Nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến và thực thi pháp luật

(QLNN) – Phổ biến pháp luật là quá trình hoạt động thường xuyên, liên tục và lâu dài của chủ thể tuyên truyền lên đối tượng, là cầu nối để đưa pháp luật vào cuộc sống được xác định là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của các cơ quan nhà nước. Do đó, việc tăng cường phổ biến pháp luật là biện pháp quan trọng để đưa pháp luật đi vào đời sống xã hội.

 

TS. Đặng Xuân Hoan – Giám đốc Học viện phát biểu khai giảng Lớp “Phổ biến, giáo dục pháp luật” cho công chức, viên chức và người lao động Học viện Hành chính Quốc gia, ngày 06/12/2017.
Vai trò của phổ biến pháp luật

Phổ biến pháp luật theo nghĩa hẹp là việc giới thiệu tinh thần văn bản pháp luật cho người có nhu cầu; theo đó, phổ biến pháp luật (PBPL) là việc truyền bá pháp luật cho đối tượng nhằm nâng cao tri thức, tình cảm, niềm tin pháp luật cho đối tượng, từ đó nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của đối tượng.

Còn theo nghĩa rộng, PBPL là một khâu của hoạt động tổ chức thực hiện pháp luật, là hoạt động định hướng có tổ chức, có chủ định thông qua các hình thức giáo dục, thuyết phục, nêu gương… nhằm mục đích hình thành ở đối tượng tri thức pháp lý, tình cảm và hành vi xử sự phù hợp với những đòi hỏi của hệ thống pháp luật hiện hành với các hình thức, phương tiện, phương pháp đặc thù. Vai trò của PBPL được thể hiện ở các khía cạnh sau:              

Thứ nhất, giúp hình thành, làm sâu sắc và từng bước mở rộng hệ thống tri thức pháp luật.

Thông qua PBPL, người phổ biến được trang bị những tri thức cơ bản về pháp luật như: giá trị của pháp luật, vai trò điều chỉnh của pháp luật, các chuẩn mực pháp luật trong từng lĩnh vực đời sống. Đây là nền móng cơ bản để xây dựng tình cảm pháp luật. Tri thức pháp luật góp phần định hướng cho lòng tin đúng đắn vào các giá trị của pháp luật, hình thành hành vi hợp pháp ở mỗi cá nhân.

Tri thức pháp luật giúp con người điều chỉnh hành vi của mình trên cơ sở các chuẩn mực pháp lý, tri thức pháp luật đã nhận thức được. Các hành vi phù hợp với pháp luật chỉ được hình thành trên cơ sở nhận thức đúng, có niềm tin và có tình cảm đúng đắn đối với pháp luật. Từ đó hình thành, bồi dưỡng, phát triển niềm tin pháp luật cho cộng đồng. Niềm tin vào pháp luật đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng hành vi. Lòng tin vững chắc vào pháp luật là cơ sở để hình thành động cơ của hành vi hợp pháp.

Trong cuộc sống, có nhiều trường hợp những người có kiến thức pháp luật nhưng không có lòng tin vào pháp luật, sẵn sàng chà đạp lên pháp luật, lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi. Khi con người tin vào tính công bằng của những đòi hỏi của quy phạm pháp luật thì không cần một sự tác động bổ sung nào của Nhà nước để thực hiện những đòi hỏi đó. Có lòng tin vào tính công bằng của pháp luật, con người sẽ có hành vi phù hợp với các đòi hỏi của pháp luật một cách độc lập, tự nguyện.

Thứ hai, giúp xây dựng ý thức nhân cách, rèn luyện thói quen, hành vi tuân thủ pháp luật cho cộng đồng.

PBPL nhằm hình thành ý thức pháp luật trong mỗi công dân. Kết quả cuối cùng của phổ biến pháp luật phải được thể hiện ở hành vi xử sự phù hợp pháp luật của công dân. Phổ biến tri thức pháp luật, bồi dưỡng niềm tin pháp luật là tiền đề để giáo dục ý thức nhân cách, rèn luyện thói quen, hành vi tuân thủ pháp luật hình thành động cơ và hành vi tích cực pháp luật. Những hành vi hợp pháp của mỗi người thường biểu hiện qua các việc làm như:

– Tuân thủ các quy phạm pháp luật, kiềm chế thực hiện các điều pháp luật cấm.

– Thực hiện đúng và đầy đủ quyền và nghĩa vụ pháp lý của công dân.

– Biết đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật; biết vận dụng pháp luật để bảo vệ lợi ích hợp pháp của cá nhân khi bị xâm phạm.

PBPL là cầu nối để chuyển tải pháp luật vào cuộc sống. Nói cách khác, quá trình đưa pháp luật vào cuộc sống được bắt đầu bằng hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Thực hiện pháp luật dù bằng hình thức nào – tuân thủ, thi hành (chấp hành) pháp luật, sử dụng (vận dụng) pháp luật hay áp dụng pháp luật, trong đó:

Trước hết, phải có hiểu biết pháp luật. Nếu không nhận thức đầy đủ vị trí quan trọng và không thực hiện tốt công tác PBPL thì dù công tác xây dựng pháp luật có làm tốt đến mấy cũng không đạt được hiệu quả thực thi pháp luật.

