(QLNN) – Trọng tâm của công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân là tuyệt đối trung thành với Đảng, với Chính phủ, với nhân dân. Trong công tác sử dụng, bố trí cán bộ công an nhân dân cần phải xây dựng, chuẩn hóa quy trình, quy chế; hoàn thiện các chính sách đãi ngộ, như cải cách tiền lương, nhà ở cho cán bộ, chiến sĩ. Bài viết sẽ tập trung làm rõ hai nội dung chủ yếu trong tư tưởng Hồ Chí Minh về chính sách cán bộ, đó là công tác giáo dục chính trị tư tưởng và công tác sử dụng, bố trí cán bộ công an nhân dân.
Về giáo dục rèn luyện lập trường tư tưởng cho đội ngũ cán bộ các cấp
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”1. Sở dĩ cán bộ là gốc của mọi công việc chính là vì, cán bộ là người tham mưu trong xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng, của Quốc hội, chính sách của Chính phủ; là người truyền tải những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến nhân dân; đồng thời tổ chức các lực lượng trong xã hội thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm mục đích đem lại cơm no áo ấm, đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Bởi vậy, “Không có cán bộ tốt thì hỏng việc”2, “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”3.
Vậy Đảng cần làm gì để có được đội ngũ cán bộ đáp ứng được những yêu cầu trên đây? Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích trong công việc chung của chúng ta”4. Công cụ của “người làm vườn” để “vun trồng những cây cối quý báu”, đó là chính sách cán bộ.
Đến nay, chính sách cán bộ luôn là một trong những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Đánh giá về đội ngũ cán bộ sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về Chiến lược cán bộ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã đánh giá cao những kết quả đạt được, đồng thời, cũng chỉ ra những yếu kém, hạn chế trong công tác cán bộ, như:
Đội ngũ cán bộ tuy đông nhưng chưa mạnh, năng lực của cán bộ chưa đồng đều, thậm chí còn một số cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) cán bộ chậm đổi mới, chưa kết hợp chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn, chưa gắn với quy hoạch và theo chức danh. Luân chuyển cán bộ và thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh không là người địa phương, trong đó có bí thư cấp ủy các cấp còn bất cập, chưa đạt yêu cầu. Việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc. Công tác tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức, viên chức còn nhiều hạn chế, chất lượng chưa cao, chưa đồng đều, có nơi còn xảy ra sai phạm, tiêu cực.
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, đối chiếu với tình hình hiện nay về công tác cán bộ và thực hiện chính sách đối với cán bộ công an nhân dân (CAND), các cấp ủy Đảng cần đặc biệt quan tâm đến một số vấn đề sau:
Thứ nhất, trong chính sách ĐTBD cán bộ CAND thì nội dung trước tiên, cơ bản nhất là phải ĐTBD cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Chính phủ, với nhân dân. Nói về “Tư cách người công an cách mệnh”, Người đã chỉ ra yêu cầu “đối với Chính phủ phải tuyệt đối trung thành” và coi đây là tiêu chí đầu tiên, cơ bản nhất đối với mỗi cán bộ công an.
Do vậy, xây dựng chính sách ĐTBD cán bộ CAND phải lấy nội dung này là cơ bản nhất để “Đảng có lãnh đạo chính trị đúng thì chuyên môn mới đúng”5 và “Công tác công an phải gắn chặt với đường lối chính trị của Đảng. Nếu thoát ly đường lối chính trị của Đảng dù khéo đến mấy cũng không kết quả”6. Trung thành tuyệt đối với Đảng cũng có nghĩa là trung thành với nhân dân, với Tổ quốc, vì rằng phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc cũng chính là sứ mệnh thiêng liêng của Đảng ta.
Thứ hai, chính sách ĐTBD cán bộ CAND phải nhằm hình thành nên những cán bộ CAND có tư tưởng xã hội chủ nghĩa (XHCN), trung thành với Đảng, có lập trường tư tưởng rõ ràng, kiên định.
Trực tiếp giáo dục cán bộ CAND, trong bài nói chuyện tại Trường CAND ngày 28 tháng Giêng năm 1958, Bác đã dạy: “Còn về phần cán bộ công an thì phải như thế nào?… Trước hết cán bộ phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, lập trường phải rõ ràng, vững chắc đã”7. Trong hoàn cảnh ngày nay, theo Nghị quyết số 26-NQ/TW, chính là việc giáo dục cho đội ngũ CAND quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quán triệt và thực hiện nghiêm Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nội dung giáo dục tư tưởng XHCN cho cán bộ, chiến sĩ công an, theo Bác còn là thường xuyên đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân – kẻ thù nguy hại của tư tưởng XHCN. Những lời dạy của Bác tại Trường CAND về xây dựng tư tưởng XHCN được tiếp tục khẳng định trong Bài nói chuyện tại lớp nghiên cứu khóa 1 và lớp bổ túc khóa 6 Trường Công an Trung ương: “Tư tưởng XHCN là chống tư tưởng cá nhân chủ nghĩa (so bì, hưởng thụ). Đã là cuộc đấu tranh gian khổ, gay go thì phải chống tư tưởng uể oải, mệt mỏi, sợ khổ, chống tư tưởng tự do chủ nghĩa, thích thì làm, không thích thì không làm”8.
