Tăng cường hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng ở thành phố Hà Nội

(QLNN) – Công tác giải phóng mặt bằng là công việc rất khó khăn, phức tạp; còn bộc lộ một số hạn chế, như: tiến độ giải phóng mặt bằng còn chậm; việc giải quyết yêu cầu tái định cư chưa đồng bộ, bất cập; tình trạng khiếu nại liên quan đến giải phóng mặt bằng vẫn diễn biến phức tạp; việc công khai, minh bạch trong thực hiện cơ chế, chính sách còn hạn chế; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân có lúc, có dự án chưa thực hiện sâu rộng… Chính vì vậy, tăng cường hiệu quả giải phóng mặt bằng tại thành phố Hà Nội là việc làm cấp thiết hiện nay.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân huyện Thường Tín về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án tại khu vực cửa ngõ phía Nam Thủ đô (Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN).

Thực trạng công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố Hà Nội

Theo số liệu thống kê, từ năm 2010 – 2017, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 3.073 dự án phải thực hiện thu hồi đất; đã hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB) 1.711 dự án, với tổng diện tích đất hơn 8.462 ha; chi trả hơn 54.829 tỷ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ cho 213.554 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và bố trí tái định cư (TĐC) cho 9.924 hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển chỗ ở 1. Những kết quả đó đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và đóng góp tích cực vào thành tựu chung của sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô trong những năm qua.

Tuy nhiên, công tác GPMB là công việc rất khó khăn, phức tạp nên còn bộc lộ một số hạn chế, như: tiến độ GPMB của phần lớn các dự án, kể cả một số dự án trọng điểm còn chậm; việc giải quyết yêu cầu TĐC chưa đồng bộ, bất cập; tình trạng khiếu nại liên quan đến GPMB vẫn diễn biến phức tạp; việc công khai, minh bạch trong thực hiện cơ chế, chính sách còn hạn chế; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân có lúc, có dự án chưa thực hiện sâu rộng; còn chưa đúng về trình tự, thủ tục, tổ chức thực hiện nhiệm vụ GPMB.

Hà Nội giải phóng mặt bằng, thi công đường đua F1 (Nguồn: https://www.msn.com/vi-vn).

Trong thời gian tới, Hà Nội cần phải GPMB khoảng 2.700 dự án với diện tích thu hồi đất gần 6.000 ha, liên quan tới trên 80.000 hộ dân, số tiền bồi thường, hỗ trợ khoảng 60.000 tỷ đồng, cần bố trí TĐC cho khoảng 19.000 hộ dân2. Thành phố đã đặt ra mục tiêu phải hoàn thành công việc, trong đó, việc GPMB xây dựng đường giao thông cần triển khai đồng bộ với việc cải tạo, chỉnh trang tuyến phố. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC, ổn định cuộc sống cho người bị thu hồi đất, bảo đảm bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; có cơ chế, chính sách để khuyến khích người dân chủ động di chuyển chỗ ở, thực hiện TĐC tự nguyện, được tự lựa chọn hình thức tái định cư bằng việc nhận nhà hoặc nhận tiền, phù hợp với nhu cầu, khả năng của các hộ dân.

Theo Điều 86 Luật Đất đai năm 2013 và Điều 35 Luật Nhà ở năm 2014, việc thu hồi đất ở chỉ thực hiện sau khi hoàn thành xây dựng nhà ở hoặc cơ sở hạ tầng khu TĐC. Cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường phải thông báo phương án TĐC cho người có đất ở bị thu hồi, trong đó nêu rõ địa điểm, quy mô, thiết kế, diện tích từng lô đất, căn hộ, giá đất, giá nhà ở phục vụ TĐC để hộ dân lựa chọn hoặc nhận nhà để TĐC hoặc nhận tiền để tự lo nơi ở mới. Nhưng trên thực tế, công tác bồi thường GPMB từ lúc lập dự án cho đến khi kết thúc việc di dời thường kéo dài từ 2 – 3 năm, thậm chí hàng chục năm tùy theo tính chất, quy mô thu hồi đất và số lượng gia đình, cá nhân di dời nên quỹ nhà TĐC phải tồn tại trong suốt thời gian này.

Ngoài ra, thực hiện theo Luật Nhà ở năm 2014, để giải quyết nhu cầu TĐC của hơn 300 dự án công ích, trọng điểm triển khai trong giai đoạn 2016 – 2020, Sở Xây dựng thành phố Hà Nội đang lập kế hoạch phát triển nhà ở phục vụ TĐC hằng năm và 5 năm3. Quỹ nhà ở, đất ở cần phải hoàn thành để bảo đảm cho Thành phố giải quyết được công tác bồi thường, TĐC giai đoạn 2016 – 2020, tạo quỹ đất “sạch” kịp thời cho Thành phố giải quyết được mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy giai đoạn 2016 – 2020 về chỉnh trang đô thị, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của các quận, huyện, ổn định cuộc sống người dân sau giải tỏa, hạn chế thấp nhất phát sinh tạm cư.

Đồng thời, dự phòng quỹ nhà ở cho các trường hợp cấp bách như sạt lở bờ sông, kênh rạch, nhà cháy, chung cư hư hỏng nặng hoặc có nguy cơ sụp đổ. Việc chuyển nhượng nhà ở, đất ở phục vụ TĐC đều dựa trên nhu cầu đăng ký, kế hoạch TĐC và thuộc trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện; đồng thời, Sở Xây dựng cũng xem xét đến vị trí của nhà, đất TĐC trên toàn địa bàn thành phố, không xem xét cục bộ trên từng quận, huyện. Tuy nhiên, việc nhà ở, đất ở phục vụ TĐC vẫn chậm đưa vào sử dụng dẫn đến những bất cập, như mau xuống cấp, phí vệ sinh và bảo trì căn hộ tăng cao.

 Những tồn tại, vướng mắc từ thực tiễn công tác giải phóng mặt bằng ở thành phố Hà Nội

Một là, về thực trạng áp dụng các quy định về bồi thường, hỗ trợ TĐC khi Nhà nước thu hồi đất vẫn còn nhiều vướng mắc, thiếu nguồn vốn dành cho việc xây dựng các khu TĐC. Chất lượng các khu TĐC chưa bảo đảm, đặc biệt đối với các nhà ở TĐC là chung cư.

Ngoài ra, vấn đề giải quyết việc làm cho người dân TĐC rất khó khăn. Tình trạng mua bán suất TĐC còn diễn ra phổ biến và đáng báo động. Tiến độ lập hồ sơ, thẩm định phương án và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ TĐC còn chậm so với yêu cầu. Việc lập hồ sơ bồi thường GPMB của Hội đồng bồi thường, hỗ trợ TĐC của một số dự án còn chậm, không đầy đủ, làm qua loa đại khái.

Hai là, việc xử lý đối với các dự án treo chưa hiệu quả. Thực tế cho thấy, đối với đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng còn nhiều. Trong khi đó, biện pháp xử lý chưa đủ tính “răn đe” đối với các nhà đầu tư, dẫn đến lãng phí đất, gây khó khăn cho Nhà nước khi xác định chi phí đã đầu tư và kinh phí để bồi thường, giao lại cho các nhà đầu tư có năng lực.

Ba là, thời gian triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ thường kéo dài, có dự án kéo dài hơn 10 năm, thậm chí 15 năm gây khó khăn trong việc ổn định đời sống và việc làm của các hộ dân có nhà ở trong khu vực dự kiến thực hiện dự án đầu tư. Trong khi đó, các quy định pháp luật thường xuyên thay đổi, chính sách bồi thường sau có lợi hơn trước, dẫn đến có tình trạng thắc mắc, so bì giữa các đối tượng bị thu hồi đất, đây là nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện, tố cáo vượt cấp kéo dài. Một số nơi thu hồi tràn lan đất nông nghiệp để chạy theo phong trào phát triển các khu đô thị mà chưa cân nhắc đến hiệu quả hoặc phát triển công nghiệp, dịch vụ bằng mọi cách mà chưa chú ý đúng mức đến tác động đối với cuộc sống của người dân.

Bốn là, về giá đất bồi thường cho người bị thu hồi đất thường thấp hơn giá thị trường, đặc biệt ở các khu đô thị khi thu hồi đất phục vụ các dự án xây dựng đô thị mới, chỉnh trang đô thị. Giá đất do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội công bố chỉ bằng 60% giá thị trường, dẫn đến sự thiếu đồng tình, ủng hộ của người dân làm chậm tiến độ bồi thường, hỗ trợ tái định cư4.

Một số định hướng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng trong thời gian tới

Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong công tác GPMB, đưa công tác GPMB vào chương trình công tác hằng năm của cấp ủy, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cần tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả cao. Người đứng đầu cấp ủy, đơn vị chịu trách nhiệm trước cấp ủy cấp trên về kết quả công tác GPMB của địa phương, đơn vị mình, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phổ biến, quán triệt sâu sắc cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác GPMB, nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân đối với công tác này.

Ban Cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác GPMB, chú trọng nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp, gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện, đổi mới cơ chế, chính sách, quy trình và phương pháp tổ chức thực hiện nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GPMB của Thành phố.

Thành ủy Hà Nội cũng cần định hướng việc xây dựng cơ chế, chính sách, sử dụng vốn Nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội hợp pháp để GPMB thực hiện dự án và GPMB theo quy hoạch, tạo quỹ đất “sạch” chuẩn bị mặt bằng thực hiện dự án, nhất là các dự án trọng điểm, dự án FDI để kêu gọi đầu tư, dự án đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn lực tài chính cho thành phố. Khi đấu giá quyền sử dụng đất, có cơ chế tài chính linh hoạt để sử dụng một phần tiền tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất đấu giá. Các dự án có quy mô sử dụng đất lớn, dự án công trình theo tuyến được xem xét tách thành tiểu dự án GPMB và phê duyệt để GPMB trước khi tổ chức thực hiện thi công.

Thành phố cũng cần có cơ chế khuyến khích các hộ gia đình đủ điều kiện tái định cư được nhận hỗ trợ bằng tiền để tự lo TĐC theo phương thức tự nguyện. Có chính sách khuyến khích và đặt hàng các doanh nghiệp xây dựng nhà TĐC theo tiêu chuẩn nhà ở để phục vụ nhu cầu TĐC. Có phương án sử dụng hiệu quả quỹ đất 20% tại các dự án để xây dựng nhà TĐC hoặc tạo vốn xây dựng nhà TĐC; đầu tư các dự án khu đô thị có quy mô phù hợp theo các tiêu chuẩn nhà ở thương mại, có đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ TĐC và giao cho các nhà đầu tư quản lý, vận hành. Đa dạng hình thức TĐC, tạo điều kiện cho người bị thu hồi đất được lựa chọn hình thức TĐC phù hợp.

Đối với khu vực nông thôn ngoài vùng quy hoạch phát triển đô thị, giao UBND các huyện quyết định đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu TĐC để giao đất cho các hộ dân. Nghiên cứu, xem xét phương án xây dựng nhà ở chung cư tại các khu vực phù hợp (các khu vực nông thôn nhưng nằm trong quy hoạch phát triển đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050) để phục vụ TĐC chung cho khu vực.

Thường trực UBND Thành phố, Ban cán sự Đảng UBND Thành phố đã chỉ đạo rà soát, bổ sung và điều chỉnh về trình tự, thủ tục, quy trình và phương pháp tổ chức thực hiện; triển khai đồng bộ các chính sách GPMB, đặc biệt là công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC theo hướng quan tâm, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người bị thu hồi đất.

Chú thích:
1. Báo cáo của Sở Xây dựng thành phố Hà Nội về việc lập kế hoạch phát triển nhà ở tái định cư giai đoạn 2016 – 2020.
2. Báo cáo của Thành ủy Hà Nội về công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2010 – 2017, giai đoạn 2016 – 2020.
3. Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
4. Luật Đất đai năm 2013 quy định về giá đất; tại điểm c Khoản 1 Điều 112 quy định nguyên tắc giá đất.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 08/NQ-TU ngày 15/9/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020 và những năm tiếp theo.
2. Luật Nhà ở năm 2014.

Nguyễn Văn Huề
Công ty cổ phần Tập đoàn khoáng sản HPC