Đánh giá hiệu quả hoạt động trong các trường đại học công lập thông qua kiểm định chất lượng giáo dục

(QLNN) – Trước những yêu cầu đang được đặt ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” thì việc đánh giá hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là hết sức cần thiết. Trong đó, xây dựng hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục trường đại học – công cụ để đánh giá hiệu quả hoạt động của các trường đại học công lập ở Việt Nam đang là vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm. Từ kết quả kiểm định sẽ cung cấp những căn cứ quan trọng và xác thực về thực trạng hiệu quả hoạt động của các trường để có sự điều chỉnh phù hợp.

 

Tăng cường đầu tư phát triển chất lượng cơ sở giáo dục đại học. Ảnh: VOV

Tại Điều 9 Luật Viên chức năm 2010 quy định: đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước (QLNN). Các đơn vị này là bộ phận cấu thành trong cơ cấu tổ chức cơ quan nhà nước nhưng không mang quyền lực nhà nước, không có chức năng QLNN và bình đẳng với các tổ chức, cá nhân khác trong quan hệ cung cấp dịch vụ công. Trường đại học công lập (ĐHCL) là đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên và mục tiêu của giáo dục đại học được quy định rất rõ trong Luật Giáo dục đại học năm 2012.

Từ đánh giá hiệu quả hoạt động (ĐGHQHĐ) của các trường đại học nói chung và các trường ĐHCL nói riêng có ý nghĩa quan trọng nhằm đánh giá uy tín, chất lượng đào tạo, phục vụ công tác QLNN và ưu tiên đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Kết quả đánh giá hiệu quả hoạt động đối với các trường đại học công lập

Những năm gần đây, việc ĐGHQHĐ đối với các trường đại học đã được chú trọng hơn. Hoạt động bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học Việt Nam được đánh dấu bằng việc thành lập Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (nay là Cục Quản lý chất lượng).

Từ tháng 01/2016 – 5/2018, việc đánh giá các trường ĐHCL dựa vào bộ tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành trong Quyết định số 65/2007/QĐ-BGDĐT ngày 01/11/2007. Theo đó, việc đánh giá này sẽ dựa trên 10 tiêu chuẩn với 61 tiêu chí, bao gồm: sứ mạng và mục tiêu của trường đại học; tổ chức và quản lý; chương trình giáo dục; hoạt động đào tạo; đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên; người học; nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ; hoạt động hợp tác quốc tế; thư viện, trang thiết bị học tập và cơ sở vật chất khác; tài chính và quản lý tài chính.

Quy trình đánh giá được thực hiện qua 4 bước: Tự đánh giá – Đánh giá ngoài – Thẩm định kết quả đánh giá – Công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.

Theo kết quả đánh giá của 4 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội các trường đại học – cao đẳng Việt Nam và Đại học Đà Nẵng, từ tháng 01/2016 đến ngày 31/5/2018, đã tiến hành đánh giá 122 trường đại học và học viện cùng 3 trường cao đẳng. Trong đó, có 117 trường đại học, học viện (100 trường ĐHCL) được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục và 5 trường chưa được công nhận “đạt chuẩn chất lượng”1.

Đã có 100% các cơ sở giáo dục (CSGD) đại học đạt được 9 tiêu chí là: xác định sứ mạng của trường đại học; các hoạt động của tổ chức đảng và các tổ chức đoàn thể; bảo đảm các quyền dân chủ trong trường đại học cho cán bộ, giảng viên; một số tiêu chí về chăm sóc sinh viên; các hoạt động hợp tác quốc tế được thực hiện theo quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, với 52 tiêu chí còn lại, mỗi tiêu chí có ít nhất một CSGD đại học chưa đạt2.

Hiện nay, chỉ có duy nhất có một trường đại học có số lượng tiêu chí “đạt” cao nhất là 56/61. Có 98 trường chưa đạt 9 tiêu chí trở lên, chiếm 83,76% tổng số trường. Đây là những con số đáng lo ngại, phản ánh đúng những nội dung yếu kém của giáo dục đại học Việt Nam3.

Một số tiêu chí phản ánh hoạt động khoa học – công nghệ, có nhiều trường chưa đạt mức tương đối cao như tiêu chí yêu cầu về chuyển giao khoa học – công nghệ có đến 77,8% CSGD đại học chưa đạt, đặc biệt 5 tiêu chí có số lượng CSGD đại học chưa đạt yêu cầu cao nhất là các tiêu chí về nguồn thu từ nghiên cứu khoa học, về tài liệu của thư viện, đánh giá chương trình đào tạo, về mặt bằng, tỷ lệ sinh viên/giảng viên4.

Hiện tại, ở các CSGD đại học còn nhiều bất cập, tồn tại, như: có đến 43% chưa đáp ứng yêu cầu chương trình đào tạo chuẩn, giảng viên chuẩn; việc đánh giá công tác quản trị còn 36% số trường chưa có cách tổ chức phù hợp; 43% cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu chương trình đào tạo có mục tiêu rõ ràng, cụ thể, cấu trúc chưa hợp lý, thiết kế chưa đáp ứng chuẩn kỹ năng và nhu cầu của thị trường lao động; 44% các trường đại học chưa đáp ứng được yêu cầu trong triển khai hoạt động đào tạo, phương pháp và quy trình kiểm tra đánh giá kết quả học tập của người học. Ngoài ra, 33% các trường đại học vẫn chưa chú trọng lấy ý kiến của người học, người sử dụng lao động và các bên liên quan để làm căn cứ điều chỉnh chương trình đào tạo5.

Tỷ lệ trung bình sinh viên/giảng viên còn quá cao. Thậm chí, có những chương trình đào tạo có tỷ lệ lên tới 60 sinh viên/giảng viên, 55% trường chưa đáp ứng đủ số lượng giảng viên thực hiện chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học. Trong đó, có 43% trường được đánh giá có đội ngũ giảng viên chưa bảo đảm trình độ chuẩn theo quy định. Một số giảng viên chưa giảng dạy theo chuyên môn được đào tạo. Số lượng cán bộ quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu về phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn lên tới 35%6.

Đối với công tác nghiên cứu khoa học, điểm yếu của các trường đại học là nhiều đề tài, dự án chưa được thực hiện và nghiệm thu theo kế hoạch. Tính ứng dụng và chuyển giao của các đề tài nghiên cứu còn yếu, đầu tư cho nghiên cứu khoa học chưa bảo đảm quy định, chiếm 78% trường.

Việc phân bổ, sử dụng tài chính minh bạch và hiệu quả cho các bộ phận và các hoạt động của trường đại học cũng chưa được bảo đảm. Có đến 38% CSGD chưa đáp ứng được các yêu cầu này7.

Qua việc đánh giá này, có thể chỉ ra một số thành công như sau:

Thứ nhất, công tác ĐGHQHĐ của các CSGD ĐHCL thông qua kiểm định chất lượng CSGD đã được thực sự chú trọng nhằm từng bước điều chỉnh hoạt động của các trường đại học theo hướng chú trọng chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, gắn đào tạo với nhu cầu thực tiễn. Khắc phục căn bệnh phô trương, hình thức, chạy theo thành tích đã tồn tại lâu nay trong các CSGD ĐHCL.

Thứ hai, đã xây dựng được các tiêu chí đánh giá thống nhất, bao quát được các hoạt động cơ bản trong trường đại học với quy trình đánh giá phù hợp. Thời gian qua, khi sử dụng bộ tiêu chuẩn đã phần nào giúp CSGD tự rà soát lại chất lượng của đơn vị mình. Các văn bản liên quan đến việc áp dụng bộ tiêu chuẩn 61 tiêu chí đã hoàn chỉnh.

Đặc biệt đã có văn bản được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành từ năm 2015, 2016, như: Thông tư số 24/2015/TT-BGDĐT ngày 23/9/2015 quy định chuẩn quốc gia đối với CSGD đại học, Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT ngày 14/3/2016 ban hành quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, Công văn số 1237/KTKĐCLGD-KĐHĐ ngày 03/8/2016 đã quy định khá rõ ràng trong việc phân định các mức độ đạt và chưa đạt.

Hầu hết các CSGD đại học đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá theo tiêu chuẩn 61 tiêu chí. Gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT ngày 19/5/2017 về kiểm định chất lượng CSGD đại học gồm 25 tiêu chuẩn với 111 tiêu chí để thay thế cho Quyết định số 65/2007/QĐ-BGDĐT ban hành từ năm 2007.

Thứ ba, quá trình đánh giá, kiểm định được thực hiện công khai, bao gồm cả việc tự đánh giá (đánh giá trong) và đánh giá ngoài.

Thứ tư, kiểm định chất lượng CSGD đại học là cơ hội để các trường nhìn nhận lại chính bản thân mình, xác định mặt mạnh, mặt yếu để từ đó điều chỉnh hoạt động theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, đồng thời, cũng là cơ hội để các cơ quan QLNN về giáo dục – đào tạo xác định chính xác hơn về năng lực đào tạo và hoạt động khoa học – công nghệ của các trường. Trên cơ sở đó, có những chính sách phát triển phù hợp đối với từng loại trường.

Những hạn chế, khó khăn trong quá trình đánh giá

Qua ĐGHQHĐ của các CSGD nêu trên cho thấy, hoạt động đánh giá này luôn gặp khó khăn trong triển khai thực hiện, cụ thể là do:

(1) Bộ tiêu chí đánh giá theo 61 tiêu chí đang sử dụng hiện nay còn một số tiêu chí mang tính chung chung hoặc không còn thích hợp; chưa có tính hội nhập đối với khu vực Cộng đồng kinh tế ASEAN. Bộ tiêu chí chỉ mới đánh giá được 2 mức đạt và chưa đạt, còn thiếu nhiều vấn đề mà thế giới hoặc khu vực quan tâm, như sở hữu trí tuệ, hệ thống quản lý thông tin… Bộ tiêu chí vẫn bám theo mô hình trường đại học cũ, không phải theo mô hình phát triển đại học mới.

(2) Việc ĐGHQHĐ còn nặng tính hình thức và mang tính dàn đều, chưa tạo được cơ sở để phân loại, xếp hạng các trường đại học, chưa phản ánh đúng được chất lượng đào tạo đại học hiện nay, dẫn đến nghi ngờ mức độ xác thực kết quả kiểm định.

(3) Nhận thức, chuyển biến của cán bộ, giảng viên, sinh viên các trường đại học hiện nay chưa đồng đều, kéo theo chất lượng tự báo cáo đánh giá của các trường mới chưa đạt được yêu cầu đặt ra. Không ít trường thực hiện quá trình tự đánh giá, đánh giá để đối phó bằng việc chỉnh sửa số liệu hoặc nguồn lực một cách hình thức để đạt chuẩn mà không đúng với thực chất. Có những trường cơ sở vật chất không đủ, thuê mướn nhiều nơi nhưng vẫn đạt chuẩn.

(4) Mục đích của việc thẩm định, xác nhận các điều kiện bảo đảm chất lượng đối với các đại học, học viện, trường đại học nhằm phản ánh một cách khách quan, trung thực các điều kiện bảo đảm chất lượng cơ bản hiện có của trường đại học. Tuy nhiên, các bộ công cụ đánh giá hiện nay ở chừng mực nào đó, chưa theo kịp sự vận hành, phát triển rất nhanh của thực tế giáo dục đại học, đặc biệt là theo chuẩn quốc tế. Ngoài ra, cơ quan kiểm định và các trường còn khá lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.

(5) Còn thiếu chế tài để khuyến khích các trường làm tốt hoặc các quy định xử lý những trường làm chưa tốt, chưa thực sự chú trọng đến công tác kiểm định.

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đánh giá hiệu quả hoạt động của các trường đại học công lập

Một là, hoàn thiện bộ tiêu chuẩn và tiêu chí kiểm định, đánh giá.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành quy định về kiểm định chất lượng CSGD đại học, song cần phải lấy ý kiến rộng rãi trước khi ban hành. Hiện nay, dự thảo quy định này đã được xây dựng để xin ý kiến.

Nội dung của Dự thảo bộ tiêu chuẩn này tập trung vào 25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí, đánh giá toàn bộ hoạt động của một CSGD đại học và được chia thành 4 nhóm: bảo đảm chất lượng về mặt chiến lược (8 tiêu chuẩn, 37 tiêu chí); bảo đảm chất lượng về mặt hệ thống (4 tiêu chuẩn, 19 tiêu chí); bảo đảm chất lượng về mặt thực hiện chức năng (9 tiêu chuẩn, 39 tiêu chí); kết quả hoạt động (4 tiêu chuẩn, 16 tiêu chí). Từng tiêu chí được đánh giá theo thang 7 mức để đánh giá thay vì chỉ có mức đạt và chưa đạt như hiện nay.

CSGD được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng khi có điểm trung bình của các tiêu chuẩn trong từng nhóm đều đạt từ mức 3,5 điểm trở lên và không có tiêu chuẩn nào có điểm trung bình dưới 2,0 điểm. Đồng thời, cũng quy định rõ hơn về những việc cần thực hiện trong cả chu kỳ kiểm định, nhất là sau khi CSGD được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng. Có các quy định về khuyến khích và chế tài đối với kết quả thực hiện công tác kiểm định chất lượng đối với các CSGD.

Hai là, nâng cao nhận thức của các trường về tầm quan trọng của đánh giá, kiểm định chất lượng đào tạo nhằm tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường đại học trong việc công khai các điều kiện bảo đảm chất lượng của nhà trường; giúp cho các trường đại học khẳng định điều kiện bảo đảm chất lượng trước xã hội. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và gia đình thí sinh trong việc lựa chọn trường để đăng ký theo học, cung cấp thông tin cho xã hội biết và giám sát.

Ba là, nâng cao khả năng của cơ quan kiểm định, đặc biệt là năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm định, đánh giá. Bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch trong đánh giá, công khai kết quả kiểm định, công khai minh bạch các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, trên cơ sở đó, thực hiện tốt cơ chế giám sát chất lượng đào tạo thường xuyên trong các trường đại học.

Bốn là, đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục theo hướng tiệm cận với khu vực và quốc tế, khuyến khích các trường thực hiện kiểm định theo tiêu chuẩn của các tổ chức bảo đảm chất lượng giáo dục nước ngoài có uy tín, khuyến khích các trường đại học tham gia xếp hạng, gắn sao với các tổ chức quốc tế. Bộ đã đề ra mục tiêu đến năm 2020, khoảng 10% số chương trình đào tạo được đánh giá trong nước và quốc tế.

Năm là, đánh giá, kiểm định chất lượng đào tạo của các trường đại học phải đi liền với yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo. Từ đó là cơ sở dữ liệu về các trường đại học, phân tích dữ liệu phục vụ công tác quản lý và hoạch định chính sách của chính các trường đại học, đồng thời cũng là cơ sở để nhận diện, đánh giá để có đầu tư hiệu quả của nhà nước và doanh nghiệp.

Sáu là, kết hợp đánh giá, kiểm định chất lượng đào tạo của cơ quan kiểm định nhà nước với các cơ quan kiểm định, đánh giá của các tổ chức tư nhân, tổ chức kiểm định độc lập để có được kết quả đánh giá khách quan hơn. Cần tiếp tục triển khai nhóm chuyên gia độc lập gồm 6 thành viên đánh giá, xếp hạng các trường đại học Việt Nam trong vòng 3 năm với các mục tiêu xây dựng một bảng xếp hạng phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, mang tính định lượng, khả tín, khách quan và hướng tới chuẩn mực quốc tế.

Việc tham gia xếp hạng của các trường ĐHCL là thể hiện sự tự tin và vững vàng hội nhập, là trách nhiệm của trường đại học đối với cộng đồng, là hình thức công khai một cách khách quan các điều kiện bảo đảm chất lượng. Các kết quả xếp hạng cần được nhận thức đúng, phù hợp với mức độ và lĩnh vực quan tâm của bảng xếp hạng đó./.

Chú thích:
1, 2, 3, 4. Nguyễn Quang Dong, Nguyễn Phương Nga. “Ngỡ ngàng” bức tranh về kết quả kiểm định chất lượng 117 trường đại học Việt Nam. https://dantri.com.vn, ngày 13/6/2018.
5, 6, 7. Thúy Nga, Hạ Anh. Tiêu chí nào nhiều trường đại học Việt Nam chưa đạt được nhất. https://vietnamnet.vn, ngày 20/8/2018.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Viên chức năm 2010.
2. Luật Giáo dục đại học năm 2012.
3. Lưu Quang Hưng. Bảng xếp hạng các trường đại học Việt Nam (VUR) do nhóm tác giả “nhóm chuyên gia độc lập”. Tạp chí Tia sáng số 17, ngày 05/9/2017.
4. Bài viết trong Đề tài cấp quốc gia KX.01.19/16-20 thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia KX.01/16-20.
                                        TS. Nguyễn Hồng Cử
Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng