Đào tạo sau đại học và những yêu cầu mới đối với giảng viên tại Học viện Hành chính Quốc gia

(QLNN) Học viện Hành chính Quốc gia bắt đầu thực hiện nhiệm vụ đào tạo sau đại học năm 1996 theo Quyết định số 2488/GD-ĐT ngày 24/7/1995 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc giao nhiệm vụ đào tạo cao học cho Học viện Hành chính Quốc gia.

TS Đặng Xuân Hoan, Giám đốc Học viện Hành chính quốc gia (thứ tư từ trái sang) trao bằng tốt nghiệp cho các tân tiến sĩ, năm 2019. Ảnh: KIM HUY

Khái quát về nhiệm vụ và quy mô đào tạo sau đại học của Học viện Hành chính Quốc gia

Từ năm 2003, Học viện bắt đầu đào tạo trình độ tiến sĩ chuyên ngành Quản lý Hành chính công theo Quyết định số 140/2002/QĐ-TTg ngày 18/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ cho Học viện Hành chính Quốc gia (hiện nay là chuyên ngành Quản lý công).

Trong giai đoạn 1996 – 2007, Học viện đào tạo trình độ thạc sĩ với một chuyên ngành duy nhất là: Quản lý nhà nước (sau đó tên chuyên ngành được đổi thành Quản lý Hành chính công và hiện nay là chuyên ngành Quản lý công). Từ năm 2008, Học viện bắt đầu thực hiện đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng theo Quyết định số 563/QĐ-BGDĐT ngày 01/02/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngày 06/8/2014, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 2798/QĐ-BGDĐT giao nhiệm vụ đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính; chuyên ngành Chính sách công cho Học viện Hành chính Quốc gia;

Ngày 22/01/2019, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 181/QĐ-BGDĐT giao nhiệm vụ đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Quản lý kinh tế.

Trong việc liên kết đào tạo trình độ thạc sĩ với nước ngoài, Học viện đã thực hiện đào tạo liên kết với Trường Đại học Tempere (Phần Lan) theo Quyết định số 50/QĐ-BGDĐT ngày 05/01/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc cho phép thực hiện chương trình liên kết đào tạo cấp bằng Thạc sĩ Chính sách công và Quản lý tài chính.

Như vậy, hiện nay, Học viện Hành chính Quốc gia đang đào tạo tiến sĩ chuyên ngành Quản lý công và 5 chuyên ngành thạc sĩ là: Quản lý công, Chính sách công, Luật Hiến pháp và Luật Hành chính, Tài chính ngân hàng, Quản lý kinh tế.

Từ năm 2002 đến nay, Học viện đã đào tạo được 147 tiến sỹ chuyên ngành Quản lý công (tên gọi trước đây là Quản lý Hành chính công). Trong số đó, nhiều người đã được phong học hàm phó giáo sư, làm công tác quản lý, giảng viên, nghiên cứu viên trong các viện nghiên cứu, học viện, trường đại học, cao đẳng trên khắp cả nước; một số khác công tác tại các bộ, ban ngành trung ương và địa phương thuộc nhiều lĩnh vực, cơ quan: Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố; trong lực lượng vũ trang: công an, cảnh sát biển,… và vẫn đang tích cực tham gia vào hoạt động đào tạo sau đại học của Học viện.

Tính từ năm 2003 đến nay, đã có hơn 3.500 học viên cao học các chuyên ngành tốt nghiệp, trong đó, đa số học viên là những người đang công tác trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị. Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, Học viện đã và đang đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành Quản lý công cho đội ngũ cán bộ, công chức chủ chốt của các địa phương thuộc khu vực 3 Tây (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ) theo chỉ tiêu được Bộ Giáo dục và đào tạo giao với số lượng 348 học viên.

Hoạt động liên kết đào tạo của Học viện được tiến hành từ năm 2010. Cho đến nay, Học viện đã hoàn thành 01 khóa liên kết đào tạo với Trường Hành chính Quốc gia Quebéc, Ca-na-đa (39 học viên), 4 khóa liên kết đào tạo với Trường Đại học Tampere thuộc ĐHTH Phần Lan với số học viên hơn 100 người, trong đó 2 khóa đã hoàn thành, 2 khóa đang thực hiện.

Nhìn chung, các khóa liên kết đào tạo đã thu được những thành công nhất định, mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ, đóng góp trực tiếp vào quá trình nâng cao năng lực cho nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ quá trình cải cách hành chính và đổi mới đất nước. Hầu hết học viên đã tốt nghiệp đều phát huy và áp dụng có hiệu quả những kiến thức, kỹ năng đã được học trong chương trình, cải thiện chất lượng thực thi công vụ, được bổ nhiệm vào các vị trí quản lý; nhiều học viên được bổ nhiệm vào các vị trí quản lý cấp vụ, cấp sở và tương đương.

Thực trạng đội ngũ giảng viên đào tạo sau đại học tại Học viện

Giảng viên tham gia đào tạo sau đại học là các giảng viên tham gia giảng dạy, hướng dẫn học viên, nghiên cứu sinh và tham gia các Hội đồng đánh giá luận văn, luận án. Đội ngũ giảng viên cơ hữu của Học viện có học vị tiến sĩ, học hàm phó giáo sư, giáo sư tính đến ngày 31/10/2019 là 146 người.

Đội ngũ giảng viên tham gia đào tạo sau đại học tại Học viện hiện nay của Học viện có các đặc điểm sau:

– Nhiều giảng viên có trình độ tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư đang đảm nhiệm nhiều vị trí, công tác tại nhiều đơn vị khác nhau. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đúng chuyên ngành của 5 chuyên ngành thạc sĩ đang được đào tạo tại Học viện không cao, đặc biệt là ở các khoa chuyên môn.

– Một số giảng viên tuy có trình độ tiến sĩ đang công tác tại các khoa chuyên môn nhưng lại đang ở những bộ môn chưa được giảng dạy bất kỳ học phần nào thuộc chương trình thạc sĩ.

– Tỷ lệ giảng viên giảng dạy chương trình thạc sĩ, tiến sĩ là các giảng viên (đã nghỉ quản lý được thực hiện hợp đồng làm chuyên môn kéo dài) có số lượng tương đối cao; bên cạnh đó, số lượng các giảng viên trẻ, mới bảo vệ học vị tiến sĩ tham gia giảng dạy chưa nhiều. Do đó, nếu không có kế hoạch tạo điều kiện rèn luyện, bố trí cho nhóm giảng viên này tham gia giảng dạy cao học thì trong thời gian tới có thể dẫn tới hụt hẫng thế hệ giảng viên, khó bảo đảm nguồn lực giảng viên có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

– Nguồn lực giảng viên của Học viện đủ điều kiện tham gia hướng dẫn luận văn, luận án theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo hiện nay còn thiếu đã gây áp lực, khó khăn trong việc đề xuất lịch phân công người giảng dạy, hướng dẫn luận án, luận văn trong cùng một thời điểm của các khóa học tại Học viện và các Phân viện thuộc Học viện. Đặc biệt, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở đào tạo phải cập nhật danh sách nghiên cứu sinh, học viên cao học cùng với tên đề tài luận văn và người hướng dẫn trên phần mềm, do đó việc kiểm soát số lượng nhà khoa học hướng dẫn luận văn, luận án ở tất cả các cơ sở đào tạo trong cùng một thời điểm chặt chẽ hơn trước đây.

– Việc mời người hướng dẫn là giảng viên kiêm chức ngoài Học viện hiện đang gây khó khăn trong vấn đề kiểm soát tiến độ hoàn thành luận án, luận văn của các nghiên cứu sinh, học viên; bên cạnh đó là trách nhiệm của người hướng dẫn cũng có ảnh hưởng lớn đến chất lượng khoa học của các luận án, luận văn… Đa số các nhà khoa học hướng dẫn rất nghiêm túc và có trách nhiệm, tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp cá biệt thể hiện sự thiếu quan tâm, hướng dẫn thiếu trách nhiệm đối với quá trình nghiên cứu khoa học của học viên.

Những yêu cầu mới đối với giảng viên đào tạo sau đại học tại Học viện Hành chính Quốc gia

Thứ nhất, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tuyển sinh và đào tạo sau đại học có rất nhiều thay đổi theo hướng chặt chẽ hơn về điều kiện tuyển sinh, quy trình quản lý và về vấn đề chuẩn đầu ra, chẳng hạn như:

– Thông tư số 06/2018/TT-BGDĐT ngày 28/02/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

– Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT ngày 04/4/2017 ban hành Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ với nhiều thay đổi như quy định về điều kiện dự tuyển và điều kiện; tiêu chuẩn người hướng dẫn nghiên cứu sinh; điều kiện để nghiên cứu sinh bảo vệ luận án…

Theo quy định mới, người hướng dẫn luận án tiến sĩ phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

– Có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có bằng tiến sĩ khoa học, tiến sĩ có chuyên môn phù hợp với đề tài luận án hoặc lĩnh vực nghiên cứu của nghiên cứu sinh; đối với người chưa có chức danh giáo sư, phó giáo sư thì phải có tối thiểu 3 năm (36 tháng) làm công tác nghiên cứu khoa học hoặc giảng dạy kể từ khi có quyết định cấp bằng tiến sĩ;

– Đã hoặc đang chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở trở lên;

– Là tác giả chính của tối thiểu 1 bài báo hoặc công trình khoa học đăng trên tạp chí thuộc danh mục các tạp chí của cơ sở dữ liệu ISI Thomson Reuters hoặc của cơ sở dữ liệu Scopus – Elsevier (sau đây gọi chung là danh mục các tạp chí ISI – Scopus) hoặc ít nhất một chương sách tham khảo có mã số chuẩn quốc tế ISBN do các nhà xuất bản nước ngoài phát hành; hoặc là tác giả chính của tối thiểu 2 báo cáo đăng trên kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện, hoặc 2 bài báo/công trình khoa học đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện thuộc lĩnh vực khoa học liên quan đến đề tài luận án của nghiên cứu sinh;

– Trường hợp chưa có chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư, ngoài việc phải đáp ứng quy định tại điểm d khoản này phải là tác giả chính của thêm 1 bài báo/công trình khoa học đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI – Scopus;

– Có năng lực ngoại ngữ phục vụ nghiên cứu và trao đổi khoa học quốc tế;

– Người hướng dẫn độc lập phải là giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu của cơ sở đào tạo hoặc là nhà khoa học người nước ngoài, nhà khoa học Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài có hợp đồng giảng dạy, nghiên cứu khoa học với cơ sở đào tạo;

– Tại cùng một thời điểm, người có chức danh giáo sư được hướng dẫn độc lập, đồng hướng dẫn tối đa 5 nghiên cứu sinh; người có chức danh phó giáo sư hoặc có bằng tiến sĩ khoa học được hướng dẫn độc lập, đồng hướng dẫn tối đa 4 nghiên cứu sinh; người có bằng tiến sĩ được hướng dẫn độc lập, đồng hướng dẫn tối đa 3 nghiên cứu sinh;

Quyền và trách nhiệm của người hướng dẫn học viên và nghiên cứu sinh đã được quy định cụ thể trong Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và quy định của Học viện. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai phân công người hướng dẫn cho học viên, Ban Quản lý đào tạo Sau đại học nhận thấy một số bất cập vì với những điều kiện, tiêu chuẩn mới về người hướng dẫn, nhất là yêu cầu phải có công trình khoa học được đăng tải trên các ấn phẩm khoa học quốc tế đã dẫn đến áp lực lớn đối với giảng viên của Học viện. Vì vậy, cần xây dựng lộ trình đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên đáp ứng đòi hỏi của việc hướng dẫn nghiên cứu sinh, tham gia Hội đồng đánh giá luận văn, luận án theo những tiêu chuẩn ngày càng cao.

Thứ hai, nguồn dự thi trình độ đào tạo sau đại học đang có xu hướng giảm, do nhiều nguyên nhân, có thể từ nhu cầu chung của xã hội trong đào tạo trình độ sau đại học sụt giảm mạnh trong những năm gần đây, sức hút của chuyên ngành đào tạo… Đặc biệt, đối tượng học viên là cán bộ, công chức, viên chức các địa phương khó có cơ hội tham gia đào tạo sau đại học tại Học viện dù nhiều địa phương có nhu cầu đào tạo chuyên sâu về quản lý công, chính sách công, luật, kinh tế, tài chính.

Điều này dẫn đến việc Học viện cần đa dạng phương thức đào tạo, kết hợp giữa đào tạo theo định hướng ứng dụng và đào tạo theo định hướng thực hành. Để đào tạo theo định hướng ứng dụng có hiệu quả, đội ngũ giảng viên phải có kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm nhiều hơn trong quản lý công và chính sách công.

Thứ ba, năng lực của Học viện trong đào tạo sau đại học chưa tương thích với yêu cầu, quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Học viện cần có thời gian để gia tăng số lượng các nhà khoa học đáp ứng yêu cầu mới trong đào tạo sau đại học.

Thứ tư, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cuộc cách mạng về sản xuất thông minh dựa trên những đột phá công nghệ mới trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, robot, internet vạn vật, công nghệ in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, lưu trữ năng lượng và tin học lượng tử… trên nền tảng cách mạng số. Mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có hệ thống giáo dục, đào tạo sẽ chịu tác động mạnh mẽ và toàn diện của nó.

Trong tương lai gần, thị trường việc làm sẽ thay đổi, do đó người học cũng phải cần thay đổi để thích nghi, cần phải trang bị đầy đủ những kiến thức nền tảng, chuyên môn vững vàng, khả năng tự học, tự sáng tạo, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, trang bi đầy đủ các kỹ năng mềm, có hiểu biết văn hóa rộng, khả năng ứng xử trong môi trường quốc tế thì mới đáp ứng được nhu cầu nguồn lực lao động chất lượng cao trong thời kỳ công nghệ số hóa. Việc học sẽ không chỉ gói gọn trong những giờ ngồi trên giảng đường mà phải học mọi lúc, mọi nơi, học thông qua trải nghiệm, học thông qua các công trình nghiên cứu khoa học…

Như vậy, để đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ mới, Học viện Hành chính Quốc gia cần phải có sự đổi mới để nắm bắt kịp xu thế công nghệ số hóa. Do đó, mỗi giảng viên tham gia vào quá trình đào tạo sau đại học phải liên tục cập nhật những kiến thức mới, những công nghệ mới nhằm nâng cao năng lực cho chính bản thân mình thì mới có thể đổi mới phương pháp dạy và học, đáp ứng được yêu cầu, nhu cầu của học viên.

PGS.TS Hoàng Mai
Học viện Hành chính Quốc gia