Quản lý nhà nước về dịch vụ công ích đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội

(QLNN) – Dịch vụ công ích đô thị có vai trò rất lớn đối với đời sống của người dân đô thị và sự phát triển đô thị. Tính ưu việt của đô thị được phản chiếu một cách rõ ràng qua chất lượng cung ứng dịch vụ công ích đô thị, bởi đó là các dịch vụ tiện ích phục vụ các lợi ích cần thiết của người dân đô thị, bảo đảm cho đô thị phát triển bền vững. Dịch vụ công ích đô thị góp phần cung cấp các tiện ích công cộng cho toàn thể thành viên trong xã hội, duy trì trật tự công cộng và an toàn xã hội.

 

Ảnh: http://phapluatdansinh.vn
Thực trạng cung ứng dịch vụ công ích đô thị ở TP. Hà Nội

Theo Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, dịch vụ công ích ở đô thị bao gồm: dịch vụ vận tải công cộng tại các đô thị; dịch vụ cấp, thoát nước đô thị; dịch vụ thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn, vệ sinh công cộng; dịch vụ quản lý công viên, trồng và quản lý chăm sóc cây xanh, hoa cảnh vỉa hè, đường phố, dải phân cách, vòng xoay; dịch vụ cấp điện, chiếu sáng đô thị; dịch vụ tang lễ, nghĩa trang đô thị.

Theo Quyết định số 5875/QĐ-UBND ngày 19/12/2011 của UBND TP. Hà Nội về việc phê duyệt đơn giá thanh toán các sản phẩm dịch vụ công ích đô thị trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2012 và Quyết định số 3462/QĐ-UBND ngày 25/07/2011 của UBND TP. Hà Nội về việc phê duyệt đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở Thủ đô từ năm 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020, dịch vụ công ích đô thị ở Hà Nội bao gồm: dịch vụ thu gom, vận chuyển xử lý rác thải đô thị; thoát nước đô thị; cấp nước sạch đô thị; chiếu sáng công cộng; công viên cây xanh đô thị; chăn nuôi động vật tại vườn thú Hà Nội; vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và dịch vụ viễn thông công ích.

Thời gian qua, nhìn chung dịch vụ công ích đô thị đã đáp ứng về cơ bản nhu cầu dịch vụ công của người dân Thủ đô. Việc bảo đảm cung cấp các dịch vụ công ích của Thành phố đã đạt được nhiều thành tựu, cụ thể:

Đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển xử lý rác thải đô thị: theo thống kê của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, “năm 2014, tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt ở các quận nội thành đạt khoảng 95%, còn các tuyến ngoại thành khoảng 60%”1.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thu gom rác thải sinh hoạt ở tuyến ngoại thành còn chưa tốt là do thiếu phương tiện vận chuyển rác, thiếu nhân lực, hệ thống quản lý và thu phí chưa thích hợp và thiếu vốn đầu tư. Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên Môi trường Đô thị (URENCO) là doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích về lĩnh vực này. Hà Nội đã chi ngân sách lên tới 4.000 tỷ đồng mỗi năm để duy trì vệ sinh môi trường, thu gom xử lý rác thải, nước thải, duy trì công viên, cây xanh.

Đối với dịch vụ cung cấp nước sạch: về cơ bản đã đáp ứng khoảng 70% nhu cầu cho cư dân đô thị2. Tuy nhiên, chất lượng của dịch vụ cung cấp nước sạch ở Thủ đô vẫn chưa đáp ứng được mong đợi của người dân khi liên tiếp phát hiện ra những vụ việc ô nhiễm nước sinh hoạt gây hoang mang dư luận. Cuối tháng 6 và đầu tháng 7 năm 2014, Bộ Y tế đã tiến hành kiểm tra, xét nghiệm chất lượng nước tại 16 nhà máy nước và 7 trạm cấp nước trên địa bàn Hà Nội. Theo kết quả phân tích, có 5 chỉ tiêu không đạt gồm: clo dư, amoni, permanganate, mangan và asen.

Trong đó, có 6 mẫu nước có hàm lượng NH4+, 12 mẫu có hàm lượng permanganate và một mẫu có hàm lượng mangan cao hơn tiêu chuẩn cho phép. Nguyên nhân cơ bản chính là do cơ chế và công tác quản lý việc cung ứng dịch vụ công ích chưa theo kịp với tốc độ đô thị hóa của Thành phố. Bên cạnh đó, Thành phố cũng chưa có nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế khác tham gia vào cung ứng dịch vụ này3.

Ảnh: http://phapluatdansinh.vn

Đối với dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt: tính đến tháng 01/2015, có 91 tuyến gồm 72 tuyến buýt của Thủ đô Hà Nội có trợ giá, (trong đó có 67 tuyến đặt hàng, 5 tuyến đấu thầu); 11 tuyến buýt không trợ giá và 8 tuyến buýt kế cận bao phủ khắp địa bàn 30 quận, huyện, thị xã của Thành phố.

Toàn mạng lưới có khoảng 2.000 điểm dừng đón trả khách. Riêng năm 2014, đã phát triển thêm 178 điểm dừng xe buýt, 350 nhà chờ, 68 pano, 63 điểm đầu cuối. Hà Nội hiện có 05 điểm trung chuyển. Trên toàn mạng lưới có hai đoạn đường làn dành riêng cho xe buýt là đoạn đường dành riêng cho xe buýt trên đường Nguyễn Trãi dài 3,5 km và đoạn đường Yên Phụ dài 2,1 km4.

Với sự quản lý của các cơ quan chức năng, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt có nhiều chuyển biến tích cực, hiện tượng tùy tiện bỏ điểm dừng đỗ, bỏ chuyến, lượt, chạy sai biểu đồ đã giảm đáng kể. Thái độ phục vụ, văn minh xe buýt đã được cải thiện, việc  giúp đỡ và nhường ghế cho người già, người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em, trả lại tài sản cho khách ngày càng phổ biến. Lượng hành khách sử dụng dịch vụ tiếp tục gia tăng.

Tuy nhiên, dù dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn Thủ đô đã có những bước tiến rõ rệt nhưng vẫn chỉ mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu đi lại của người dân và chưa đáp ứng được nhu cầu về chất lượng mà người dân đô thị mong mỏi.

Như vậy, có thể thấy, TP. Hà Nội đã có rất nhiều cố gắng trong việc bảo đảm cung ứng dịch vụ công ích đô thị để phục vụ đời sống sinh hoạt cho người dân Thủ đô, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng khang trang, thịnh vượng, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, mức độ tiện nghi sinh hoạt ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được vẫn còn rất nhiều bài toán khó trong việc quản lý và cung ứng dịch vụ công mà Thủ đô Hà Nội cần phải giải quyết.

Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với dịch vụ công ích đô thị ở TP. Hà Nội

Trước hết, cần phân cấp quản lý và xác định rõ vai trò của chính quyền đô thị trong quản lý dịch vụ công ích đô thị. Theo đó, Nhà nước cần tăng cường tạo lập cơ sở pháp lý bằng việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch định hướng phát triển dịch vụ công ích đô thị. Đồng thời, cần đẩy mạnh phân cấp và ủy quyền cho chính quyền địa phương các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ cung ứng dịch vụ công ích.

Chính quyền đô thị mà ở đây là Thủ đô Hà Nội cần có trách nhiệm thiết lập cơ sở dữ liệu về các dịch vụ hiện có và lập danh sách nhu cầu về dịch vụ công ích đô thị; bảo đảm mọi người dân đều được tiếp cận với các dịch vụ công ích đô thị và giám sát, điều chỉnh hoạt động quản lý dựa trên sự phản hồi của đối tượng hưởng lợi và doanh nghiệp tham gia cung ứng dịch vụ.

Thứ hai, cần huy động sự tham gia tích cực của các bên liên quan trong cung ứng dịch vụ công. Theo đó, để quản lý minh bạch, có hiệu quả, cần hình thành được cơ chế hợp lý giữa các bên liên quan bằng khung pháp lý, các quy định và thiết lập hệ thống thu thuế, phí dịch vụ một cách hợp lý sao cho bảo đảm lợi ích của tất cả các bên liên quan, bao gồm: Nhà nước, đối tượng hưởng lợi, doanh nghiệp và các tổ chức dân sự khác. Do dịch vụ công ích đô thị bao gồm các dịch vụ thiết yếu, phục vụ nhu cầu đời sống hằng ngày của người dân, vì thế TP. Hà Nội cần bảo đảm quyền được tiếp cận dịch vụ của mọi tầng lớp dân cư, đặc biệt là người nghèo và đối tượng yếu thế.

Thứ ba, đồng bộ hóa chính sách phát triển dịch vụ công ích đô thị đi kèm với tuyên truyền sử dụng, bảo vệ tài sản và nâng cao ý thức người dân đô thị. Người dân đô thị, tổ chức xã hội dân sự, doanh nghiệp ngoài nhà nước có trách nhiệm cùng với Nhà nước tham gia cung ứng dịch vụ công ích đô thị nhằm nâng cao chất lượng của dịch vụ, đồng thời giảm áp lực cho ngân sách.

Thứ tư, đẩy mạnh xã hội hóa việc cung ứng dịch vụ công ích theo hướng phát huy các nguồn lực trong nhân dân tham gia cung ứng dịch vụ công ích, giảm dần đầu tư của Nhà nước. Khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức ngoài Nhà nước tham gia cung ứng dịch vụ công ích đô thị giúp giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công.

Dịch vụ công ích đô thị gắn với việc cung cấp các hàng hóa thiết yếu như cơ sở hạ tầng kỹ thuật cơ bản, các hàng hóa công ích thiết yếu cho người dân ở đô thị do Nhà nước trực tiếp đảm nhận hoặc ủy quyền. Đích đến của quản lý nhà nước về dịch vụ công ích đô thị là nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm cho các đô thị phát triển ổn định, trật tự, bền vững trong quá trình tạo lập môi trường sống cho dân cư đô thị. Vì thế, TP. Hà Nội cần đặt mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công ích để có thể đáp ứng nhu cầu của cư dân Thủ đô./.

Chú thích:
1. Tổng Cục Môi trường. Báo cáo tổng kết công tác năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường. Báo cáo tài nguyên nước với sự phát triển bền vững ở Việt Nam – Cơ hội và thách thức, 2015.
3. Hiệp Bắc. Bàng hoàng vì chất lượng nước sạch ở Hà Nội. Báo Xây dựng, ngày 04/8/2014.
4. Nguyễn Hoàng Hải. Quản lý nhà nước về vận tải công cộng bằng xe bus trên địa bàn Thành phố Hà Nội, 2014.
ThS. Đỗ Thị Vui
Học viện Hành chính Quốc gia