Giáo dục đại học và việc làm

(QLNN) – Các định hướng chính sách gần đây của Việt Nam ngày càng coi trọng về sự đáp ứng của giáo dục đại học đối với khả năng tìm việc làm của sinh viên tốt nghiệp. Bài này có mục đích tiếp tục làm sáng tỏ các vấn đề xung quanh mối quan hệ giữa giáo dục đại học với việc làm, đặc biệt các vấn đề thất nghiệp, thiếu hụt nhân lực có trình độ và sự sự sẵn sàng đáp ứng của giáo dục đại học.

 

Việt Nam hợp tác với Australia đẩy mạnh chất lượng giáo dục đại học
Vài nét về bối cảnh quốc tế

Vấn đề về giáo dục, trong đó có giáo dục đại học với việc làm hiện đang trở nên có tính chất toàn cầu. Vấn đề này trở nên một hiện tượng gây ra nhiều phản ứng khác nhau của xã hội từ việc thất nghiệp, đến sự xa lánh xã hội, thậm chí xảy ra những biểu tình và lật đổ chính phủ. Trên toàn thế giới, số lượng người trẻ tuổi không có việc làm cao hơn ba lần so với thế hệ của cha mẹ họ trước đây. Ở Hy Lạp, Tây Ban Nha và Nam Phi, hơn một nửa số thanh niên thất nghiệp, mức độ thất nghiệp 25% hoặc nhiều hơn là phổ biến ở châu Âu, Trung Đông và Bắc Phi.

Ở các quốc gia thuộc Tổ chức các nước hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), hơn một phần tám trong số tất cả 15 đến 24 tuổi không tham gia vào bất cứ việc làm, giáo dục, hoặc đào tạo (Not In Employment, Education, Or Training: NEET). Tổ chức Lao động Quốc tế ước tính trên toàn thế giới hiện nay có 75 triệu thanh niên thất nghiệp. Nếu tính cả số thanh niên thiếu việc làm thì con số này có khả năng sẽ tăng gấp ba. Điều này thể hiện không chỉ là một nguồn nhân lực khổng lồ chưa được khai thác, mà cũng là một nguồn bất ổn xã hội và tuyệt vọng cá nhân (OECD, 2012).

Nếu nhìn riêng từng châu lục, bức tranh việc làm cũng rất thách thức. Liên minh châu Âu có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất ở bất cứ đâu trong thế giới ngoài Trung Đông và Bắc Phi. Vào năm 2013, gần như một phần tư thanh niên trong thị trường lao động EU bị thất nghiệp. Vấn đề thất nghiệp của thanh niên từ lâu là một cuộc khủng hoảng âm ỉ ở châu Âu, nhưng suy thoái kinh tế kể từ năm 2008 đã làm cho nó trở thành một vấn đề nóng bỏng (Mourshed,M., Patel, J., and Suder, K., 2014).

Tỷ lệ thất nghiệp ở Hoa kỳ cũng tăng nhiều trong những năm qua từ 7% vào năm 1970 và hiện nay tăng lên 20%  (Manyika, J. et al, 2011). Châu Á cũng vậy, đối với khu vực nói chung, hơn 30 phần trăm những người trong độ tuổi 15-24 không ở trong việc làm, giáo dục hoặc đào tạo. Những nước có tỷ lệ thất nghiệp cao là Indonesia (25%), Philippines (30%), và Tuvalu (50%) (Packard, T.G., Trang Van Nguyen, 2014).

Ngược lại với thất nghiệp, có một hiện tượng ngược lại, đó là thiếu hụt nhân lực cho nhiều vị trí làm việc. Chỉ có 43% người sử dụng lao động cho rằng họ có thể tuyển đủ nhân lực cho các vị trí làm việc. Vấn đề này không phải chỉ là khó khăn tạm thời; trong thực tế, nó có thể sẽ tồi tệ hơn nhiều. Viện Toàn cầu McKinsey ước tính rằng vào năm 2020 sẽ có một sự thiếu hụt toàn cầu của 85 triệu nhân lực có trình độ cao và trung bình (Mourshed, M., Farrell, D., Barton, D., 2013).

