Về xây dựng chế độ, chính sách thu hút, phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học phục vụ quốc hội hiện nay

(QLNN) – Trong quá trình triển khai xây dựng đề án về cải cách tiền lương và xác định vị trí việc làm của toàn bộ hệ thống chính trị tới đây, cần kịp thời nghiên cứu, đề xuất xây dựng các chế độ, chính sách đặc thù nhằm tạo ra được một môi trường, điều kiện làm việc tốt nhất, góp phần đề cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ khoa học phục vụ Quốc hội. Bài viết dưới đây nghiên cứu và trình bày về nhu cầu xây dựng chế độ, chính sách nhằm thu hút, phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học phục vụ Quốc hội.

 

Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội Việt Nam làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội CHDCND Lào (Ảnh: daibieunhandan.vn).
Nhu cầu xây dựng chế độ, chính sách nhằm thu hút, phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học phục vụ Quốc hội

Trong thời đại ngày nay, đặc biệt ở lĩnh vực quản lý của Nhà nước, công tác hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật ngày càng cần nhiều hơn sự hỗ trợ về chuyên môn của các chuyên gia, nhà khoa học (CGNKH) làm công tác tư vấn, bổ trợ cho hoạt động của bộ máy tham mưu.

Nhận thức được tầm quan trọng của đội ngũ CGNKH trong việc tham gia vào các hoạt động tư vấn chính sách, cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp ở các nước trên thế giới đều xác định một cách rõ rệt nhu cầu sử dụng CGNKH trong việc cung cấp những luận cứ khoa học, làm cơ sở cho việc đề xuất hoặc phản biện việc ban hành các đạo luật hoặc thông qua các quyết định quản lý nhà nước quan trọng trong hàng loạt các tình huống, từ các chính sách dài hạn đến việc kiểm soát nguy cơ khủng hoảng…

Đối với Quốc hội, ý kiến của các CGNKH, nhất là những người có vị trí độc lập, khách quan với các cơ quan hành pháp và tư pháp là rất cần thiết. Quan điểm và kiến thức chuyên môn của họ, khi được truyền tải trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng góp phần không nhỏ vào việc nâng cao nhận thức của cử tri và nhân dân, nhờ đó tạo thành áp lực từ phía công luận để các đại biểu Quốc hội nắm bắt, phản biện lại các chính sách trên nghị trường Quốc hội nhằm theo đuổi những lợi ích và giá trị vì lợi ích của quốc gia, của cử tri cả nước và địa phương.

Trong quá trình xây dựng và phát triển của Quốc hội nước ta, việc thu hút, phát triển đội ngũ CGNKH phục vụ công tác của Quốc hội đã trở thành một nhu cầu tất yếu khách quan. Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội luôn có những thế mạnh nhất định về nhu cầu tư vấn khoa học khi trở thành nơi hội tụ, tập hợp được không ít các CGNKH và nhiều cán bộ có chuyên môn sâu trúng cử và làm đại biểu Quốc hội chuyên trách, góp phần tạo ra năng lực nghiên cứu, phản biện khoa học tự thân của Quốc hội.

Trong số 494 đại biểu Quốc hội khóa XIV nhiệm kỳ 2016 – 2021, phần lớn các đại biểu đều là thành viên Hội đồng các ủy ban của Quốc hội. Trong đó, có 105 người có trình độ tiến sỹ trở lên (chiếm 21,25% tổng số đại biểu); 170 người có trình độ thạc sỹ (chiếm 34,41% tổng số đại biểu). Chỉ riêng số đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương (không kể lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Viện Nghiên cứu lập pháp) là 97 người, ở địa phương là 67 người. Trong đó có 37 người có trình độ tiến sỹ trở lên, 39 người có trình độ thạc sỹ1.

Nhìn chung, về mặt chuyên môn, số đại biểu Quốc hội chuyên trách (cả ở trung ương và địa phương) đều có trình độ cao, có kinh nghiệm quản lý. Nhiều người trong số họ đã và đang tích cực tham gia với vai trò như những chuyên gia nội bộ, đóng góp cho hoạt động Quốc hội.

Mặt khác, sự đa dạng, khác biệt ý kiến trong dư luận xã hội cũng tác động đến quá trình xem xét các dự án luật và chính sách khiến các nhà lãnh đạo đất nước và các đại biểu Quốc hội đều phải quan tâm đến việc sử dụng đội ngũ CGNKH từ bên ngoài, nhất là khi xử lý các vấn đề phức tạp trong quá trình thảo luận trước khi họp Quốc hội.

