Ngôi trường đào tạo chính trị, hành chính và quản trị kinh doanh của Phần Lan

(QLNN) – Trường Khoa học Quản lý là trường chuyên ngành lớn nhất trong hệ thống các trường trực thuộc của Đại học Tổng hợp Tampere, thực hiện chức năng nghiên cứu và đào tạo về các lĩnh vực chính trị, hành chính và quản trị kinh doanh.

 

Khuôn viên trường Đại học Tổng hợp Tampere, Phần Lan (Ảnh: http://olympiadvn396.chiliweb.org).

Tiền thân là Trường Cao đẳng Công dân (Civic College) được thành lập vào năm 1925 tại Helsinki (Phần Lan). Năm 1960, Trường được chuyển địa điểm đến thành phố Tampere và chính thức đổi tên thành Đại học Tổng hợp Tampere từ năm 1966. Hiện nay, Trường là một trong bẩy trường đại học vùng lớn nhất ở Phần Lan – quốc gia được đánh giá là có nền giáo dục hiệu quả nhất thế giới.

Đại học Tổng hợp Tampere đào tạo nhiều ngành nghề với các chương trình từ cử nhân, thạc sỹ đến tiến sỹ. Đặc biệt, Trường còn nổi tiếng là trung tâm nghiên cứu và đào tạo hàng đầu thế giới trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán và tài chính.

Trường có khoảng 1.200 cán bộ, giảng viên với trên 15.200 sinh viên. Mỗi năm, có hàng nghìn học viên được cấp bằng thạc sỹ và hàng trăm nghiên cứu sinh được cấp bằng tiến sỹ.

Vào đầu năm 2011, Trường đã tiến hành cải tổ về mặt cơ cấu tổ chức. Các đơn vị được sắp xếp và kiện toàn lại trong một mô hình trường đại học kiểu mẫu với 9 trường chuyên ngành trực thuộc, trong đó có Trường Khoa học Quản lý.

Trường Khoa học Quản lý là trường chuyên ngành lớn nhất trong hệ thống các trường trực thuộc của Đại học Tổng hợp Tampere, thực hiện chức năng nghiên cứu và đào tạo về các lĩnh vực chính trị, hành chính và quản trị kinh doanh. Trường hiện có hơn 200 cán bộ, giảng viên (trong đó có 40 giáo sư) với hơn 3.500 sinh viên đang theo học. Trường tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên có môi trường học tập tốt, phát huy khả năng sáng tạo trong cách tiếp cận và nhìn nhận về thế giới mới với tư duy mở (multiple perspectives) thay vì dựa trên quan điểm tư duy bó hẹp thông thường (siload thinking).

Ban Lãnh đạo của Trường gồm có Hội đồng Nhà trường (School Board) và Hiệu trưởng (Dean). Hiệu trưởng là người có trách nhiệm lãnh đạo việc xây dựng chiến lược và tổ chức thực thi các nhiệm vụ nhằm đạt mục tiêu của Trường, bảo đảm phù hợp với hướng phát triển chung của Trường Đại học Tổng hợp Tampere. Hiệu trưởng đồng thời cũng là Chủ tịch Hội đồng Nhà trường.

Hội đồng Nhà trường chịu trách nhiệm quyết định về phương hướng hoạt động, huy động các nguồn lực và thực hiện giám sát các hoạt động của Nhà trường. Đồng thời, quyết định những vấn đề về tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản và phương hướng đầu tư phát triển của Nhà trường theo quy định chung của Đại học Tổng hợp Tampere nhằm bảo đảm thực hiện các mục tiêu giáo dục, đáp ứng các yêu cầu của cộng đồng và xã hội.

Các chương trình đào tạo tại Trường Khoa học Quản lý
Chương trình đào tạo cử nhân:

Trường Khoa học Quản lý hiện cung cấp ba chương trình cấp bằng cử nhân về các chuyên ngành: Khoa học hành chính, Quản trị Kinh doanh và Chính trị học.

Với nội dung của những môn học thuộc chương trình này, các sinh viên có cơ sở để lựa chọn những chủ đề cụ thể để tiếp tục nghiên cứu sâu hơn ở trình độ thạc sỹ và tiến sỹ.