Thứ ba, chính sách ĐTBD cán bộ CAND phải nhằm giáo dục mỗi cán bộ, chiến sĩ là những người có phẩm chất đạo đức cách mạng. Nâng cao nhận thức, tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức là nhiệm vụ hàng đầu trong xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giáo dục cho cán bộ phải lấy đức là gốc của người cách mạng. Trong công an, Người lại càng đặc biệt nhấn mạnh đến đạo đức của người cán bộ, chiến sĩ CAND.
Trước thực trạng suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo hiện nay, việc giáo dục cho mỗi cán bộ, chiến sĩ công an luôn thấm nhuần những lời dạy của Bác, biến thành hành động cụ thể trong công tác; không coi nhẹ điểm nào trong 6 điều dạy của Bác là những điều rất quan trọng, đặc biệt nhấn mạnh vào phẩm chất đạo đức cách mạng như sau:
– Giáo dục cho mỗi cán bộ, chiến sĩ có được đức liêm, nghĩa là tôn trọng giữ gìn của công, trong sạch, không tham ô. Chính là chỉ làm những việc thẳng thắn, đúng đắn. Với người cán bộ CAND: “Cần, kiệm, liêm là gốc rễ của chính. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có ngành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn. Một người cần phải cần, kiệm, liêm, nhưng còn phải chính mới là người hoàn toàn”9.
– “Kính trọng lễ phép với nhân dân” là thuộc tính bản chất của CAND, là nguyên tắc xử thế của người công an cách mạng. Cần chống lại những biểu hiện quan liêu, xa rời quần chúng, thậm chí hách dịch với dân. Lực lượng vũ trang cách mạng là từ nhân dân mà ra. Quân với dân như cá với nước.
Người yêu cầu người công an phải gương mẫu trong mọi việc: “Công an nhân dân phải là kiểu mẫu, phải là người chuyên trách thi hành chính sách, phương châm của Đảng và Chính phủ cho tốt”10; “Phải đi đường lối quần chúng thì nhân dân mới tin yêu, giúp công an và công an mới thành công được”11. Mỗi chiến sĩ công an phải có tinh thần sáng tạo, mà Bác hay dùng chữ là “óc nghĩ”, trong việc thực thi chính sách của Đảng và Chính phủ.
Về sử dụng và bố trí cán bộ công an nhân dân
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng và bố trí cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Phải cất nhắc cán bộ một cách cho đúng. Cất nhắc cán bộ là một công tác cần kíp. Khi cất nhắc một cán bộ phải xem xét rõ người đó có gần gũi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không”12, nghĩa là phải xem xét uy tín cán bộ trước quần chúng đến mức độ nào và phải xem người ấy xứng đáng với việc gì.
Đặc biệt, Người chỉ ra tác dụng của việc bố trí sử dụng đúng người, đúng việc. Nếu biết tùy tài mà dùng người thì sẽ thành công, dùng người tài mà không đúng công việc sẽ không chạy, không được việc, làm thui chột nhân tài và có hại cho Đảng.
Lãng phí nhân tài là sự lãng phí lớn nhất của đất nước. Dùng cán bộ là một khâu hết sức quan trọng. Muốn dùng cán bộ cho đúng, cho tốt đòi hỏi lãnh đạo: “Khi giao việc cho cán bộ cấp dưới, người lãnh đạo phải chỉ đạo rõ ràng, sắp đặt đầy đủ. Vạch rõ những điểm chính, và những khó khăn có thể xảy ra”13.
Phải tạo ra môi trường để cán bộ khi được giao việc phải có quyền tùy cơ ứng biến mới có thể phát huy tài năng của họ, “không nên sớm ra lệnh này, trưa đổi lệnh khác”14. Việc cất nhắc cán bộ, phải vì công việc, “Nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang nhất định không ai phục, mà gây nên mối lôi thôi trong Đảng. Như thế có tội với Đảng, có tội với đồng bào”15.
Ngày nay, bên cạnh những thành quả to lớn của công tác xây dựng Đảng vẫn còn những điểm yếu kém như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã thẳng thắn chỉ ra trong việc đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ thời gian qua. Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống nhiều khi còn hình thức, chưa đủ sức động viên và thường xuyên nâng cao ý chí cách mạng của cán bộ, đảng viên. Công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi, nhiều cấp chưa thường xuyên, ráo riết; đấu tranh với những vi phạm còn nể nang, không nghiêm túc.
