Thể chế quản lý nhà nước đối với cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ Công an – thực trạng và giải pháp hoàn thiện

(QLNN) – Thể chế quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học là hệ thống các quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tổ chức bộ máy quản lý nhà nước vận hành các quy định pháp luật về giáo dục đại học một cách thống nhất nhằm đáp ứng các yêu cầu, mục tiêu của giáo dục đại học nói chung.

Học viện Cảnh sát nhân dân đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ( Ảnh: http://hvcsnd.edu.vn.)

Thể chế quản lý nhà nước đối với cơ sở giáo dục đại học

Thể chế QLNN về chất lượng GDĐH được xây dựng, ban hành với các mục đích cơ bản:

Thứ nhất, thể chế thể hiện ý chí chung của quốc gia về chất lượng GDĐH, góp phần tạo lập sự đồng thuận trong việc tiếp cận, đánh giá, chia sẻ chuẩn mực, giá trị chung về một nền GDĐH được coi là có chất lượng. Nhà trường trên cơ sở khuôn khổ pháp lý phát huy năng lực trong thực hiện đào tạo, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Xã hội thông qua các công cụ pháp lý để giám sát, đánh giá hiệu quả QLNN về chất lượng GDĐH, đánh giá chất lượng của các cơ sở GDĐH.

Thứ hai, Nhà nước xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế QLNN về chất lượng GDĐH, bảo đảm Nhà nước có công cụ quản lý hiệu quả. Nhà nước thiết lập cơ chế pháp lý giữa chất lượng và thể chế quản lý các điều kiện bảo đảm chất lượng như yêu cầu về tuyển sinh đầu vào, nội dung chương trình, đội ngũ giảng viên, quyền tự chủ, chế độ tài chính…

Thứ ba, thể chế nhằm hướng dẫn các nghiệp vụ liên quan đến QLNN về chất lượng GDĐH. Cơ chế kiểm soát, giám sát đối với chất lượng GDĐH có những điểm phức tạp hơn những hàng hóa công, dịch vụ công khác. Thể chế QLNN về chất lượng GDĐH nhằm bảo đảm hoạt động này được thực hiện thống nhất, tránh sự khác biệt trong hoạt động QLNN, trong áp dụng các văn bản pháp luật vào thực tiễn.

Thứ tư, thể chế QLNN về chất lượng GDĐH tạo khuôn khổ pháp lý trao quyền tự chủ và bảo đảm trách nhiệm xã hội của các cơ sở GDĐH. Với vai trò chủ thể quản lý, Nhà nước quyết định trao quyền tự chủ phù hợp với năng lực thực hiện quyền tự chủ của các cơ sở GDĐH. Tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh, chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh; xác định chỉ tiêu tuyển sinh, chịu trách nhiệm công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh,chất lượng đào tạo và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo của cơ sở GDĐH; tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, thạc sỹ, tiến sỹ… Việc giao quyền tự chủ nhằm tạo điều kiện phát huy năng lực, nâng cao trách nhiệm xã hội của mỗi cơ sở GDĐH, nhằm khẳng định uy tín, năng lực và chất lượng đào tạo.

Thực hiện thể chế quản lý nhà nước đối với cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ Công an

 

Lực lượng Công an nhân dân luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc, chế độ xã hội chủ nghĩa và nhân dân (Ảnh: tienphong.vn).

Mục tiêu của hoạt động QLNN đối với cơ sở GDĐH nói chung và QLNN đối với cơ sở GDĐH thuộc Bộ Công an nói riêng chính là hướng đến xây dựng nền GDĐH có chất lượng, hiệu quả. Trong những năm qua, hoạt động QLNN đối với cơ sở GDĐH thuộc Bộ Công an được thực hiện theo những nghị quyết, nghị định, quy định của Chính phủ; quy định, thông tư hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; quy định, thông tư hướng dẫn của Bộ Công an.

Từ Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 13/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020; Bộ Công an ra Quyết định phê duyệt Đề án thành phần thuộc “Đề án Quy hoạch tổng thể, nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong Công an nhân dân đến năm 2020”. Từ đó định hướng sự phát triển toàn diện, cũng như bảo đảm năng lực và chất lượng của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc Bộ Công an.

Thể chế quản lý về tài chính và cơ sở vật chất của các cơ sở GDĐH thuộc Bộ Công an cũng được xây dựng, hoàn thiện nhằm bảo đảm những điều kiện cần thiết cho chất lượng GDĐH. Kinh phí chi thường xuyên cho các cơ sở đào tạo đại học để thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/04/2006 của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn số 71/2006/TT-BTC ngày 09/8/2006 của Bộ Tài chính và những quy định, thông tư hướng dẫn của Bộ Công an.

Thể chế QLNN về công tác quản lý giáo dục học viên đối với các cơ sở GDĐH thuộc Bộ Công an cũng được đặc biệt quan tâm. Năm 2015, Tổng cục Chính trị Bộ Công an đã biên soạn và xuất bản cuốn sách “Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn công tác quản lý giáo dục học viên” gồm các nội dung chính là: quy chế đào tạo và văn bản hướng dẫn; văn bản về quản lý; giáo dục học viên và văn bản về chế độ chính sách với nhiều quyết định; chỉ thị; thông tư; công văn và hướng dẫn của Bộ Công an về công tác quản lý giáo dục học viên trong các trường thuộc Bộ Công an.

Giải pháp hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước đối với cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ Công an

Một là, rà soát hệ thống thể chế QLNN đối với GDĐH thuộc Bộ Công an.

(1) Cần rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về GDĐH, khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp giữa các văn bản quy phạm pháp luật. Không kể nghị định hướng dẫn, những loại văn bản chi phối hoạt động của các cơ sở GDĐH, bao gồm: Luật GDĐH; điều lệ chung; quy chế tổ chức hoạt động chung; điều lệ riêng và quy chế hoạt động của từng cơ sở GDĐH.

