Phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long theo hướng liên kết vùng

(QLNN) – Đồng bằng sông Cửu Long được thiên nhiên ưu đãi, có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, miệt vườn, sông nước… Nhưng, đồng bằng sông Cửu Long chưa tận dụng, khai thác, phát triển được lợi thế tương xứng và hiệu quả. Do vậy, phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long theo hướng liên kết vùng là việc làm cần thiết hiện nay.

Rừng tràm Trà Sư – tỉnh An Giang (Ảnh: https://ngaynay.vn). 

Những thách thức trong phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long

Du lịch có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Năm 2017, tổng lượt khách đến tham quan, du lịch vùng ĐBSCL đạt 34.877.247 lượt, tăng 18,7% so với năm 2016. Trong đó, khách quốc tế đạt 2.855.692 lượt, tăng 11,1%; doanh thu đạt trên 17.195 tỷ đồng, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2016, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước và góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương1.

Năm 2018, ĐBSCL đã đón 40.745.296 lượt khách đến tham quan du lịch, tăng 16,8% so với năm 2017. Trong đó, có 3.420.109 lượt khách quốc tế, tăng 19,8%; doanh thu đạt 23.782,7 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2017. Trong đó, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang là các địa phương tiêu biểu có tỷ lệ tăng ấn tượng về lượt khách. Địa phương có doanh thu du lịch cao nhất là Kiên Giang với 6.195 tỷ đồng, địa phương thu hút khách quốc tế nhiều nhất là Tiền Giang với 811.249 lượt. Địa phương thu hút khách đến tham quan du lịch nhiều nhất là An Giang với 8,5 triệu lượt khách2.

Tuy nhiên, du lịch Việt Nam nói chung và du lịch ĐBSCL nói riêng đang gặp khó khăn bởi những vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến sự tăng trưởng ổn định, bền vững của ngành du lịch, cụ thể:

Thứ nhất, vùng ĐBSCL được thiên nhiên ưu đãi có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, miệt vườn, sông nước, nhưng ĐBSCL vẫn chưa tận dụng, khai thác, phát triển được lợi thế tương xứng và hiệu quả, điều này đã gây ra những lãng phí rất lớn. Nhiều điểm du lịch bị khai thác một cách bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường, khai thác không đi đôi với bảo vệ, bảo tồn đã làm mất giá trị tự nhiên và giá trị văn hóa của vùng.

Thứ hai, công tác quản lý nhà nước (QLNN) về du lịch đã bộc lộ nhiều yếu kém, như: hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến QLNN về du lịch còn nhiều bất cập; đội ngũ công chức làm công tác QLNN về du lịch còn thiếu và yếu, thiếu nhân lực được đào tạo về chuyên ngành du lịch; hệ thống cơ quan QLNN về du lịch chưa thật sự thống nhất; chưa có cơ chế phối hợp và thiếu tính chủ động về đặc thù vùng, miền trong phát triển du lịch.

Thứ ba, ĐBSCL thiếu sản phẩm du lịch độc đáo mang tính đặc thù vùng ĐBSCL và của mỗi địa phương trong vùng. Hầu hết các địa phương trong vùng ĐBSCL đều dựa vào tài nguyên du lịch sẵn có để phát triển du lịch, do đó, các địa phương đều có những sản phẩm du lịch và dịch vụ du lịch khá tương đồng, chủ yếu tập trung: chở du khách bằng ghe (thuyền); đưa khách du lịch tham quan miệt vườn, thưởng thức trái cây; chèo đò đưa khách đi dọc kênh, rạch ngắm cảnh sông nước, tham quan các làng nghề truyền thống; nghe đờn ca tài tử; tìm hiểu khám phá rừng Quốc gia,…

Du khách chỉ cần đến một địa phương là biết được sản phẩm, dịch vụ du lịch của cả vùng ĐBSCL, điều này đã làm giảm tính hấp dẫn của dịch vụ du lịch ĐBSCL, không giữ chân du khách lưu trú lâu hơn khi đến ĐBSCL, không để lại ấn tượng với du khách để quay trở lại ĐBSCL những lần sau.