Ba liên đới quan trọng của vấn đề này là Nhà tuyển dụng, Nhà cung cấp giáo dục và Những người trẻ nhìn nhận việc này hoàn toàn khác nhau. Dưới một nửa số thanh niên và nhà tuyển dụng cho rằng sinh viên mới tốt nghiệp được chuẩn bị đầy đủ để bắt đầu làm việc. Trong khi đó có tới 72% các nhà cung cấp giáo dục (trường đại học/cao đẳng), tin rằng sinh viên mới tốt nghiệp sẵn sàng làm việc.

Ý kiến của các liên đới cũng rất khác nhau khi đề cập đến lý do bỏ học. 39% các nhà cung cấp giáo dục tin rằng lý do chính khiến sinh viên bỏ học là quá trình học tập quá khó, nhưng chỉ có 9% người học trẻ thừa nhận điều này (họ có ý nói đến việc không đủ khả năng chi trả nên phải bỏ học). Điều này xảy ra là bởi ba liên đới quan trọng của cả quá trình không có mối liên hệ mật thiết với nhau.

Một phần ba người sử dụng lao động nói rằng họ không bao giờ giao tiếp với các trường học. Nếu có xây dựng quan hệ thì rất ít hình thức có hiệu quả. Trong khi đó, hơn một phần ba các trường học thừa nhận rằng họ không thể ước tính tỷ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp của họ. Sinh viên có rất ít thông tin, hơn  một nửa trong số họ nói rằng chọn ngành học mà chưa có hiểu biết tốt về những ngành nào có thể có việc làm và có mức lương tốt (Mourshed, M., Farrell, D., Barton, D., 2013).

Cũng trong nghiên cứu này, để phân tích nguyên nhân người ta coi lộ trình từ giáo dục tới việc làm ba điểm nút quan trọng, đó là: (1) Nhập học vào đại học/cao đẳng, (2) Học tập và (3) Tìm việc làm. Mỗi điểm nút đều chứa đựng nhiều thách thức. Ở điểm nút “Nhập học vào đại học/cao đẳng” rào cản lớn nhất là học phí. 31% học sinh tốt nghiệp trung học cho biết họ không tiếp tục học đại học vì nó quá đắt. Rào cản thứ hai là sự lựa chọn ngành học không đúng. Hơn một nửa sinh viên cho rằng họ chọn không đúng ngành học.

Tại nút thứ hai “Học tập”, khoảng 60 phần trăm sinh viên nói rằng đào tạo tại chỗ và học thực hành là phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất, nhưng chỉ dưới một nửa những người này đăng ký vào học những chương trình giảng dạy mà họ cho là tốt thôi. Tại điểm nút thứ ba “Tìm việc làm”, tới một phần tư sinh viên không thực hiện được kiếm việc suôn sẻ, công việc đầu tiên của họ không liên quan đến lĩnh vực học tập của họ và họ muốn thay đổi vị trí một cách nhanh chóng. Trong các thị trường mới nổi, con số này đã tăng tới 40%.

Thừa nhân lực, thiếu nhân lực và giáo dục đại học Việt Nam

Thất nghiệp: Việt Nam không là ngoại lệ trong bức tranh chung của mối quan hệ giáo dục đại học – việc làm trong khu vực và quốc tế. Đến quý 4 năm 2017, cả nước có gần 54,1 triệu lao động có việc làm và khoảng 1,11 triệu lao động thất nghiệp. Trong quý 4 năm 2017, tỷ lệ thất nghiệp từ 15 tuổi trở lên giảm nhẹ so với quý trước đó – Quý 3 năm 2017 (2,01% so với 2,02%, theo tuần tự). Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên 15-24 tuổi giảm so với quý 3 năm 2017 (hiện đạt 7,26%).