(2) Hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với giảng viên đại học nói chung và  giảng viên đại học thuộc Bộ Công An nói riêng trong đổi mới công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch và sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định về tuyển dụng giảng viên; xây dựng bộ tiêu chuẩn nghề nghiệp của giảng viên; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, tự đào tạo và đào tạo lại đối với đội ngũ giảng viên nhằm nâng cao chất lượng của giảng viên cả về năng lực chuyên môn lẫn kiến thức, nghiệp vụ sư phạm; cải tiến chế độ, chính sách và đãi ngộ thỏa đáng đối với giảng viên: kiểm tra đánh giá đối với giảng viên cũng như các điều kiện bảo đảm việc thực hiện các chính sách, chế độ đó, nhằm tạo động lực thu hút, động viên đội ngũ giảng viên toàn tâm, toàn ý phục vụ sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

(3) Đổi mới chính sách tài chính đối với GDĐH nói chung và GDĐH thuộc Bộ Công An nói riêng. Định mức phân bổ ngân sách cho các cơ sở GDĐH công lập về cơ bản vẫn mang nặng tính bao cấp, bình quân và chủ yếu dựa vào các yếu tố “đầu vào” nên chưa gắn kết giữa kết quả sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước với kết quả, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, vì vậy, cần sớm đổi mới chính sách tài chính đối với các cơ sở GDĐH nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền giáo dục về chất lượng và hiệu quả.

Hai là, tạo lập thể chế về phân tầng GDĐH thuộc Bộ Công an.

Nhà nước cần tạo lập khung thể chế về phân tầng cơ sở GDĐH. Phân tầng cơ sở GDĐH không phải là một việc làm mới ở các nước trên thế giới. Ở Việt Nam, phân tầng cơ sở GDĐH đã được đề cập tổng thể trong Luật GDĐH năm 2012. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, vấn đề phân tầng cơ sở GDĐH chưa có những quy định về tiêu chuẩn phân tầng cơ sở GDĐH, các quy định về khung xếp hạng các cơ sở GDĐH theo mỗi tầng và tiêu chuẩn của từng hạng trong khung nhằm phục vụ công tác QLNN và ưu tiên đầu tư từ ngân sách nhà nước cho GDĐH. Chính vì vậy, cần sớm tạo lập khung thể chế về phân tầng cơ sở GDĐH.

Trước mắt, cần hình thành tiêu chuẩn cụ thể cho ba loại hình cơ sở GDĐH: cơ sở GDĐH định hướng nghiên cứu; cơ sở GDĐH định hướng ứng dụng; cơ sở GDĐH định hướng thực hành.

Về tiêu chuẩn phân tầng, thực hiện phân tầng trên cơ sở các tiêu chí về tỷ lệ sinh viên/giảng viên, tỷ lệ giảng viên có bằng tiến sĩ trên tổng số giảng viên, quy mô đào tạo sau đại học, tỷ lệ công bố các công trình nghiên cứu quốc tế.

Ba là, hoàn thiện thể chế về quyền tự chủ, trách nhiệm xã hội của các cơ sở GDĐH thuộc Bộ Công an.

(1) Trên cơ sở chủ trương, đường lối đổi mới GDĐH và luật pháp hiện hành của Đảng và Nhà nước, cần quy định cụ thể, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở GDĐH nói chung và các cơ sở GDĐH thuộc Bộ Công an nói riêng. Các cơ sở GDĐH được quyền tự chủ và chịu trách nhiệm về các hoạt động nghiệp vụ và dịch vụ sau: chương trình và khối lượng kiến thức thông qua các học phần và đơn vị học trình; tổ chức tuyển sinh, quá trình giảng dạy của đội ngũ giảng viên và học tập của sinh viên; đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập và định kỳ tiến hành kiểm định, kiểm tra, thanh tra, đánh giá kết quả học tập; tổ chức viết, biên soạn sách, giáo trình, tài liệu tham khảo; phát hành, cấp bằng cho người học sau khi tốt nghiệp thuộc tất cả các trình độ do nhà trường đào tạo; tổ chức nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

(2) Nhà nước cần tạo lập khung thể chế về khung bảo đảm trách nhiệm xã hội của các cơ sở GDĐH. Khung trách nhiệm xã hội này nhấn mạnh đến trách nhiệm của các cơ sở GDĐH học đối với các nhóm đối tượng: i) Nhà nước và xã hội nói chung; ii) người học và gia đình; iii) các nhà sử dụng nhân lực của trường đại học. GDĐH phải bảo đảm thực hiện có hiệu quả khung thể chế, chính sách, định hướng vĩ mô của Nhà nước về GDĐH với trọng tâm là chất lượng, sự công bằng, đáp ứng yêu cầu nhân lực của mỗi giai đoạn phát triển. Nền GDĐH phải thực sự có trách nhiệm với sự phát triển về kinh tế – xã hội của địa phương, quốc gia.

Tài liệu tham khảo:

  1. Đoàn Văn Dũng. Hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước về chất lượng giáo dục đại học. Tạp chí Quản lý nhà nước số 221 (tháng 6/2014).
  2. Đinh Văn Mậu. Tổ chức thực hiện quyền hành pháp trong cải cách thể chế hành chính nhà nước”. Báo cáo tọa đàm khoa học: “Cải cách thể chế”, Học viện Hành chính, Hà Nội, 2011.
  3. Đoàn Trọng Truyến. Hành chính học đại cương. H. NXB Chính trị quốc gia, 1997.

TS. Nghiêm Xuân Dũng
Học viện An ninh nhân dân