Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới với nhiều cách làm sáng tạo

 (QLNN) Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình hành động của Chính phủ (Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 – 2020 và Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 với các mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là trên 50% số xã đạt chuẩn NTM.
Xây dựng nông thôn mới – Ý Đảng, lòng dân

Chương trình mục tiêu quốc gia nêu rõ: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM bắt nguồn từ Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa X về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” đề ra mục tiêu xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Ðảng được tăng cường.

Xây dựng NTM đã thực sự trở thành một phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp, được cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân cả nước nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia. Cả nước đã chung sức xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2011- 2020 là phong trào thi đua lớn, được đông đảo cơ quan, đơn vị, cán bộ, người lao động hưởng ứng.

Sau hơn 9 năm thực hiện, chương trình NTM đã đạt được những kết quả quan trọng, làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện.

Theo Văn phòng điều phối NTM Trung ương, tính đến tháng 01/2020, cả nước có 4.849/8.902 xã (54,47%) đã đạt chuẩn NTM, bình quân đạt 15,66 tiêu chí/xã; không còn xã dưới 5 tiêu chí; còn 1.210 xã (13,59%) dưới 10 tiêu chí; đã có 8 xã được công nhận NTM kiểu mẫu, tại các tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình, Quảng Trị và Đồng Nai. Đến 01/2020 cả nước có 114 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; đến nay có 30 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Bộ tiêu chí NTM kiểu mẫu áp dụng trên địa bàn tỉnh1.

Có 52 tỉnh, thành phố phê duyệt và triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm – OCOP ở cấp tỉnh. Dự kiến đến hết năm 2020, có khoảng 2.490 sản phẩm tham gia chương trình (mục tiêu của cả nước là 2.400 sản phẩm). Hiện có 6 tỉnh, thành thực hiện đánh giá, phân hạng cho tổng cộng 265 sản phẩm OCOP, trong đó 7 sản phẩm 5 sao, 100 sản phẩm 4 sao, 158 sản phẩm 3 sao2. Các địa phương khác đã và đang tích cực phối hợp với Văn phòng Điều phối NTM Trung ương tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP…

Cả nước cũng đã huy động được hơn 2.400.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 110 tỷ USD). Trong đó, ngân sách nhà nước các cấp hỗ trợ trực tiếp cho chương trình là gần 320.000 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động từ người dân và cộng đồng chiếm khoảng 8,2% trong cơ cấu tổng nguồn vốn nhưng tăng 1,2 lần so với giai đoạn 1, chủ yếu là do người dân tự nguyện đóng góp để xây dựng NTM trên địa bàn. Người dân cả nước đã tự nguyện hiến hơn 45 triệu m2đất để làm NTM3.

Thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn tăng nhanh hơn tốc độ tăng thu nhập của người dân đô thị, tăng 2,78 lần từ mức 12,8 triệu năm 2010 lên mức 35,88 triệu đồng/người năm 20194. Nhiều nơi có tư duy, cách làm mới, huy động nguồn lực lớn và đa dạng cho xây dựng NTM.

Diện mạo nông thôn mới ngày càng thay da, đổi thịt

Có thể đánh giá việc xây dựng NTM là phong trào rất trúng, rất đúng, đi vào lòng người, khai thác được sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị kết hợp sức mạnh của từng người dân, tạo nên thành tích to lớn, toàn diện, lịch sử. Trung bình mỗi năm huy động tương đương 10 tỷ USD cho phát triển các thiết chế hạ tầng sản xuất, đời sống, văn hóa, xã hội, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn Việt Nam thay đổi đáng kể5. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thực sự đã tạo ra một bước đột phá lịch sử, làm thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong triển khai phong trào xây dựng NTM ở một số địa phương như việc chỉ đạo chưa đồng bộ, có lúc có nơi cấp ủy, chính quyền chưa sát sao, chưa quyết liệt, phát triển không đồng đều, thậm chí ngay ở những nơi có điều kiện hay trong cùng những điều kiện giống nhau nhưng kết quả lại rất khác nhau; các chỉ tiêu phát triển sản xuất, chăm lo môi trường sống cho người dân, củng cố chính quyền ở cơ sở chưa có được kết quả đồng bộ với kết quả phát triển hạ tầng; việc xử lý rác thải chưa được triển khai hiệu quả, đặc biệt là rác thải nhựa;…

