Quảng Bình tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước

(QLNN) – Quảng Bình là tỉnh duyên hải thuộc vùng Bắc Trung Bộ nổi tiếng với di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng và có tổng diện tích tự nhiên là 806.527 ha, dân số là 895.430 người. Những năm qua, Quảng Bình luôn xác định cải cách hành chính là khâu đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và đã đạt được những kết quả tích cực đáng ghi nhận.

Động Phong Nha – Kẻ Bàng tỉnh Quảng Bình
Công tác cải cách hành chính nhà nước ở tỉnh Quảng Bình

Về cải cách thể chế và thủ tục hành chính

Với sự tham mưu tích cực của cơ quan tư pháp các cấp, việc xây dựng, thẩm định, góp ý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (QPPL); kiểm tra, rà soát hệ thống hóa văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh đã đi vào nề nếp, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước bằng pháp luật. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp thẩm định, góp ý 51 văn bản QPPL; ban hành 14 quyết định trên các lĩnh vực. Kiểm tra theo thẩm quyền 33 nghị quyết của hội đồng nhân dân (HĐND) và 25 quyết định do HĐND, UBND cấp huyện ban hành. Tiến hành rà soát hơn 200 văn bản liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự ở địa bàn nông thôn.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện thiết lập Chuyên mục “Người dân hỏi cơ quan chức năng trả lời” trên Trang thông tin điện tử của đơn vị, địa phương nhằm hướng dẫn, giải đáp, xử lý các ý kiến của tổ chức, cá nhân về thủ tục hành chính (TTHC) thuộc phạm vi thẩm quyền giải quyết; chỉ đạo các đơn vị, địa phương tổ chức đối thoại về TTHC định kỳ 6 tháng/1 lần để nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp.

Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước

UBND tỉnh tích cực trong việccải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước: thành lập Quỹ Đầu tư phát triển; sắp xếp, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động và quy hoạch mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập trên toàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030; chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế theo Chỉ thị số 02-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ; phê duyệt bổ sung danh sách đối tượng tinh giản biên chế đợt 01/2017 gồm 137 trường hợp; phê duyệt chỉ tiêu biên chế sự nghiệp tự trang trải năm 2017 cho một số đơn vị, địa phương… Bên cạnh đó, còn ban hành quyết định phê duyệt danh mục vị trí việc làm trong các tổ chức hành chính của các cơ quan. Thành lập, kiện toàn các tổ chức phối hợp liên ngành theo quy định.

Về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC)

UBND tỉnh giao cho Sở Nội vụ hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương tuyển dụng 769 viên chức của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên toàn tỉnh; đồng thời quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 50 CBCC, trong đó: diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý 28 trường hợp; diện Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh 32 trường hợp và quyết định điều động và bổ nhiệm chức danh giảng viên cao cấp đối với 01 viên chức; quyết định tiếp nhận 17 công chức; điều động 08 công chức; thuyên chuyển 10 công chức.

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC, trong 6 tháng đầu năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 477/QĐ-UBND ngày 20/02/2017 về việc giao kế hoạch và kinh phí mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng CBCC năm 2017, với tổng kinh phí 4 tỷ 700 triệu đồng để mở 70 lớp cho 6.775 CBCC. Tính đến nay, UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ phối hợp với các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh mở 10/70 lớp, đào tạo, bồi dưỡng cho tổng số 794 CBCCVC.

Về cải cách tài chính công

Triển khai Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước, đến nay có 100% cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã thực hiện nghiêm túc. 119/119 đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh (100%), 593/794 đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện (74,69%) thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kinh phí hoạt động; các cơ quan, đơn vị, địa phương đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ và điều hành dự toán chi ngân sách theo các định mức, tiêu chuẩn của Nhà nước và quy chế chi tiêu nội bộ đã ban hành, chủ động tiết kiệm kinh phí để tăng thu nhập cho CBCCVC.

Về hiện đại hóa hành chính

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành.Đến nay, hạ tầng CNTT trong các cơ quan nhà nước cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu sử dụng của CBCCVC trong toàn tỉnh. Trong đó, 100% các đơn vị đã có hệ thống mạng nội bộ (LAN) và được kết nối đường truyền Internet tốc độ cao; 98% CBCC ở các sở, ban, ngành, địa phương đã được trang bị máy vi tính; 98% sở, ban, ngành, địa phương đã được kết nối mạng TSLCD; 100% sở, ban, ngành, địa phương đã kết nối đường truyền internet tốc độ cao.

Hệ thống giao ban trực tuyến được đầu tư, xây dựng đã mang lại những hiệu quả nhất định, giảm thiểu việc đi lại của các đồng chí lãnh đạo. Đến nay, hệ thống giao ban trực tuyến của tỉnh đã bảo đảm phục vụ các cuộc họp trực tuyến do Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương cũng như các cuộc họp trực tuyến giữa UBND tỉnh với UBND huyện, thị xã, thành phố.

Hệ thống phần mềm quản lý hồ sơ CBCC và đánh giá kết quả làm việc được triển khai thực hiện, đến nay đã có trên 26 cơ quan, đơn vị đã cập nhật hồ sơ CBCC và 4 cơ quan, đơn vị đã triển khai đánh giá kết quả làm việc của CBCC trên phần mềm với số lượng hồ sơ lên đến 2.494.

Bên cạnh đó, tất cả các cơ quan hành chính thuộc đối tượng quy định đã và đang xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng đối với các hoạt động liên quan đến thực hiện TTHC cho tổ chức, cá nhân. Đến nay, có 31/41 cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn đã triển khai xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng. Có 20 cơ quan, đơn vị thực hiện công bố hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008.

Đại diện Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Quảng Bình và đại diện Zalo ký kết hợp tác thực hiện cải cách hành chính.

Một số hạn chế, tồn tại và nguyên nhân

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên các mặt của công tác cải cách hành chính (CCHC) song vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Cụ thể:

– Công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện CCHC ở một số địa phương, đơn vị chưa thường xuyên, hoặc có kiểm tra nhưng còn hình thức. Công tác đánh giá tác động của quy định về TTHC trong dự thảo văn bản QPPL còn lúng túng; một số TTHC công bố còn chậm.

– Việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý CBCCVC ở một số cơ quan, đơn vị chất lượng chưa cao. Số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã còn nhiều, chưa tinh gọn, kinh phí khó khăn nên một số chế độ, chính sách hỗ trợ cho đối tượng này chưa đáp ứng đủ.

– Một số đơn vị sự nghiệp công lập chưa thật sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế; kết quả hoạt động còn hạn chế. Quy chế chi tiêu nội bộ và phân phối thu nhập còn mang tính bình quân, chưa thật sự khuyến khích người lao động hoạt động có hiệu quả, chưa gắn hiệu quả và chất lượng công việc.

– Việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động tại các cơ quan hành chính triển khai đang còn chậm, có đơn vị triển khai còn mang tính hình thức. Công tác thông tin, báo cáo về CCHC ở một số địa phương, đơn vị thiếu kịp thời, chất lượng báo cáo chưa cao, chưa tìm ra được nguyên nhân của hạn chế, yếu kém để có giải pháp khắc phục.

Nguyên nhân của thực trạng này là do trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch CCHC hằng năm, nhiều cơ quan, đơn vị chưa bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch đề ra. Cùng với đó, nhận thức chung của các ngành, các cấp, của đội ngũ CBCCVC chức về vị trí, vai trò của công tác CCHC còn hạn chế.

Người đứng đầu một số cơ quan, địa phương, đơn vị chỉ đạo chưa thật quyết liệt, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong công tác chỉ đạo CCHC. Bên cạnh đó, trình độ, năng lực của một số CBCCVC ở các ngành, các cấp còn hạn chế; tinh thần, ý thức phục vụ nhân dân chưa cao; chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ ở một số lớp chưa cao, nhất là đối với CBCC ở cơ sở, có một số nội dung tập huấn trùng lặp, hiệu quả thấp. Công tác kiểm tra đôn đốc CCHC ở một số ngành, địa phương, đơn vị chưa thường xuyên. Cơ sở vật chất, kinh phí bố trí cho công tác CCHC đã được quan tâm nhưng chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.

Một số giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước ở tỉnh Quảng Bình trong thời gian tới

Để tiếp tục đẩy mạnh CCHC, thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, quyết liệt, nghiêm túc trong công tác chỉ đạo, điều hành. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính các ngành, các cấp. Chỉ đạo việc gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC với công tác thi đua, khen thưởng. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền CCHC nhà nước bằng nhiều hình thức, phương tiện thông tin đại chúng, trong đó chú ý tuyên truyền những kết quả CCHC của tỉnh đã đạt được trong thời gian qua để người dân cảm nhận được sự quan tâm, nỗ lực của các cấp chính quyền trong công cuộc CCHC của tỉnh.

Thứ hai, cần nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát hệ thống văn bản QPPL. Thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, theo dõi thi hành pháp luật và quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính ở địa phương. Cùng với đó, cần tiếp tục chỉ đạo duy trì, củng cố, phê duyệt thành lập mới bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại các cơ quan, đơn vị, địa phương; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện xây dựng Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh.

Thứ ba, tiếp tục kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo quy định của Trung ương phù hợp với đặc thù của địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm việc. Tiếp tục triển khai thực hiện việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào khu vực công trên địa bàn tỉnh.

Thứ , tiếp tục  đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý nhà nước tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Triển khai kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh. Tăng cường ứng dụng chữ ký số trong cơ quan nhà nước. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp và công dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Triển khai mở rộng việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành qua dịch vụ bưu chính công ích; sử dụng hệ thống camera thông minh, wifi thông minh; ứng dụng Zalo trong CCHC. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương, đơn vị còn lại tập trung hoàn chỉnh các quy trình, tài liệu để đề nghị cấp chứng nhận quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn Việt Nam ISO 9001: 2008 và tăng cường kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện CCHC.

CCHC là nhiệm vụ hết sức quan trọng, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, đồng thời phát huy vai trò của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ CCHC. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên là góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của công cuộc CCHC nhà nước giai đoạn 2016-2020 và các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ. Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 về Chương trình tổng thể cải cách nhà nước giai đoạn 20112020.
2. Thủ tướng Chính phủ. Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04/02/2016 về kế hoạch cải cách nhà nước giai đoạn 2016 – 2020.
3. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình.Quyết định số 1319/QĐ-UBND ngày 06/5/2016 về việc ban hành Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Quảng Bình giai đoạn 20162020.
4. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình. Báo cáo kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2017, ngày 13/6/2017.
 TS. Đoàn Nhân Đạo
Học viện Hành chính Quốc gia