– Đối với hệ cử nhân Khoa học hành chính, sinh viên sẽ được cung cấp những kiến thức cơ bản và nâng cao về khoa học hành chính. Ở nội dung cơ bản, sinh viên được giới thiệu tổng quan về khoa học hành chính; quản trị khu vực và quản trị địa phương; quản lý tài chính công; môi trường chính trị khu vực và thế giới; hệ thống luật pháp; môi trường làm việc trong khu vực công. Ở nội dung nâng cao, sinh viên sẽ được cung cấp kiến thức về: các lý thuyết hành chính công; quản lý nguồn nhân lực trong khu vực công; xây dựng chính quyền nhà nước và mô hình quản trị nhà nước tốt; quản lý sự thay đổi và phát triển trong tổ chức. Ngoài ra, các khối kiến thức chuyên sâu về quản lý tài chính công; pháp luật trong khu vực công… cũng sẽ được cung cấp trong hợp phần nâng cao này.

– Đối với hệ cử nhân Quản trị kinh doanh: những kiến thức cơ bản của chương trình này, gồm: đạo đức kinh doanh, giới thiệu về hệ thống luật pháp, quản lý rủi ro, marketing, kinh tế học…, khối kiến thức nâng cao gồm: Luật Doanh nghiệp và Luật Thuế, quản lý trách nhiệm, kỹ năng lãnh đạo, Quản lý và Tổ chức, kế toán,…

– Đối với hệ cử nhân Chính trị học: hệ này có hai chuyên ngành là Quan hệ quốc tế và Khoa học Chính trị. Trong đó, các sinh viên lựa chọn hệ này sẽ được cung cấp kiến thức cơ bản về chính trị học; hệ tư tưởng chính trị; quan hệ chính trị thế giới,…

Ngôn ngữ giảng dạy trong các chương trình đào tạo kể trên bằng tiếng Phần Lan. Tuy nhiên, đối với một số khóa học cụ thể cũng sử dụng tiếng Anh.

Chương trình đào tạo thạc sỹ:

Trường cung cấp một số chương trình đào tạo thạc sỹ chuyên ngành, trong đó có một số chương trình liên kết với các trường khác thuộc hệ thống của Đại học Tổng hợp Tampere .

Các chuyên ngành giảng dạy bằng tiếng Anh, gồm: Năng lực kinh doanh; Nghiên cứu châu Âu và Nga; Nghiên cứu về giải quyết xung đột và hòa bình; Nghiên cứu về đổi mới giáo dục đại học.

Các chuyên ngành giảng dạy bằng tiếng Phần Lan, gồm: Kiểm toán và Đánh giá; Quản lý Giáo dục Đại học; Quản lý An ninh.

Chương trình đào tạo tiến sỹ:

Các nghiên cứu sinh có thể lựa chọn nhiều chuyên ngành khác nhau, trong đó:

– Chương trình Tiến sỹ Khoa học hành chính có các chuyên ngành về: Nghiên cứu khu vực; Quản trị địa phương; Hành chính công; Luật Công vụ; Kế toán và quản lý tài chính trong khu vực công; Kinh tế học ở chính quyền địa phương; Luật Chính quyền địa phương ; Chính sách môi trường.

– Chương trình Tiến sỹ Quản trị kinh doanh có các chuyên ngành về: Quản lý và Tổ chức; Kế toán và Tài chính; Marketing; Kinh tế học; Luật Kinh doanh; Bảo hiểm và Luật Thuế.

– Chương trình Tiến sỹ Khoa học xã hội có các chuyên ngành về Khoa học chính trị và Quan hệ quốc tế.

Quan hệ hợp tác giữa Đại học Tổng hợp Tampere với Học viện Hành chính Quốc gia

Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tháng 6/2008, Bộ Chính trị đã phê duyệt chủ trương triển khai thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước (gọi tắt là Đề án 165) theo Tờ trình của Ban Tổ chức Trung ương.

Tham gia vào Đề án này, từ năm 2010, Học viện Hành chính Quốc gia (NAPA) đã ký thỏa thuận liên kết đào tạo Thạc sỹ quản lý tài chính công với Trường Đại học Tổng hợp Tampere. Chương trình liên kết đào tạo này được thiết kế theo tiêu chuẩn hệ thống tín chỉ ETCS của châu Âu và do các giáo sư Phần Lan, châu Âu và NAPA giảng dạy bằng tiếng Anh. Chương trình gồm hai hợp phần chính:

– Đào tạo nâng cao về tiếng Anh: các học viên được học tiếng Anh tập trung liên tục trong 4 tháng nhằm nâng cao khả năng sử dụng tiếng Anh, phục vụ cho quá trình học tập.

