, dám làm, dám chịu trách nhiệm và phải tự mình chuyển đổi để dẫn dắt được nhiều người khác.

Đối với nhóm lãnh đạo địa phương dù đang có rất nhiều thuận lợi từ nền công nghệ số nhưng thách thức lại nằm trong sự hạn chế năng lực và sự hiểu biết của chính họ; đồng thời cũng chưa có được kênh thông tin mở để chia sẻ quan điểm giữa các nhóm lãnh đạo ở địa phương; chưa có sự ghi nhận chính thức về các thông tin được chia sẻ…

Chính vì vậy, để tạo ra được các ý tưởng mới đến từ nhóm các nhà lãnh đạo địa phương của Việt Nam, đòi hỏi cần phải đưa các nhóm lãnh đạo địa phương này tham gia bàn luận và giao cho họ tự xây dựng các mối quan hệ phối hợp, chia sẻ thông tin, tạo ra được thông tin tốt, sự chia sẻ đáng tin cậy, tìm thấy được sự đổi mới trong tin tưởng nhằm thực hiện tối ưu các giải pháp, thực hiện cách tân trong thực thi chính sách; đặc biệt đối với Việt Nam và khu vực châu Á.

Trong nhóm lãnh đạo hiện nay, tác động của công nghệ số đã giúp chúng ta thấy rõ, điểm nghẽn và cản trở đến tư duy đổi mới, tính sáng tạo chính là sự bảo thủ và tính cục bộ của từng bộ, ngành, địa phương. Bảo thủ ở đây chính là chọn cách làm dễ nhất đối với các ngành, các địa phương và đẩy phần khó cho người dân, doanh nghiệp. Còn tính cục bộ thể hiện ở những việc đòi hỏi có sự phối hợp liên ngành, đa ngành hoặc trong những vấn đề mà chính sách có sự giao thoa thì rất khó thực hiện.

Câu chuyện sửa đổi Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô do Bộ Giao thông – Vận tải chủ trì là một ví dụ. Dự thảo mới nhất sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP do Bộ Giao thông – Vận tải đưa ra vẫn tiếp tục chọn phương án đưa Grab, Goviet và các hãng taxi công nghệ khác nằm chung trong cách quản lý với các hãng taxi truyền thống; mặc dù đa số các ý kiến đều phản bác lại quan điểm này và cho rằng nên coi các hãng taxi công nghệ như dạng dịch vụ xe hợp đồng hoặc nên tạo dựng một khu vực riêng dành cho các hãng taxi này với chính sách và cách quản lý riêng, có thể là mới hoàn toàn, khác với kiểu quản lý của các hãng taxi truyền thống.

Tuy nhiên, Bộ Giao thông – Vận tải vẫn giữ quan điểm để tạo thuận lợi cho việc quản lý nên ghép chung các hãng Grab, Goviet,… với các hãng taxi truyền thống như một điều đương nhiên trong hoạch định chính sách.

Lãnh đạo trong kỷ nguyên chuyển đổi số

Trí thông minh – sáng tạo – sự khác biệt là những đặc trưng của người lãnh đạo trong kỷ nguyên chuyển đổi số.

Thực tế cho thấy, nếu người lãnh đạo chỉ tập trung vào sai lầm và đổ lỗi, sẽ triệt tiêu sức sáng tạo. Do vậy, cần và nên tập trung vào điều gì là quan trọng? Câu trả lời là nên tập trung vào nguyên nhân gốc, nguyên nhân mang tính bản chất để giải quyết thất bại nếu có chứ không nên tập trung vào xem xét lỗi và đổ lỗi như ở các bộ, ngành ở Việt Nam trong một số vấn đề hiện nay.

Trí thông minh và cách đánh giá của người lãnh đạo chính là cốt lõi giá trị của lãnh đạo, tư duy, tầm nhìn trong kỷ nguyên chuyển đổi số.