Để có căn cứ cho việc “cất nhắc cán bộ” các cấp trong Đảng thì cần thực hiện việc “cải cách hành chính trong Đảng” như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng đã đề ra. Công việc này đòi hỏi phải khẩn trương rà soát, loại bỏ các cơ chế, chính sách đã lạc hậu, xây dựng, ban hành đồng bộ các chính sách để đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ. Trọng tâm là đánh giá cán bộ, xây dựng tiêu chuẩn cán bộ theo chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ làm cơ sở cho việc quy hoạch, quản lý, ĐTBD, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ.
Thực hiện nghiêm Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Luật Viên chức năm 2010 và các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác cán bộ. Đặc biệt, cần minh bạch trong công tác cán bộ; loại trừ khả năng để cán bộ và người thân của cán bộ lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi.
Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), các đơn vị trong lực lượng CAND đã và đang từng bước chuẩn hóa quy trình, quy chế về công tác tổ chức cán bộ theo hướng mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch. Quy định rõ phạm vi, trách nhiệm của mỗi đơn vị, mỗi cấp Công an, phát huy năng lực, trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ lãnh đạo chỉ huy. Xây dựng quy hoạch lãnh đạo, chỉ huy Công an các cấp gắn với luân chuyển cán bộ. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ, bảo đảm đúng quy định, góp phần làm trong sạch đội ngũ, thuần khiết nội bộ.
Đề cao việc giáo dục lòng trung thành với Đảng, Chính phủ, đức hy sinh, tận tụy của đội ngũ cán bộ, đồng thời quan tâm đến chính sách cán bộ về đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, Người nói: “Đảng ta gồm có hàng triệu người, hàng vạn cán bộ. Trong đó, sĩ, công, nông, thương, binh đều có… Sao cho đối đãi đúng với mọi người? Đó là một vấn đề rất trọng yếu”16. Và, “Những điều đó rất quan hệ với tinh thần của cán bộ và sự thân ái đoàn kết trong Đảng”17.
Đặc biệt, đối với cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, Bác yêu cầu: “Việc thực hiện chính sách cán bộ, đào tạo, cất nhắc cán bộ, việc khen thưởng trong quân đội và vấn đề ưu đãi gia đình thương binh, liệt sĩ, quân nhân phục viên, Đảng và Chính phủ sẽ chú ý hơn nữa. Trước đây có việc đã thực hiện tương đối khá, cũng có điểm còn thiếu sót. Thiếu sót thì sẽ sửa chữa”18. Với cán bộ, chiến sĩ trong ngành Công an, Bác dặn phải tùy từng hoàn cảnh, địa bàn mà sử dụng cán bộ, chiến sĩ sao cho hợp lý.
Trong tình hình hiện nay, những “điểm còn thiếu sót” của chính sách cán bộ biểu hiện tập trung nhất ở chỗ: tiền lương, nhà ở chưa phù hợp, chậm đổi mới, còn nặng về khuyến khích cán bộ phấn đấu phát triển theo chức vụ lãnh đạo, quản lý mà ít quan tâm tạo động lực để cán bộ phấn đấu theo con đường chuyên môn. Những điểm thiếu sót nêu trên cũng có ở trong ngành Công an. Vì vậy, một loạt những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp trong tình hình mới được xác định trong Nghị quyết số 26-NQ/TW.
Để công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu, sức mạnh tổng hợp và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao, tạo tiền đề để đất nước phát triển nhanh, bền vững, song cũng có vô vàn những khó khăn, thách thức, nhất là bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn còn hiện hữu, có mặt gay gắt hơn.
Trước tình hình an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội vẫn tiềm ẩn những nhân tố dễ gây mất ổn định; sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động ngày càng tinh vi, nguy hiểm, phức tạp; sự bùng nổ của hệ thống thông tin truyền thông toàn cầu, chiến tranh mạng… lực lượng công an càng cần thiết phải tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ, trong đó chú trọng nội dung xây dựng Đảng về đạo đức, truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa đào tạo với rèn luyện trong thực tiễn và đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh như Nghị quyết 26-NQ/TW đã chỉ ra./.
Chú thích:
1, 3, 4, 12, 13, 14, 15, 16, 17. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 309, 313, 313, 314, 320, 320, 321, 316, 277.
2, 9, 11. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 6. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 356, 129, 129.
5. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 12. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 153.
6. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 15. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 140.
7, 8. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 11. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 248, 599.
10,18. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 7. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 269.
11. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 8. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 306.
PGS.TS. Nguyễn Thị Hải Vân
Học viện Chính trị công an nhân dân