Kinh nghiệm triển khai dịch vụ công trực tuyến tại quận Long Biên, thành phố Hà Nội

(QLNN) – Những năm qua, quận Long Biên đã xây dựng và từng bước đưa các hệ thống thông tin vào ứng dụng, khai thác trong công tác quản lý nhà nước, sử dụng các thế mạnh của công nghệ thông tin, coi đây là một trong những công cụ quan trọng trong thực hiện cải cách hành chính của quận và các đơn vị cơ sở, góp phần đưa công tác quản lý hành chính nhà nước của quận bảo đảm mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Hoạt động tại bộ phận Một cửa phường luôn được đánh giá cao (Ảnh: longbien.gov.vn).

Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020đã xác định nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và dịch vụ công là một trong những nội dung trọng tâm. Trong đó, nhiệm vụ hiện đại hóa nền hành chính được xác định theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) – truyền thông trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước để đến năm 2020, hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến trên trang thông tin điện tử hành chính của Chính phủ ở mức độ 3 và 4, đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi, dựa trên nhiều phương tiện khác nhau.

Long Biên là một trong những quận đi đầu về ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý hành chính nhà nước. Cho đến nay, quận luôn là đơn vị dẫn đầu thành phố Hà Nội về thực hiện công tác cải cách hành chính; bộ phận “một cửa” của quận và 14 phòng hoạt động nề nếp, do đó, việc áp dụng dịch vụ công điện tử đã và đang có những điểm sáng so với các quận trên cùng địa bàn. Kết quả triển khai dịch vụ công trực tuyến tại quận Long Biên có thể kể đến như sau:

Quận đã có nhiều mô hình mới sáng tạo góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, mức độ 4 như: phổ biến các DVCTT đang triển khai thông qua các cuộc họp, các hoạt động của tổ dân phố, khu dân cư, thông qua các buổi tiếp xúc cử tri tại địa phương. Tuyên truyền thông qua các bảng quảng cáo lắp đặt trong thang máy tại các tòa nhà chung cư cao tầng cũng như cử cán bộ, thanh niên tình nguyện tham gia hỗ trợ trực tiếp cho người dân sử dụng DVCTT.

Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp, quận đã tiếp tục rà soát thủ tục hành chính (TTHC), xây dựng quy trình nội bộ đối với 100% các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của quận, phường; bảo đảm rõ thời gian, rõ các bước thực hiện, được cập nhật trên hệ thống phần mềm “một cửa” gắn với trách nhiệm của cá nhân, đơn vị liên quan.

Xây dựng và triển khai thực hiện mô hình “Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thân thiện, gần dân” với bộ tiêu chí bảo đảm công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC được thực hiện chính xác, công khai, minh bạch.

Tiếp tục triển khai mô hình sáng tạo trong tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC như: trả kết quả tại nhà đối với một số TTHC lĩnh vực tư pháp, lao động, thương binh và xã hội; trả kết quả đối với TTHC khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn…, trong đó lồng ghép thông tin tuyên truyền về việc chăm sóc trẻ nhỏ; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.

Với mục tiêu đặt ra là người dân có thể ngồi bất cứ nơi nào cũng có thể khai báo các TTHC liên quan đến mình và chỉ phải đến các cơ quan công quyền để nhận kết quả một lần, quận đã đẩy mạnh việc tuyên truyền tới các trường, trong đó chú trọng đối tượng là các em học sinh cấp hai – những đối tượng có thể tiếp thu nhanh về CNTT.

Hội Phụ nữ quận Long Biên cũng đã tổ chức hội thi tuyên truyền DVCTT mức độ 3 và 4. Thông qua hội thi nhằm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân về cách thức sử dụng DVCTT của thành phố, các dịch vụ thực hiện qua DVCTT, mức độ sử dụng, lệ phí, phí, thời hạn giải quyết, hồ sơ giải quyết… nhằm giúp cho hội viên, phụ nữ và nhân dân trên địa bàn quận thấy được lợi ích, hiệu quả của DVCTT mang lại, qua đó, góp phần nâng cao tỷ lệ sử dụng DVCTT và kết quả giải quyết TTHC.

Nhằm hiện đại hóa nền hành chính, quận đã tập trung ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan hành chính. Theo đó, 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động từ quận đến cơ sở được trang bị máy tính và các thiết bị CNTT khác phục vụ công việc. Đặc biệt, lãnh đạo các cấp của quận đã được trang bị và khai thác hiệu quả máy tính bảng trong công tác quản lý, điều hành.

Hiện nay, nhờ việc ứng dụng CNTT, quận Long Biên hạn chế sử dụng văn bản giấy, tài liệu phục vụ các cuộc họp đều được cung cấp bằng file điện tử, góp phần tiết kiệm chi tiêu thường xuyên. Công tác đánh giá cán bộ hằng tháng cũng được thực hiện hiệu quả thông qua các thiết bị điện tử.

Các cơ quan hành chính quận đã vận hành hiệu quả các ứng dụng chuyên ngành phục vụ công việc như phần mềm quản lý tiếp dân – theo dõi giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; quản lý nhân sự; quản lý kinh tế – kế toán, quản lý tài sản công… Long Biên cũng đang duy trì hiệu quả mô hình cơ quan điện tử quận, phường; mô hình trường học điện tử.

Thời gian tới, quận sẽ tập trung nâng cao yêu cầu và triển khai hai mô hình “Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC thân thiện, gần dân” và “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo thuộc UBND các quận và UBND phường”.

Đánh giá chung, việc ứng dụng  CNTT trong thời gian qua bước đầu đã phát huy hiệu quả của các hệ thống CNTT dùng chung của quận; các DVCTT mức độ 3, mức độ 4 và phần mềm chuyên ngành được triển khai nhanh, đồng bộ trên toàn quận đáp ứng yêu cầu quản lý và phục vụ công dân và doanh nghiệp của quận được tốt hơn; các hệ thống thông tin đã xây dựng đạt được quy mô lớn và có hiệu quả với số người tham gia hệ thống nhiều, số lượng người truy cập đông và số lượng hồ sơ được xử lý lớn; công tác thông tin tuyên truyền về ứng dụng CNTT, đặc biệt là sử dụng các DVCTT được triển khai đồng bộ, hiệu quả từ quận đến các phường với nhiều hình thức sáng tạo, gần gũi với người dân.

Ngoài những kinh nghiệm kể trên, lãnh đạo quận đã tiếp tục đưa ra những mục tiêu cụ thể như: phấn đấu đến hết năm 2019, hoàn thiện 100% các TTHC của cấp quận, phường được cung cấp DVCTT mức độ 3 theo chỉ đạo của UBND thành phố; ít nhất 35% các thủ tục hành chính của cấp quận, phường được cung cấp DVCTT mức độ 4 theo chỉ đạo của UBND thành phố.

Để đạt các mục tiêu trên, quận Long Biên sẽ bảo đảm hạ tầng kỹ thuật trang thiết bị CNTT: bố trí máy tính, máy scan, máy chụp, wifi hỗ trợ công dân, tổ chức thực hiện các DVCTT hoặc các giao dịch hành chính tại “Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả” TTHC cấp quận, 14 phường. Đồng thời, thường xuyên đánh giá, xây dựng phương án phù hợp nhằm cải thiện hạ tầng, cơ sở dữ liệu, đường truyền bảo đảm vận hành các DVCTT mức độ 3, mức độ 4.

Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, về nội dung bảo đảm nêu rõ: các mức độ của DVCTT; địa chỉ truy cập và cách thức thực hiện; các danh mục TTHC áp dụng DVCTT mức độ 3, 4 tại quận, phường; hiệu quả và lợi ích khi thực hiện DVCTT mức độ 3, 4.

Về hình thức, tổ chức thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh, các địa điểm công cộng. Ngoài ra, đẩy mạnh trả kết quả TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. Thực hiện tuyên truyền rộng rãi trên địa bàn tới các tổ dân phố, khu dân cư; tăng cường trả kết quả tại nhà và hoạt động của đội ngũ tình nguyện viên.

Tài liệu tham khảo:
1. Cổng thông tin điện tử quận Long Biên: longbien.hanoi.gov.vn.
2. Sở thông tin và Truyền thông Hà Nội. Kết quả đánh giá ứng dụng công nghệ thông tin tại Hà Nội năm 2018.
ThS. Nguyễn Hồng Vân
Học viện Hành chính Quốc gia