Một số giải pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp xã hội

 (QLNN) – Phát triển doanh nghiệp xã hội là xu hướng phát triển chung của thế giới, khi các doanh nghiệp xã hội dần thay thế các tổ chức, đơn vị làm từ thiện đơn thuần trong việc bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ môi trường. Để các doanh nghiệp xã hội phát triển, Nhà nước cần tăng cường quản lý thông qua việc xây dựng hành lang pháp lý, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp xã hội và sản phẩm theo hướng phát triển bền vững.

Hội nghị doanh nghiệp xã hội và phát trển bền vững tổ chức ngày 28/8 tại Hà Nội do Viện Nghiên cứu thương hiệu và cạnh tranh phối hợp Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức (Nguồn: http://dangcongsan.vn).

Thực trạng quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam

Ở Việt Nam, khái niệm doanh nghiệp xã hội (DNXH) lần đầu tiên được quy định tại Điều 10 Luật Doanh nghiệp (DN) năm 2014. Theo đó, DNXH là DN được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng; sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của DN để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.

Năm 2016, số lượng doanh nghiệp (DN) hoạt động thực tế đạt tiêu chí là DNXH rất lớn, chiếm 10,2% tổng số DN cả nước1. Tuy nhiên, tính đến tháng 5/2018, các DNXH đang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 lại có số lượng rất nhỏ so với cộng đồng DN truyền thống (32/561.064 DN) và so với số lượng DNXH đang hoạt động trên thực tế 2. Đa số các DNXH có quy mô vừa và nhỏ và siêu nhỏ. Các DN này đã và đang có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết việc làm cho những người yếu thế cũng như góp phần bảo vệ môi trường, đặc biệt tại các khu bảo tồn thiên nhiên.

Thứ nhất, về tổ chức bộ máy quản lý nhà nước (QLNN) đối với DNXH ở Việt Nam.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trực tiếp là Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh là đơn vị đầu mối thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện QLNN đối với các DNXH trên địa bàn cả nước. Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh quản lý trực tiếp Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN, trong đó tất cả các DNXH phải đăng ký, công bố công khai hồ sơ DN và Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường trên Cổng thông tin này. Các bộ, ngành trung ương khác căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện QLNN đối với các DNXH theo thẩm quyền. Ví dụ, Bộ Tài chính thực hiện chức năng QLNN về thuế, Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện chức năng QLNN về chất lượng sản phẩm, dịch vụ,…

Ở cấp địa phương, đầu mối QLNN đối với DNXH được quy định tại Điều 11 Nghị định số 96/2015/NĐ-CP ngày 19/10/2015 của Chính phủ, trong đó quy định Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát đối với DNXH có trụ sở chính đặt trên địa bàn; Sở Kế hoạch và Đầu tư  hoặc cơ quan quản lý viện trợ, tài trợ thuộc UBND cấp tỉnh là cơ quan đầu mối giúp UBND cấp tỉnh trong việc theo dõi, giám sát đối với DNXH.

Thực tế cho thấy, tổ chức bộ máy QLNN đối với DNXH hiện chưa bảo đảm yêu cầu tập trung các nguồn lực để hỗ trợ khuyến khích DNXH phát triển. Hơn nữa, có quá nhiều cơ quan cùng quản lý DNXH và đều có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách. Bên cạnh đó, các tỉnh chưa có quy chế phối hợp công tác giữa các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và giữa các cơ quan này với UBND cấp huyện trong việc theo dõi, giám sát, hỗ trợ các DNXH triển khai cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường của mình.

Thứ hai, về khung pháp lý và cơ chế, chính sách phát triển DNXH Việt Nam.

Do mới được công nhận vài năm gần đây nên đến nay, Nhà nước chưa có cơ chế, chính sách riêng phù hợp với sự phát triển, với mô hình của DNXH, chưa có quỹ tài chính hỗ trợ tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, chưa có cơ chế ưu đãi cho các DNXH được tiếp cận chính sách mua sắm công và phát triển nguồn nhân lực. Chính vì vậy, mặc dù nhiều tổ chức, đơn vị có đủ điều kiện nhưng vẫn chưa đăng ký hoạt động theo mô hình DNXH (đến tháng 5/2018, mới có 32 DNXH đăng ký theo Luật trên tổng số khoảng 6.000 tổ chức, đơn vị đang hoạt động như các DNXH trên thực tế)3.

Các DNXH hiện chỉ được hưởng chính sách ưu đãi như các DN bình thường khác theo quy định của Luật DN năm 2014. Ngoài ra, các DNXH quy mô vừa và nhỏ có thể được hưởng thêm các ưu đãi theo Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ năm 2017, Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ với các chính sách đặc thù, như đầu tư trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ công, bảo vệ môi trường, đầu tư tại địa bàn miền núi hay cho nhóm đối tượng yếu thế (người nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa,…). Còn các DNXH hoạt động trong lĩnh vực xã hội và môi trường có thể được hưởng các chính sách ưu đãi theo Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.

Thứ ba, về thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công cho các DNXH.

Hiện nay, thủ tục đăng ký kinh doanh đối với các DNXH được thực hiện theo Nghị định số 96/2015/NĐ-CP ngày 19/10/2015 của Chính phủ, Thông tư số 04/2016/TT-BKHĐT ngày 17/5/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư một cách tương đối thuận lợi, minh bạch. Các thủ tục hành chính gắn kết chặt chẽ với việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong công tác đăng ký kinh doanh.

Tuy nhiên, để bảo đảm cho các hoạt động đi vào nền nếp và thông suốt, cần xây dựng và vận hành Cổng thông tin quản lý hoạt động DNXH quốc gia, xây dựng chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất về DNXH giữa trung ương và địa phương, đáp ứng cơ bản yêu cầu của công tác QLNN về DNXH, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của DNXH và khả năng cạnh tranh quốc gia.

Thứ tư, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về vị trí, vai trò của DNXH trong phát triển bền vững kinh tế – xã hội quốc gia.

Nhìn chung, nhận thức của xã hội và hầu hết các cơ quan QLNN về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của DNXH trong phát triển bền vững kinh tế – xã hội còn rất hạn chế, thậm chí nhiều đơn vị, cá nhân không nắm được có loại hình DN này trong Luật DN năm 2014, không hiểu rõ về bản chất và mục đích của các DNXH. Công tác tuyên truyền, phổ biến về vị trí, vai trò của DNXH trong đời sống kinh tế – xã hội nước ta hiện nay chủ yếu mới chỉ dưới hình thức là tổ chức các hội thảo quốc tế với sự tham dự của các tổ chức quốc tế về bảo vệ môi trường ở một số khu bảo tồn thiên nhiên, như: UNESCO, IUCN, MAB… hoặc ở một số khu vực vùng sâu, vùng xa, biển đảo với sự hỗ trợ của Hội đồng Anh (vương quốc Anh) nhằm mục tiêu chính là nâng cao nhận thức trong các cơ quan QLNN…

Thứ năm, về hợp tác quốc tế trong việc phát triển DNXH.

Nhiều hoạt động hợp tác quốc tế với các hình thức khác nhau đã được triển khai, như: Dự án hợp tác nghiên cứu DNXH tại Việt Nam: Khái niệm, bối cảnh và chính sách năm 2012 giữa Hội đồng Anh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương và Tổ chức hỗ trợ sáng kiến vì cộng đồng (CSIP). Năm 2016, Hội đồng Anh tiếp tục phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Trường Đại học Kinh tế quốc dân thực hiện dự án Điển hình DNXH tại Việt Nam nhằm đánh giá thực trạng phát triển của DNXH Việt Nam sau khi mô hình này được pháp luật công nhận năm 2014. Ngoài ra, còn nhiều tổ chức quốc tế khác, như: UNESSCO, IUCN, MAB đang tích cực hợp tác với các đơn vị, địa phương để phát triển DNXH tại các khu vực bảo tồn thiên nhiên…

Hiện nay, hoạt động hợp tác quốc tế của Việt Nam chủ yếu thực hiện trên phương diện hợp tác giữa các tổ chức quốc tế với các tổ chức, đơn vị ở Việt Nam nhằm góp phần thúc đẩy, hình thành các DNXH và hỗ trợ DNXH trong quá trình hoạt động. Để hỗ trợ phát triển DNXH Việt Nam nhanh, bền vững, cần đẩy mạnh sự hợp tác ở cấp Chính phủ với các nước phát triển, các tổ chức tài chính lớn như IMF, Worlbank trong lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường và cải cách chính sách mua sắm công.

Một số giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp xã hội

Từ những phân tích về thực trạng công tác QLNN đối với DNXH ở trên, để DNXH tiếp tục phát triển bền vững và đúng hướng, cần tăng cường công tác này đối với DNXH theo hướng sau:

Một là, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của DNXH Việt Nam trong phát triển bền vững kinh tế – xã hội quốc gia. Nhà nước cần sớm xây dựng, ban hành kế hoạch truyền thông cấp quốc gia và cấp tỉnh với nhiều hình thức khác nhau, hiệu quả và phù hợp, đặc biệt khuyến khích tổ chức các hội thảo, tham quan học tập kinh nghiệm, xây dựng DNXH điển hình, giới thiệu, quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng để thông tin, phổ biến và giải thích về mô hình DNXH, về vai trò, vị trí của DNXH trong phát triển bền vững, đặc biệt tại các khu bảo tồn thiên nhiên, khu vực vùng sâu, vùng xa và biên giới, hải đảo.

Hai là, hoàn thiện chính sách, pháp luật về QLNN theo hướng xây dựng hệ thống sinh thái cho DNXH phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Nhà nước cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành theo nguyên tắc tiếp cận hệ thống để xây dựng được môi trường đồng bộ, thuận lợi cho DNXH phát triển, bảo đảm yêu cầu cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh quốc tế của các DN nói chung, DNXH nói riêng trong xu thế phát triển của thế giới về thương mại điện tử (TMĐT) và bối cảnh CMCN 4.0.

Theo đó, sớm sửa đổi Luật Công nghệ thông tin năm 2006, Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Luật Thương mại năm 2005 để bảo đảm sự quản lý, giám sát có hiệu quả của Nhà nước đối với hệ thống dữ liệu, thanh toán điện tử, bảo đảm an ninh, an toàn và bảo mật thông tin. Sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2013 để đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nâng cao trách nhiệm của DNXH trong hoạt động TMĐT và kinh doanh khác. Sửa đổi Luật Đấu thầu năm 2014 theo hướng có quy định các tiêu chí cho phép các DNXH được ưu tiên tiếp cận chính sách mua sắm công và đầu tư công của Chính phủ. Hoàn thiện các thiết chế bảo đảm yêu cầu chống độc quyền trong hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ sớm triển khai thực hiện hiệu quả Luật Cạnh tranh năm 2018.

Ba là, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển DNXH. Theo đó, hỗ trợ có hiệu quả DNXH nâng cao năng lực ứng dụng TMĐT, mở rộng thị trường bằng việc đẩy nhanh tiến trình đàm phán, ký kết và thực thi các Hiệp định thương mại tự do; hỗ trợ phát triển và ứng dụng các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới trong TMĐT nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của DNXH. Hỗ trợ phát triển thị trường, thông tin thị trường. Hỗ trợ về cơ chế tài chính, thủ tục hành chính về thuế, hải quan, kho bạc… cho các DNXH. Thành lập Quỹ phát triển DNXH; xây dựng cơ chế phối hợp trao đổi, hướng dẫn trực tuyến giữa cơ quan QLNN với các DNXH một cách hiệu quả.

Bốn là, nâng cao năng lực QLNN đối với DNXH. Sớm thành lập Ủy ban quốc gia phát triển DNXH để thống nhất quản lý, hỗ trợ các DNXH. Ủy ban này là đầu mối quản lý giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, hoạch định chính sách phát triển DNXH, xây dựng cơ chế hỗ trợ, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp vì xã hội, đổi mới sáng tạo vì xã hội để phát triển các DNXH.

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các DNXH trong hội nhập quốc tế và bối cảnh CMCN 4.0. Nâng cao năng lực quản lý hoạt động TMĐT của các cơ quan QLNN nhằm bảo đảm cho hoạt động giao dịch của các DNXH trong TMĐT bình đẳng, minh bạch. Tăng cường tính phản biện cơ chế, chính sách từ các DNXH để kịp thời có những điều chỉnh phù hợp, hiệu quả về sự hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước đối với sự phát triển của DNXH.

Sớm thành lập Hiệp hội phát triển DNXH Việt Nam nhằm mục đích: (1) hợp tác, liên kết, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong việc phát triển nghề nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các DNXH; (2) giữ vai trò cầu nối giữa DNXH với các cơ quan chức năng; (3) thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế với các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực DNXH trên thế giới; (4) tăng cường hội nhập với các hoạt động của các Hiệp hội trong nước, trong khu vực và quốc tế theo quy định của pháp luật; (5) thúc đẩy hoạt động đào tạo, nghiên cứu thông tin báo chí, xúc tiến thương mại,  kinh doanh dịch vụ và ứng dụng đổi mới công nghệ.

Năm là, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nâng cao năng lực quản lý điều hành cho các DNXH và phát triển nguồn nhân lực cho DNXH.

Xây dựng một đội ngũ nhân lực có kỹ năng quản lý, nắm vững hoạt động nghiệp vụ trong TMĐT, sử dụng máy tính, trao đổi thông tin một cách thành thục trên mạng internet, có những hiểu biết cần thiết về thương mại quốc tế, luật pháp, ngoại ngữ với các biện pháp như: thành lập các quỹ hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho DNXH, đặc biệt là đào tạo kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho các DNXH. Xây dựng, thực hiện kế hoạch hằng năm (kinh phí từ ngân sách nhà nước là chủ yếu) hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các DNXH.

Có cơ chế, chính sách hữu hiệu thu hút, sử dụng nhân tài vào làm công tác quản lý ở các DNXH, đặc biệt đối với các DNXH công nghệ cao để phát triển công nghệ mới. Có cơ chế, chính sách phù hợp, nhanh chóng phát triển thị trường lao động có chất lượng cao, đặc biệt nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở đào tạo đại học, cơ sở nghề hiện nay nhằm đáp ứng yêu cầu nhân lực của các DNXH.

Sáu là, tăng cường hợp tác quốc tế phát triển DNXH. Theo đó, tập trung vào một số nội dung sau:

– Hợp tác quốc tế ở cấp Chính phủ, trong đó Chính phủ đàm phán ký thỏa thuận với các nước có DNXH phát triển như Vương quốc Anh, Hàn Quốc, Thái Lan để hỗ trợ tăng cường năng lực hoạch định chính sách, năng lực QLNN về DNXH ở Việt Nam hoặc triển khai các dự án cấp quốc gia phát triển DNXH.

– Hợp tác quốc tế giữa các bộ, ngành và địa phương với các tổ chức quốc tế như UNESCO, Hội đồng Anh nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của DNXH trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, thực hiện các dự án thí điểm và đặc biệt hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các DNXH.

– Hợp tác quốc tế giữa các đơn vị, tổ chức và DNXH của Việt Nam với các tổ chức quốc tế, DNXH, Quỹ phát triển DNXH các nước khác qua hình thức tổ chức các hội thảo, tham quan học tập các mô hình DNXH điển hình trên thế giới, trao đổi kinh nghiệm quản lý giữa các DNXH, chuyển giao các mô hình kinh doanh hiệu quả, giới thiệu sản phẩm và phát triển thị trường cho DNXH Việt Nam.

Bảy là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phát triển dịch vụ công  đối với DNXH. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, trong đó ứng dụng công nghệ thông tin đối với quá trình giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin đối với thủ tục hành chính. Phát triển các dịch vụ công trực tuyến trong giao dịch TMĐT của DNXH. Đồng thời, đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công như hải quan điện tử, kê khai thuế và nộp thuế; đăng ký kinh doanh, giải quyết tranh chấp… trên mạng internet.

Tám là, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong việc giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm trong hoạt động của DNXH. Quy định trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan QLNN chuyên ngành trong quản lý hoạt động của DNXH cấp tỉnh để bảo đảm các DNXH thực hiện đúng Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường của mình.

Chú thích:
1. British Council. Điển hình doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam, ngày 03/6/2018.
2, 3. Tính toán của tác giả dựa trên số liệu tại Công văn số 154/ĐKKD-TTHT ngày 14/6/2018 về cung cấp thông tin doanh nghiệp xã hội của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh – Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tài liệu tham khảo:
1. Đại học Kinh tế quốc dân. Kỷ yếu hội thảo quốc tế về tinh thần kinh doanh vì xã hội, năm 2017.
2. Trường Doanh nhân PACE. Báo cáo kết quả nghiên cứu khảo sát nhận thức hội nhập kinh tế quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam, năm 2015.
3. Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương. Doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam: khái niệm, bối cảnh và chính sách, năm 2012.
ThS. Khoa Anh Thắng
Ngân hàng TMCP Quân đội – chi nhánh Thanh Xuân