Pháp luật của Nhà nước không phải khi nào cũng được mọi người trong xã hội biết đến, tìm hiểu, đồng tình ủng hộ và thực hiện nghiêm chỉnh. PBPL chính là phương tiện truyền tải những thông tin, những yêu cầu, nội dung và các quy định pháp luật đến với người dân, giúp cho người dân hiểu biết, nắm bắt pháp luật kịp thời mà không mất quá nhiều thời gian, công sức cho việc tự tìm hiểu, tự học tập. Đó chính là phương tiện hỗ trợ tích cực để nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân.

Hai là, phải hình thành lòng tin vào pháp luật của đối tượng.

Pháp luật chỉ có thể được mọi người thực hiện nghiêm chỉnh khi họ tin tưởng vào những quy định của pháp luật. Pháp luật được xây dựng là để bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân, bảo đảm lợi ích chung của cộng đồng, bảo đảm công bằng và dân chủ xã hội. Khi nào người dân nhận thức đầy đủ được như vậy thì pháp luật không cần một biện pháp cưỡng chế nào mà mọi người vẫn tự giác thực hiện.

Tạo lập niềm tin vào pháp luật cho mỗi người và cả cộng đồng đòi hỏi sự kết hợp của nhiều yếu tố. Một trong các yếu tố đóng vai trò quan trọng là phổ biến, giáo dục pháp luật để mọi người hiểu biết về pháp luật, hiểu biết về quá trình thực hiện và áp dụng pháp luật. Pháp luật cũng như mọi hiện tượng khác trong xã hội bao giờ cũng có hai mặt, không phải lúc nào nó cũng thỏa mãn hết, phản ánh được đầy đủ nguyện vọng, mong muốn của tất cả mọi người trong xã hội.

Quá trình điều chỉnh pháp luật sẽ lấy lợi ích của đông đảo nhân dân trong xã hội làm tiêu chí, thước đo, do đó sẽ có một số ít không thoả mãn được. Chính các yếu tố hạn chế của các quy định pháp luật càng tạo nên sự cần thiết của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để mọi người hiểu đúng pháp luật, đồng tình ủng hộ pháp luật, đặt lòng tin vào pháp luật.

Thứ ba, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của đối tượng.

Ý thức pháp luật của người dân được hình thành từ hai yếu tố, đó là tri thức pháp luật và tình cảm pháp luật. Tri thức pháp luật là sự hiểu biết pháp luật của các chủ thể có được qua việc học tập, tìm hiểu pháp luật, qua quá trình tích luỹ kiến thức của hoạt động thực tiễn và công tác. Tình cảm pháp luật chính là trạng thái tâm lý của các chủ thể khi thực hiện và áp dụng pháp luật, họ có thể đồng tình ủng hộ với những hành vi thực hiện đúng pháp luật, lên án các hành vi vi phạm pháp luật.

Ý thức tự giác chấp hành pháp luật của nhân dân chỉ có thể được nâng cao khi công tác PBPL cho nhân dân được tiến hành thường xuyên, kịp thời và có tính thuyết phục. PBPL không đơn thuần là phổ biến các văn bản pháp luật đang có hiệu lực mà còn lên án các hành vi vi phạm pháp luật, đồng tình ủng hộ các hành vi thực hiện đúng pháp luật, hình thành dư luận và tâm lý đồng tình ủng hộ với hành vi hợp pháp, lên án các hành vi vi phạm pháp luật.

PBPL nhằm hình thành, củng cố tình cảm tốt đẹp của con người với pháp luật, đồng thời ngày càng nâng cao hiểu biết của con người đối với các văn bản pháp luật và các hiện tượng pháp luật trong đời sống, từ đó nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của nhân dân.

Thứ tư, góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

Vai trò quan trọng này của công tác PBPL bắt nguồn từ chính vai trò và giá trị xã hội của pháp luật, là phương tiện hàng đầu để quản lý nhà nước, quản lý xã hội. PBPL giúp cho mọi người có tri thức pháp lý, tình cảm pháp luật đúng đắn và hành vi hợp pháp, tạo tiền đề cho việc sử dụng quyền lực nhà nước, tăng cường pháp chế, phát huy dân chủ và quyền tự do của mỗi người.

PBPL đồng thời tạo ra khả năng đổi mới các quan hệ xã hội trong môi trường quản lý nhà nước bằng pháp luật, hình thành các điều kiện và nhân tố thuận lợi cho quá trình quản lý nhà nước, quản lý xã hội; tạo ra khả năng phát hiện và loại trừ những hiện tượng tiêu cực, chống đối pháp luật diễn ra trong quá trình quản lý.

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động phổ biến pháp luật
Một là, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo môi trường thuận lợi để pháp luật đi vào cuộc sống.

Một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, minh bạch, ít lỗ hổng, không chồng chéo, mâu thuẫn sẽ tự có sức mạnh để đi vào cuộc sống, được xã hội chấp nhận, thừa nhận và tuân thủ. Đó là một hệ thống pháp luật bảo đảm các yếu tố đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch.

