Nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên các trường chính trị cụm thi đua đồng bằng sông Hồng  

(QLNN) – Cụm thi đua đồng bằng sông Hồng có 9 trường chính trị gồm: Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc, Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ tỉnh Bắc Ninh, Trường Chính trị tỉnh Hải Dương, Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh tỉnh Hưng Yên, Trường Chính trị tỉnh Thái Bình, Trường Chính trị tỉnh Hà Nam, Trường Chính trị  tỉnh Nam Định, Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ tỉnh Quảng Ninh và Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình. Những năm qua, Cụm thi đua đồng bằng sông Hồng tích cực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy. 

Các trường chính trị khu vực Đồng bằng Sông Hồng tổ chức “Hội nghị Ký kết giao ước thi đua các trường chính trị năm 2019” (Nguồn: http://nvc-bn.edu.vn).                                 

Hoạt động giảng dạy của giảng viên các trường chính trị cụm thi đua đồng bằng sông Hồng 

Tính đến tháng 8/2018, tổng số cán bộ, công chức, viên chức của các trường chính trị cụm ĐBSH là 541 người; trong đó số giảng viên là 364 người (có 2 giảng viên cao cấp; 61 giảng viên chính). Về trình độ chuyên môn của giảng viên: có 10 tiến sỹ; 241 thạc sỹ; còn lại là trình độ đại học. Về lý luận chính trị: có 11 giảng viên  trình độ cử nhân; 223 giảng viên có trình độ cao cấp lý luận chính trị1.

Những kết quả đạt được trong hoạt động giảng dạy

Những năm qua, giảng viên các trường chính trị cụm ĐBSH luôn chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy thông qua nhiều hoạt động như: công tác thao giảng, dự giờ; công tác thanh tra giáo dục; tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi, hội thi học giỏi lý luận chính trị… Giảng viên thực hiện nghiêm túc bộ Quy chế quản lý đào tạo của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Quyết định số 1855/QĐ-HVCTQG ngày 21/4/2016 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và thực hiện việc điều chỉnh chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị – hành chính theo Quyết định số 3136/QĐ-HVCTQG ngày 14/7/2016 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Hội thi giảng viên dạy giỏi các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trường bộ, ngành năm học 2017 – 2018 được giảng viên các nhà trường hưởng ứng tích cực. Cụm có 9/9 trường tham gia với tổng số 18 giảng viên, trong đó 18/18 đạt loại giỏi, có 4 giảng viên đạt xuất sắc2. Các hoạt động khác như họp định kỳ giảng viên, giáo viên chủ nhiệm; tổ chức rút kinh nghiệm trong quá trình tổ chức các lớp… nhằm kịp thời phát hiện và giải quyết những điểm bất hợp lý, những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn được thực hiện thường xuyên.

Bên cạnh đó, giảng viên được cử đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn (làm nghiên cứu sinh, học cao học, đại học; đào tạo cao cấp lý luận chính trị…); đi dự các lớp tập huấn chuyên môn, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, phương pháp giảng dạy tích cực; đi nghiên cứu thực tế tại các đơn vị trong tỉnh, trong nước nhằm tăng cường kiến thức thực tiễn phục vụ tốt cho công tác giảng dạy.

Trong năm học 2017 – 2018, các trường khu vực ĐBSH đã thực hiện đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) 679 lớp với 60.317 học viên. Chất lượng giảng dạy không ngừng được nâng cao qua từng năm học. Riêng học viên hệ trung cấp lý luận chính trị – hành chính có 60 học viên đạt loại xuất sắc; 1.264 học viên đạt loại giỏi; còn lại đạt loại khá và trung bình; không có học viên xếp loại yếu3.

Một số hạn chế ảnh hưởng tới chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên các trường chính trị cụm đồng bằng sông Hồng

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc nâng cao chất lượng giảng dạy cho đội ngũ giảng viên (ĐNGV) các trường chính trị cụm ĐBSH còn một số khó khăn, vướng mắc và hạn chế. Trong đó, có cả những tác động của yếu tố khách quan và chủ quan. Đó là:

Thứ nhất, ĐNGV hiện có của các trường chính trị nói chung và trong cụm ĐBSH nói riêng có những hạn chế cả về số lượng cũng như chất lượng so với yêu cầu. Đa số giảng viên còn trẻ, có sức khỏe, được đào tạo bài bản song hạn chế về kiến thức thực tiễn, kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy. Một số giảng viên chưa thật sự chuyên tâm, tận tụy, trách nhiệm đầu tư cho nghiên cứu, soạn giáo án và rèn luyện kỹ năng, phương pháp sư phạm; chưa thường xuyên cập nhật kiến thức thực tiễn, đường lối, chính sách mới, chủ trương mới vào bài giảng.

Thứ hai, về phương pháp giảng dạy trong nhà trường vẫn còn nặng về thuyết trình, chưa áp dụng một cách thực sự hiệu quả phương pháp giảng tích cực nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học viên. Một số giảng viên chưa biết cách tổ chức thảo luận cho thật sự hiệu quả, chưa đưa ra được những bài tập tình huống về kỹ năng lãnh đạo, quản lý phù hợp với yêu cầu hiện nay.

Trong khi đó, học viên còn thụ động trong quá trình lên lớp cũng như thảo luận; chưa xác định đúng động cơ, mục đích học tập, có biểu hiện học để đủ điều kiện đề bạt, bổ nhiệm; học cho có bằng cấp để chuyển ngạch, lên lương. Điều đó cũng tác động không nhỏ đến hiệu quả và chất  lượng ĐTBD của nhà trường.

