Quản lý trị giá tính thuế hàng hóa nhập khẩu tại Cục Hải quan Gia Lai – Kon Tum

(QLNN) – Hiện nay, Việt Nam đã ký kết và thực hiện nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại. Việc xác định trị giá tính thuế theo các điều khoản cam kết liên quan trực tiếp tới việc xác định trị giá tính thuế hàng hóa nhập khẩu là điều bắt buộcNhững năm qua, Cục Hải quan Gia Lai Kon Tum đã triển khai quản lý trị giá tính thuế hàng hóa nhập khẩu một cách bài bản và đạt được những kết quả tích cực.

Ảnh: baogialai.com.vn
Công tác quản lý trị giá tính thuế hàng hóa nhập khẩu tại Cục Hải quan Gia Lai – Kon Tum

Cục Hải quan Gia Lai – Kon Tum được thành lập theo Quyết định số 229/TCHQ-TCCB ngày 30/5/1990 của Tổng cục Hải quan, thực hiện quản lý nhà nước về hải quan và tổ chức thực thi pháp luật về hải quan, các quy định khác của pháp luật có liên quan trên địa bàn hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum1.

Căn cứ Quyết định số 1919/QĐ-BTC ngày 06/9/2016 của Bộ Tài chính về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì cơ cấu tổ chức của các Cục Hải quan địa phương tùy thuộc vào quy mô hoạt động mà có từ 3 – 9 phòng, ban. Cục Hải quan Gia Lai – Kon Tum là Cục Hải quan liên tỉnh có quy mô nhỏ, vì vậy, công tác quản lý trị giá tính thuế (TGTT) thuộc Phòng Nghiệp vụ.

Biểu đồ: Số lượng hồ sơ hải quan tại Cục Hải quan Gia Lai Kon Tum giai đoạn 2014 20182

Từ số liệu trên cho thấy số lượng hồ sơ phát sinh làm thủ tục hải quan tại Cục Hải quan Gia Lai – Kon Tum giai đoạn 2014 -2018 giảm về số lượng. Từ tổng số hồ sơ phát sinh năm 2014 là 6.729 bộ, đến năm 2018 là 4.199 bộ (sau 5 năm, số lượng giảm 37%). Tuy nhiên, hầu hết số lượng hồ sơ giảm tập trung ở lượng hồ sơ xuất khẩu.

Đối với hồ sơ nhập khẩu, số lượng phát sinh tương đương nhau từ năm 2014 -2018, ở mức trung bình năm là gần 1.700 hồ sơ trên 1 năm. Như vậy cho thấy, mặc dù lượng hồ sơ giảm nhưng thực tế công tác kiểm tra hồ sơ nhập khẩu, kiểm tra TGTT hàng nhập khẩu phát sinh hằng năm không giảm đối với công chức trực tiếp làm công tác kiểm tra TGTT tại cục và các chi cục hải quan.

Đánh giá chung:

Một là, hàng nhập khẩu cơ bản được xác định TGTT theo phương pháp giá trị giao dịch. Do vậy, đã rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu, nâng cao trách nhiệm khai báo của doanh nghiệp (DN), tuân thủ thông lệ quốc tế. Ý thức tuân thủ pháp luật của DN trong khai báo TGTT cũng đã được nâng cao do kết quả của công tác tham vấn.

Hai là, việc áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro, góp phần nâng cao ý thức của DN tuân thủ trong việc khai báo TGTT của DN. Rất nhiều mặt hàng sau khi tham vấn, DN đã chủ động khai báo TGTT cao hơn ở các lần nhập khẩu tiếp theo. Rất nhiều trường hợp DN chấp nhận mức TGTT do cơ quan Hải quan xác định không cần qua tham vấn.

Ba là, công tác kiểm tra, tham vấn và xác định TGTT đã dần đi vào nề nếp, cấp cục đã ủy quyền tham vấn trực tiếp cho cấp chi cục, tạo chủ động cho chi cục và thuận lợi cho DN tham vấn. Cấp cục đã tổ chức công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các chi cục thực hiện đúng các quy định về kiểm tra, xác định TGTT. Từ đó, ngăn chặn, hạn chế được tình trạng gian lận thương mại qua giá.

Tuy nhiên, công tác quản lý TGTT hàng hóa nhập khẩu tại Cục Hải quan Gia Lai -Kon Tum vẫn còn một số tồn tại:

Công tác kiểm tra hồ sơ tại các chi cục còn sơ sài, mang tính hình thức, chiếu lệ. Công tác kiểm tra TGTT khai báo còn chưa được coi trọng, đa số chỉ dựa vào hồ sơ, chưa chú trọng đến sự bất hợp lý của mức TGTT khai báo. Do đó, cơ quan Hải quan khó xác định chính xác mức TGTT của mặt hàng.

Công tác tham vấn tại chi cục đạt hiệu quả thấp, đối tượng tham vấn chưa trọng tâm, trọng điểm theo đúng nguyên tắc quản lý rủi ro. Đa số chấp nhận TGTT khai báo do bộ phận tham vấn tại chi cục là các công chức kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên sâu về công tác tham vấn.

Nhiều trường hợp các DN đã lợi dụng về quy định phân luồng đối với hàng hóa để có hành vi gian lận. Theo quy định, đối với mặt hàng được phân vào luồng xanh, các chi cục không tổ chức kiểm tra TGTT khai báo dẫn đến tình trạng DN lợi dụng để làm giảm TGTT một số mặt hàng.

Cán bộ Cục Hải quan kiểm tra hàng hóa tại khu vực cửa khẩu Đức Cơ (Ảnh: baogialai.com.vn).
Giải pháp hoàn thiện quản lý TGTT hàng hóa nhập khẩu tại Cục Hải quan Gia Lai – Kon Tum

Thứ nhất, hoàn thiện việc kê khai trị giá tính thuế. Thực hiện thống kê các mặt hàng thường xuyên làm thủ tục hải quan trên địa bàn quản lý có biến đổi thường xuyên về TGTT để cán bộ, công chức tham khảo trong quá trình kiểm tra TGTT.

Đổi mới phương thức tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế bằng cách tổ chức các hội nghị chuyên đề về xác định TGTT đối với các mặt hàng thường xuyên làm thủ tục trên địa bàn; hướng dẫn cách thức xác định TGTT hàng hóa nhập khẩu; xây dựng sổ tay hướng dẫn về các phương pháp xác định TGTT hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu với mục tiêu giúp người nộp thuế dễ dàng tra cứu, sử dụng.

Phát triển quan hệ đối tác hải quan – DN, đặc biệt là quan hệ đối tác giữa hải quan – với hiệp hội DN trên địa bàn quản lý. Định kỳ thường xuyên trao đổi để kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh liên quan đến công tác quản lý hải quan nói chung, việc xác định TGTT nói chung.

Thứ hai, tăng cường công tác kiểm tra TGTT. Tổ kiểm soát công tác kiểm tra về TGTT của Cục Hải quan Gia Lai – Kon Tum (được thành lập tại Quyết định số 250/QĐ-HQGLKT ngày 15/9/2016) thường xuyên kiểm tra mức TGTT hàng hóa nhập khẩu, kiểm tra việc cập nhật kết quả kiểm tra TGTT đối với hàng hóa nhập khẩu trong thông quan tại các chi cục.

Tổ chức thực hiện kiểm tra đột xuất để đánh giá những rủi ro về công tác kiểm tra, xác định TGTT tại tất cả các chi cục hải quan nhằm kịp thời phát hiện sai sót để chấn chỉnh đối với công chức, lãnh đạo, bộ phận có liên quan.

Tăng cường công chức thực hiện kiểm tra TGTT trong thành phần trực ban trực tuyến cấp cục nhằm kiểm soát tốt việc khai báo TGTT của người khai hải quan trên hệ thống thông quan tự động.

Thứ ba, tăng cường quản lý rủi ro, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính. Việc áp dụng phương thức quản lý hải quan hiện đại theo nguyên tắc quản lý rủi ro, chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” đã thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, tạo điều kiện cho các DN tuân thủ pháp luật, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh.

Xây dựng kế hoạch thu thập thông tin với mục tiêu nâng cao chất lượng thu thập thông tin về người nộp thuế, trong đó cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên địa bàn quản lý để thu thập thông tin.

Nâng cấp hệ thống quản lý sau thông quan, hệ thống quản lý vi phạm theo hướng tích hợp với các hệ thống nghiệp vụ để bảo đảm tính liên kết, kế thừa giữa các nguồn thông tin.

Xây dựng kế hoạch thanh tra người nộp thuế theo các chuyên đề về hàng hóa miễn thuế, không chịu thuế, chuyền đề về trị giá tính thuế, chuyên đề về xuất xứ hàng hóa. Đặc biệt là các đối tượng được miễn thuế, không chịu thuế, sau đó thay đổi mục đích sử dụng nhưng không kê khai thuế.

Thứ tư, nâng cao chất lượng công chức làm công tác quản lý TGTT hàng hóa nhập khẩu. Rà soát danh mục vị trí việc làm và bản mô tả công việc của từng vị trí việc làm tại các đơn vị thuộc và trực thuộc.

Triển khai thực hiện khung năng lực chuyên môn về lĩnh vực thuế xuất – nhập khẩu đã được Tổng cục Hải quan ban hành. Theo đó, rà soát, đánh giá và phân loại trình độ nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức trong lĩnh vực giám sát quản lý và thuế xuất nhập khẩu dựa trên cơ sở khung năng lực và lập hồ sơ năng lực cho từng cán bộ, công chức. Kết quả này là cơ sở khoa học để thực hiện bố trí, sắp xếp, điều động, luân chuyển, xác định nhu cầu đào tạo và bồi dưỡng.

Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hằng năm theo hướng chuẩn hóa theo vị trí việc làm, ngạch công chức và nhiệm vụ được giao phải phù hợp với khung năng lực. Trong đó, cần chú trọng đến đào tạo kiến thức chuyên sâu về kiểm tra TGTT hàng hóa.

Thứ năm, hiện đại hóa công tác quản lý TGTT. Nâng cấp website của Cục Hải quan Gia Lai – Kon Tum thành cổng thông tin điện tử để cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời. Cổng thông tin điện tử là cầu nối quan trọng giữa người nộp thuế với cơ quan quản lý.

Triển khai mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin về quản lý địa điểm tập kết, kiểm tra hàng hóa xuất – nhập khẩu tại Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế và nâng cấp ứng dụng để đáp ứng yêu cầu quản lý.

Trang bị các kiến thức quản trị, kỹ năng sử dụng và khai thác các ứng dụng cho cán bộ, công chức bảo đảm vận hành thông suốt các hệ thống mạng, phần mềm quản lý vận hành ổn định và khai thác, sử dụng có hiệu quả các ứng dụng vào nghiệp vụ quản lý TGTT.

Xây dựng kế hoạch cụ thể phối hợp với các cơ quan quản lý chuyên ngành để triển khai thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN trên địa bàn quản lý để hướng đến điện tử hóa các chứng từ phải nộp cho cơ quan hải quan.

Chú thích:
1. Cục Hải quan Gia Lai – Kon Tum,  https://www.customs.gov.vn, ngày 20/8/2019.
2. Số liệu tác giả nghiên cứu, tổng hợp từ báo cáo thực hiện nhiệm vụ của Cục Hải quan Gia Lai – Kon Tum giai đoạn 2014-2018.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Hải quan năm 2014.
2. Chính phủNghị định số 08/2015/NĐ-CPngày 21/ 01/ 2015 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.
3. Chính phủ. Nghị định số 59/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về thuế.
4. Bộ Tài chính. Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
TS. Lê Toàn Thắng
Học viện Hành chính Quốc gia