Số lao động thất nghiệp thanh niên hiện đã chiếm tới 49,1% tổng số lao động thất nghiệp cả nước. Lao động thanh niên thiếu việc làm chiếm gần 20,0% tổng số  lao động thiếu việc làm cả  nước –  159,9 nghìn người (Tổng cục thống kê, 2017). Mặt khác, theo thống kê điều tra dân số nước ta năm 2014 của Tổng cục thống kê thì trong hơn 90 triệu dân, có khoảng 4.5 đến 5 triệu người có trình độ đại học trở lên, chiếm tỷ lệ 7%. Và với hơn 200 ngàn người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp, chiếm tối đa 4.4%. Theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế, ngưỡng cần quan tâm là 5%. Tổ chức này cũng cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp sẽ thúc đẩy quá trình cạnh tranh và thúc đẩy sự phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (Đỗ Văn Dũng, 2017).

Thiếu nhân lực: Bức tranh về nhân lực của Việt Nam sẽ rất không đầy đủ và khó có định hướng tương lai nếu không đề cập tới vấn đề thiếu hụt nhân lực. Không có thống kê cấp hệ thống về vấn đề này ở Việt Nam, tuy nhiên có một số dữ liệu từ một số khảo sát doanh nghiệp xuyên quốc gia. Các nghiên cứu dấu vết sinh viên tốt nghiệp (Graduate Tracer Study-GTS) 2011 cho thấy rằng một phần ba doanh nghiệp báo cáo là không thể tìm ra những nhân lực họ cần.

Một khảo sát dành riêng cho các giám đốc điều hành tại Việt Nam cho thấy 40% trong số họ gặp khó khăn trong việc tuyển nhân sự trên các cấp độ, các ngành và nghề nghiệp khác nhau. Các Khảo sát nhân lực GTS cũng tiết lộ tình trạng thiếu hụt cấp cao về chuyên môn kỹ thuật và ngành trong một số ngành công nghiệp: ví dụ, (1) trong chế biến thực phẩm; (2) chăm sóc sức khỏe; (3) xây dựng; (4) giao thông vận tải và hậu cần: (5) hóa chất và ngành công nghiệp phân bón, và (6) ngành dệt may. Khoảng cách kỹ năng cũng rất phổ biến ở cấp quản lý. Việt Nam đang thiếu nhân lực trong bốn cấp độ sau – lao động, quản lý, kỹ sư và công nhân có tay nghề cao. Khảo sát Tổ chức Thương mại Bên ngoài của Nhật Bản (Japan External Trade Organisation – JETRO) phát hiện ra rằng sự thiếu hụt các kỹ sư, kỹ thuật viên và người quản lý trung bình ở Việt Nam tương đối cao hơn ở Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines. Nhiều công nhân cổ xanh hơn với kỹ thuật và máy tính các kỹ năng cũng sẽ cần thiết trong tương lai (APEC, 2014).

Sự đáp ứng của giáo dục đại học: Ở Việt Nam, mặc dù tỷ lệ biết đọc biết viết rất cao, song tình trạng thiếu hụt nhân lực lành nghề là một vấn đề dai dẳng và giáo dục trong đó có giáo dục đại học không phù hợp. Chất lượng giáo dục do doanh nghiệp không cao, trong khu vực Đông Nam Á chỉ cao hơn giáo dục Myanmar (WEF, 2016).

Hầu hêt tất cả các trường đại học Việt Nam không có mặt trong các bảng xếp hạng quốc tế uy tín. Phát triển kỹ năng không theo kịp với tăng trưởng kinh tế và nhu cầu về lao động lành nghề. Cải thiện hệ thống giáo dục để phát triển các kỹ năng thích hợp sẽ là giải pháp bắt buộc để giải quyết tình trạng thiếu hụt hiện tại và tương lai. Việt Nam đã và đang buộc mở cửa để lấp đầy nhiều thiếu hụt lao động từ các nền kinh tế khác (APEC, 2014).