Nhu cầu sử dụng CGNKH tăng lên rõ rệt trong quá trình Quốc hội thực hiện chức năng lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước ở các nhiệm kỳ gần đây. Chỉ tính riêng trong nhiệm kỳ khóa XIII (2011 – 2016), Quốc hội đã phải xem xét thông qua 1 bản Hiến pháp và 100 văn bản luật (trung bình mỗi kỳ họp phải thông qua 10 luật, xem xét nhiều dự luật, thông qua nhiều chương trình, dự án quan trọng của quốc gia).

Do chức năng, nhiệm vụ và môi trường hoạt động ở các cơ quan của Quốc hội có tính mở và tính đại diện rất cao nên việc nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách cho việc thu hút, phát triển đội ngũ CGNKH (bao gồm cả đội ngũ cán bộ khoa học làm việc trong các cơ quan của Quốc hội) cần phải lưu ý đến những đặc thù riêng, trong khi các cơ chế, chính sách chung hiện nay chưa thể đáp ứng được.

Về cơ bản, cho đến nay, cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ nhằm phát triển đội ngũ CGNKH phục vụ quản lý nhà nước nói chung và phục vụ Quốc hội nói riêng vẫn đang được đặt trong khung thể chế chung về quản lý công chức và viên chức. Lương và chế độ, chính sách đối với các CGNKH về cơ bản áp dụng như đối với công chức hành chính. Do đó, vẫn có những rào cản xuất phát từ bất cập chung về thể chế quản lý tổ chức và cán bộ đối với việc thu hút, trọng dụng nhân tài khoa học và công nghệ nói chung cũng như nhân tài phục vụ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nói riêng.

Trong khi đó, việc xác định đối tượng cần làm chế độ, chính sách bảo đảm cho hoạt động của Quốc hội còn có sự mất cân đối, chưa toàn diện. Các chế độ, chính sách hiện hành bảo đảm cho hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội mới chỉ tập trung vào phục vụ đại biểu Quốc hội chuyên trách và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Văn phòng Quốc hội; chưa có cơ chế hữu hiệu cho phép thu hút, trọng dụng chuyên gia giỏi, cán bộ có trình độ cao từ bên ngoài phục vụ công tác của Quốc hội cũng như chưa chú trọng phát triển nguồn nhân lực khoa học – công nghệ làm việc tại Viện Nghiên cứu lập pháp đáp ứng đủ về số lượng và chất lượng.

Ngoài ra, còn phải kể đến một số hạn chế khác, như: nội dung thực hiện các chế độ, chính sách đặc thù chưa tính đến đầy đủ các nhu cầu bảo đảm cho hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội; cơ chế quản lý việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong các cơ quan của Quốc hội hiện nay chưa sát với yêu cầu huy động, sử dụng đội ngũ CGNKH; cơ chế tài chính và công tác tham mưu xây dựng, tổ chức thực hiện chế độ, chính sách bảo đảm cho hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội chưa phù hợp trên một số mặt cần huy động, tập hợp đội ngũ CGNKH;…

Quan điểm, yêu cầu và phương hướng xây dựng hệ thống chế độ, chính sách thu hút phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học phục vụ Quốc hội

Hiện nay, cần xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, hướng đến các nhóm đối tượng sau đây:

(1) nhóm CGNKH có trình độ cao, có năng lực và phẩm chất thích hợp từ các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước được tạo điều kiện thuận lợi để họ tích cực hoặc chủ động tham gia dưới các hình thức hoạt động hỗ trợ, phục vụ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động thuộc chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội;

(2) đội ngũ CGNKH, cán bộ khoa học cơ hữu làm việc tại chỗ trong các cơ quan của Quốc hội, bảo đảm lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đủ năng lực giải quyết một số nhiệm vụ cơ bản để phục vụ kịp thời Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong những tình huống thông thường và đột xuất.

Ảnh: http://dbndhanoi.gov.vn

Việc xây dựng hệ thống chế độ, chính sách nhằm xây dựng, thu hút, phát triển đội ngũ CGNKH phục vụ Quốc hội cần bảo đảm các yêu cầu cơ bản sau đây:

Một là, cần có sự kết hợp giữa chế độ chính sách chung do pháp luật quy định và các chế độ, chính sách đặc thù do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành. Theo Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền chủ động quyết định xây dựng, ban hành chế độ, chính sách đặc thù phù hợp áp dụng cho các đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.

Hai là, cần kết hợp giữa cơ chế trọng đãi những bậc nhân sĩ, trí thức (nhất là các chuyên gia nguyên là những cán bộ lãnh đạo, nguyên đại biểu Quốc hội đã nghỉ hưu) với cơ chế tận dụng, phát huy sự tham gia của các CGNKH đã công tác lâu năm trong các cơ quan của Quốc hội; phát hiện, bồi dưỡng nhân tài là cán bộ, công chức, viên chức đang công tác có điều kiện phát triển, đem trí tuệ phục vụ lâu dài cho bộ máy nhà nước nói chung và trong Quốc hội nói riêng.

Ba là, từng bước nâng cao, có mức đãi ngộ xứng đáng, phù hợp với vai trò, uy tín, đóng góp của từng nhóm CGNKH, cán bộ khoa học.

Bốn là, có sự phân biệt giữa các chế độ, chính sách xây dựng đội ngũ CGNKH, cán bộ khoa học chuyên trách làm việc tại cơ quan nghiên cứu của Quốc hội với chế độ, chính sách thu hút phát triển đội ngũ CGNKH tham gia các hoạt động phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

Về phương hướng xây dựng, hoàn thiện chế độ, chính sách đặc thù, trong thời gian tới:

– Cần có chiến lược và chính sách cụ thể nhằm xây dựng đội ngũ chuyên gia cao cấp phục vụ Quốc hội.

– Tiếp tục đổi mới phương thức làm việc của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội trên cơ sở xây dựng mô hình nhóm chuyên gia tư vấn cho Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội nhằm huy động, sử dụng thường xuyên hơn mạng lưới các CGNKH có uy tín tham gia phục vụ Quốc hội.

– Tiếp tục cải thiện một số chế độ chi tiêu, thuê hoặc mời CGNKH phục vụ Quốc hội theo chức năng, nhiệm vụ cho phù hợp với yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.

– Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, đặc biệt là về tài chính nhằm thu hút CGNKH trong và ngoài Quốc hội tham gia công tác nghiên cứu khoa học và thông tin, tư liệu phục vụ Quốc hội.

– Có cơ chế rõ ràng và kinh phí hỗ trợ đại biểu thực hiện quyền kiến nghị về luật, pháp lệnh, đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh và trình dự án luật, pháp lệnh trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

– Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện một số chế độ, chính sách đặc thù xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Viện Nghiên cứu lập pháp.

– Có cơ chế và hình thức khen thưởng riêng đối với các CGNKH có công trạng nổi bật, đóng góp, cống hiến phục vụ Quốc hội.

Một số giải pháp và kiến nghị

Thứ nhất, cần có cơ chế sử dụng chuyên gia cao cấp ở Quốc hội phù hợp với quy mô hoạt động của Quốc hội để giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và 9 Ủy ban của Quốc hội, nên bố trí từ 10 – 12 chuyên gia cao cấp.

Cần quy định rõ cơ chế, chính sách bảo đảm sự tham gia các hoạt động chuyên môn phục vụ Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội theo chức năng, nhiệm vụ. Chuyên gia cao cấp có thể được phân công như: được bổ nhiệm là người đứng đầu và tham gia điều phối hoạt động của nhóm chuyên gia tư vấn hỗ trợ cho Hội đồng Dân tộc hoặc một Ủy ban của Quốc hội về lĩnh vực phụ trách của cơ quan đó; được mời trực tiếp tham gia Ban soạn thảo một số đề án, dự án quan trọng mà các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; được lãnh đạo Quốc hội trực tiếp giao một số nhiệm vụ đặc biệt giúp lãnh đạo Quốc hội hoặc một đồng chí ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội được phân công chủ trì thực hiện; được mời tham gia các đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn với trách nhiệm của thành viên đoàn; được mời tham dự (hoặc cấp thẻ dự thính) các phiên họp Quốc hội…

Thứ hai, thành lập các nhóm chuyên gia tư vấn thường xuyên cho Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội nhằm cho phép huy động, sử dụng thường xuyên hơn mạng lưới các CGNKH có uy tín tham gia phục vụ Quốc hội.

Thứ ba, sắp xếp lại bộ máy tổ chức và bảo đảm các điều kiện làm việc tốt hơn đối với đội ngũ chuyên gia, cán bộ khoa học làm việc tại Viện Nghiên cứu lập pháp.

