Nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công và giải quyết thủ tục hành chính tại TP. Hồ Chí Minh

(QLNN) – Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh cũng như các địa phương khác đang triển khai cung ứng dịch vụ hành chính công và giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Đối với TP. Hồ Chí Minh, cơ chế một cửa tiếp tục được triển khai đồng bộ, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng thực hiện để giải quyết tốt công việc của tổ chức và công dân.

 

Thực trạng cung ứng dịch vụ hành chính công và giải quyết thủ tục hành chính tại TP. Hồ Chí Minh

Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh cũng như các địa phương khác đang triển khai cung ứng dịch vụ hành chính công (HCC) và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Đối với TP. Hồ Chí Minh, cơ chế một cửa tiếp tục được triển khai đồng bộ, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng thực hiện để giải quyết tốt công việc của tổ chức và công dân.

Quận 12 – TP. Hồ Chí Minh ra mắt phần mềm tư vấn thủ tục hành chính công trực tuyến (Ảnh: https://laodongtre.laodong.vn)

Đến năm 2015, đã có 100% các sở, ngành, quận, huyện, xã, thị trấn áp dụng cơ chế một cửa trong giải quyết các TTHC của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố theo thẩm quyền quy định. Hầu hết các lĩnh vực áp dụng cơ chế một cửa đều được xây dựng quy trình có hướng dẫn chi tiết và được niêm yết công khai.

Đối với cơ chế một cửa liên thông cũng đã được thực hiện tại một số sở, ngành của thành phố, như: Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp liên ngành để giải quyết hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; công nhận và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức đang sử dụng đất trên địa bàn thành phố; giữa Sở Giao thông Vận tải với Khu Quản lý Giao thông đô thị và Cảng vụ Đường thủy nội địa trong thủ tục cấp phép đào đường và cấp phép hoạt động bến thủy nội địa…

Có 24/24 Ủy ban nhân dân (UBND) quận, huyện trên địa bàn thành phố đã triển khai quy trình liên thông hoàn chỉnh giữa UBND quận, huyện và UBND xã, phường, thị trấn trên lĩnh vực đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh, đăng ký mã số thuế và hộ tịch, bảo hiểm y tế, đăng ký, quản lý cư trú. Đối với việc cung ứng dịch vụ HCC, thành phố đã triển khai 46 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 426 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 1.700 dịch vụ công trực tuyến mức độ 2; không có dịch vụ công trực tuyến mức độ 1. Thành phố cũng đang đánh giá lại các dịch vụ công trên cơ sở đã triển khai để thực hiện cung cấp các dịch vụ công đáp ứng nhu cầu của người dân.

Những hạn chế trong việc cung ứng dịch vụ HCC và giải quyết TTHC tại TP. Hồ Chí Minh:

Thứ nhất, việc công khai, cập nhật TTHC liên quan đến tổ chức, công dân.

Báo cáo sơ kết công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn I (2011 – 2015) và phương hướng nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước giai đoạn II (2016 – 2020) của UBND TP. Hồ Chí Minh cho thấy, hiện nay, thành phố có 2.138 TTHC (trong đó sở, ban, ngành có 1.526 TTHC; quận, huyện có 480 TTHC; xã, phường, thị trấn có 122 TTHC). Đến nay, UBND TP. Hồ Chí Minh đã công bố công khai bộ TTHC áp dụng chung cho từng cấp để phục vụ việc thực hiện cung ứng dịch vụ HCC cho tổ chức, công dân.

Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều quy định của pháp luật đã thay đổi nhưng các TTHC để thực hiện các dịch vụ HCC vẫn chưa được cập nhật, sửa đổi thường xuyên cho phù hợp, nhiều cơ quan vẫn chưa cập nhật TTHC mới khi có sự sửa đổi, bổ sung mà vẫn niêm yết TTHC cũ đã hết hiệu lực, thậm chí TTHC trong cơ sở dữ liệu trên cổng thông tin điện tử của các cơ quan  cũng thiếu tính cập nhật.

Bên cạnh đó, người dân tại TP. Hồ Chí Minh vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với những TTHC khi có nhu cầu về dịch vụ HCC vì việc công khai các loại thủ tục, hồ sơ ở nhiều nơi còn chưa được thực hiện thống nhất, người dân vẫn phải đến trụ sở cơ quan hành chính nhà nước để xin các biểu mẫu hồ sơ, thủ tục về dịch vụ HCC.

Thứ hai, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để cung ứng dịch vụ HCC trực tuyến.

Hiện nay, 100% các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở lên của TP. Hồ Chí Minh đã có trang thông tin điện tử (website) chính thức của cơ quan mình. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của tổ chức, công dân. Mục tiêu của Chính phủ cũng như của TP. Hồ Chí Minh đề ra hiện nay phải thực hiện được dịch vụ HCC trực tuyến cho người dân, nghĩa là khi người dân có nhu cầu về dịch vụ HCC thì người dân chỉ cần tải các hồ sơ, biểu mẫu trên trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước cấp.