– Đào tạo về chuyên môn: với tổng số 106 tín chỉ, nội dung đào tạo chuyên môn gồm 3 mô-đun với 11 môn học và làm luận văn tốt nghiệp. Trong quá trình học chuyên môn, các học viên vẫn sẽ tiếp tục học tiếng Anh nhằm bảo đảm yêu cầu về ngoại ngữ khi kết thúc chương trình. Trong đó, ở mô-đun 1, các học viên sẽ được giới thiệu những vấn đề lý thuyết chung về quản lý tài chính công với các môn học: kinh tế công cộng và tài chính công; quản lý và lập kế hoạch chiến lược trong khu vực công; ngân sách trung ương và chính quyền địa phương; kế toán công, báo cáo tài chính và kiểm toán.

Ở mô-đun 2, các học viên sẽ được trang bị khối kiến thức nâng cao và mang tính ứng dụng trong quản lý tài chính công với các môn học, như: cải cách tài chính công và quản lý tài chính công chiến lược; thông tin cho các quyết định tài chính trong khu vực công; kinh tế đô thị và vùng; chính sách công và đánh giá chương trình chính sách; tài chính quốc tế và các tổ chức tài chính quốc tế. Ở mô-đun này, các học viên cũng được yêu cầu hoàn thành bài tập thực hành bắt buộc với 5 tín chỉ, trong đó áp dụng các lý thuyết đã được học ở mô-đun 2 vào nghiên cứu thực tiễn. Ngoài ra, các học viên cũng được tạo điều kiện cải thiện kỹ năng đọc và viết tiếng Anh về các nội dung học thuật có liên quan đến hành chính công và quản lý tài chính công. Qua đó, giúp trang bị cho họ các kỹ năng để hoàn thiện luận văn tốt nghiệp.

Trong mô-đun 3 với 40 tín chỉ, các học viên được trang bị kiến thức về các phương pháp nghiên cứu khoa học và rèn luyện các kỹ năng cần thiết cho việc hoàn thiện luận văn tốt nghiệp.

Sau khi hoàn thành các môn học và luận văn tốt nghiệp, các học viên được Đại học Tổng hợp Tampere cấp bằng Thạc sỹ Quản lý Tài chính công và có đủ điều kiện học tiếp lên bậc tiến sỹ ở bất kỳ trường nào ở châu Âu và thế giới.

Ngày 01/11/2010, lớp Thạc sỹ Quản lý Tài chính công đầu tiên theo hình thức liên kết này với 39 học viên đã chính thức được khai giảng tại Hà Nội. Tham gia khóa học, các học viên được cung cấp những kiến thức và kỹ năng quản lý tài chính công hiện đại.

Đặc biệt, trong quá trình học, các học viên được trực tiếp trao đổi với các giáo sư của Đại học Tổng hợp Tampere để khai thác, tiếp nhận nội dung, chương trình thông qua các công nghệ đào tạo hiện đại. Năm 2012, lớp học viên liên kết đầu tiên giữa NAPA và Đại học Tổng hợp Tampere đã tốt nghiệp. Theo nhận định của một số chuyên gia trực tiếp tham gia vào chương trình liên kết đào tạo này của NAPA, các học viên sau khi tốt nghiệp đã phát huy có hiệu quả những kiến thức và kỹ năng được trang bị vào quá trình công tác thực tiễn của mình.

Đến nay, với 3 khóa đã, đang được đào tạo và hiện đang tiếp tục tuyển sinh khóa 4, chương trình liên kết đào tạo với Đại học Tổng hợp Tampere có thể nói đã mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với NAPA. Thông qua chương trình liên kết đào tạo này, NAPA đã và đang đóng góp tích cực vào công tác đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo chất lượng cao, đồng thời mở ra hướng đào tạo mới của Học viện, tạo triển vọng hợp tác đào tạo lâu dài và bền vững trong tương lai.

Trên cơ sở những hiệu quả hợp tác thiết thực mà NAPA và Đại học Tổng hợp Tampere đã đạt được có thể thấy rằng, tiềm năng hợp tác giữa hai cơ sở đào tạo là rất lớn. Trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục hợp tác trong liên kết đào tạo Thạc sỹ chuyên ngành Quản lý Tài chính công, thiết nghĩ hai bên cần thúc đẩy việc trao đổi và tăng cường hợp tác trong liên kết đào tạo về khoa học hành chính mà hai bên đang có thế mạnh (thông qua Trường Khoa học Quản lý). Đây là việc làm cần thiết trong bối cảnh hiện nay./.

Tài liệu tham khảo:
1. www1.napa.vn.
2. http://www.uta.fi.
3. http://finlanduniversity.fi.

Đoàn Kim Huy – Phạm Quỳnh Liên
Học viện Hành chính Quốc gia