Một số khuyến nghị

Nâng cao hiệu quả chi tiêu và tài chính cho giáo dục đại học

Cũng như nhiều quốc gia khác, nguồn lực tài chính của nhà nước dành cho giáo dục luôn khan hiếm. Việt Nam dành cho giáo dục một tỷ trọng cao (kể cả so với GDP hoặc ngân sách), song xét dưới góc độ chi tiêu thực tế trên đầu người học nói chung và sinh viên đại học nói riêng, nước ta ở mức độ rất thấp. Do vậy, vấn đề hiệu quả chi tiêu và tài chính cho giáo dục đại học đóng vai trò tối quan trọng, đặc biệt đối với việc tăng cường đáo ứng của nó đối với thế giới việc làm. Cụ thể, giải pháp này sẽ giúp giảm thiểu nhiều phân cách trong mối quan hệ giáo dục-việc làm như thiếu ngân sách cho nghiên cứu, thiếu học bổng và các biện pháp đảm bảo công bằng giáo dục, giúp giải quyết việc kết nối giữa giáo dục đại học với giáo dục phổ thông thông qua học bổng và các khoản vay. Nó cũng có thể giúp giải quyết sự phân cách giữa các trường đại học và công ty/doanh nghiệp trong nghiên cứu và công nghệ bằng cách hỗ trợ tài chính cao hơn cho nghiên cứu trong các trường đại học. Nội dung có thể bao gồm (The World Bank, 2012):

Thực hiện chính sách tài chính đáp ứng mô hình phát triển giáo dục đại học chủ đạo của Việt Nam như một nước thu nhập thấp. Mô hình này đòi hỏi phải chú trọng phát triển giáo dục đại học trên cả hai phương diện: quy mô và chất lượng. Về quy mô, mãi đến năm 2004 Việt Nam mới chính thức kết thúc giai đoạn “giáo dục đại học tinh hoa” và bước sang giai đoạn “giáo dục đại học đại chúng” với chỉ số Tỷ lệ nhập học tổng (Gross Enrolment Ratio – GER) là 15%. Từ thời điểm đó tới nay, cùng với xu thế chung của thế giới, chỉ số này được tăng dần, tuy nhiên khá chậm. Nếu như năm 2014 GER của Việt Nam được tăng đến hơn 30% thì đến năm 2015 lại giảm còn gần 29% (World Bank, 2018).

Như phân tích ở trên, so với các nước như Trung Quốc và Thái Lan, mức độ tiếp cận giáo dục đại học của Việt Nam thấp hơn nhiều. Điều này dẫn tới việc đánh giá chung là số lượng nhân lực của trình độ đại học của Việt Nam không đủ đáp ứng sự phát triển kinh tế của đất nước. Các nhà sử dụng nhân lực ở Việt Nam đều cho rằng chính sự không đủ về số lượng này dẫn tới việc thiếu hụt về nhân lực trình độ cao. Cần đặt mục tiêu GER của Việt Nam đạt tới 40-50% trong ngay thập kỷ tới cùng với sự sắp xếp phù hợp về mặt ngân sách công trong giới hạn nhất định về tỷ trọng trong GDP. Những quan điểm cho rằng trong bối cảnh tỷ lệ người lao động có trình độ đại học thất nghiệp ngày càng tăng là ngắn hạn và không phù hợp.