Tuy nhiên, trang thông tin điện tử (cổng thông tin điện tử) của nhiều cơ quan, đơn vị của TP. Hồ Chí Minh vẫn còn thiếu tính cập nhật và không đầy đủ dữ liệu về hồ sơ, thủ tục liên quan đến dịch vụ HCC. Vì vậy, việc giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa liên thông hiện đại trong cung ứng dịch vụ HCC gặp khó khăn. UBND TP. Hồ Chí Minh cũng khẳng định TTHC và quy trình ISO chưa thống nhất ở các quận, huyện dẫn đến việc khó khăn trong triển khai các phần mềm dùng chung, chia sẻ thông tin và liên thông dữ liệu giữa các quận, huyện.

Mặc dù được đánh giá là một trong các địa phương đứng đầu về việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước nhưng việc ứng dụng CNTT trong cung ứng dịch vụ HCC của TP. Hồ Chí Minh cũng không có những đột phá, vượt trội so với các địa phương khác. Ví dụ như, tại thành phố vẫn chưa thực hiện được việc nộp lệ phí trực tuyến đối với dịch vụ công trực tuyến khi mà hệ thống hạ tầng về CNTT phục vụ dịch vụ thanh toán điện tử tại TP. Hồ Chí Minh là khá tốt.

Một số kiến nghị

Một là, tiếp tục triển khai thực hiện mô hình một cửa liên thông tiến tới mô hình một cửa liên thông hiện đại (một cửa liên thông điện tử).

UBND thành phố cần tiếp tục kiểm tra, chỉ đạo các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn thành phố thực hiện có hiệu quả Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 25/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương và Quyết định số 3677/QĐ-UBND ngày 28/7/ 2015 của UBND thành phố về ban hành quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước tại TP. Hồ Chí Minh.

Bởi mô hình một cửa liên thông hiện đại có ý nghĩa rất quan trọng trong cải cách hành chính nói chung và cải cách TTHC nói riêng. Để thực hiện mô hình một cửa liên thông hiện đại, cần đầu tư cải tạo, nâng cấp phòng làm việc của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả bằng việc đẩy mạnh việc sử dụng các phần mềm chuẩn hóa bằng các quy trình ISO 9001:2008.

Hai là, tiếp tục triển khai phương hướng cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2015 – 2020 với trọng tâm đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước gắn với việc đẩy mạnh việc cung ứng dịch vụ HCC trực tuyến.

Đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT gắn với đẩy mạnh việc cung ứng dịch vụ HCC trực tuyến ở tất cả các cấp chính quyền, tiến tới xây dựng thành công chính quyền điện tử  để tạo ra sự đột phá, vượt trội trong phục vụ của chính quyền thành phố. Để thực hiện điều này, thành phố cần triển khai các giải pháp kỹ thuật – công nghệ, nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng CNTT tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố (đặc biệt phải nghiên cứu, chỉ đạo triển khai xây dựng cổng thông tin điện tử của chính quyền cấp xã trên địa bàn thành phố).

Đồng thời, phải tăng số lượng các dịch vụ HCC trực tuyến và tăng mức độ của dịch vụ HCC trực tuyến tiến tới lộ trình tất cả các dịch vụ HCC do các cơ quan nhà nước của thành phố cung ứng đều phải đạt mức 4. Nghĩa là, khi người dân của thành phố có nhu cầu về dịch vụ HCC thì người dân chỉ cần tải các hồ sơ, biểu mẫu trên trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, điền đầy đủ thông tin và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ, các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, đặc biệt là đội ngũ công chức trực tiếp giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp.

Cần thường xuyên xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai các lớp tập huấn nhằm trang bị, nâng cao kiến thức, kỹ năng về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng giao tiếp cho đội ngũ công chức trực tiếp quản lý, làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Bên cạnh các chương trình, kế hoạch đào tạo chung đề ra, hằng năm, các cơ quan, đơn vị có thể phối hợp với các đơn vị đào tạo, bồi dưỡng mở các lớp tập huấn về công tác cải cách hành chính, tập huấn nghiệp vụ, triển khai các quy trình giải quyết hồ sơ TTHC trên các lĩnh vực…

Bốn là, quy định trách nhiệm người đứng đầu trong giải quyết TTHC và cung ứng dịch vụ HCC.

Thành phố cần sớm bổ sung các quy định xác định về chế độ trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn liên quan đến việc thực hiện các nhiệm vụ, nhất là việc giải quyết TTHC và cung ứng dịch vụ HCC cho tổ chức và công dân.  Quy định này góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong thực thi công vụ và xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc giải quyết các nhiệm vụ liên quan đến người dân, doanh nghiệp.

Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Chính trị. Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020.
2. Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh. Nghị quyết đại hội Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 – 2020.
3. Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh. Báo cáo số 152/BC-UBND ngày 25/6/2015 của Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh về sơ kết công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn I (2011 – 2015) và đề xuất phương hướng nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước giai đoạn II (2016 – 2020).

ThS. Đặng Kim Quyên
  Trường Cao đẳng Kinh tế TP. Hồ Chí Minh