Xóa bỏ lao động trẻ em: Kinh nghiệm ở một số quốc gia và giá trị tham khảo cho Việt Nam

(QLNN) – Nâng cao đời sống kinh tế – xã hội của cộng đồng dân cư, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số, vùng nghèo, vùng khó khăn thông qua các chương trình xóa đói, giảm nghèo và các chương trình khác như: việc làm, chăm sóc sức khỏe và làm tốt hơn nữa công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình. Những chính sách kinh tế thúc đẩy sự phát triển của người nghèo trong dân cư là các chính sách có khả năng tác dụng lớn đối với việc giải quyết lao động trẻ em.

 

Ảnh minh họa (Nguồn: https://doanhnhanplus.vn).
Lao động trẻ em và kinh nghiệm xóa bỏ lao động trẻ em ở một số nước

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), thuật ngữ lao động trẻ em (LĐTE) thường được định nghĩa là công việc mà tước đoạt tuổi thơ, tiềm năng, phẩm giá và là công việc có hại cho sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ. Cụ thể là những công việc gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, đạo đức và xã hội của trẻ; gây cản trở tới việc học hành của trẻ bằng cách khiến trẻ không được đến trường, buộc trẻ phải nghỉ học sớm, buộc trẻ phải cố gắng để vừa học vừa làm các công việc nặng nhọc mà mất nhiều thời gian1.

Hiện nay, việc xóa bỏ LĐTE được thực hiện theo nhiều biện pháp khác nhau ở các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Ở mỗi nước, mỗi vùng sẽ có những giải pháp riêng và được áp dụng tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của quốc gia đó, vùng lãnh thổ đó. Có nhiều chương trình, biện pháp đã được áp dụng thành công ở các quốc gia, vùng lãnh thổ để xóa bỏ LĐTE.

Gia tăng sự hiểu biết về huy động lực lượng xã hội để xóa bỏ lao động trẻ em:

Đất nước Tan-za-ni-a có tỷ lệ số người nghèo, đói cao với những gia đình đông con và thiếu giáo dục. Những yếu tố này đã đẩy nhiều trẻ em đi làm, đặc biệt lao động phụ việc nhà của các trẻ em gái. Tỷ lệ trẻ em thuộc nhóm LĐTE trên tổng số trẻ em toàn quốc là 28,8%, tương đương 4,2 triệu trẻ em, trong đó, số lượng LĐTE có độ tuổi từ 14 – 17 tuổi là cao nhất, chiếm 40,7%2. LĐTE tại quốc gia này chủ yếu đến từ khu vực nông thôn và thực hiện công việc liên quan đến nông nghiệp.

Với sự hỗ trợ của các chương trình quốc tế về việc loại bỏ LĐTE (IPEC – International Programme on the Elimination of Child Labour), tổ chức Conservation, Hotels, Domestic and Allied Workers Union (CHODAWU), một nhánh của Liên đoàn Thương mại Tan-za-ni-a, đã đề nghị và thực hiện các hoạt động có tính chiến lược hướng đến cung cấp cho trẻ em và gia đình trong 5 khu vực được ưu tiên những sự chọn lựa khác thay cho đi làm. Tổ chức này cũng hướng đến gia tăng năng lực của cộng đồng trong việc nhận dạng, giám sát và ngăn cản việc tuyển dụng trẻ em3.

Ấn Độ đã xây dựng một phong trào chống LĐTE mang tên Rugmark. Mục tiêu của phong trào này là tăng cường sự hiểu biết của cộng đồng đối với vấn đề LĐTE. Mỗi sản phẩm làm ra sẽ được dán nhãn của Rugmark để bảo đảm với người tiêu dùng rằng, trong quá trình sản xuất, sản phẩm đã không dùng LĐTE. Sự hỗ trợ của những phong trào như Rugmark chính là một thông điệp rõ ràng đối với những công ty dựa vào LĐTE: không những người tiêu dùng nắm rõ thông tin về sản phẩm mà họ còn từ chối mua những sản phẩm có sử dụng LĐTE.

Xây dựng, thực hiện pháp luật để xóa bỏ lao động trẻ em:

Tại Bra-xin, Chính phủ đưa ra Luật Bảo vệ trẻ em dưới 18 tuổi khỏi các công việc nguy hiểm, phạt tiền và bỏ tù từ 4 – 12 năm với các trường hợp cưỡng bức lao động…  Chính phủ nước này đã tiến hành thanh tra LĐTE trong tất cả 26 tiểu bang, giám sát LĐTE thông qua hệ thống Child Labor Hotspots (hệ thống giám sát LĐTE) và thường xuyên đào tạo thanh tra về LĐTE.

Ngoài ra, Chính phủ Bra-xin cũng đưa vào Bộ luật Lao động các nội dung về đơn vị thanh tra lưu động, nơi thực hiện nhiệm vụ thanh tra các vấn đề về lao động cưỡng bức, bao gồm LĐTE cưỡng bức ở khu vực hẻo lánh. Hiện nay, hơn 100 thanh tra lao động trở thành một phần của đơn vị này. Để giải quyết các trường hợp lao động cưỡng bức, đơn vị này có thể buộc tội chủ cơ sở sản xuất và phạt tiền tại chỗ.

Ở Mỹ, Bộ Lao động Mỹ là cơ quan liên bang duy nhất quản lý về LĐTE và thực thi luật liên quan đến LĐTE. Bộ luật Tiêu chuẩn lao động công bằng do Văn phòng thời gian làm việc và Tiền lương phụ trách là Bộ luật quan trọng nhất nghiêm cấm các công việc sử dụng trẻ em. Các cơ quan chức năng thường xuyên tiến hành các cuộc điều tra và xử lý các trường hợp sử dụng trẻ em dưới 18 tuổi làm việc. Các cuộc điều tra được tiến hành trên cơ sở nhiều nguồn thông tin khác nhau, nhưng chủ yếu qua các cuộc thanh tra, kiểm tra, khiếu nại từ người dân.

Bộ luật Tiêu chuẩn lao động công bằng của Mỹ quy định độ tuổi tối thiểu là 14 đối với các công việc trong các ngành nghề không nguy hiểm và phi nông nghiệp. Tuy nhiên, có giới hạn về thời gian làm việc và số lượng ngày làm việc trong tuần cũng như các công việc cụ thể phù hợp với lứa tuổi 14,15. Bộ luật này cũng quy định tuổi tối thiểu 18 đối với các ngành, nghề phi nông nghiệp mà đặc biệt nguy hiểm hoặc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ em.

Cũng theo Bộ luật này, trẻ em được làm việc sớm hơn trong ngành nông nghiệp. Cụ thể, Luật cho phép trẻ em 16 tuổi và 17 tuổi được phép làm việc trong những trang trại do bố, mẹ làm chủ. Chính phủ Mỹ cũng sử dụng rất nhiều công cụ để bảo vệ trẻ em làm việc trong nông nghiệp thông qua các chương trình truyền thông và giáo dục cho nông dân, người lao động, bố mẹ, giáo viên, tổ chức có liên quan đến cung cấp dịch vụ cho lao động nông thôn.

Xây dựng các phương tiện và chương trình giáo dục nhằm thu nhận những trẻ em được đưa khỏi công việc:

Công ước về Quyền trẻ em đề xuất, giáo dục tiểu học cần được phổ cập và bắt buộc. Nếu chính phủ mỗi quốc gia quyết tâm làm chuyện này, tỷ lệ bóc lột LĐTE sẽ giảm đáng kể. Kinh nghiệm của Pa-ra-goay và Bra-xin là một điển hình.

Tại Pa-ra-goay, sản phẩm gạch, ngói bị đưa vào danh sách hàng hóa hiện đang sử dụng nhiều LĐTE và lao động cưỡng bức (List of Goods produced by child labour or forced labour – TVPRA). Vào năm 2012, Chính phủ Pa-ra-goay đã triển khai chương trình hỗ trợ cho 5.200 trẻ em dưới 14 tuổi để các em không tham gia vào các hoạt động có tính chất bóc lột bằng việc hỗ trợ đưa tiền mặt cho gia đình của các em với điều kiện gia đình phải đưa các em trở lại trường học.

Chương trình này cũng mở rộng cho các trẻ em tham gia lao động trong ngành gạch và đặc biệt chú trọng vào cung cấp các dịch vụ đào tạo nghề cho nhóm trẻ em vị thành niên để họ được nâng cao kỹ năng nhằm có thể tìm được việc làm an toàn và bền vững. Với những kết quả đạt được, Chính phủ Pa-ra-goay sẽ nhân rộng các nỗ lực và mô hình đã được thí điểm trong ngành gạch sang các ngành nghề tập trung nhiều LĐTE khác, với mục tiêu tiếp cận được đến tất cả các trẻ em tại Pa-ra-goay.

Tại Bra-xin, một trong những chương trình hiệu quả trên thế giới là chương trình xóa bỏ LĐTE của Bra-xin (PETI). Chương trình đã triển khai các dự án thí điểm ở ba bang, tập trung vào các hình thức LĐTE tồi tệ nhất ở vùng nông thôn.

Một trong những hoạt động phổ biến của chương trình là cung cấp cho trẻ em các cơ hội làm việc tốt hơn chứ không phải chỉ là ngăn cấm các em không làm việc bằng cách: trợ cấp tài chính cho các gia đình, bao gồm hỗ trợ học phí; kéo dài thời gian ở trường, chú trọng các hoạt động giáo dục bổ trợ cho việc dạy học, khuyến khích lòng tự trọng và giữ các em khỏi các nơi làm việc; xây dựng các can thiệp giáo dục và xã hội với các gia đình, trong đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của trường học đối với trẻ em và thúc đẩy sự phát triển của người công dân, làm cho các gia đình chủ động hơn trong tham gia chương trình; phối hợp các tác động giữa việc cung cấp học bổng – một hình thức trợ cấp nhằm tăng cường thu nhập cho gia đình.

Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực thực hành công tác xã hội với trẻ em:

Hiện nay ở hầu hết các nước phát triển và đang phát triển đã công nhận công tác xã hội (CTXH) là một nghề chuyên nghiệp.

Tại CHLB Đức, Thụy Điển… đều đã thành lập Hiệp hội CTXH, Hiệp hội các trường đào tạo cán bộ xã hội. Theo đó, Hiệp hội CTXH được hình thành trên cơ sở tham gia tự nguyện của những người làm CTXH và Hiệp hội có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ các thành viên của mình. Hiệp hội các trường đào tạo cán bộ xã hội có vai trò quan trọng trong việc công nhận chương trình, giáo dục, đào tạo cán bộ xã hội. Trong các chuyên ngành đào tạo thì CTXH với trẻ em được đặt ở vị trí quan trọng nhất và trên thực tế, việc thực hành lĩnh vực này cũng được hầu hết các quốc gia chú trọng nhiều nhất.

Ở Ốt-xtrây-li-a quy định rất cụ thể về trách nhiệm của nhân viên CTXH trong việc phát hiện trẻ em bị xâm hại, bạo lực hay sao nhãng và được phép áp dụng các biện pháp can thiệp. Ví dụ một trẻ em ở độ tuổi quá nhỏ (dưới 8 tuổi) bị bỏ một mình ở sân chơi cho trẻ em hay ở hành lang của khu dân cư không có người đi kèm, nhân viên CTXH phải tìm cách đưa cháu bé về nhà hoặc cơ sở chăm sóc tạm thời và phải tìm hiểu vì sao trong trường hợp này, trẻ không có người quản lý.

Nhân viên CTXH cũng sẽ thu xếp các chuyến thăm cha mẹ, người chăm sóc trẻ để tìm hiểu vấn đề và tư vấn, nếu cách ứng xử hay hành vi của bố mẹ, người chăm sóc tỏ ra không quan tâm đến con cái có thể bị kết tội sao nhãng trẻ em, sẽ bị phạt tiền, thậm chí bị tước quyền chăm sóc trẻ một thời gian tùy theo mức độ sao nhãng. Luật này cũng quy định rất cụ thể trách nhiệm của giáo viên, khi phát hiện trên cơ thể trẻ có dấu hiệu bị bạo lực phải tìm hiểu nguyên nhân và thông báo cho nhân viên CTXH và có biện pháp can thiệp kịp thời.

Kinh nghiệm cho Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để giảm thiểu và xóa bỏ LĐTE, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Việt Nam cần quan tâm đến những nội dung:

Thứ nhất, tăng cường hiểu biết của cộng đồng, xã hội và doanh nghiệp về việc sử dụng LĐTE.

Việc tăng cường hiểu biết về những hệ lụy của việc tuyển dụng và sử dụng LĐTE được coi là một giải pháp quan trọng trong việc xóa bỏ vấn nạn này, góp phần tạo sự chủ động trong việc nói không với LĐTE trái phép từ cả hai phía: phía lao động là trẻ em, phía người sử dụng lao động và cả trong việc cải thiện những nhận thức chính từ phía các gia đình của trẻ, đặc biệt là đối với các làng nghề truyền thống, các hộ gia đình ở khu vực nông thôn – những nơi thường có tư duy bắt trẻ lao động sớm như là một hình thức kế thừa sản nghiệp.

Thứ hai, bổ sung, cụ thể hóa các quy định pháp luật về LĐTE nói chung và ngăn ngừa, xóa bỏ LĐTE nói riêng.

Quy định pháp luật về xóa bỏ LĐTE còn quá chung chung, nằm rải rác ở một số luật như Bộ luật Lao động, Luật Trẻ em, Bộ luật Hình sự và một số văn bản dưới luật. Do vậy, trước hết Việt Nam cần hoàn thiện, bổ sung các quy định pháp luật về xóa bỏ LĐTE, tập hợp trong một văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao nhằm nâng cao hiệu quả trong việc áp dụng và thực thi pháp luật về vấn đề này.

Trong quá trình hoàn thiện pháp luật về xóa bỏ LĐTE, cần coi trọng yêu cầu bảo đảm phù hợp với các tiêu chuẩn trong các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã phê chuẩn (Công ước 138 và Công ước 182), hướng tới việc tiếp cận các tiêu chuẩn phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam cũng như tham khảo những quy định tiến bộ về xóa bỏ LĐTE ở các quốc gia khác trên thế giới.

Cần rà soát, bổ sung các danh mục ngành nghề, công việc cấm sử dụng LĐTE, đặc biệt một số công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc những công việc khác thuộc khu vực phi chính thức.

Thứ ba, thúc đẩy giáo dục cho trẻ em.

Xóa bỏ LĐTE và giáo dục cho trẻ em là hai vấn đề có liên hệ mật thiết với nhau. Có 3 cách tiếp cận: phổ cập giáo dục tiểu học, tạo điều kiện vừa đi làm việc vừa đi học và giảm học phí.  Thêm vào đó, cần quan tâm đặc biệt đến giáo dục cho trẻ em gái, trẻ em bỏ học và trẻ em lao động để giúp các em có thể trở lại trường hoặc theo học các chương trình giáo dục thay thế. Trường hợp hệ thống trường học chính quy không đáp ứng được nhu cầu học tập, cần tổ chức những chương trình giáo dục không chính quy và dạy nghề cho trẻ em.

Thứ tư, phát triển và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ công chức, nhân viên xã hội làm công tác bảo vệ trẻ em.

Tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ đội ngũ cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em, thanh tra lao động, cán bộ công đoàn, cán bộ quản lý giáo dục là giáo viên, các cơ quan thi hành pháp luật, đoàn thể xã hội, đặc biệt đội ngũ cán bộ, cộng tác viên, tình nguyện viên bảo vệ chăm sóc trẻ em cấp xã, phường, thôn, bản. Truyền thông, nâng cao nhận thức về LĐTE cho các cơ quan nhà nước, đoàn thể xã hội, tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, người sử dụng lao động, trường học, các cơ quan thông tin đại chúng, gia đình và trẻ em.

Phát triển và nhân rộng nghề CTXH cũng như nâng cao kỹ năng làm việc của nhân viên CTXH với trẻ em nói chung và LĐTE nói riêng. Ở góc độ chuyên môn, nhân viên CTXH có chức năng giám sát, phản ánh, can thiệp và đề xuất trợ giúp kịp thời, do đó nhân viên CTXH sẽ hỗ trợ rất hiệu quả hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em nói chung và xóa bỏ LĐTE nói riêng.

Thứ năm, xóa bỏ LĐTE phải gắn liền với giảm nghèo, đói.

Nâng cao đời sống kinh tế – xã hội của cộng đồng dân cư, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số, vùng nghèo, vùng khó khăn thông qua các chương trình xóa đói, giảm nghèo và các chương trình khác như: việc làm, chăm sóc sức khỏe và làm tốt hơn nữa công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình. Những chính sách kinh tế thúc đẩy sự phát triển của người nghèo trong dân cư mới có khả năng có nhiều tác dụng vào giải quyết LĐTE./.

Chú thích:
1. International Program Elimination of child labour (2004), Child labour a texbox for university student, Geneva, page 16.
2. Tanzania national child labour sunvey 2014. http://www.ilo.org.page 22.
3. ILO, Ipec action against child labour 2010 – 2011 progess and future priorities.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo của Tổng giám đốc ILO. Tích cực hành động chống lại lao động trẻ em, Hội nghị lao động quốc tế, kỳ họp thứ 99, Tổ chức Lao động Quốc tế, Geneva, năm 2010.
2. Báo cáo của Tổ chức Lao động thế giới về chấm dứt lao động cưỡng bức qua một số nghiên cứu thực tế – Chiến lược của ILO năm 2013.

                                ThS. Trương Thị Ngọc Lan
Học viện Hành chính Quốc gia