Để làm tốt công tác tuyên truyền, PBPL cần có sự tìm hiểu về thái độ của người dân đối với pháp luật, để giúp họ hiểu pháp luật như thế nào? Pháp luật có vai trò như thế nào trong cuộc sống của họ?

Cùng với đó, tăng cường hơn nữa quyền tham gia đóng góp ý kiến của nhân dân vào các dự án luật. Việc tham gia đóng góp ý kiến của nhân dân vào dự án luật có tác dụng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật rất lớn và có hiệu quả.

Hai , kết hợp phổ biến, giáo dục pháp luật với hướng dẫn áp dụng pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật.

Phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật và hoà giải ở cơ sở có mối quan hệ mật thiết trong việc xây dựng ý thức pháp luật, tăng cường sự hiểu biết pháp luật, khuyến khích thói quen ứng xử xã hội bằng pháp luật trong nhân dân.

Hình thành trách nhiệm tự giác thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng, cho khách hàng khi trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật; nâng cao chất lượng, hiệu quả và mở rộng đối tượng, phạm vi hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động để bảo đảm mọi người dân đều có khả năng được hưởng dịch vụ này khi cần thiết.

Khai thác và phát huy tác dụng, hiệu quả của hình thức trợ giúp pháp lý, luật sư, tư vấn pháp luật, hoà giải cơ sở khi thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật.

Ba , xác định nội dung phổ biến pháp luật thiết thực, lựa chọn những hình thức giáo dục pháp luật phù hợp, có hiệu quả với từng đối tượng cụ thể.

Với đối tượng PBPL đặc thù cần lựa chọn những nội dung pháp luật phù hợp, đơn giản, thiết thực liên quan trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của người dân. Việc tuyên truyền PBPL phải được làm thường xuyên chứ không thể theo phong trào hoặc khi có văn bản pháp luật mới tuyên truyền, phổ biến.

Cần lựa chọn hình thức nào để PBPL có hiệu quả. Qua thực tiễn triển khai công tác tuyên truyền PBPL cho thấy, mỗi hình thức tuyên truyền PBPL đều có thế mạnh riêng, ưu điểm riêng bổ trợ cho nhau. Tuy nhiên, ở mỗi địa phương với mỗi điều kiện, hoàn cảnh và đối tượng đặc thù cần có hình thức PBPL phù hợp thì PBPL mới đạt hiệu quả.

Bốn là, tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và sự phối hợp, kết hợp của các ban, ngành, đoàn thể đối với công tác phổ biến pháp luật.

Đặc thù của công tác giáo dục pháp luật đòi hỏi phải có sự phối hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Do đó, cần thu hút, huy động các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế và cả cộng đồng tham gia công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

Hoạt động PBPL phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước bởi họ vừa là chủ thể chấp hành pháp luật, vừa là chủ thể tổ chức, triển khai đưa pháp luật vào hoạt động thực tiễn của nhân dân. Nâng cao trình độ lãnh đạo quản lý, phẩm chất đạo đức cách mạng cho cán bộ, công chức, nhất là cán bộ chính quyền cấp cơ sở là vô cùng quan trọng. Chính quyền cấp cơ sở trong sạch, vững mạnh không những bảo đảm đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào quần chúng nhân dân mà còn tạo niềm tin cho quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Năm là, đầu tư phương tiện, điều kiện cần thiết để thực hiện công tác phổ biến pháp luật.

Huy động nguồn kinh phí từ nhiều cơ quan, trong đó trước hết phải là nguồn lực từ cơ quan nhà nước. Công tác PBPL cũng như các công tác giáo dục khác là loại hình hoạt động vì lợi ích lâu dài. Kết quả, hiệu quả cuối cùng không thể đo đếm trực tiếp, cụ thể, tức thời sau khi tiến hành hoạt động phổ biến. Bởi vậy, để công tác PBPL đạt hiệu quả thì phải bảo đảm kinh phí cần thiết cho hoạt động này. Phải bảo đảm các phương tiện làm việc tối thiểu cho các cơ quan và cán bộ làm công tác PBPL, phải xây dựng, kiện toàn hệ thống tủ sách pháp luật, có đủ đầu sách pháp luật với giá trị sử dụng thực sự, bảo đảm chế độ thù lao, cung cấp sách báo, tài liệu, đề cương đầy đủ cho cán bộ làm công tác PBPL./.

 Tài liệu tham khảo:
1. Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Chỉ thị số 32 – CT/TW ngày 09/12/2003 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.
2. Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012.
3. Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.
4. Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 – 2021.
5. Kế hoạch hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương năm 2019 ban hành kèm theo Quyết định số 515/QĐ-HĐPH ngày 04/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
6. Viện Nghiên cứu Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về giáo dục pháp luật trong thời kỳ đổi mới, Đề tài khoa học cấp Bộ, mã số 92-98-223-ĐT.
7. Hồ Việt Hiệp. “Xã hội hóa công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong tình hình mới”, Tạp chí Dân chủ và pháp luật, số 9/2000.

ThS. Lương Văn Đăng
Học viện Hành chính Quốc gia