Bộ Nội vụ ban hành Kế hoạch triển khai tăng cường xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc

(QLNN) – Ngày 09/9/2019, Bộ Nội vụ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường, xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 10/CT-TTg).

 

Ảnh minh họa (Nguồn: http://tcnn.vn).

Kế hoạch xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc phát hiện, xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm minh hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc, từng bước đẩy lùi tham nhũng.

Kế hoạch cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ tăng cường phối hợp thực hiện nhiệm vụ; đồng thời, tuyên truyền, quán triệt sâu rộng đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong việc triển khai thực hiện. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phải đề cao trách nhiệm cá nhân, thể hiện tinh thần chủ động, tích cực trên từng cương vị công tác để góp phần thực hiện có hiệu quả Kế hoạch. Đồng thời, việc thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch phải có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, tránh hình thức và phải bám sát các nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Các nhiệm vụ và giải pháp
1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện đường lối chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước

Quán triệt, thực hiện nhiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, quy định, kết luận của Bộ Chính trị: Chỉ thị số 10/CT-TTg gắn với thực hiện Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 50-CT/TW; Chỉ thị số 12-CT/TW; Chỉ thị số 27-CT/TW; Chỉ thị số 05-CT/TW; Quy định số 65-QĐ/TW và Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương…

2. Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo

Nghiêm túc quán triệt, chỉ đạo chặt chẽ, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc; nghiêm chỉnh thực hiện đúng quy định việc tiếp công dân, tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân theo đúng quy định; trước hết, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải đề cao trách nhiệm nêu gương, gương mẫu thực hiện và tăng cường trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vững vàng về chính trị, tư tưởng; trong sáng về đạo đức, lối sống, thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình giải quyết công việc. Xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị nếu để cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp hoặc có biểu hiện bao che, dung túng cho cấp dưới có hành vi sai trái.

Chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ, kịp thời giải quyết các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người dân và doanh nghiệp.

3. Thực hiện cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, đổi mới công nghệ quản lý

Khẩn trương rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật thuộc phạm vi quản lý; nhận diện nguy cơ tham nhũng theo vị trí việc làm để có biện pháp kiểm tra, giám sát; khắc phục ngay những điểm bất cập có thể bị lợi dụng gây phiền hà, sách nhiễu đối với người dân và doanh nghiệp; rà soát thủ tục hành chính theo hướng tinh giản, kiến nghị loại bỏ ngay các thủ tục không cần thiết; mâu thuẫn, chồng chéo, quy trình rườm rà, khó thực hiện; rà soát, kiến nghị rút ngắn thời gian, lộ trình giải quyết; không được yêu cầu doanh nghiệp, người dân bổ sung hồ sơ quá 01 lần; không nhận quá thành phần hồ sơ theo quy định và không được yêu cầu người dân nộp các loại bản sao có chứng thực nếu pháp luật không quy định.
Nâng cao chất lượng công tác đối thoại với người dân và doanh nghiệp theo hướng thực chất, cầu thị; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp để giải quyết thực chất, dứt điểm; kịp thời đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền biện pháp xử lý đối với những bất cập trong quy định của pháp luật; thực hiện công khai thời gian, địa điểm tiếp dân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị theo quy định.

Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý của các cơ quan hành chính Nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử thông suốt đến cơ sở để góp phần nâng cao hiệu quả và tính minh bạch trong thực hiện công việc; cung cấp thông tin, dịch vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các quyền theo quy định khi giải quyết các công việc; xây dựng lộ trình cụ thể để triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; sắp xếp, nghiên cứu lắp đặt hệ thống camera giám sát tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp.

4. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng.

Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng, tinh thần trách nhiệm công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; trong đó cần đặc biệt quan tâm chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Tăng cường hoạt động giám sát của các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức đoàn thể, người dân, doanh nghiệp,… trong thực thi công vụ của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm góp phần ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

5. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động quản lý 

Tiếp tục chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, nhất là thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo đúng Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ; khắc phục tình trạng chồng chéo, gây phiền hà, sách nhiễu trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết yêu cầu được bảo vệ của người tố cáo và có chế tài xử lý; có hình thức khen thưởng, động viên, khích lệ đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân chấp hành tốt; kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm và công khai danh tính cán bộ, công chức, viên chức vi phạm trên Cổng thông tin điện tử  của cơ quan, đơn vị; cương quyết xử lý nghiêm những  cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tiêu cực, tham nhũng, đưa ra khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước; không xử lý hành chính mà phải xử lý hình sự nghiêm minh đối với hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà với người dân và doanh nghiệp đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật.

Theo Kế hoạch, cơ quan Bộ Nội vụ thiết lập đường dây nóng để tổ chức tiếp nhận và phối hợp với các đơn vị có liên quan để xử lý, giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân, doanh nghiệp và của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Cụ thể: Thanh tra Bộ Nội vụ; địa chỉ: số 08 Tôn Thất Thuyết, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội; số điện thoại cố định: (024) 37957080; số điện thoại di động: 0906119989 (ông Nguyễn Xuân Đạt, Trưởng phòng Phòng Tổng hợp, Thanh tra Bộ Nội vụ); hộp thư điện tử: nguyenxuandat@moha.gov.vn./.

Theo: http://tcnn.vn.