Về chất lượng dưới góc độ tài chính, các nghiên cứu cho rằng Việt Nam cũng sẽ phải huy động đáng kể nguồn lực bổ sung, chủ yếu là tăng chi thường xuyên (khoảng bốn đến năm lần đối với tiền lương, tiếp theo là đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý. Chi phí cho đầu một sinh viên khoảng 1.500 đô la Mỹ. Học phí này, cùng với các chi phí khác như phụ phí, sinh hoạt và chi phí chỗ ở được tính toán dựa trên ước tính khoảng 70% thu nhập hộ gia đình cho nhóm nghèo nhất và 30% cho nhóm giàu nhất (Linh, V. H., L. V. Thuy, and G. T. Long, 2010). Mức học phí này cần được tính lại và tăng đến khoảng 4.000 đô la Mỹ thập kỉ tiếp theo. Các ước tính trên được đưa ra phù hợp với chi tiêu vào giáo dục đại học của những nước láng giềng và các quốc gia có thu nhập trung bình khác. Mỗi sinh viên đại học chi tiêu hơn 12.000 đô la Mỹ ở Nhật Bản, gần 10.000 đô la Mỹ ở Braxin và gần 7.000 đô la Mỹ ở Chile. Hoa Kỳ chi 24.370 đô la Mỹ cho mỗi sinh viên đại học cho mỗi năm và Tổ chức kinh tế Hợp tác và phát triển (OECD) trung bình là 11.512 đô la Mỹ (OECD, 2008).

Đưa ra các lựa chọn, từ đó xác định ưu tiên phân bổ tài chính. Các ưu tiên cần được tính tới sự đáp ứng của các cơ sở giáo dục đại học đối với lợi ích công (public good) hay không (như nghiên cứu), các ngoại tác (như trong STEM), hoặc tính công bằng.

Ngân sách chi tiêu công cần được phân bổ theo hiệu quả thực hiện (performance based). Hiệu quả thực hiện cần dựa trên các kết quả kiểm định, kết quả xếp hạng trong nước và quốc tế và các thông tin liên quan khác.

Tiếp tục khuyến khích đầu tư tư thục vào giáo dục đại học, nhằm đến một tỷ trọng 1:1 trong tương lai gần.

Hoàn thiện quản lý các trường đại học công lập thông qua thúc đẩy tự chủ và chịu trách nhiệm

Đối với Việt Nam, các cơ sở giáo dục đại học công lập đóng vai trò rất quan trọng, bởi vì, các trường này có tới hơn 80 phần trăm sinh viên theo học. Toàn bộ các khó khăn, những phân cách đều liên quan đến quản lý. Ví dụ, ngay cả khi các trường nhận được các khoản kinh phí đầy đủ để mời được đội ngũ giảng viên trình độ cao, song nếu mức tự chủ không đủ để chọn nhân viên và quyết định về chương trình đào tạo thì các trường sẽ khó cung cấp những gì mà các doanh nghiệp cần. Sự cần thiết của tính chịu trách nhiệm cũng tương tự. Các nghiên cứu cho rằng xu thế chung trong quản lý trường đại học hiện nay là tập trung vào hoàn thiện cơ chế tự chủ và chịu trách nhiệm.

Tự chủ cùng với giải trình trách nhiệm của trường đại học có thể mang lại những lợi ích to lớn cho phát triển nguồn nhân lực và đổi mới ở các nước thu nhập thấp như Việt Nam. Có được điều này là bởi động lực được tạo ra mạnh hơn nhờ có cấu trúc quản trị rõ ràng và sử dụng nhiều hơn thông tin địa phương, kết hợp tốt hơn đào tạo và nghiên cứu giữa các trường đại học và thị trường lao động nhằm đáp ứng nhu cầu khác nhau của địa phương và lựa chọn chất lượng. Do vậy, tăng cường quyền tự chủ được coi là có thể hỗ trợ kết hợp tốt hơn giữa đầu ra từ các trường đại học và nhu cầu thị trường lao động (OECD, 2008).

Mức độ tự chủ và chịu trách nhiệm của các trường đại học của Việt Nam chưa cao. Các nghiên cứu gần đây về mức độ tự chủ về 2 nhóm tự chủ,nhóm tự chủ học thuậtbao gồm: tự chủ nội dung, tự chủ tuyển dụng giảng viên, tự chủ về quy mô tuyển sinh, và nhóm tự chủ hành chínhbao gồm: sở hữu bất động sản và thiết bị, vay vốn, chi tiêu theo mục đich, quyết định mức học phí, quy định lương nhân sự. Trong 12 nước của Châu Á được khảo sát thì Việt Nam đứng thứ 11 về mức độ tự chủ, chỉ trên Cambodia. Việt Nam được đánh giá hoàn toàn không tự chủ ở 5/8 tiêu chí, trong đó có tới 4 tiêu chí thuộc nhóm tự chủ hành chính. Giáo dục đại học Nhật Bản có mức độ tử chủ cao nhất và đạt tự chủ toàn bộ các tiêu chí, trong đó có 2 tiêu chí đạt được bán phần (Raza, R., 2010).

Tăng cường phối hợp các tác nhân đối với giáo dục đại học

Các tác nhân có ảnh hưởng mạnh tới việc nâng cao sự đáp ứng của giáo dục đại học đối với thế giới việc làm. Đó là các bộ ngành có liên quan như Bộ lao động, Bộ tài chính và Bộ khoa học và công nghệ. Thứ hai đó là các trường đại học tư thục. Tiếp theo ta có các tổ chức đào tạo quốc tế. Và cuối cùng là mối quan hệ trường-doanh nghiệp.

Phối hợp các tác nhân đối với giáo dục đại học được coi là một cách tiếp cận quan trọng trong việc giảm thiểu các rào cản giữa giáo dục đại học với việc làm. Chẳng hạn, nếu các cơ quan quản lý của giáo dục đại học có ít thẩm quyền hơn đối với các trường đại học tư thục và các trường đại học quốc tế, họ có thể cùng nhau phối hợp để thông qua các quyết định chính sách hiệu quả trong đào tạo nguồn nhân lực. Ta có thể thiết lập mối hợp tác như vậy đối với các doanh nghiệp cũng như giũa các trường đại học với nhau.

Về khía cạnh phối hợp các cơ quan nhà nước trong việc tăng cường mối quan hệ giáo dục đại học-việc làm, cũng chưa có một giải pháp hữu hiệu rõ ràng. Nhiều nước, trong đó có Việt Nam đang đi theo hướng thành lập hội đồng quốc gia về giáo dục (đại học), bao gồm các đại diện rộng rãi từ các tổ chức có liên quan. Các hội đồng này được giao nhiệm vụ đề ra chiến lược phát triển cho giáo dục đại học, phối hợp và giám sát các hoạt động của các tác nhân, thúc đẩy hợp tác trong và ngoài nước. Tuy nhiên việc tìm một cơ chế hữu hiệu hơn đang được đặt ra.

Do giáo dục đại học tư nhân ở Việt Nam ngày sẽ đóng một vai trò lớn hơn vì ngân sách nhà nước trở nên hạn hẹp. Cùng với sự phát triển về quy mô nên thách thức quan trọng trong quản lý các trường đại học tư nhân chính là không để chất lượng đào tạo bị ảnh hưởng. Do nhà nước không thể đầu tư trực tiếp vào các trường này, cần áp dụng các cách thức tài trợ gián tiếp như tín dụng cho sinh viên, trợ cấp thuế, quỹ nghiên cứu…

Dưới góc độ tăng cường hợp tác trường đại học – doanh nghiệp cần phát triển theo hướng làm cho đào tạo của giáo dục đại học phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp thông qua hợp tác trong xây dựng chương trình giảng dạy, khuyến khích tinh thần kinh doanh, thành lập vườn ươm đại học, và thành lập văn phòng cấp giấy phép công nghệ của các tổ chức, phát triển các spin-off.

Cần tăng cường quản lý các xu hướng ngày càng tăng của giáo dục quốc tế thông qua việc thúc đẩy chất lượng và công nhận bằng cấp, tăng khả năng tiếp cận và công bằng, khuyến khích tiết kiệm chi phí và nâng cao năng lực.

Các vấn đề thách thức của việc làm, cụ thể là thất nghiệp và thiếu hụt nhân lực là hiện tượng toàn cầu, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. So với quốc tế, mặc dù mức độ thất nghiệp và thiếu hụt nhân lực của Việt Nam chưa đến mức độ báo động, song với nền giáo dục đại học còn nhiều khiếm khuyết kể cả khía cạnh quy mô và chất lượng, cần có nhiều nỗ lực vượt bậc. Các nỗ lực này cần được triển khai đồng bộ ở ba khía cạnh lớn, đó là Nâng cao hiệu quả chi tiêu và tài chính cho giáo dục đại học, Hoàn thiện quản lý các trường đại học công lập thông qua thúc đẩy tự chủ và chịu trách nhiệm và tăng cường phối hợp các tác nhân đối với giáo dục đại học. Các khuyến cáo này mới được đề ra ở mức độ phác thảo nên đòi hỏi cần có các nghiên cứu tiếp theo để có thể đưa ra nội dung cụ thể.

Tài liệu tham khảo:
1. APEC, (2014), A Report on the APEC Region Labour Market: Evidence of skills shortages and general trends in employment and the value of better labour market information systems, Asia-Pacific Economic Cooperation Secretariat.
2. Asian Development Bank (2012), Improving Transitions from school to university to workplace, Asian Development Bank.
3. Đỗ Văn Dũng, (2017), Giải pháp nâng cao tỷ lệ việc làm cho sinh viên, Tham luận tại Hội nghị “Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học”, Bộ GDĐT tổ chức ngày 7/01/2017 tại Đà Nẵng.
4. Kerr,  C. (2001), Các công dụng của Đại học (The Uses of the University, Nhà xuất bản Trí thức (2013).
5. Linh, V. H., L. V. Thuy, and G. T. Long (2010), Equity and Access to Tertiary Education: The Case of Vietnam, Background paper prepared for World Bank 2011, Indochina Research & Consulting (IRC) and National Economics University, Hanoi.
6. Manyika, J. et al, (2011), An Economy That Works: Job’s Creation and America’s Future, McKinsey Global Institute.
7. Mourshed, M., Farrell, D, Barton, D., (2013), Education to employment: Designing a system that works, McKinsey Center for Government, mckinseyonsociety.com/education-to-employment.
8. Mourshed,M., Patel, J., and Suder, K, (2014), Education to Employment: Getting Europe’s Youth into Work,McKinsey Center for Government, mckinseyonsociety.com/ Education to Employment: Getting Europe’s Youth into Work.
9. OECD, (2008), Tertiary Education for the Knowledge Economy, Paris: OECD.
10. Packard, T.G., Trang Van Nguyen (2014), East Asia Pacific At Work, World Bank East Asia And Pacific Regional Reports.
11. Raza, R., (2010), Higher Education Governance in East Asia, Background paper prepared for World Bank 2011, World Bank, Washington, DC. http://siteresources.worldbank.org/INTEASTASIAPACIFIC/Resources/Higher-EducationGovernance.pdf.
12. The World Bank, (2012), Putting Higher Education to Work: Skills and Research for Growth in East Asia, World Bank East Asia And Pacific Regional Reports.
13. Tổng cục thống kê, (2017), Báo cáo điều tra lao động việc làm Quý 4 năm 2017. Tổng cục thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hà Nội.
14. WEF (2016), Human Capital Outlook: Association of Southeast Asian Nations(ASEAN), WEF.
15. World Bank (2018), Gross enrolment ratio, tertiary, both sexes (%), https://data.worldbank.org/indicator/SE.TER.ENRR?end=2015&locations=VN-TH-CN-KH-KR-US-1W&page=1&start=1970&view=chart.
Nguyễn Lộc
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành