Quản lý nhà nước về di tích quốc gia đặc biệt vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay

(QLNN) – Vùng đồng bằng sông Hồng là vùng có dân cư đông đúc và lịch sử phát triển lâu đời, cũng là nơi có số lượng lớn di tích quốc gia đặc biệt. Các di tích quốc gia đặc biệt đã góp phần quan trọng để phát triển du lịch, trở thành những điểm du lịch hấp dẫn trong đời sống văn hóa của nhân dân, đã và đang đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng.

                                      

Vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), bao gồm 11 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quảng Ninh), là vùng có dân cư đông đúc và lịch sử phát triển lâu đời, cũng là nơi có số lượng lớn di tích quốc gia đặc biệt (QGĐB), bao gồm nhiều loại hình di tích tín ngưỡng, tôn giáo và danh lam thắng cảnh của đất nước. Trong thời gian qua, hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích được xã hội quan tâm, coi trọng.

Khái quát về di tích quốc gia đặc biệt vùng đồng bằng sông Hồng

Qua việc tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật truyền thống của dân tộc, có thể thấy, hệ thống các di vật trong di tích phong phú và đa dạng về chủng loại, số lượng lớn, phong phú về chất liệu (bao gồm các di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ, danh lam thắng cảnh). Tính đến ngày 31/12/2015, cả nước có 73 di tích QGĐB, trong đó vùng ĐBSH có 32 di tích, chiếm 43,83%.

Cụ thể, ở Hà Nội, có di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Văn Miếu – Quốc Tử Giám; di tích Cổ Loa, là tòa thành cổ nhất, to lớn nhất của Việt Nam thời cổ đại; di tích đền Hai Bà Trưng; đền Hát Môn; đền Phù Đổng và đền Sóc (nơi tưởng niệm Thánh Gióng); Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn (biểu tượng về lịch sử, văn hóa, cảnh quan của Thủ đô Hà Nội); Đình Tây Đằng (di tích kiến trúc nghệ thuật dân gian của thế kỷ XVI); chùa Tây Phương; chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Các mang những giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo.

Ở Hưng Yên, có khu di tích Phố Hiến là dấu tích của một đô thị cổ ẩn chứa nhiều nét khác biệt.

Bắc Ninh có chùa Bút Tháp là một công trình kiến trúc Phật giáo tiêu biểu cho dạng thức chùa trăm gian của thế kỷ XVII;chùa Phật Tích có giá trị văn hóa – nghệ thuật đặc sắc, có pho tượng Phật cổ được công nhận là bảo vật quốc gia.

Nam Định có đền Trần và chùa Phổ Minh là di tích tiêu biểu trong hệ thống di tích lịch sử thời Trần.

Di tích kiến trúc nghệ thuật Chùa Keo ở Thái Bình là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc hàng đầu trong hệ thống chùa của người Việt còn lại đến nay.

Các di tích danh lam thắng cảnh Tràng An – Tam Cốc – Bích Động ở Ninh Bình đặc biệt nổi bật với cảnh quan thiên nhiên đẹp, hài hòa về sông, núi, các hang động ngập nước quanh năm với thảm động thực vật còn hoang sơ nguyên vẹn.

Danh lam thắng cảnh Tam Cốc – Ninh Bình ( Ảnh: Internet).

Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Bình Sơn ở tỉnh Vĩnh Phúc tiêu biểu độc đáo về kỹ thuật xây dựng tài tình của ông cha ta thời xưa; di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Tây Thiên, một vùng sinh thái thắng cảnh thiên nhiên trời phú.

Ở Hải Phòng có di tích danh lam thắng cảnh quần đảo Cát Bà.

Ở tỉnh Quảng Ninh có di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử; di tích lịch sử Bạch Đằng, là dấu mốc trận chiến lớn nhất của quân và dân nhà Trần trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông năm 1288; khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều được xem như là một trung tâm lịch sử, văn hóa tâm linh đặc biệt tiêu biểu, còn lưu giữ được những sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo gắn với triều đại nhà Trần; danh lam thắng cảnh Vịnh Hạ Long có giá trị toàn cầu nổi bật về giá trị thẩm mỹ, khoa học địa chất, địa mạo và lịch sử, khảo cổ.

Tổ chức bộ máy quản lý

Hiện nay, ở mỗi di tích QGĐB nêu trên đều có đơn vị quản lý riêng. Bộ máy tổ chức quản lý di tích (QLDT) cũng rất khác nhau, có đơn vị QLDT QGĐB trực thuộc bộ, UBND tỉnh, thành phố hoặc trực thuộc UBND cấp huyện, thị xã; có nơi là đơn vị quản lý là UBND cấp xã, phường, thị trấn.

Đơn cử, như ở Hà Nội: Trung tâm Bảo tồn khu di tích Hoàng thành Thăng Long và khu di tích lịch sử thành Cổ Loa trực thuộc UBND thành phố Hà Nội; Trung tâm hoạt động văn hóa – khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám trực thuộc Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch (VHTTDL); Ban Quản lý Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch trực thuộc Bộ VHTTDL quản lý. Tại khu di tích Cổ Loa, cơ quan quản lý trực tiếp khu di tích cũng chỉ quản lý được các di tích đền An Dương Vương và đình Ngự Triều Di Quy và Am Mỵ Châu. Các di tích khác do chính quyền địa phương trực tiếp quản lý…

Tỉnh Quảng Ninh, Ban QLDT – danh thắng Yên Tử (trước đây) nay là Trung tâm QLDT – danh thắng Yên Tử trực thuộc UBND thành phố Uông Bí và Ban quản lý các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh. Di tích tại khu di tích nhà Trần tại Đông Triều chưa có Ban quản lý thống nhất, di tích đền An Sinh do Phòng Văn hóa – Thông tin trực tiếp quản lý; đền thờ và lăng mộ các vua Trần giao UBND xã quản lý, chùa giao cho nhà sư trụ trì quản lý. Ban Quản lý Vịnh Hạ Long trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Vịnh Hạ Long – khu vực Di sản Thiên nhiên Thế giới đã được UNESCO công nhận.

Thành phố Hải Phòng, Ban QLDT đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm trực thuộc UBND huyện Vĩnh Bảo. Ban Quản lý Di sản thiên nhiên quần đảo Cát Bà trực thuộc UBND thành phố Hải Phòng. Vườn quốc gia Cát Bà, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng do Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà quản lý…

Tỉnh Vĩnh Phúc, Ban QLDT Chùa – Tháp Bình Sơn trực thuộc UBND thị trấn Tam Sơn. Ban quản lý khu di tích danh lam thắng cảnh Tây Thiên trực thuộc UBND huyện Tam Đảo. Ngoài ra, khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Tây Thiên thuộc Vườn quốc gia Tam Đảo quản lý về tài nguyên rừng trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Tỉnh Ninh Bình, Ban QLDT lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư trực thuộc UBND huyện Hoa Lư. Quần thể hang động Tràng An hiện do doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường quản lý. Khu vực Tam Cốc – Bích Động do Sở VHTTDL tỉnh Ninh Bình quản lý.

Tỉnh Thái Bình, Ban quản lý di tích Chùa Keo trực thuộc UBND huyện Vũ Thư quản lý.

Tỉnh Hải Dương, Ban quản lý Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc trực thuộc Sở VHTTDL, ngoài ra, còn có Ban QLDT thị xã Chí Linh.

Tỉnh Hưng Yên, Ban quản lý di tích tỉnh trực thuộc Sở VHTT&DL. Khu di tích Phố Hiến gồm nhiều di tích thuộc địa bàn 6 phường, xã của thành phố Hưng Yên do Ban quản lý cấp xã, phường quản lý.

Tỉnh Hà Nam, Ban QLDT đền Trần Thương trực thuộc UBND huyện Lý Nhân.

Tỉnh Nam Định, Ban quản lý khu di tích lịch sử – văn hóa đền Trần trực thuộc UBND thành phố Nam Định…

Qua nghiên cứu tài liệu báo cáo của các địa phương vùng ĐBSH và khảo sát thực tế từ năm 2010 – 2016, kết quả ban đầu đánh giá các di tích QGĐB vùng ĐBSH đã góp phần quan trọng để phát triển du lịch, trở thành những điểm du lịch hấp dẫn trong đời sống văn hóa của nhân dân, đã và đang đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương trong vùng ĐBSH.

Bên cạnh những mặt thuận lợi và đạt hiệu quả quản lý về di tích QGĐB thì vẫn còn nhiều những khó khăn, hạn chế, như: di tích bị xâm hại, bị vi phạm; vấn đề xã hội hóa để bảo tồn, trùng tu và tôn tạo di tích thiếu sự kiểm tra, kiểm soát đã không giữ được giá trị nguyên gốc của di tích; bộ máy tổ chức quản lý chưa hiệu quả, không thống nhất, thiếu cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước các cấp; nhu cầu phát triển đô thị hóa nông thôn, phát triển nhanh du lịch trong khi điều kiện về kết cấu hạ tầng chưa thể đáp ứng và khai thác quá mức, gây thiệt hại di tích.

Giải pháp trong quản lý nhà nước đối với di tích quốc gia đặc biệt

Để bảo tồn và phát huy tốt giá trị của di tích QGĐB vùng ĐBSH nhằm cải thiện và tạo lập môi trường xã hội tốt đẹp, lành mạnh, thực hiện mục tiêu giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, có nhân cách văn hóa tốt, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; đồng thời, bảo vệ, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của đất nước, vấn đề đặt ra là việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích QGĐB sao cho phù hợp, hiệu quả. Theo đó, Nhà nước cần có chính sách tập trung nguồn lực để bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị của di tích QGĐB vùng ĐBSH như sau:

Một là, hoàn thành quy hoạch tổng thể về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích QGĐB. Phân định rõ các vùng bảo vệ nghiêm ngặt và những vùng điều chỉnh quy hoạch xây dựng phục vụ phát triển kinh tế địa phương. Quy hoạch chi tiết xây dựng các khu vực quan trọng, các dự án thành phần về công trình hạ tầng, công trình di tích, công trình quản lý, các chương trình bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích hợp lý và hiệu quả. Công khai quy hoạch, cắm mốc giới khu vực di tích QGĐB.

Hai là, thực hiện các nhóm dự án thành phần trên cơ sở quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật định hướng phát triển bền vững như bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên kết hợp tạo việc làm cho nhân dân địa phương bằng các nghề truyền thống nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc và nâng cao đời sống của người dân trong vùng di tích. Thực hiện thẩm tra, thẩm định các dự án cải tạo, xây dựng công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ của di tích mà có nguy cơ và khả năng ảnh hưởng xấu đến di tích.

Ba là, hoàn thiện chính sách, nhất là chính sách về xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Khuyến khích người dân tham gia vào các hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa làng xã cộng đồng, giữ gìn các giá trị văn hóa dân tộc. Tạo lập cơ chế hợp tác thuận lợi giữa cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức kinh tế – xã hội có liên quan đến di tích, cộng đồng dân cư địa phương nhằm tác động tích cực đến hiệu quả quản lý nhà nước. Quy định cụ thể hoạt động quản lý phối hợp liên ngành giữa chính quyền địa phương, các tổ chức trong việc bảo vệ, kiểm tra, tuyên truyền giáo dục pháp luật về di sản văn hóa; quy định trách nhiệm xã hội của công dân, của tổ chức tham gia bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Bốn là, thực hiện tuyên truyền giáo dục pháp luật về di sản văn hóa, các biện pháp bảo vệ, bảo quản di vật, cổ vật. Đặc biệt, quan tâm duy trì và giữ gìn nguyên trạng các yếu tố gốc của di tích.

Năm là, tăng chi ngân sách nhà nước của trung ương và địa phương để đầu tư cho hoạt động bảo tồn di tích QGĐB, tập trung nguồn lực hoàn thành các dự án trọng điểm.

Sáu là, kiện toàn ban quản lý di tích QGĐB tại các địa phương, thống nhất mô hình quản lý cấp tỉnh, thành phố, quy định rõ quyền lợi và trách nhiệm của tổ chức và cá nhân trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích. Tuyển dụng, đào tạo và bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ cán bộ, viên chức QLDT, chuyên môn hóa nghiệp vụ.

Bảy là, cơ quan QLNN cần thường xuyên kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch, các dự án bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và hoạt động khai thác giá trị di tích QGĐB ở địa phương.

Tám là, hợp tác với chuyên gia quốc tế để nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di tích QGĐB.

Thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị di tích QGĐB vùng ĐBSH đồng thời cũng là định hướng phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và cộng đồng dân cư nơi có di tích nhận thức đúng giá trị của di tích QGĐB để tiếp cận và thụ hưởng vì lợi ích cộng đồng, vì lợi ích của các thế hệ tương lai.

Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, ngày 20/10/2016.
2. Luật Di sản văn hóa năm 2009.

ThS.  Quách Ngọc Dũng
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên