Góp ý hoàn chỉnh chương trình bồi dưỡng thứ trưởng và tương đương

(QLNN) – Sáng ngày 27/9/2019, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức Hội thảo khoa học: “Góp ý chương trình bồi dưỡng thứ trưởng và tương đương”. PGS.TS. Lương Thanh Cường – Phó Giám đốc Học viện chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có các đồng chí nguyên lãnh đạo Học viện; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương; các nhà khoa học, giảng viên trong và ngoài Học viện.

 

PGS.TS. Lương Thanh Cường – Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu khai mạc Hội thảo (Ảnh: Kim Huy).

 Chương trình bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cao cấp

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Lương Thanh Cường nhấn mạnh: Chương trình bồi dưỡng thứ trưởng và tương đương là chương trình bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cao nhất thuộc thẩm quyền mà Học viện Hành chính Quốc gia được giao biên soạn và thực hiện theo quy định tại Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Thời gian qua, Học viện đã tiến hành khảo sát thực tiễn thông qua phiếu điều tra xã hội học và phỏng vấn sâu, trên cơ sở đó, xây dựng đề cương của chương trình bồi dưỡng bồi thứ trưởng và tương đương. Để từng bước hoàn thiện chương trình, Phó Giám đốc Học viện bày tỏ mong muốn, các nhà khoa học tham dự Hội thảo tích cực đóng góp ý kiến cho đề cương chương trình, trong đó tập trung làm rõ đối tượng học viên, mục tiêu, nội dung chương trình, thời lượng và cách thức kiểm tra, đánh giá trong quá trình bồi dưỡng…

TS. Nguyễn Ngọc Hiến – nguyên Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia góp ý tại Hội thảo (Ảnh: Kim Huy).

Tại Hội thảo, sau khi nghe đại diện Ban soạn thảo trình bày khái quát về các nội dung của đề cương chương trình bồi dưỡng, các đại biểu đã tích cực góp ý, trao đổi về các nội dung của đề cương với các cách tiếp cận đa chiều khác nhau. Nhìn chung, các đại biểu đánh giá cao sự cần thiết và cách thức tiến hành khảo sát kỹ lưỡng của Học viện trước khi xây dựng đề cương chương trình và tổ chức tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý.

Nhiều đại biểu cho rằng, thứ trưởng và công chức được quy hoạch để bổ nhiệm vào vị trí thứ trưởng và tương đương là những công chức cao cấp, có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm trong quản lý nhà nước và đã từng được bồi dưỡng qua nhiều khóa về chuyên môn, kỹ năng… Do đó, mục tiêu của chương trình này được thống nhất là nên tập trung chủ yếu vào việc cập nhật, bổ sung kiến thức mới, chuyên sâu về khoa học chính trị, pháp luật, quản lý nhà nước; đồng thời, cung cấp các phương pháp khoa học, tiên tiến về quản trị ngành, lĩnh vực. Cùng với đó, trang bị các kỹ năng tham mưu, tư vấn, phân tích, hoạch định chính sách, pháp luật cho Đảng, Nhà nước nói chung và cho bộ, ngành nói riêng. Đặc biệt, chương trình còn xác định mục tiêu sẽ góp phần bồi dưỡng nâng cao nhận thức của học viên về trách nhiệm nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức của công chức cấp cao.

Nội dung cần phải được thiết kế “xứng tầm”

Các đại biểu nhìn nhận, nội dung chương trình cần phải được thiết kế bám sát được vị trí, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của thứ trưởng và tương đương, đồng thời, bảo đảm sau khi hoàn thành khóa học, họ sẽ thực hiện có hiệu quả hơn đối với nhiệm vụ được giao, đặc biệt là đối với cả các công chức thuộc diện quy hoạch nếu được bổ nhiệm, sẽ tiếp cận và đảm nhận tốt chức trách, nhiệm vụ ở cương vị mới.

PGS.TS. Phạm Đức Chính – nguyên Phó Trưởng Khoa Đào tạo, bồi dưỡng công chức và tại chức, Học viện Hành chính Quốc gia tham luận tại Hội thảo (Ảnh: Kim Huy).

Theo PGS.TS. Phạm Đức Chính – nguyên Phó Trưởng Khoa Đào tạo, bồi dưỡng công chức và tại chức, nên chọn lọc các nội dung chuyên môn thiết thực, tránh việc trùng lắp các chuyên đề đã có trong các chương trình bồi dưỡng mà các học viên này đã từng trải qua, đặc biệt không quá “sa đà” vào giải thích các nội dung mang tính lý luận chung. Đối với các chuyên đề kỹ năng, cần tập trung đánh thức tiềm năng của học viên thay vì lặp lại các kỹ năng mang tính nghiệp vụ như ở các chương trình thấp hơn…

PGS.TS. Lê Thị Vân Hạnh – nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia góp ý đề cương và nội dung chương trình bồi dưỡng thứ trưởng và tương đương (Ảnh: Kim Huy).

Nhấn mạnh vị trí, vai trò của thứ trưởng và tương đương, PGS.TS. Lê Thị Vân Hạnh – nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, đối tượng học viên cao cấp này là đội ngũ chủ chốt trong của các bộ, ngành. Do vậy, trong quá trình bồi dưỡng cần chú trọng tới các nội dung về “nhạy cảm chính trị”, “tầm nhìn chiến  lược” và “lựa chọn mục tiêu” đối với các đối tượng học viên cao cấp này.

Riêng về kỹ năng, PGS.TS. Lê Thị Vân Hạnh khẳng định, đó là yếu tố cần phải được rèn luyện bởi chính bản thân công chức trong thời gian dài, chứ không phải “dạy trong thời gian ngắn mà hình thành được”; do vậy, đối với chuyên đề kỹ năng, cần tập trung giới thiệu các “kịch bản” để học viên giải quyết tình huống cụ thể, chứ không nên đơn thuần là giới thiệu các vấn đề lý thuyết kỹ năng một cách chung chung và vĩ mô.

TS. Phan Chí Hiếu – Thứ trưởng Bộ Tư pháp nêu quan điểm tại Hội thảo (Ảnh: Kim Huy).

Cùng với các “tư lệnh ngành”, với vai trò là những người có tầm ảnh hưởng và lan tỏa các giá trị cốt lõi của ngành, lĩnh vực mà họ đang công tác, TS. Phan Chí Hiếu – Thứ trưởng Bộ Tư pháp có quan điểm: bản thân thứ trưởng phải tự rèn luyện, trau dồi phẩm chất đạo đức, lối sống và trách nhiệm nghề nghiệp trong suốt quá trình công tác và không ngừng phát huy, lan tỏa yếu tố đặc trưng đó của bộ, ngành mình công tác, chứ không phải đến cấp này mới cần được bồi dưỡng. Do đó, mục tiêu bồi dưỡng về phẩm chất đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp ở chương trình này nên hướng tới việc “tiếp tục nâng cao nhận thức” về đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm công chức với tư cách là các công chức cấp cao.

PGS.TS. Lê Thị Hương – nguyên Trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Hành chính Quốc gia góp ý về đối tượng học viên của chương trình bồi dưỡng thứ trưởng và tương đương (Ảnh: Kim Huy).

Ngoài ra, do các đối tượng học viên có vị trí khác nhau, con đường hình thành cũng không giống nhau, PGS.TS. Lê Thị Hương – nguyên Trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Hành chính Quốc gia bày tỏ: nên chăng xem xét xây dựng thành 2 chương trình bồi dưỡng riêng cho phù hợp; trong khi đó, một số đại biểu khác lại cho rằng, có thể nghiên cứu thiết kế một chương trình theo hướng linh động để những thứ trưởng đương chức thì chỉ cần học một số chuyên đề nhất định, còn các đối tượng trong diện quy hoạch được yêu cầu học toàn bộ chương trình.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Hải – nguyên Trưởng Khoa Hành chính học trao đổi về kết cấu đề cương chương trình (Ảnh: Kim Huy).

Trao đổi về kết cấu đề cương, PGS.TS. Nguyễn Hữu Hải – nguyên Trưởng Khoa Hành chính học, nhìn nhận: nội dung các chuyên đề được xây dựng trong đề cương nhìn chung còn mang đậm lý thuyết, chưa dành thời lượng thỏa đáng cho phần thảo luận để tạo điều kiện cho hai nhóm đối tượng học viên đương chức và quy hoạch, tiền bổ nhiệm “tương tác”, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình học.

TS. Nguyễn Vinh Hiển – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo góp ý đề cương chương trình bồi dưỡng thứ trưởng và tương đương (Ảnh: Kim Huy).

Cũng tại Hội thảo, nhiều đại biểu cũng đề xuất bổ sung các khối kiến thức về: quản lý kinh tế, pháp luật, công tác dân vận,… vốn rất cần thiết cho những công chức cao cấp ở vị trí thứ trưởng – những người có vai trò giúp bộ trưởng thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ cụ thể do bộ trưởng phân công và chịu trách nhiệm trước bộ trưởng và trước pháp luật về các nhiệm vụ đó. Đặc biệt, các ý kiến cũng cho rằng, chương trình nên được thiết kế theo hướng mở để có thể điều chỉnh, cập nhật các chuyên đề cần thiết khác phù hợp với sự thay đổi trong thực tiễn quản lý.

Về cách thức tổ chức đánh giá kết quả học tập của học viên, các đại biểu nhất trí giữ nguyên hình thức đánh giá thông qua bài thu hoạch và kiểm tra cuối khóa, đồng thời có gợi ý nghiên cứu, tiếp thu và bổ sung các cách thức đánh giá mới trong quá trình hoàn thiện chương trình.

Kết luận Hội thảo, PGS.TS. Lương Thanh Cường đánh giá cao các ý kiến góp ý và trao đổi của các đại biểu tham dự. Phó Giám đốc Học viện khẳng định, đây là những gợi ý quan trọng để Ban Biên soạn nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện đề cương và tiếp tục xây dựng nội dung chương trình bồi dưỡng dành cho đối tượng công chức cấp cao này.

Kim Huy