Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao

(QLNN) – Người đứng đầu có vai trò đặc biệt quan trọng trong lãnh đạo, quản lý toàn diện các hoạt động của cơ quan, đơn vị. Việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước khi có sai phạm là hết sức cần thiết, có tác dụng răn đe, ngăn chặn, nâng cao trách nhiệm, trau dồi về năng lực lãnh đạo, năng lực chuyên môn và rèn luyện về phẩm chất đạo đức.

Ảnh: VGP/Lê Sơn
Trách nhiệm người đứng đầu

Theo Từ điển tiếng Việt, trách nhiệm là phụ trách, gánh vác công việc và nhận mọi hậu quả của công việc ấy1. Và ở đây, chỉ bàn về trách nhiệm của người đứng đầu (NĐĐ) trong các cơ quan hành chính nhà nước (CQHCNN). Hiện nay, đã có rất nhiều quan niệm về NĐĐ CQHCNN, song tựu trung lại có thể hiểu rằng: NĐĐ CQHCNN là thuật ngữ dùng để chỉ thiết chế giữ vị trí pháp lý cao nhất trong CQHCNN, thực hiện vai trò lãnh đạo, quản lý hoạt động của CQHCNN, có nghĩa vụ và quyền cao nhất đối với hoạt động CQHCNN và chịu trách nhiệm về hoạt động của CQHCNN đó2.

Theo Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan quy định: CQHCNN bao gồm Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND.

Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các CQHCNN được quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, trong đó nhấn mạnh “đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu”.

Tại Điều 10 Luật Cán bộ, công chức (CBCC) năm 2008 quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của NĐĐ cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước như sau: chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thi hành công vụ của CBCC; tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống quan liêu, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chịu trách nhiệm về việc để xảy ra tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về dân chủ cơ sở, văn hóa công sở trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; xử lý kịp thời, nghiêm minh CBCC thuộc quyền quản lý có hành vi vi phạm kỷ luật, pháp luật, có thái độ quan liêu, hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà cho công dân; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cá nhân, tổ chức; các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, trách nhiệm NĐĐ còn được quy định tại Điều 7 Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ quy định chế độ trách nhiệm đối với NĐĐ cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ, như: chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý; gương mẫu và nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của cấp trên; tổ chức, điều hành cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, có chất lượng và đúng thời hạn được giao; quyết định chủ trương, giải pháp cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ và chịu trách nhiệm về quyết định đó…

Sự cần thiết đánh giá và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao

Như trên đã phân tích, NĐĐ có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của mỗi cơ quan, tổ chức. Thực tế những năm gần đây, việc đánh giá và xử lý trách nhiệm của NĐĐ CQHCNN từ các bộ, ngành ở trung ương và ở các cấp chính quyền địa phương chưa thật chặt chẽ, chưa có tác dụng ngăn chặn các mặt tiêu cực, sai phạm trong chỉ đạo, điều hành, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và của cả nước.

Theo báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ: năm 2018, tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn xảy ra ở nhiều nơi, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Một số biểu hiện như “lợi ích nhóm”, doanh nghiệp “sân sau”, nhất là trong các lĩnh vực quản lý tài chính, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đấu thầu; đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; cổ phần hóa… vẫn diễn ra.

Qua thanh tra phát hiện vi phạm 46.447 tỷ đồng và 41.560 ha đất; kiến nghị thu hồi 27.173 tỷ đồng, trên 422 ha đất; phát hiện 443 vụ việc vi phạm, số người vi phạm là 382 người, kiến nghị xử lý kỷ luật 89 người, trong đó có 56 NĐĐ đã bị xử lý hoặc đang được xem xét xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng3.

Báo cáo thừa nhận ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ của nhiều CBCC, nhất là NĐĐ còn hạn chế; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, hối lộ còn xảy ra; việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng ở nhiều cơ quan còn hình thức, kém hiệu quả, đặc biệt là thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, buông lỏng quản lý, sử dụng vốn, tài sản, quản lý đất đai và quản lý tài chính. Tuy nhiên, đến nay sai phạm thuộc trách nhiệm của NĐĐ các cấp chính quyền địa phương từ cấp xã đến cấp huyện, nhất là cấp tỉnh được phát hiện còn ít, con số thực tế có thể lớn hơn rất nhiều nhưng vẫn chưa được kiểm điểm, xử lý nên gây bất bình trong dư luận xã hội.

