Một số giải pháp chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế ở huyện Văn Lâm

(QLNN) – Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế là một yêu cầu tất yếu của các nền kinh tế trong quá trình phát triển. Kể từ khi tái lập tỉnh Hưng Yên và huyện Văn Lâm (năm 1997) đến nay, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn đã có sự thay đổi theo hướng tích cực, phù hợp với động thái phát triển kinh tế của cả nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập huyện Văn Lâm. Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Đỗ Tiến Sỹ trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Văn Lâm (Ảnh: https://baotintuc.vn).

Kể từ khi tái lập tỉnh Hưng Yên và huyện Văn Lâm (năm 1997) đến nay, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế (CCKT) trên địa bàn đã có sự thay đổi theo hướng tích cực, phù hợp với động thái phát triển kinh tế của cả nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNHHĐH).

Cụ thể, giá trị và tỷ trọng của các ngành kinh tế trong huyện chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp và giảm nông nghiệp. Nếu như năm 2005, nông nghiệp chiếm tỷ trọng 14,82%, thì đến năm 2015 giảm xuống còn 5,64%. Trong khi đó, ngành công nghiệp tăng từ 73,09% năm 2005 lên 82,44% năm 2015; ngành dịch vụ giảm từ 12,09% năm 2005 xuống còn 11,92% năm 2015. Điều này cho thấy kinh tế của huyện đang chuyển dịch nhanh sang kinh tế công nghiệp và dịch vụ, trong đó trọng tâm phát triển là công nghiệp1.

Công ty ACECOOK Việt Nam có nhà máy tại huyện Văn Lâm, Hưng Yên ( ảnh: Xuân Trường, http://congnghieptieudung.vn)

Ngành công nghiệp và xây dựng của huyện Văn Lâm có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất. Xét về tỷ trọng đóng góp, tiểu ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện có tỷ trọng đóng góp tăng cao nhất, từ mức 0,01% năm 2005 lên mức 0,23% năm 2015, tức là đã tăng 20 lần2. Lý giải cho vấn đề này là do  ngành công nghiệp và xây dựng trong thời gian qua có tốc độ tăng trưởng cao dẫn đến nhu cầu tiêu thụ về điện năng tăng cao.

Ngành nông nghiệp và thủy sản hiện nay ngày càng giảm tỷ trọng trong CCKT của huyện. Điều này tác động rất lớn đến các tiểu ngành trong nội bộ ngành nông nghiệp và thủy sản. Về cơ cấu trong ngành nông nghiệp, tiểu ngành trồng trọt có xu hướng giảm nhẹ từ 53,64% năm 2005 xuống còn 45,62% năm 20153. Nguyên nhân của việc giảm nhẹ này là do đất nông nghiệp bị thu hồi cho các ngành công nghiệp, quá trình đô thị hóa tăng nhanh3.

Đất trồng nông nghiệp ngoài việc giảm một lượng đáng kể do chuyển sang các mục đích phi nông nghiệp thì diện tích còn lại chủ yếu được chuyển sang đất trồng cây hằng năm khác… Tương tự, trong ngành thủy sản không có biến động nhiều, việc khai thác thủy sản có giảm nhẹ từ 1,53% năm 2010 xuống còn 1,46% năm 2015; còn nuôi trồng thủy sản cũng ổn định ở mức trên 98% cho cả giai đoạn 2005 -2015 4.

Về chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành dịch vụ cũng có sự thay đổi lớn. Tổng giá trị ngành dịch vụ – thương mại bình quân hằng năm tăng 11,75%. Hiện toàn huyện có 3 siêu thị, 7 chợ, xây mới 3 chợ Lipsap, 30 chợ thôn và 5.540 cơ sở hộ gia đình, tạo việc làm cho 8.087 lao động 5.

Các ngành dịch vụ, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm ngày càng mở rộng và phát triển với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Nhiều loại hình dịch vụ mới được hình thành, cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ các khu, cụm công nghiệp và sinh hoạt của nhân dân.

Hoạt động ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn ngày càng được mở rộng và phát huy hiệu quả, đa dạng hóa các hình thức cho vay với cơ chế lãi suất linh hoạt, cơ bản đáp ứng nhu cầu vay vốn phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế, như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội và 5 quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn, đã góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất – kinh doanh của các hộ và các thành phần kinh tế.

Dịch vụ bưu chính – viễn thông phát triển nhanh, chất lượng và phương thức phục vụ không ngừng được nâng cao. Hiện nay, ngành dịch vụ Văn Lâm có xu hướng chuyển dịch sang thương mại, khách sạn, nhà hàng, vận tải, kinh doanh bất động sản… Dịch vụ thương mại chiếm vị trí thứ nhất và có xu hướng gia tăng. Dịch vụ vận tải có sự tăng giảm thất thường trong suốt thời kỳ với tỷ trọng những năm gần đây là 15,54%  6.

Như vậy, cơ cấu ngành dịch vụ chủ yếu tập trung vào các dịch vụ thương mại bán buôn, bán lẻ, sửa chữa… Các dịch vụ truyền thống, các dịch vụ trung gian, chất lượng cao, hàm lượng tri thức nhiều, góp phần thúc đẩy các hoạt động sản xuất như khoa học – công nghệ, tài chính, ngân hàng, viễn thông…

Tuy nhiên, trong giai đoạn này vẫn còn một số vấn đề đặt ra, cụ thể là:

Thứ nhất, về cơ cấu các ngành chuyển dịch chưa thực sự cân đối theo hướng CNHHĐH.

Ngành nông nghiệp phát triển ổn định và chuyển dịch nhanh nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra. Về ngành nghề dịch vụ trong nông thôn kém phát triển, các kỹ thuật tiên tiến áp dụng trong nông nghiệp còn hạn chế…

Sản xuất và cơ cấu ngành công nghiệp có sự chuyển dịch khá nhanh nhưng vẫn phản ánh trình độ phát triển thấp. Tăng trưởng kinh tế vẫn phụ thuộc chủ yếu vào một số ngành công nghiệp, như: sản xuất lắp ráp ô tô Cửu Long, Thép Việt Ý, sản xuất linh kiện điện tử; các ngành công nghiệp khác quy mô còn nhỏ và manh mún. Tỷ trọng công nghiệp cơ khí, chế tạo, công nghiệp sạch còn thấp và chưa có định hướng rõ để thu hút đầu tư nước ngoài. Thị trường và khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm công nghiệp còn yếu. Năng suất lao động trong ngành công nghiệp còn thấp, trình độ quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu.

Thứ hai, chuyển dịch các ngành chủ yếu về mặt lượng mà chưa chú trọng đúng mức về mặt chất.

Hiện vẫn chủ yếu dựa vào sự mở rộng đầu tư và tận dụng lao động, tài nguyên thiên nhiên, chưa chú trọng đúng mức chuyển đổi theo chiều sâu dựa vào tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và dịch vụ gắn với đổi mới khoa học và công nghệ. Theo đó, sự chuyển dịch giữa các ngành kinh tế trên địa bàn huyện được đánh giá chưa thực sự ổn định và bền vững. Điều này dẫn đến tính bền vững của chuyển dịch CCKT của Văn Lâm không cao, nhất là tỷ trọng các ngành nông nghiệp, thủy sản thay đổi theo chiều hướng giảm khi có tác động tiêu cực của thời tiết hay dịch bệnh.

Để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành kinh tế ở huyện Văn Lâm theo hướng CNHHĐH, cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau đây:

Thứ nhất, hoàn thiện công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của huyện. Trong đó, cần thực hiện các biện pháp như:

(1) Rà soát và hoàn chỉnh lại những quy hoạch đã được xây dựng và phê duyệt; trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, tích cực xúc tiến việc xây dựng và hoàn thiện quy hoạch các ngành và các khu vực.

(2) Xây dựng và hoàn thiện quy hoạch CCKT và quy hoạch phát triển các ngành có tính toàn diện và có tầm nhìn xa. Trong việc xây dựng quy hoạch, cần xác định danh mục các ngành chủ lực, các sản phẩm chủ lực từng thời kỳ để đưa ra kịp thời danh mục các ngành mũi nhọn, sản phẩm mũi nhọn làm căn cứ cho phân bổ các nguồn lực.

(3) Xây dựng quy hoạch  cần có thông tin định hướng, dự báo về đầu ra thị trường, về các cân đối lớn và các giải pháp thực hiện khả thi. Kịp thời điều chỉnh phù hợp với những diễn biến khó lường trong quá trình chuyển dịch CCKT.

(4) Tăng cường kết hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước huyện và doanh nghiệp trong việc xây dựng và thực hiện quy hoạch cơ cấu ngành.

(5) Khuyến khích doanh nghiệp thực hiện quy hoạch “mềm” bằng việc đưa ra sự lựa chọn sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, trên cơ sở quy hoạch chung và không trái pháp luật.

(6) Tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với yêu cầu, điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Thứ hai, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Đây được coi là một trong những giải pháp quan trọng trong quá trình chuyển dịch CCKT của Văn Lâm, bao gồm: (1) Tổ chức, thu thập và xử lý các thông tin về thị trường; tích cực củng cố và gây dựng niềm tin từ những thị trường hiện có và chủ động tìm kiếm các thị trường mới. (2) Phát triển và mở rộng cả thị trường trong nước (trong và ngoài tỉnh) và thị trường nước ngoài; thị trường truyền thống và thị trường phi truyền thống.

Tăng cường nghiên cứu thị trường, thâm nhập thị trường để nắm bắt nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng thông qua sản phẩm, giá cả, kênh phân phối, thông tin quảng cáo, kết quả nghiên cứu thị trường… (3) Thực hiện liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp chế biến nông sản, đa dạng hóa và mở rộng các kênh tiêu thụ nông sản nhằm bảo đảm ổn định đầu ra cho nông sản và xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh ở huyện.

Thứ ba, tăng cường ứng dụng khoa học – công nghệ.

Trong đó, tập trung nghiên cứu ứng dụng, phổ cập tiến bộ về khoa học – công nghệ; gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với các trung tâm và viện nghiên cứu. Thực hiện chuyển giao công nghệ qua hợp đồng đặt hàng, công trình khoa học – kỹ thuật và công nghệ có tính thực tiễn cao. Phát triển công nghệ thông tin, tăng cường trao đổi qua mạng nội bộ và hệ thống internet để có được các thông tin nhanh chóng, kịp thời, tin cậy phục vụ cho công tác quản lý, quy hoạch, kế hoạch…

Khuyến khích các doanh nghiệp dùng quỹ đầu tư phát triển cho nghiên cứu, đổi mới cải tiến công nghệ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Động viên các doanh nghiệp tăng cường công tác nghiên cứu và triển khai các ứng dụng mới nhằm tạo ra những sản phẩm mới có giá trị cao. Đồng thời, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất – kinh doanh để phát triển sản xuất công nghiệp – xây dựng, dịch vụ và nông nghiệp.

Chú thích:
1, 2, 3, 4, 6. UBND huyện Văn Lâm, Hưng Yên. Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2016 và mục tiêu, nhiệm vụ năm 2017.
5. Huyện Văn Lâm: Công nghiệp – động lực cho phát triển nhanh, bền vững. http://www.congnghieptieudung.vn

TS. Nguyễn Trọng Nghĩa
Trường Đại học Tài chính – Quản trị kinh doanh