Thứ tư, cơ sở vật chất các khu du lịch ở vùng ĐBSCL còn nghèo nàn, lạc hậu, còn hạn chế trong quảng bá, tiếp thị, khai thác lợi thế du lịch; thiếu sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của khách du lịch. Bên cạnh đó, tình trạng chèo kéo, ép khách mua hàng, tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý, nhất là vấn đề vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm đang rất cần được quan tâm, chấn chỉnh.

Các sản phẩm, dịch vụ để phát triển du lịch vùng ĐBSCL chưa được cụ thể hóa bằng cơ chế, chính sách và các hoạt động liên kết vùng; các địa phương làm du lịch còn mang nặng tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp, sản phẩm du lịch, chủ yếu dựa vào thiên nhiên, khai thác những gì có sẵn mà thiếu sự đầu tư dài hạn. Các loại hình du lịch văn hóa tâm linh, du lịch làng nghề ở một số địa phương trong vùng ĐBSCL tuy có phát triển về số lượng nhưng chưa có sự đầu tư chiều sâu, không thu hút được khách du lịch bởi đó chỉ là những nỗ lực tự phát của một vài địa phương, thiếu bền vững trong liên kết vùng.

Thứ năm, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát từ các cấp quản lý chưa thường xuyên, chưa kịp thời phát hiện những sai sót, vi phạm pháp luật ở các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, vận hành hoạt động du lịch cũng như chưa thấy rõ vai trò của các cấp quản lý. Ngoài ra, chính vì thiếu sự liên kết vùng trong phối hợp phát triển du lịch bền vững nên ĐBSCL đang đối diện với vấn đề ô nhiễm môi trường, suy giảm tài nguyên thiên nhiên và chịu sự tác động nặng nề của biến đổi khí hậu.

Chợ nổi Cái Răng – Điểm du lịch hấp dẫn tại thành phố Cần Thơ (Ảnh: https://ngaynay.vn).

Định hướng liên kết vùng để phát triển du lịch ở đồng bằng sông Cửu Long

Hiện nay, sự phát triển của ngành Du lịch ở vùng ĐBSCL phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố:

Một là, sự quyết tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương; sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các bộ, ngành có liên quan; sự quan tâm hỗ trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế; sự tích cực, năng động của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch; sự tham gia tích cực của cộng đồng; sự quan tâm của cơ quan thông tin truyền thông…

Hai là, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, đề cao vai trò của người lãnh đạo, quản lý đối với quá trình phát triển kinh tế du lịch. Có cơ chế phù hợp để hỗ trợ phát triển kinh tế du lịch; có chính sách đặc thù khuyến khích phát triển du lịch kết hợp với triển khai các dịch vụ công ích và thiết lập quan hệ sản xuất – kinh doanh giữa biển, đảo với các địa bàn khác trên đất liền. Mặt khác, tăng cường hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp ngoài nước để thu hút nguồn vốn đầu tư, hình thành những dự án phát triển du lịch liên hoàn, trao đổi, tạo thế đan xen lợi ích vừa phục vụ cho phát triển kinh tế du lịch vừa có lợi cho nhiệm vụ quốc phòng – an ninh.

Ba là, tăng cường liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL, giữa các công ty du lịch, các trung tâm du lịch cả nước, thúc đẩy du lịch giữa các nước ASEAN với nhau cũng là một định hướng lâu dài cho phát triển du lịch ĐBSCL do thuận lợi về vị trí địa lý. Đây được xem là một trong các phương hướng nhằm thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với mục đích thu hút thêm nguồn ngoại lực cho phát triển du lịch vùng.

Bốn là, tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong phát triển du lịch sinh thái. Phát triển nguồn nhân lực và quan tâm đến công tác đào tạo lại đội ngũ hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp tại các địa phương, nhằm đáp ứng xu hướng phát triển du lịch tại khu vực cũng như đáp ứng các nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách trong và ngoài nước.

Năm là, phát huy vai trò của cơ quan chuyên trách về triển khai chiến lược marketing, trong đó tăng cường xã hội hóa du lịch, thu hút mọi thành phần kinh tế cùng tham gia, cùng khai thác, cùng hưởng lợi và cùng bảo vệ môi trường du lịch. Đẩy mạnh chính sách thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho du lịch phát triển, huy động nguồn lực liên ngành phục vụ phát triển du lịch.

Thực hiện chính sách và các chương trình hành động du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội, đầu tư tăng cường sự thích ứng với biến đổi khí hậu trong tổ chức hoạt động du lịch và cung cấp dịch vụ du lịch, thực hiện liên kết công – tư trong việc huy động kinh phí để tăng cường đầu tư cho xúc tiến, quảng bá điểm đến, phát triển thương hiệu điểm đến ĐBSCL; có thể hình thành Quỹ phát triển du lịch và Quỹ xúc tiến du lịch để tạo nguồn lực cho phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương.

Giải pháp nhằm phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long theo hướng liên kết vùng

Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về QLNN đối với du lịch bởi đây là hành lang pháp lý quan trọng để hoạt động QLNN về du lịch được thực hiện một cách thông suốt và thống nhất trong cả nước; là phương tiện chủ yếu có tác động trực tiếp và sâu sắc tới hiệu lực và hiệu quả về phát triển du lịch ĐBSCL. Nhà nước tạo điều kiện về cơ chế chính sách, nhân dân hưởng ứng, phong trào khởi nghiệp du lịch phát triển mạnh mẽ và lan tỏa; phát triển du lịch đồng thời phải tuân thủ các cam kết quốc tế, bảo đảm phát triển bền vững.

Thứ hai, tăng cường phân công, phân cấp, phân quyền hợp lý giữa các cấp chính quyền, giữa cơ quan QLNN về du lịch ở trung ương và địa phương, giữa các địa phương trong vùng với nhau. Rà soát lại các ban chỉ đạo về du lịch và các cơ quan phối hợp liên ngành cho phù hợp; rà soát, quy định chặt chẽ trên cơ sở phân loại, xác định rõ vị trí việc làm, sử dụng, đánh giá và thực hiện chế độ, chính sách để nâng cao chất lượng và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ, quản lý về du lịch.

Thứ ba, xây dựng và triển khai thực hiện chương trình phát triển nguồn nhân lực du lịch cho từng địa phương phù hợp với định hướng phát triển du lịch của vùng ĐBSCL. Tăng cường công tác đào tạo tại chỗ, đào tạo ngắn hạn đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực du lịch trước mắt cũng như lâu dài của từng địa phương và phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế. Chú trọng đào tạo các kiến thức, kỹ năng cơ bản về du lịch cho cộng đồng. Nâng cao chất lượng, kỹ năng, tính chuyên nghiệp trong phục vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Thứ tư, Nhà nước cần đầu tư thỏa đáng về hạ tầng cho ngành du lịch của vùng, có chính sách, cơ chế nhằm hỗ trợ kịp thời về mọi mặt cho cơ quan QLNN về du lịch cũng như cho vay ưu đãi đối với các doanh nghiệp hoạt động du lịch đặc thù, phát triển thị trường – sản phẩm du lịch và xây dựng thương hiệu du lịch của vùng.

Thứ năm, đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ trong cải cách hành chính và quản lý doanh nghiệp, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu chung của các địa phương trong vùng, thống kê về du lịch cũng như đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trong lĩnh vực du lịch. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, cần tận dụng tối đa các ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quảng bá hình ảnh du lịch vừa giữ gìn và phát huy giá trị di tích, di sản văn hóa, vừa tiết kiệm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chú thích:
1. Trung tâm xúc tiến Du lịch tỉnh An Giang. Cơ hội và thách thức trong phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long/Hội thảo phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long tổ chức tại thành phố Cần Thơ, ngày 22/6/2018.
2. Trần Linh. Năm 2018, Kiên Giang đứng đầu đồng bằng sông Cửu Long về doanh thu du lịch. Trang Web KITRA – Trung tâm Xúc tiến Đầu tư thương mại và Du lịch tỉnh Kiên Giang.
ThS. Trần Thị Xuân Mai
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội
 Thành phố Cần Thơ