Ngành thuế Quảng Ninh thực hiện tốt thu ngân sách nhà nước  

UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức cuộc họp quán triệt các giải pháp đôn đốc các nguồn thu ngân sách nhà nước. Ông Nguyễn Văn Thắng – Chủ tịch UBND chủ trì cuộc họp. (Nguồn: http://baoxaydung.com.vn).

(QLNN) – Quảng Ninh là tỉnh nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc, là một trong những địa phương có số thu ngân sách hằng năm không chỉ đủ chi tiêu mà còn đóng góp ngày càng tăng cho ngân sách nhà nước (NSNN).

 1. Những năm qua, lãnh đạo chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị trong khối tài chính, nhất là Sở Tài chính và Cục Thuế phải nỗ lực, tập trung rà soát, đôn đốc các khoản thu: thuế, phí, thu ngoài quốc doanh, hộ kinh doanh, nhất là ở các lĩnh vực dịch vụ, du lịch. Bên cạnh đó, việc triển khai áp dụng công nghệ thông tin vào giám sát các khoản thu trong lĩnh vực dịch vụ để kiểm soát tốt nguồn thu đã được thực hiện quyết liệt nhằm tăng thu ngân sách.

Ông Cao Ngọc Tuấn – Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh (Nguồn: https://bnews.vn. Ảnh: Cục Thuế Quảng Ninh).

Cụ thể, tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thu đúng, thu đủ, chống thất thu, như: rà soát các nguồn thu, các khoản thu để có giải pháp đôn đốc thu nộp hiệu quả; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách thuế; đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm giảm chi phí, thời gian trong thực hiện thủ tục hành chính về thuế; tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương nhằm tăng cường công tác thu ngân sách trên địa bàn.

 

Nhiều năm qua, Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh đã làm tốt công tác thu NSNN, chỉ tính riêng trong năm 2017, thu NSNN trên địa bàn tỉnh đạt 38.500 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa đạt 27.600 tỷ đồng, tăng 10% so với số thu thực hiện năm 2016; thu xuất – nhập khẩu trên 10.900 tỷ đồng, tăng trên 101% dự toán Trung ương giao; thành phố Cẩm Phả, huyện Vân Đồn, huyện Hoành Bồ, huyện Tiên Yên và huyện Cô Tô là những đơn vị tiêu biểu trong hoàn thành dự toán giao đầu năm và cả dự toán giao phấn đấu 1.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh, tổng thu NSNN năm 2018 ước đạt 40.500 tỷ đồng, tăng 11% so với dự toán HĐND tỉnh giao (36.360 tỷ đồng), bằng 97% dự toán phấn đấu (41.834 tỷ đồng), tăng 4,9% so với thực hiện năm 2017. Trong đó, thu nội địa 30.500 tỷ đồng, chiếm 75% tổng thu NSNN trên địa bàn, tăng 0,5% dự toán HĐND giao (30.360 tỷ đồng), bằng 98% dự toán phấn đấu (31.254 tỷ đồng) và tăng 10,3% so với số thực hiện năm 2017 (27.651 tỷ đồng); thu xuất – nhập khẩu đạt 10.000 tỷ đồng, tăng 67% dự toán HĐND tỉnh giao (6.000 tỷ đồng), bằng 94,5% dự toán phấn đấu (10.580 tỷ đồng), bằng  91,4% số thực hiện cùng kỳ (10.943 tỷ đồng) 2. Đặc biệt, đối với nguồn thu từ ngành Du lịch với tổng doanh thu ước đạt 22,9 nghìn tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch, tăng 28,1% cùng kỳ, thu ngân sách từ du lịch đạt 2.750 tỷ đồng, chiếm 9% tổng thu nội địa, tăng 31% cùng kỳ 3.

Kết quả này là cơ sở để Quảng Ninh có thêm nguồn lực triển khai các chương trình, dự án động lực, bảo đảm an sinh xã hội và tạo tiền đề triển khai thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế – xã hội cho những năm tiếp theo.

Để đạt được kết quả đề ra, ngành Thuế của tỉnh đặc biệt coi trọng việc thực hiện cơ chế giám sát thường xuyên, định kỳ hằng tháng, hằng quý; thu đúng, thu đủ các khoản thu; phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương. Tính từ đầu năm đến nay, ngành Thuế đã hoàn thành 463 cuộc thanh tra, kiểm tra thuế, tổng số tiền các doanh nghiệp phải nộp sau thanh tra, kiểm tra là 102 tỷ đồng 4. Đồng thời, nâng cao trình độ cán bộ làm công tác thuế nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao…

Tuy nhiên, ngành Thuế còn gặp nhiều khó khăn trong quản lý hoạt động thu thuế ngoài quốc doanh, nhất là đối với các cơ sở nhà hàng, điểm kinh doanh nhỏ lẻ luôn biến động, tìm cách trốn, nợ thuế, gian lận thuế…

Một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện thủ tục giải thể chưa đúng quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Luật Quản lý Thuế sửa đổi năm 2016. Có trường hợp cơ quan đăng ký kinh doanh không nhận được phản hồi của cơ quan thuế, thực hiện xử lý hồ sơ giải thể và chuyển trạng thái hoạt động của doanh nghiệp về trạng thái giải thể trong khi doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế, gây khó khăn cho cơ quan thuế trong việc đôn đốc doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ thuế.

  1. Để tiếp tục hoàn thành tốt kế hoạch của năm 2019, với mục tiêu cụ thể: phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2019 tăng 11,6% GRDP; thu NSNN đạt 41.500 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 33.500 tỷ đồng, thu xuất – nhập khẩu đạt 8.000 tỷ đồng; tổng vốn huy động xã hội tăng trên 10%;… 5, các sở, ban, ngành của tỉnh đã và đang tập trung vào các giải pháp sau:

Thứ nhất, để tỉnh Quảng Ninh tiếp tục là một trong những tỉnh đi đầu về đóng góp cho NSNN, kiến nghị với Chính phủ cần tạo cho chính quyền địa phương “thế chủ động”, tạo động lực để địa phương chủ động tìm kiếm các nguồn thu mang tính phát triển trên địa bàn, tận dụng những ưu thế về cảnh quan thiên nhiên của tỉnh cũng như tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo điều kiện để chính quyền địa phương được phép kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước cho hoạt động đầu tư, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng và du lịch.

Thứ hai, kiến nghị với Bộ Tài chính và Tổng Cục Thuế, tỉnh Quảng Ninh và Cục thuế Quảng Ninh, bên cạnh việc xác định thuế ngoài quốc doanh được coi là một trong những sắc thuế mang tính lâu dài, bền vững, song cũng là sắc thuế khó quản lý, khó thu, nên cần có sự chỉ đạo cụ thể để có thể phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan hữu quan trong quản lý thu, tránh thất thoát NSNN, nhất là chú trọng việc thực hiện theo Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 23/02/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính hướng dẫn việc trao đổi thông tin về doanh nghiệp giữa hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và hệ thống thông tin thuế để trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình hoạt động của người nộp thuế, từ đó có biện pháp ngăn chặn, kiểm tra chống trốn thuế, gian lận thuế.

Thứ ba, tỉnh Quảng Ninh và ngành Thuế tích cực triển khai áp dụng công nghệ thông tin vào giám sát các khoản thu trong lĩnh vực dịch vụ để kiểm soát tốt nguồn thu và thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng thu ngay từ những ngày đầu năm của năm tiếp theo.

Thứ tư, tiếp tục rà soát cụ thể từng nguồn thu, khoản thu để có giải pháp đôn đốc thu – nộp hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách thuế và quản lý thuế mới đến người nộp thuế, đặc biệt là những nội dung về cải cách thủ tục hành chính, công tác triển khai thuế điện tử (kê khai, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử)…

Thứ năm, tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, trong đó tập trung vào các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, hoàn thuế, về sử dụng hóa đơn, chứng từ bất hợp pháp, về ưu đãi thuế, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và hộ kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, ăn uống, dịch vụ; các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh khai thác khoáng sản…

Tập trung đôn đốc truy thu, tiền phạt sau kiểm tra và công khai số tiền nợ thuế của người nộp thuế lên các phương tiện thông tin đại chúng. Thực hiện nghiêm túc công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế; tổ chức đôn đốc thu ngay các khoản nợ mới phát sinh.

Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính một cách toàn diện, hiện đại để giảm thời gian và chi phí trong thực hiện thủ tục hành chính về thuế, góp phần phát triển sản xuất – kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư. Thực hiện tốt công tác kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử nhằm bảo đảm hoàn thành tỷ lệ 100% đối với các dịch vụ thuế điện tử theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính; đồng thời, thực hiện hóa đơn điện tử tại các địa phương trong tỉnh.

Chú thích:
1. Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh. Báo cáo kết quả hoạt động thu – chi ngân sách nhà nước năm 2017.
2, 3. Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh tại cuộc họp thường kỳ tháng 11 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, tháng 11/2018.
4. Ngành Thuế: Giải pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. http://www.baoquangninh. com.vn, ngày 09/7/2018.
5. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh họp thường kỳ tháng 11/2018. http://www.qtv.vn, ngày 16/01/2018.

TS. Đặng Thị Hà
Học viện Hành chính Quốc gia