Phân cấp quản lý nhà nước đối với giáo dục phổ thông

(QLNN) – Phân cấp QLNN đối với GDPT là một nội dung quan trọng trong chương trình cải cách hành chính trong ngành giáo dục. Phân cấp QLNN đối với GDPT theo mô hình giáo dục toàn diện trên cơ sở xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, vai trò và vị trí của các cơ quan quản lý giáo dục và sự phối hợp của chính quyền và các ban ngành trong việc thực thi chức năng QLNN về giáo dục sẽ mang lại hiệu quả.
Yêu cầu của phân cấp giáo dục phổ thông

Về bản chất, vấn đề phân cấp đúng và phù hợp sẽ tạo động lực cho dạy và học hiệu quả; bởi nhà trường sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn, được tự chủ; tự chịu trách nhiệm. Điều quan trọng nhất là phải đổi mới cơ chế quản lý, giám sát chất lượng công tác giáo dục sao cho chất lượng dạy – học và các dịch vụ giáo dục khác được nâng lên, với những chi phí lợi ích hợp lý.        

Kinh nghiệm của các quốc gia trong phân cấp QLNN đối với GDPT hiệu quả cho thấyquá trình này đòi hỏi một số điều kiện nhất định:

1) Phân cấp đến cấp trường đòi hỏi sự chuẩn bị tâm thế của cả cấp trên và cấp dưới. Cấp trên cần biết rõ quyền hạn của mình đến đâu và làm thế nào để tạo điều kiện cho cấp dưới. Cấp dưới cần hiểu rõ giới hạn về quyền hạn và trách nhiệm mà mình cần phải thực hiện và những cơ hội được tạo ra để chủ động và sáng tạo trong các hoạt động.

2) Các thành viên trong nhà trường, đặc biệt là đội ngũ quản lý chủ chốt cần có sự hiểu biết về cách thức tổ chức các hoạt động của nhà trường và có các kỹ năng cần thiết để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ đã được phân cấp. Nâng cao năng lực chuyên môn và trình độ quản lý cho cán bộ quản lý của nhà trường là vấn đề then chốt để đạt được hiệu quả của phân cấp.

3) Để thực hiện hiệu quả và và bền vững các chức năng, nhiệm vụ đã được phân cấp cần phải có một hệ thống giám sát và đánh giá toàn diện hoạt động của nhà trường.

Như vậy, phân cấp QLNN đối với GDPT chỉ có tác dụng thực sự khi chính quyền cấp trên trao quyền quyết định cho cấp cơ sởcấp nhà trường; các ý tưởng về phân cấp QLGD chỉ có thể thực hiện khi được thể chế hóa bằng các quy định cụ thể và trong phân cấp QLNN đối với GDPT đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ của ngành giáo dục, nội vụ và tài chính. Để phân cấp QLNN đối với GDPT hiệu quả, cần phát huy tinh thần chủ động, vận dụng sáng tạo các quy định của Nhà nước, nghiên cứu đặc thù của từng địa phương, khu vực để có những quyết định phù hợp.

Thực trạng phân cấp đối với giáo dục phổ thông ở Việt Nam hiện nay

Về phân cấp trong lập kế hoạch phát triển giáo dục phổ thông, xây dựng nội dung, chương trình giáo dục, đánh giá chất lượng giáo dục. Kết quả điều tra cho thấy, quy trình lập kế hoạch phát triển GDPT hiện nay được thực hiện từ cấp thấp đến cấp cao. Việc lập kế hoạch phát triển GDPT tại nhiều trường còn mang tính hình thức do việc lập kế hoạch tại các trường thường là chậm và nhiều khi số liệu chênh lệch với số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo nên Sở Giáo dục và Đào tạo thường phải chủ động lập kế hoạch phát triển GDPT cho năm học mới (46,4% đồng ý so với 40,4% không đồng ý).Trách nhiệm thực hiện kế hoạch GDPT được đánh giá là đã gắn với quyền hạn về nhân sự (46,6% hoàn toàn đồng ý, 25,6% phần nào đồng ý). Việc xây dựng nội dung, chương trình GDPT hiện nay đã thể hiện trách nhiệm tham gia của cán bộ quản lý giáo dục, tuy nhiên còn thiếu cơ chế quy định trách nhiệm để cán bộ quản lý giáo dục tham gia xây dựng sách giáo khoa (65,5% nhất trí so với 20,2% không nhất trí).

Về biên soạn sách giáo khoa, còn thiếu cơ chế để cán bộ quản lý giáo dục các cấp có trách nhiệm tham gia xây dựng sách giáo khoa (53,6% hoàn toàn đồng ý, 18,8% phần nào đồng ý).

Về thiết bị dạy học, đã có quy định tương đối rõ về trách triệm của từng cấp quản lý giáo dục (bộ, sở, phòng) trong xây dựng danh mục các thiết bị dạy học, thẩm định mẫu, mua sắm, cung cấp, sử dụng, quản lý trang thiết bị dạy học, song cần cho các trường phổ thông quyền tự mua sắm tài liệu, trang thiết bị dạy học bằng nguồn kinh phí của nhà trường.

Về trách nhiệm đánh giá chất lượng GDPT giữa các cấp quản lý nên quy về một mối là Sở Giáo dục và Đào tạo; phân cấp tổ chức thi và cấp bằng tốt nghiệp PHTH và THCS giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức kiểm tra, đánh giá và cấp giấy chứng nhận cho khối trung học vì hiện nay Phòng Giáo dục và Đào tạo không đủ nhân lực để thực hiện đánh giá chuyên môn.

Đối với phân cấp quản lý nhân sự trong GDPT theo quy định hiện nay như sau: Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý nhân sự khối các trường THPT, UBND các quận, huyện quản lý nhân sự khối các trường THCS, tiểu học. Ở các quận, huyện, thực tế quản lý nhân sự GDPT rất khác nhau: có nơi UBND các quận, huyện quản lý trực tiếp, có nơi quản lý nhân sự thông qua tham mưu của Phòng Nội vụ, có nơi quản lý nhân sự thông qua ủy quyền cho Phòng Giáo dục và Đào tạo. Do đó, cần giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý toàn diện về nhân sự sẽ sắp xếp, điều tiết được nhân sự phù hợp với đặc điểm của ngành, tạo điều kiện phát triển GDPT.

Phân cấp trong quản lý tài chính theo các quy định hiện hành về phân bổ, cấp phát ngân sách gây khó khăn cho sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo và nhà trường phổ thông (36,4% hoàn toàn đồng ý, 20,9% phần nào đồng ý).

Đánh giá về phân cấp quản lý trong công tác thanh tra, nhiều ý kiến cho rằng việc phân công trách nhiệm hiện nay giữa các cấp quản lý trong công tác thanh tra là hợp lý (53% hoàn toàn đồng ý, 20,6% phần nào đồng ý).

Hiện chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của các cấp quản lý giáo dục trong xây dựng hệ thống thông tin và trách nhiệm thu thập thông tin trong quản lý giáo dục (55,2 đồng ý so với 23,4% không đồng ý). Kết quả điều tra về trách nhiệm thu nhận thông tin quản lý giáo dục chưa gắn với quyền hạn cho thấy: 50,2% đồng ý so với 27% không đồng ý.

Như vậy, đánh giá chung về vấn đề phân cấp QLNN đối với GDPT hiện nay cho thấy đã kết hợp tốt các nội dung về phân cấp trong quản lý chuyên môn, quản lý nhân sự, quản lý tài chính. Việc thực hiện các quy định về phân cấp QLNN đối với GDPT đã đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ cải cách hành chính Nhà nước, cải cách giáo dục, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và nguyên tắc kết hợp giữa quản lý theo ngành và quản lý theo lãnh thổ. Phân cấp QLNN đối với GDPT bước đầu đã phát huy tính năng động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan quản lý giáo dục và các trường phổ thông.

Tuy nhiên, những tồn tại, hạn chế cần được ghi nhận và có hướng khắc phục đó là: chức năng, nhiệmvụ của các cơ quan quản lý giáo dụcđịa phương chưa đi đôi với quyền hạn, chưa được quy định cụ thể, rõ ràng, còn chồng chéo với các cơ quan chức năng khác. Những chồng chéo trách nhiệm có thể thấy qua quản lý ngân sách và tài chính của ngành giáo dục. Cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý giáo dục địa phương chưa theo kịp sự phát triển của GDPT, có những mảng công việc mới chưa có bộ máy quản lý.

Theo các văn bản phân cấp quản lý, chức năng quản lý GDPT hiện nay bị chia cắt thành nhiều phần việc cho các cơ quan quản lý khác nhau phối hợp thực hiện. Tuy nhiên, do phân cấp QLNN đối với GDPT chưa rõ nên sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức chưa thật hiệu quả. Chất lượng của cán bộ quản lý GDPT còn hạn chế, lúng túng trong giải quyết công việc, chưa đáp ứng tốt các chức năng, nhiệm vụ được phân cấp.

Kiến nghị, đề xuất

Trên thực tếviệc phân quyền QLNN đối với GDPT hiện nay được thực hiện chủ yếu về phân cấp quản lý hành chính ở cấp sở và Phòng Giáo dục và Đào tạo, chưa có nhiều nội dung phân cấp quản lý trong lĩnh vực chuyên môn ở hai cấp này. Hiệu trưởng các trường phổ thông không có nhiều quyền trong các vấn đề về tài chính vì nguồn ngân sách cấp cho hoạt động của các trường chủ yếu là ngân sách nhà nước, sự tham gia đóng góp của cha mẹ học sinh còn hạn chế và các hoạt động quản lý nhân sự đang bị khống chế nhiều bởi các quy định từ nhiều cấp khác nhau. Chương trình, sách giáo khoa phổ thông và kế hoạch dạy học được quy định từ cấp trung ương, Hiệu trưởng có rất ít quyền chủ động về nội dung và tiến trình dạy học. Trong bối cảnh ở nước ta hiện nay, việc thực hiện phân cấp quản lý xuống cấp trường đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ cấu trúc và phương thức hoạt động của các nhà trường phổ thông.

Một là, cần phải đổi mới tư duy phân cấp quản lý GDPT. Cần nhận thức rõ vai trò của phân cấp quản lý là rất quan trọngđể phân cấp hợp lý, khoa học, theo nguyên tắc là đơn vị nào chịu trách nhiệm chính trong giáo dục thì được ủy quyền phân cấp mạnh. Sở GDĐT, các phòng giáo dục, các cơ sở giáo dục là những đơn vị chịu trách nhiệm chính về giáo dục thì phải được bảo đảm các điều kiện tương ứng giữa nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm để thực hiện nhiệm vụ được giao. Phân cấp phải gắn liền với ủy quyền hợp lý.

Hai là, xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật chính sách thể chế đối với GDPT. Các văn bản này bao gồm các thông tư, chỉ thị, nghị quyết, thông báo của các cơ quan có thẩm quyền về vấn đề có liên quan đến phân cấp quản lý GDPT.

Ba là, kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý GDPT; trong đó quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của bộ máy QLGD ở địa phương với tư cách cơ quan chuyên môn chịu trách nhiệm tham mưu về QLGD ở địa phương. Quy định cơ chế phối hợp hoạt động trong bộ máy QLGD và giữa bộ máy QLGD với các ban ngành khác.

Bốn là, hoàn thiện cơ chế thanh tra, kiểm tra việc phân cấp quản lý GDPT, đây là một khâu quan trọng trong quy trình quản lý. Hệ thống thanh tra, kiểm tra có thể đánh giá đúng những nội dung đã được phân cấp, bảo đảm cho việc phân cấp GDPT được thực hiện thống nhất và mang lại hiệu quả.

Năm là, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ QLGD. Phải rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định, chính sách, chế độ và bổ nhiệm, sử dụng, đãi ngộ, kiểm tra, đánh giá đối với nhà giáo, cán bộ QLGD cũng như các điều kiện đảm bảo thực hiện các chính sách, chế độ đó nhằm tạo động lực thu hút, động viên đội ngũ nhà giáo, cán bộ QLGD toàn tâm, toàn ý phục vụ sự nghiệp giáo dục.

Sáu là, phải phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý về GDPT. Xã hội hóa GDPT- một phương thức đem lại hiệu quả thiết thực cần được tận dụng và phát huy. Nhà trường cần được trao nhiều quyền hơn trong việc quyết định những vấn đề liên quan đến hoạt động của chính mình và phát huy tính chủ động, sáng tạo của các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường. 

Ngô Thị Diệp Lan
Trường THPT Phan Đình Giót, quận Thanh Xuân, Hà Nội