– Về quản lý ngân sách nhà nước: đây là vấn đề bất cập nhất trong chỉ đạo, điều hành của NĐĐ các địa phương.

Theo số liệu của Thanh tra Bộ Tài chính, năm 2018, đã phát hiện và kiến nghị xử lý 64.827,167 tỷ đồng, trong đó: thanh tra hành chính kiểm tra nội bộ ngành Tài chính kiến nghị xử lý 1.653,600 tỷ đồng4. Đặc biệt, trong quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nhiều địa phương, đơn vị phân bổ không tôn trọng các điều kiện quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án của Luật Đầu tư công; bố trí vốn dàn trải, manh mún, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện dự án, gây lãng phí; nợ đọng xây dựng cơ bản chưa được xử lý triệt để.

Tình trạng phê duyệt dự án đầu tư chưa đủ thủ tục, không phù hợp với quy hoạch khá phổ biến, nhiều trường hợp phê duyệt vượt định mức; quyết định đầu tư không xác định rõ nguồn vốn và thời gian thực hiện dự án; xác định tổng mức đầu tư thiếu chính xác, phải điều chỉnh nhiều lần với giá trị lớn diễn ra ở một số địa phương mà nguyên nhân là do buông lỏng trong quản lý và thiếu trách nhiệm của NĐĐ khi phê duyệt cho phép triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn, chẳng hạn như quản lý dự án Cảng nhập than Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, điều chỉnh 3 lần, tăng 3.020 tỷ đồng; dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn 1, điều chỉnh 2 lần, tăng 10.322 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng Thủy điện Đakđrinh tăng 1.488 tỷ đồng và điều chỉnh lần 2 lên 5.887 tỷ đồng; dự án Thủy điện Nậm Chiến 4 lần điều chỉnh, tăng đến 3.361 tỷ đồng; cá biệt dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê, tỉnh Ninh Bình, điều chỉnh tăng 36 lần, từ 72 tỷ đồng lên 2.595 tỷ đồng…5.

– Về quản lý nguồn lực tài sản công: vẫn còn không ít NĐĐ thiếu sự quan tâm, nắm không vững về số lượng, chất lượng của tài sản thuộc quyền quản lý. Việc khai thác không hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực của quốc gia và cũng là kẽ hở cho tham nhũng, biển thủ, lạm dụng tài sản công diễn ra.

Tình trạng đầu tư xây dựng trụ sở, mua sắm, giao, thuê, sử dụng công sản không đúng mục đích, không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức; đưa vào các mục đích kinh doanh sai nguyên tắc hoặc cho thuê, liên doanh, liên kết trái pháp luật… không những làm ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị mà còn là lỗ hổng để phát sinh các tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Theo báo cáo của Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, đến tháng 6/2018, đã thu hồi 641 cơ sở nhà, đất và đề nghị chấm dứt việc cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết không đúng quy định trên 100 cơ sở nhà, đất khác….6.

– Về quản lý đất đai: nhiều địa phương, đơn vị cho thuê đất, giao đất thực hiện phát triển đô thị chưa căn cứ vào quy hoạch và kế hoạch, dẫn đến các dự án khó hoặc không được triển khai thực hiện, làm lãng phí quỹ đất công. Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng đất sai mục đích, xây dựng không phép, trái phép vẫn chưa được khắc phục. Đặc biệt, việc xác định giá trị quyền sử dụng đất khi chuyển đổi mục đích trong các dự án đầu tư phát triển chưa sát với giá thị trường, làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

– Về công tác xây dựng tổ chức bộ máy và quản lý công chức, viên chức: nhiều địa phương, đơn vị mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng nhưng NĐĐ chẳng những không bị xử lý kỷ luật mà còn được cất nhắc lên những chức vụ cao hơn.

Vẫn còn biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, độc đoán, gia trưởng, lấn át quyền của tập thể, cô lập, trù dập, đe dọa những người trái ngược ý kiến của mình.

Công tác kiểm tra, thanh tra công vụ và xử lý vi phạm pháp luật chưa nghiêm túc, còn hình thức. Kỷ luật hành chính chưa được chấp hành một cách nghiêm túc, kỷ cương hành chính vẫn còn lỏng lẻo; tùy tiện, vô nguyên tắc trong giải quyết công việc ở địa phương, đơn vị.

Đánh giá và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao

Từ thực trạng trên, việc đánh giá và xử lý trách nhiệm của NĐĐ CQHCNN cần tập trung vào các giải pháp sau:

Một là, về tiêu chí đánh giá:

(1) Dựa vào kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và năng lực quản lý, lãnh đạo của NĐĐ, cụ thể là vai trò trong việc tổ chức chấp hành pháp luật và triển khai thực hiện các văn bản dưới luật, các sáng kiến đề xuất và tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý các sai phạm trong quản lý.

(2) Dựa trên cơ sở phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của NĐĐ như nhận thức, tư tưởng chính trị, chấp hành chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; tinh thần tự học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ; tính trách nhiệm, tính trung thực và thái độ phục vụ nhân dân; ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần đoàn kết, hợp tác, phối hợp trong tổ chức chỉ đạo, điều hành; tinh thần tự phê bình và phê bình, thái độ chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và những biểu hiện tiêu cực tác động xấu đến đơn vị.

Hai là, về nguyên tắc đánh giá: Cần bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch và công bằng; phản ánh đúng năng lực và phẩm chất của NĐĐ. Làm rõ ưu điểm, khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu và những sai phạm về phẩm chất đạo đức, năng lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành của NĐĐ.

Gắn chức danh, nhiệm vụ với kết quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao trên nguyên tắc chức vụ càng cao trách nhiệm càng lớn. Xử lý nghiêm hành vi sai phạm, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, chống tình trạng vô trách nhiệm, quan liêu, nhũng nhiễu, cửa quyền, làm giàu bất chính, gây bức xúc trong xã hội diễn ra khá phổ biến hiện nay.

Ba là, về thẩm quyền đánh giá: Chính quyền các cấp do nhân dân bầu nên, phục vụ lợi ích của đất nước, của nhân dân. Rõ ràng, quyền lực của các cấp chính quyền là do nhân dân trao cho, vì thế nhân dân phải có quyền xem xét, đánh giá.

Thông qua việc phát huy quyền của cử tri và quyền của đại biểu các cơ quan dân cử trong việc giám sát, đánh giá làm rõ trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Tránh cách làm trước đây thường kiểm điểm nội bộ, cấp trên xử lý cấp dưới một cách chung chung.

Bốn là, kết quả đánh giá: Được thông báo đến từng cá nhân và được tổng hợp gửi lên cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của NĐĐ và thông báo rộng rãi cho nhân dân biết. Kết quả này cũng được lưu vào hồ sơ cán bộ và được sử dụng trong việc xét khen thưởng, đề bạt bổ nhiệm và xử lý kỷ luật cán bộ.

Năm là, thực hiện chế độ tự kiểm tra, thanh tra, giám sát: nhất là đối với tổ chức và NĐĐ địa phương, cơ quan đơn vị, chỉ ra việc làm tốt, chưa tốt, quy trách nhiệm cụ thể. Các cơ quan, đơn vị cần tự đánh giá đúng tổ chức và NĐĐ của cấp mình. Khi không hoàn thành được nhiệm vụ, công việc trì trệ hoặc có sai phạm, khuyết điểm phải xử lý nghiêm minh, kịp thời./.

Chú thích:
1. Từ điển tiếng Việt. H. NXB Từ điển Bách khoa, 2018, tr. 914.
2. Nguyễn Minh Phú. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước. http://tcnn.vn, ngày 16/6/2018.
3. Báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, tháng 11/2018.
4. Báo cáo của Thanh tra Bộ Tài chính tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra tài chính năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019, tháng 01/2019.
5. Báo cáo của Tổng Kiểm toán nhà nước về kiểm toán, quyết toán ngân sách nhà nước tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, tháng 5/2018.
6. Báo cáo của Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, tháng 6/2018.
TS. Nguyễn Huy Hoàng
Học viện Hành chính Quốc gia