Qua quá trình triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM trong những năm đầu cho thấy, có một số tiêu chí không phù hợp với thực tiễn mang tính đặc thù của các vùng, miền (như miền núi phía Bắc, ĐBSCL, Tây Nguyên) hoặc về nội dung, chỉ tiêu đạt chuẩn, khó vận dụng trong việc chỉ đạo thực hiện và đánh giá xã đạt chuẩn ở các địa phương. Do vậy, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cho sửa đổi một số tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về NTM (trong đó điều chỉnh 5/19 tiêu chí NTM).

Thực tế, sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, nhiều địa phương còn lúng túng, chưa xác định được nội dung chỉ đạo tiếp theo để các xã, huyện tiếp tục thực hiện xây dựng NTM. Thậm chí một số địa phương còn lơ là, thỏa mãn với những kết quả đạt được. Trên thực tế, những kết quả đạt được trong xây dựng NTM ở các địa phương mới chỉ là bước khởi đầu, trong khi việc duy trì và giữ vững, không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM lên tầm cao hơn mới là yếu tố quan trọng để hướng đến mục tiêu xây dựng NTM bền vững.

Trong 5 năm tới, nhóm các địa phương đã hoàn thành 19 chỉ tiêu giai đoạn 2010 -2020 cần phải có mục tiêu cao hơn cả về sản xuất, cả về đời sống, môi trường, đặc biệt là hoàn thiện hạ tầng. Phải tập trung lo văn hóa, chống tệ nạn xã hội, xây dựng văn hóa nông thôn. Đối với nhóm chưa đạt 19 tiêu chí chiếm gần 50% tổng số xã thì phải dồn sức để hoàn thành tích cực hơn6.

Dự kiến đến 2025 có 75% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có ít nhất 20% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 50% số huyện, thị xã đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó có 10% được công nhận huyện, thị xã nông thôn kiểu mẫu; có ít nhất 9 tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, đặc biệt chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 20207.

Một là, phải tiếp tục hoàn thiện, đảm bảo thống nhất các cấp để có được đội ngũ cán bộ chuyên tập trung cho sự tham mưu, chỉ đạo. Hoàn thiện bộ tiêu chí theo hướng tạo khung khổ định hướng để các địa phương phát huy tính chủ động sáng tạo cao nhất, để đạt kết quả tốt nhất. Các địa phương không được chủ quan, không được thỏa mãn với kết quả ban đầu này, phải luôn nhất quán quan điểm xây dựng NTM chỉ có điểm đầu, chưa và không có điểm kết thúc.

Hai là, huy động nguồn lực đầu tư bằng cơ chế, hình thức hợp tác công tư, xã hội hóa, riêng ngân sách tập trung cần được tăng cường bằng 2 nhóm nguồn chính. Đó là đầu tư trung hạn 2021-2025 và chương trình mục tiêu quốc gia 2021- 2025, đặc biệt đầu tư xã hội và vai trò hợp tác xã… trong nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và nông thôn. Không có hợp tác xã kiểu mới, những tập đoàn lớn, không có những trang trại quy mô khó có thể chuyển một nền nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa.

Ba là, xây dựng NTM phải không ngừng nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, miền núi; xây dựng miền quê đáng sống, xanh, sạch, đẹp; cần phải tiếp tục bảo tồn, phát triển song hành giữa văn hóa,  nét đẹp văn hóa của người dân trong quá trình phát triển; xây dựng hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể dưới sự lãnh đạo của Đảng không ngừng vững mạnh để phục vụ nhân dân.

Chú thích:
1. Hội thảo xây dựng bộ tiêu chí nông thôn mới: Nhiều giải pháp sáng tạo xây dựng nông thôn mới nâng cao. https://www.mard.gov.vn. Truy cập 10/02/2020.
2,3,4. Xây dựng nông thôn mới hiệu quả, thực chất.https://www.mard.gov.vn. Truy cập 27/9/2019.
5,6,7. Tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. https://www.mard.gov.vn.Truy cập 20/10/2019.
Phạm Thị Minh Huế
Viện Nghiên cứu Khoa học Hành chính