Một số giải pháp góp phần thực hiện hiệu quả chính sách tài khóa ở Việt Nam

(QLNN) – Những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thế giới, xu thế mở cửa, hội nhập quốc tế đã đưa Việt Nam đến với nhiều cơ hội phát triển lớn mạnh; đồng thời cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Đối với một quốc gia còn hạn chế về nguồn lực như Việt Nam đòi hỏi chính sách kinh tế vĩ mô nói chung và chính sách tài khóa nói riêng phải có những bước thay đổi linh hoạt để phù hợp với yêu cầu quản lý trong thời kỳ mới.

Ảnh: http://baochinhphu.vn
Thực trạng thực hiện chính sách tài khóa ở Việt Nam từ năm 2008 đến nay

Cách đây 10 năm, quý I/2009, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước của Việt Nam chỉ đạt 3,1%, bằng 41% tốc độ tăng của quý I/2008 và là quý có tốc độ tăng thấp nhất trong những năm trước đó1. Sản xuất đình trệ, đầu tư tăng thấp, tiêu dùng có dấu hiệu chậm lại, dẫn đến dư thừa lao động.

Để bình ổn và tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế trước thực trạng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và những ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế trong nước vào năm 2008 và 2009, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn sự suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội. Qua đó, các chính sách tài khóa (CSTK) và tiền tệ được nới lỏng.

Bên cạnh một số mặt tích cực thì CSTK nới lỏng năm 2009 – 2010 lại đưa lạm phát tăng trở lại hai con số vào năm 2010 và 2011. Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực tới niềm tin của người dân, thị trường và các nhà đầu tư.

Trong bối cảnh đó, từ nửa cuối năm 2011 cho tới nay, Chính phủ ưu tiên kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô và được thể hiện rõ nét trong các văn bản chỉ đạo của Chính phủ qua từng năm. Cũng theo đó, CSTK đã được sử dụng một cách chặt chẽ và linh hoạt nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kích cầu đầu tư để kích thích tăng trưởng… Đồng thời, khuyến khích thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đối với các dự án đầu tư trọng điểm, có hiệu quả và tăng cường công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước (NSNN).

Bên cạnh đó, chính sách an sinh xã hội được chú trọng, một số chính sách hỗ trợ, trợ cấp khó khăn cho các đối tượng chính sách đã được ban hành như: nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ cận nghèo; tăng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi cho người có công với cách mạng; chuyển vốn cho vay đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, cho vay đối với hộ đồng bào nghèo vùng đồng bằng sông Cửu Long…

Năm 2013, trước tình hình kinh tế chưa có dấu hiệu phục hồi mạnh, thu NSNN khó duy trì được mức tăng như nhiều năm trước đó, CSTK chặt chẽ, linh hoạt tiếp tục được thực hiện thông qua việc triệt để tiết kiệm chi tiêu, song đồng thời cũng áp dụng chính sách miễn, giảm thuế trong gói các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Quốc hội đã sửa đổi một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế giá trị gia tăng nhằm miễn giảm thuế cho một số đối tượng để kích thích thị trường và giảm khó khăn cho doanh nghiệp.

Năm 2015 – 2016, Chính phủ tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, thúc đẩy phục hồi tăng trưởng, tạo nguồn thu vững chắc, ổn định cho NSNN, tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá; tập trung xử lý nợ đọng thuế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan. Cơ cấu lại các khoản chi trên cơ sở rà soát tổng thể các chính sách an sinh xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Năm 2017, Chính phủ tiếp tục thực hiện CSTK chặt chẽ, triệt để tiết kiệm. Tăng cường công tác quản lý giá, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước; thúc đẩy đổi mới khu vực sự nghiệp công lập; thúc đẩy sự phát triển đồng bộ các loại hình thị trường tài chính; hiện đại hóa và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước của ngành Tài chính.

Theo Ngân hàng Thế giới, năm 2018, Việt Nam xếp hạng thứ 69/190 trong số các nền kinh tế được khảo sát. Như vậy, tính chung từ năm 2013 đến nay, Việt Nam đã tăng tổng cộng 30 bậc trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh. Sang năm 2018, tuy môi trường kinh doanh Việt Nam giảm một bậc, nhưng có tới 8/10 chỉ số đánh giá có cải thiện về điểm số.

Cụ thể, trong Báo cáo Môi trường kinh doanh (Doing Business) 2019 do Ngân hàng Thế giới công bố, chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam năm 2018 xếp thứ 104/190 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 19 bậc nhờ cơ quan đăng ký kinh doanh cho phép công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử và giảm lệ phí đăng ký doanh nghiệp. Chỉ số tiếp cận điện năng cũng tăng mạnh khi đứng ở vị trí 27/190, tăng 37 bậc so với năm 2017 và là năm thứ 5 liên tiếp được cải thiện về vị trí. Ðến nay, 9/10 chỉ số đánh giá được cải thiện liên tục qua các năm (trừ chỉ số giải quyết phá sản doanh nghiệp), giúp Việt Nam thu hẹp dần khoảng cách so với nhóm ASEAN 4 (Xinh-ga-po, Thái Lan, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin)2.

Như vậy, từ năm 2011 – 2018, CSTK được thực hiện một cách chặt chẽ, linh hoạt hơn với 2 mục tiêu: (1) giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; (2) giảm thuế, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để phát triển sản xuất – kinh doanh. Việc áp dụng linh hoạt, hài hòa giữa nới lỏng tài khóa (giảm thuế) và thắt chặt tài khóa (kiểm soát chặt chẽ chi tiêu công, giảm chi đầu tư phát triển từ NSNN) đã duy trì các chỉ tiêu lạm phát, tăng trưởng ở mức độ hợp lý.

Một số giải pháp góp phần thực hiện có hiệu quả chính sách tài khóa ở Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, tăng cường xã hội hóa các nguồn lực.

Vốn đầu tư từ khu vực nhà nước phải đóng vai trò là “vốn mồi”, tạo điều kiện để thu hút nhiều hơn nữa sự đầu tư của khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, đa dạng hóa các nguồn đầu tư ngoài nhà nước. Đẩy mạnh huy động nguồn vốn trong dân cư, vốn của các trung gian tài chính, phát triển thị trường chứng khoán.

Với các hình thức đầu tư có sự tham gia của nguồn lực tài chính khác ngoài nhà nước sẽ vừa giảm bớt gánh nặng cho NSNN vừa nâng cao hiệu quả của công việc, tránh thất thoát lãng phí nguồn lực, mang lại lợi ích cho cả Nhà nước và người dân. Để tăng cường xã hội hóa các nguồn lực, cần thực hiện những giải pháp sau:

(1) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xã hội hóa để các cấp chính quyền, các đơn vị sử dụng NSNN có nhận thức đúng, đầy đủ, thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục – thể thao.

Tăng cường công tác nghiên cứu, làm rõ các vấn đề về sở hữu, về tính chất hoạt động lợi nhuận và hoạt động phi lợi nhuận, về trách nhiệm xã hội của các tổ chức, về hình thức xã hội hóa trong mỗi lĩnh vực, để từ đó tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách. Đồng thời, phát động các phong trào thi đua, xây dựng và nhân rộng các điển hình xã hội hóa trong từng lĩnh vực.

(2) Tiếp tục đổi mới chính sách và cơ chế khuyến khích, quản lý xã hội hóa theo hướng quy định rõ trách nhiệm, mục tiêu hoạt động, nội dung, chất lượng dịch vụ, sản phẩm, chế độ sở hữu và cơ chế hoạt động; quy định chế độ tài chính và trách nhiệm thực hiện chính sách và nghĩa vụ xã hội của các đơn vị ngoài công lập.

Có quy định rõ ràng về quy chế hoạt động của các loại quỹ, nhằm thể chế hóa vai trò và chức năng của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp tham gia vào quá trình xã hội hóa. Bên cạnh đó, cần đơn giản các thủ tục hành chính trong việc thành lập các cơ sở ngoài công lập trên cơ sở quy định chặt chẽ, hướng dẫn chi tiết điều kiện thành lập, điều kiện hành nghề và cơ chế hậu kiểm. Quy định điều kiện, thủ tục chuyển từ loại hình công lập sang các loại hình ngoài công lập.

(3) Đổi mới cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục – thể thao trên cơ sở nghiên cứu xây dựng và từng bước thực hiện chính sách đấu thầu cung cấp dịch vụ do Nhà nước đặt hàng; khuyến khích các cơ sở thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia; chuyển việc cấp phần kinh phí Nhà nước hỗ trợ cho người hưởng thụ thông qua các cơ sở công lập sang cấp trực tiếp cho người hưởng thụ phù hợp với từng lĩnh vực; từng bước tạo điều kiện để người hưởng thụ lựa chọn cơ sở dịch vụ không phân biệt công lập hay ngoài công lập; từng bước chuyển việc thực hiện chính sách xã hội hiện đang giao cho các cơ sở công lập sang cho chính quyền địa phương các cấp.

(4) Hoàn thiện việc phân cấp quản lý, tăng quyền chủ động và trách nhiệm của các địa phương. Các địa phương căn cứ vào cơ chế, chính sách chung, quyết định cơ chế, chính sách cụ thể cho địa phương, xây dựng quy hoạch phát triển xã hội hóa đối với từng lĩnh vực: giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục – thể thao trên từng địa bàn.

(5) Nhà nước chỉ đầu tư cho những lĩnh vực, công trình mà các thành phần kinh tế khác không thể hoặc không muốn đầu tư; tạo môi trường đầu tư lành mạnh để mọi thành phần kinh tế khác có thể tham gia  cùng Nhà nước bằng các hình thức như: BT, BOT, BTO,… Không đầu tư vốn nhà nước vào các doanh nghiệp nhà nước và các tập đoàn nhà nước nếu các thành phần kinh tế khác có khả năng cung cấp các dịch vụ công ích và hàng hóa công cộng hiệu quả hơn.

Đối với việc sử dụng các nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước vào các công trình công ích, Nhà nước không nhất thiết phải ưu đãi về kinh tế và tài chính mà nên có cơ chế cân đối lợi ích giữa các bên tham gia, cân đối các nguồn hoàn trả vốn và tạo lợi ích cho các nhà đầu tư như: đổi đất lấy hạ tầng, cho phép thu phí khai thác….

Thứ hai, tăng tính công khai, minh bạch tài khóa.

Thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý tài khóa sẽ tạo điều kiện cho người dân, cho cộng đồng có thể giám sát, kiểm soát, qua đó hạn chế những thất thoát, lãng phí trong sử dụng nguồn lực. Minh bạch tài chính cũng sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm giải trình của những cơ quan, đơn vị thụ hưởng ngân sách. Luật NSNN năm 2015 được ban hành đã chú trọng những quy định về vấn đề này. Tuy nhiên, để bảo đảm minh bạch tài chính cần hoàn thiện các mẫu biểu báo cáo về thu, chi NSNN và cơ chế thực hiện hệ thống báo cáo tài khóa theo các tiêu chí thống nhất.

Bên cạnh đó, việc tính toán, phản ánh đúng, đầy đủ và kịp thời các khoản thu – chi cũng sẽ góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài khóa, hạn chế việc tăng thu, tăng chi không chính thức, tạo các gánh nặng ngầm hoặc các nghĩa vụ tiềm ẩn đối với NSNN. Các khoản thu – chi phải bảo đảm đúng bản chất và nội dung kinh tế, đúng chức năng và nhiệm vụ của NSNN. Đồng thời, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại chi ngân sách các khoản thu, chi một cách hợp lý cũng như phương pháp cân đối và tính thâm hụt ngân sách phù hợp.

Thứ ba, hướng CSTK đến mục tiêu tăng trưởng hợp lý và ổn định kinh tế vĩ mô.

Lý luận và thực tiễn đã chứng minh rằng, CSTK và phát triển kinh tế của một quốc gia có những mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau. Ở Việt Nam, thông thường, mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của từng giai đoạn sẽ được nghiên cứu, hoạch định trước.

Trên cơ sở đó, CSTK sẽ được xác định để phù hợp với các mục tiêu chiến lược trung hạn và dài hạn. Vì vậy, vấn đề quan trọng trong quá trình hoạch định mục tiêu chiến lược phát triển là nhất thiết phải căn cứ vào nguồn lực thực tế của quốc gia để đề ra những mục tiêu phù hợp với khả năng đáp ứng của NSNN. Đó là tiền đề quan trọng để xây dựng một CSTK phù hợp, khả thi và bám sát những yêu cầu phát triển đất nước; đồng thời, cân đối ngân sách bền vững và bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Do vậy, trong giai đoạn tới, Việt Nam cần chú trọng tới vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô hơn là một tốc độ tăng trưởng cao, theo đó duy trì mức tăng trưởng khoảng 6 – 7%. CSTK thực hiện theo hướng tăng cường quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm chi thường xuyên, dành nguồn lực hợp lý cho đầu tư phát triển để hoàn thiện hệ thống hạ tầng trên toàn quốc nhằm phát triển đồng đều và giảm những chênh lệch quá lớn về mức sống của các tầng lớp dân cư. Tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo đảm nguồn vốn NSNN được sử dụng có hiệu quả.

Thứ tư, tăng cường thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ là phải bảo đảm công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về thu nhập và mức sống giữa người dân ở thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi. Do đó, thu – chi NSNN phải bảo đảm thực hiện các mục tiêu xóa đói, giảm nghèo thông qua các chính sách như:

– Về thu NSNN: tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi thuế đối với hoạt động sản xuất  – kinh doanh ở vùng, miền có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

– Về chi NSNN: cần có hình thức cấp vốn cho các hộ nghèo để phát triển sản xuất, tạo việc làm, đa dạng hóa sinh kế, tăng thu nhập và giúp họ tự thoát nghèo; chi NSNN để dạy nghề cho các lao động nghèo chưa được đào tạo, giúp họ có thể tự tạo việc làm hoặc tự tìm kiếm việc làm trên thị trường lao động.

Chi NSNN để đầu tư xây dựng các kết cấu hạ tầng thiết yếu cho các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi, vùng biên giới hải đảo, như: đường xá, trạm y tế, trường học. Hỗ trợ cho các hoạt động y tế, giáo dục cho các địa phương khó khăn để bảo đảm người nghèo cũng được học tập và khám, chữa bệnh.

Thứ năm, nâng cao chất lượng công tác dự báo.

Công tác dự báo trong thời gian qua chưa được chú trọng đúng mức và tính chính xác chưa cao. Để khắc phục tình trạng này, cần thực hiện các nội dung sau:

(1) Nhà nước cần có quy định chính thức về việc dự báo kinh tế là khâu bắt buộc trong quy trình xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội cũng như trong ban hành chính sách thu – chi NSNN.

(2) Cần nâng cao chất lượng dự báo. Khi xây dựng chính sách kinh tế vĩ mô, bên cạnh những dự báo về mặt định tính, cần áp dụng các phương pháp định lượng để bảo đảm tính chính xác, tin cậy cao.

(3) Phân tích và dự báo một mặt dựa trên xu hướng biến động trong tương lai, mặt khác phải căn cứ vào dữ liệu lịch sử. Vì vậy, cần xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu bảo đảm đầy đủ, chính xác và cập nhật để phục vụ cho công tác dự báo.

(4) Bảo đảm các điều kiện về vật chất, nguồn nhân lực cho công tác dự báo. Theo đó, nghiền cứu đầu tư thích đáng cho hoạt động dự báo, nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác dự báo và có cơ chế hợp tác, thuê chuyên gia nước ngoài, các tổ chức quốc tế hỗ trợ kỹ thuật trong phân tích dự báo./.

Chú thích:
1. Tổng cục Thống kê. Tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2009. www.gso.gov.vn, tháng 6/2009.
2. Cải thiện môi trường kinh doanh hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong năm 2019. www.mof.gov.vn, ngày 26/02/2019.
Tài liệu tham khảo:
1. Lê Xuân Nghĩa, Phạm Đình Cường và Yi Houng Lee. Kỷ yếu Hội thảo khoa học về tăng cường hiệu quả phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa ở Việt Nam, 2013.
2. Trịnh Huy Quách. Hiệu lực và hiệu quả của chính sách tài khóa, cơ sở lý luận để xem xét các vấn đề thực tiễn Việt Nam/Dự án VIE/02/008, Hà Nội, 2006.
3. Bùi Nhật Tân. Tác động của chính sách tài khóa đến phát triển kinh tế Việt Nam. Luận án tiến sỹ kinh tế, Học viện Tài chính, 2015.
4. Sử Đình Thành, Bùi Thị Mai Hoài và Mai Đình Lâm. Chính sách tài khóa gắn với tăng trưởng kinh tế bền vững giai đoạn 2011 – 2020. Tạp chí phát triển kinh tế, số 02-2014.
5. J. M. Keynes (1973). The Genenal Threory of Employment, Interest and Money, London: Macmillan, St. Martin’s Press.
6. J. Buchanan and R. Wagner (1977). Democracy in Deficit: The Legacy of Lord Keynes. Academic Press, New York.
TS. Dìu Đức Hà
Học viện Hành chính Quốc gia

When you buy from specialists, you are aware you have taken the best available advice and are getting the very best https://www.affordable-papers.net/ conditions that are likely to be useful to you later on.