Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại thời gian qua

(QLNN) – Tình hình chiến tranh thương mại Mỹ – Trung ngày càng leo thang có tác động lớn đến tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, nhiều khả năng hàng hóa từ các nước bị áp thuế suất cao sẽ tìm cách nhập khẩu vào Việt Nam để dán mác “Made in Việt Nam” nhằm hưởng thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong quý III/2019 diễn biến phức tạp.

Lực lượng quản lý thị trường bắt giữ lô hàng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc (Ảnh: baolongan.vn)
Kết quả chung

Trong thời kỳ kinh tế thế giới có nhiều biến động, việc ngăn ngừa hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các mặt hàng xuất, nhập khẩu cũng là thách thức mới đối với lực lượng hải quan. 

Trong quý III/2019, lực lượng Hải quan Việt Nam đã bắt giữ một số vụ vận chuyển trái phép động vật hoang dã thuộc nhóm động vật quý hiếm cần được bảo vệ qua biên giới, trong đó có vụ việc điển hình tại Hải Phòng và Ga hàng hóa sân bay Quốc tế Nội Bài. Các đối tượng đã dùng thủ đoạn khai sai tên hàng và cất giấu trong một lớp thạch cao nhằm trốn tránh việc kiểm tra an ninh của lực lượng hải quan.

Hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy diễn ra rất phức tạp. Các đối tượng vận chuyển với số lượng lớn, trong đó đa số là đối tượng người nước ngoài.

Phương thức thủ đoạn hết sức tinh vi và phức tạp, đơn cử như: các đối tượng trà trộn ma túy vào các bưu phẩm gửi theo loại hình quà biếu từ nước ngoài về Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh, bưu điện chủ yếu tại Cục Hàng không Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất và Bưu cục ngoại dịch TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, điển hình là vụ vận chuyển ma túy qua đường hàng không tại Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất ngày 07/8/2019, lực lượng chức năng kiểm tra đối tượng có tên DIA HAMIDOU và phát hiện trong ổ bụng đối tượng có vật thể lạ.

Theo kết quả giám định số 3735/C09B ngày 08/8/2019 của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an thì có 77 viên nén với trọng lượng khoảng 1,555kg là chất Cocaine được cất giấu trong ổ bụng của đối tượng1.

Ngày 24/8/2019, Cục Hải quan tỉnh An Giang phối hợp với Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Tịnh Biên kiểm tra, kiểm soát, phát hiện 01 xe ô tô di chuyển từ Việt Nam sang Cam-pu-chia, chở 07 đối tượng mang tiền vượt mức cho phép không khai báo hải quan. Tang vật vi phạm gồm: 448.000.000 VNĐ tiền Việt Nam2.

Ngày 26/8/2019, Cục Hải quan tỉnh Cao Bằng chủ trì, phối hợp với Công an huyện Phục Hòa, đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, tiến hành tuần tra kiểm soát phát hiện 01 xe ô tô đang bốc vác hàng hóa trái phép, tang vật vi phạm gồm: 313 kg pháo các loại. Cục Hải quan Cao Bằng đã tiến hành khởi tố vụ án theo quy định.

Ngày 01/9/2019, Cục Hải quan tỉnh Nghệ An phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường, Công an Nghệ An; Phòng Cảnh sát giao thông và Công an huyện Nghi Lộc phát hiện 02 vụ/04 đối tượng có hành vi mua bán và vận chuyển trái phép pháo. Tang vật thu giữ là 473.1 kg pháo.

Ngày 08/9/2019, Cục Hải quan tỉnh Điện Biên phối hợp với Công an tỉnh Điện Biên làm nhiệm vụ tại khu vực Đội 17 – xã Pom Lót – huyện Điện Biên – tỉnh Điện Biên phát hiện 02 đối tượng có biểu hiện nghi vấn mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Tang vật thu giữ gồm: 38 túi nilon chứa các viên nén màu xanh, màu hồng, số lượng khoảng 8.000 Viên nghi là ma túy tổng hợp)…

Tính từ 16/6/2019 đến 15/9/2019, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ tổng 4.181 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 759 tỷ 359 triệu đồng; số thu ngân sách nhà nước đạt 76 tỷ 993 triệu đồng; cơ quan Hải quan đã ban hành 8 quyết định khởi tố, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 20 vụ3.

Lũy kế từ ngày 16/12/2018 – 15/9/2019: toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ tổng 13.082 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 2.178 tỷ 839 triệu đồng; số thu ngân sách nhà nước đạt 233 tỷ 938 triệu đồng; cơ quan Hải quan đã ban hành 28 quyết định khởi tố, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 71 vụ4.

Nguyên nhân và giải pháp

Trong thời gian qua, công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trong thực tiễn còn nhiều bất cập, nguyên nhân là do hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, chồng chéo. Các chế tài xử lý vi phạm còn chưa đủ mạnh, quy định chưa rõ ràng, cụ thể… khiến việc xử lý các vi phạm cũng như công tác phối hợp đấu tranh giữa các lực lượng còn gặp khó khăn, vướng mắc.

Sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa thực sự chặt chẽ, phân công trách nhiệm chưa rõ ràng, cụ thể. Năng lực, trình độ chuyên môn của các lực lượng chức năng chống buôn lậu, gian lận thương mại… còn hạn chế.

Một số công chức còn biểu hiện thiếu trách nhiệm, thậm chí sai phạm trong thực thi; phương thức tác nghiệp trong bối cảnh mới còn yếu, nhất là trong bối cảnh công nghệ mới, môi trường mạng ngày càng phát triển5.

Trước tình hình trên, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; chỉ đạo các đơn vị triển khai nghiêm túc, có hiệu quả nhiều biện pháp quan trọng.

Trong thời gian tới sẽ tập trung vào các nội dung như: xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý; nâng cao năng lực của lực lượng chuyên trách chống buôn lậu; đầu tư trang thiết bị, phương tiện hiện đại; sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ; tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các địa bàn trọng điểm, mặt hàng nhạy cảm…

Tăng cường các giải pháp giám sát thị trường, chủ động thu thập thông tin, đánh giá thị trường để xây dựng phương án đấu tranh chuyên đề; rà soát, phát hiện những bất cập trong cơ chế, chính sách; nâng cao năng lực công tác cho công chức, lực lượng quản lý thị trường.

Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng trong đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm.

Trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA), lực lượng quản lý thị trường cần chủ động xây dựng các kế hoạch đấu tranh sát thực tiễn, tăng cường giám sát hoạt động thương mại điện tử, chủ động tuyên truyền cho doanh nghiệp và người dân về hàng gian lận thương mại, hàng giả…

Các doanh nghiệp muốn bảo vệ mình cần chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý nhà nước, kết hợp hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, nhà nước, người tiêu dùng mới tạo được môi trường kinh doanh ổn định để phát triển.

Bên cạnh các giải pháp nêu trên, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, nhất là nhận thức về hàng giả, hàng nhái, hàng lậu và quyền sở hữu trí tuệ…

Chú thích:
1,2,3,4. Báo cáo tình hình công tác tháng 9 năm 2019 của Tổng cục Hải quan. https://www.customs.gov.vn, ngày 30/9/2019.
5. Nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trong hội nhập. https://www.moit.gov.vn, ngày 06/3/2019.
ThS. Trần Cao Tùng
Học viện Hành chính Quốc gia