Thứ ba, hoạt động nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ bắt buộc đối với giảng viên để bổ trợ kiến thức cho bài giảng, góp phần tổng kết thực tiễn và giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở địa phương. Tuy nhiên, việc tham gia của giảng viên chưa đồng đều, chất lượng nghiên cứu khoa học còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của ngành, của đất nước trong tình hình mới.

Thứ tư, chế độ, chính sách đối với cán bộ, giảng viên trường chính trị tỉnh, thành phố chưa thỏa đáng, còn nhiều vướng mắc và bất hợp lý do các quy định của Trung ương và Chính phủ dẫn đến tình trạng phụ cấp ưu đãi ngành 45%4 không còn đúng với ý nghĩa ưu đãi. Cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường chưa thật sự sống được bằng nghề. Yếu tố này phần nào cũng chi phối đến kết quả giảng dạy và hiệu quả công tác ĐTBD. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, phương tiện, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập vừa thiếu, vừa lạc hậu; thư viện nhà trường chưa được đầu tư tương xứng.

Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên các trường chính trị cụm thi đua đồng bằng sông Hồng

Chất lượng dạy học luôn là mối quan tâm hàng đầu của mọi cơ sở đào tạo; đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học trở thành nhiệm vụ quan trọng trong đổi mới của các trường. Bởi vậy, nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên chính là nâng cao kết quả ĐTBD tại các nhà trường. Để thực hiện được điều này, theo chúng tôi, cần tập trung vào các nội dung sau đây:

Một là, cần có cơ chế, chính sách đặc thù để khuyến khích, phát triển năng lực nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn cũng như tăng tính tích cực, sáng tạo, tinh thần hăng hái, trách nhiệm của ĐNGV. Hiện nay, để thu hút những cán bộ có kinh nghiệm công tác, có kỹ năng giảng dạy chuyển công tác về trường chính trị là điều vô cùng khó. Giảng viên ở trường chính trị chỉ được hưởng phụ cấp nghề, không được hưởng phụ cấp công vụ, cũng không được hưởng phụ cấp dành cho cán bộ, công chức khối Đảng, đoàn thể.

Do vậy, tiền lương giảng viên thấp hơn tiền lương của cán bộ, công chức khối Đảng, đoàn thể cùng ngạch, bậc. Trong khi đó, các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với giảng viên khá cao, từ việc học tập chuyên môn, kỹ năng sư phạm đến khả năng nghiên cứu khoa học… Vì vậy, để giảng viên toàn tâm, toàn ý với nghề, để thu hút được người giỏi vào làm công tác ĐTBD cán bộ, cần có chính sách hỗ trợ, phụ cấp đối với giảng viên trường chính trị như các trường đặc thù (trường chuyên, trường dân tộc nội trú).

Hai là, đối với các trường chính trị, lãnh đạo các trường chính trị tỉnh cần chủ động tìm những giải pháp cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ cán bộ, giảng viên. Đồng thời, tạo điều kiện để giảng viên nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống bằng chính chuyên môn của mình. Bên cạnh đó, cần có biện pháp nâng cao chất lượng ĐNGV, nhất là về kiến thức thực tiễn. Mỗi trường cần thực hiện sự luân phiên bố trí giảng viên xuống các huyện, xã để trực tiếp làm việc với cán bộ theo chức danh tại huyện, xã đó. Làm được việc này, giảng viên mới thực sự là “người trong cuộc” của thực tiễn.

Đồng thời, các trường tổ chức, tạo điều kiện để giảng viên nghe các báo cáo thực tế, mời cán bộ chủ chốt ở địa phương, ở ngành, ở các doanh nghiệp đến trao đổi. Từ đó giảng viên nắm rõ những vấn đề đang diễn ra; những thuận lợi, khó khăn; cách giải quyết… Điều này phải được cân nhắc, tính toán để có hiệu quả cao, đem lại khối lượng kiến thức  thực tiễn cung cấp cho học viên.

Ba là, bản thân giảng viên trong các trường chính trị cần nâng cao trình độ, chuyên môn; không ngừng rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp (kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tổ chức hoạt động dạy học, kỹ năng nghiên cứu khoa học…) và tâm huyết với nghề; biết lựa chọn, khai thác chuẩn thông tin để đưa vào bài giảng phù hợp. Đây là yếu tố cần thiết trong thời điểm xã hội bùng nổ thông tin như hiện nay.

Bên cạnh đó, tích cực nâng cao vốn kiến thức thực tiễn của bản thân bằng hoạt động cụ thể; có chương trình kế hoạch tích lũy cho riêng mình, tham gia sinh hoạt chuyên môn và có cách khảo sát phù hợp để xây dựng kế hoạch công tác cho mỗi năm học. Đồng thời, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, xác định rõ đối tượng người học để lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp, tích cực, như: phát huy tương tác giữa thầy và trò, gắn lý luận với thực tiễn, học với hành… Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, góp phần nâng cao chất lượng ĐTBD.

Quan tâm đến ĐNGV các trường chính trị bằng việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ khắc phục được những hạn chế đang tồn tại. Đồng thời sẽ là động lực, cơ sở để nâng cao chất lượng ĐTBD tại các trường chính trị trong cả nước nói chung và cụm ĐBSH nói riêng.

Chú thích:
1, 2, 3. Báo cáo số 01/BC-CTĐ của Cụm thi đua số 4 (khu vực đồng bằng sông Hồng).Tổng kết năm học 2017 – 2018 và Phương hướng công tác năm học 2018 – 2019, ngày 18/6/2018.
4. Thông tư liên tịch số 01/2006 TTLT-BGDĐT- BNV- BTC ngày 23/01/2006 của Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 06/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập.

                             ThS. Nguyễn Thị Lan Anh
Trường Chính trị tỉnh Hà Nam