Trong thực tế, chẳng hạn như ở lĩnh vực tài chính, ngân hàng, một câu hỏi được đặt ra đó là: làm thế nào để các ngân hàng hiện nay hợp tác kinh doanh chứ không phải cạnh tranh để tạo ra sự hỗn loạn trong nền kinh tế? Điều này, chúng ta cần dựa vào nền tảng tri thức, chia sẻ tri thức, song vẫn rất cần có sự gặp gỡ hợp tác để cùng nhau, vì xét cho đến cùng, chúng ta là con người, do đó không thể dùng hoàn toàn các giải pháp công nghệ hoặc trí thông minh công nghệ để làm việc và đòi hỏi hay mong muốn có sự hợp tác. Chính vì lẽ đó, chúng ta vẫn rất cần phải có sự gặp gỡ, mặt đối mặt để chia sẻ và cùng hợp tác.

Chúng ta cần dùng công cụ nào để đánh giá và đo lường trí thông minh? Câu trả lời là cần đánh giá theo từng tiêu chí mà có thể là tiêu chí định tính hay định lượng.

Đối với câu hỏi, làm thế nào để cơ quan nhà nước có thể hoạt động trong kỷ nguyên số? Điều này đòi hỏi các cơ quan hành chính nhà nước phải có phương án dự báo, quản trị rủi ro và đây là phương án, song cũng chính là giải pháp cho các cơ quan hành chính.

Chính vì vậy, sự đổi mới, cách tân được coi là một khoa học và cần sự phối hợp thực thi của hệ thống các giải pháp. Trong đó, từ góc độ nghiên cứu của tổ chức xã hội để phân tích dữ liệu, so sánh cách hành xử, hành vi trong xã hội đối với việc cách tân, đổi mới trong hệ thống. Tiếp đó là lãnh đạo bằng những chuẩn mực; thực hiện cải cách thủ tục hành chính và coi đây là giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ ký Quy chế phối hợp trong công tác xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử giữa Văn phòng Chính phủ với Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 20/9/2018. (Ảnh: TTXVN)
Lãnh đạo và sự sáng tạo

Vấn đề hiện nay mà các nhà lãnh đạo Việt Nam đang quan tâm, đó là làm thế nào để tối ưu hoá nền kinh tế toàn cầu; làm thế nào có được sự sẵn sàng của các tổ chức trong nền kinh tế toàn cầu và tăng cường đối thoại chính sách giữa các đối tác; có được sự phối hợp trong thực hiện các giải pháp tổng thể của cả hệ thống.

Trước hết phải hiểu rằng, lãnh đạo chính là nhạc trưởng cho sự cách tân, đổi mới và luôn đặt ra câu hỏi phải làm gì? Và, người lãnh đạo trong kỷ nguyên chuyển đổi số cần phải là người tạo được động lực, có tri thức, tạo thuận lợi cho tri thức, chia sẻ tri thức, tạo được nền tảng cho tri thức, xây dựng được mối quan hệ phối hợp thực hiện các giải pháp tổng thể để thực hiện cách tân, đổi mới.

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 trong xu hướng kinh doanh trên nền tảng số sẽ tạo sự xung đột rất gay gắt giữa mô hình truyền thống và xu hướng kinh doanh mới. Uber, Grab đã và đang là một hiện tượng của xu hướng kinh doanh mới, bản chất là chia sẻ nền kinh tế số; dù muốn hay không sẽ vẫn tồn tại. Và theo đó: đừng vì một hiện tượng mà ngăn cản những xu hướng kinh doanh mới, những phương thức kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ mới có thể chưa được khuyến khích mạnh và chịu những rào cản kỹ thuật nào đó nhưng không có nghĩa là triệt tiêu nó2.

Các nhà hoạch định chính sách và quản lý nhà nước cũng phải suy nghĩ theo thị trường, theo sự phát triển của công nghệ, đáp ứng, phù hợp với phương thức kinh doanh mới chứ không phải dùng chính sách hay thủ tục hành chính để can thiệp.

Chú thích:
1, 2. Đón đầu cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0.http://kinhtedothi.vn, ngày 04/3/2019.
 
ThS. Nguyễn Thị Thuý Vân
Học viện Hành chính Quốc gia