Thứ tư, có hình thức khen thưởng, tôn vinh đối với các CGNKH có nhiều công lao, đóng góp, cống hiến phục vụ Quốc hội. Chẳng hạn, về hình thức khen thưởng, có thể nghiên cứu bổ sung thêm một số hình thức khen thưởng của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội mà Luật Thi đua – khen thưởng chưa quy định, như: Huy chương “Vì Nhân dân phục vụ” (do Chủ tịch nước tặng), Huy hiệu “Đại biểu Nhân dân” (do Chủ tịch Quốc hội tặng), là hình thức khen thưởng tặng cho các đồng chí có nhiều khóa là đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nguyên là đại biểu Quốc hội, nguyên đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp hoặc cá nhân có thành tích nổi bật phục vụ hoạt động của Quốc hội, hoặc là chuyên gia có nhiều năm đóng góp cho Quốc hội.

Thứ năm, thành lập Quỹ nghiên cứu của Quốc hội, nhằm hỗ trợ thực hiện các công trình nghiên cứu điều tra dư luận xã hội, ý kiến cử tri về những vấn đề lớn còn có nhiều ý kiến khác nhau trong xã hội liên quan đến các dự án luật, pháp lệnh, đề án, đề xuất quan trọng, đặc biệt quan trọng trình Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Hỗ trợ việc tổ chức biên soạn, xuất bản các công trình nghiên cứu chuyên sâu về tổ chức và hoạt động của Quốc hội và tổng kết các nhiệm kỳ Quốc hội.

Hỗ trợ các đại biểu Quốc hội trong việc chủ động nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn, thực hiện quyền kiến nghị và trình dự án luật, pháp lệnh; khen thưởng với các mức thưởng có giá trị cao cho các CGNKH và tổ chức, cá nhân khác có nhiều đóng góp, cống hiến phục vụ hoạt động của Quốc hội Việt Nam.

Bên cạnh các giải pháp nêu trên, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các giải pháp khác về tài chính, ngân sách như: bố trí thêm kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ phân bổ cho Quốc hội thực hiện hằng năm trên cơ sở tính đủ nhu cầu nghiên cứu khoa học, thông tin khoa học trong các cơ quan của Quốc hội; cải tiến chế độ kinh phí thuê chuyên gia phục vụ hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đoàn đại biểu Quốc hội; cải tiến chế độ hỗ trợ đại biểu Quốc hội, mời chuyên gia nghiên cứu và xử lý thông tin để phục vụ công tác đại biểu;…

Trong bối cảnh nguồn lực của đất nước còn hạn chế, các chế độ, chính sách đặc thù này là bằng chứng xác đáng cho quan điểm trọng dụng, đãi ngộ nhân tài trí thức của Đảng và Nhà nước ta. Nhờ những chế độ, chính sách đặc thù đó, đội ngũ CGNKH trong và ngoài Quốc hội khi được huy động, tập hợp sẽ không ngừng phát huy sáng tạo, cống hiến tài năng, tâm huyết vào giúp cho việc giải quyết các vấn đề lớn của đất nước thuộc trách nhiệm của Quốc hội./.

Chú thích:
1. Đại biểu Quốc hội khóa XIV, 2016 – 2021. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2017.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Đình Hương. Quan điểm về vai trò trung tâm thu hút, tập hợp đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học phục vụ hoạt động của Quốc hội của Viện Nghiên cứu lập pháp/ Tham luận tại Hội thảo Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút, phát triển các chuyên gia, nhà khoa học phục vụ hoạt động của Quốc hội – Những vấn đề đặt ra do Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức tại Hà Nội, ngày 16/10/2017.
2. Đặng Văn Thanh. Thực tiễn xây dựng đội ngũ chuyên gia cao cấp phục vụ hoạt động của Quốc hội – Kinh nghiệm và những vấn đề đặt ra/Tham luận tại Hội thảo Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút, phát triển các chuyên gia, nhà khoa học phục vụ hoạt động của Quốc hộiNhững vấn đề đặt ra do Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức tại Hà Nội, ngày 16/10/2017.
3. Viện Nghiên cứu lập pháp. Cơ sở lý luận và thực tiễn đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp (Báo cáo tổng hợp Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ do TS. Hoàng Văn Tú làm Chủ nhiệm), 2014 – 2015.
4. Viện Nghiên cứu lập pháp. Xây dựng chế độ, chính sách đặc thù thu hút, phát triển đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học phục vụ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội – Thực trạng và giải pháp (Báo cáo tổng hợp Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ do TS. Đặng Xuân Phương làm Chủ nhiệm), 2016 – 2018.
5. Viện Nghiên cứu lập pháp. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Kế thừa, đổi mới và phát triển. H. NXB Chính trị quốc gia, 2016.
TS. Đặng Xuân Phương
Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV