Hỗ trợ phát triển thương mại điện tử cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước

(QLNN) – Theo quy hoạch đến năm 2020, Bình Phước sẽ có 13 khu công nghiệp và 1 khu kinh tế cửa khẩu. Chính vì vậy, Bình Phước đang nỗ lực phấn đấu để đạt được mục tiêu; đồng thời, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đến Bình Phước tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh nhằm đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiếp tục đưa Bình Phước phát triển nhanh và bền vững, gắn với bảo vệ môi trường.

Thị xã Đồng Xoài – Thành phố thuộc tỉnh Bình Phước.
  1. Những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển; cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, hệ thống các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã có bước phát triển mạnh cả về số lượng và quy mô. Năm 2018, trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Phước diễn ra tại thị xã Đồng Xoài, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Phước đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 24 nhà đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 1,133 tỷ USD 1.

Theo quy hoạch đến năm 2020, Bình Phước sẽ có 13 khu công nghiệp và 1 khu kinh tế cửa khẩu. Chính vì vậy, Bình Phước đang nỗ lực phấn đấu để đạt được mục tiêu; đồng thời, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đến Bình Phước tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh nhằm đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiếp tục đưa Bình Phước phát triển nhanh và bền vững, gắn với bảo vệ môi trường.

Tính đến hết tháng 7/2018, toàn tỉnh có 6.425 DN trong nước đang hoạt động (tăng gấp 35 lần) với vốn đăng ký khoảng 53.506 tỷ đồng (tăng gấp 1.530 lần so với khi tái lập tỉnh). Ngoài ra, những năm gần đây, Bình Phước là một trong những điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài. Tỉnh hiện có 185 dự án với số vốn đăng ký 1,85 tỷ USD, 22 dự án với số vốn đăng ký 314 triệu USD, trong đó có 7 dự án đầu tư vào khu công nghiệp Becamex Bình Phước với số vốn đăng ký 272 triệu USD. Trong số 185 dự án FDI thu hút được có 125 dự án đã đi vào hoạt động, góp phần giải quyết việc làm cho 48.500 lao động, trong đó 60% là lao động địa phương 2.

Với xuất phát điểm rất thấp khi mới tái lập, đến nay kinh tế – xã hội của tỉnh Bình Phước đã có sự chuyển biến đáng kể. Thế mạnh của tỉnh là phát triển nông nghiệp, hiện tỉnh có diện tích và sản lượng một số loại cây trồng đứng đầu cả nước, như cây cao su có tổng diện tích đạt 237.000 ha, cây điều 134.300 ha, cây cà phê 17.000 ha, hồ tiêu 16.000ha với khoảng hơn 200 ngàn hộ nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp 3 . Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi của tỉnh cũng phát triển nhanh chóng với số lượng lớn trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô tập trung, công nghiệp.

Tuy nhiên, đa phần các DN của tỉnh hiện quy mô còn nhỏ bé, trình độ công nghệ lạc hậu, tiềm lực kinh tế hạn chế, khả năng tiếp cận các nguồn vốn, đổi mới công nghệ, thiết bị khó khăn; sức cạnh tranh yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Trình độ, năng lực của đội ngũ quản lý DN và trình độ tay nghề của người lao động còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là kiến thức về pháp luật, quản trị kinh doanh, ngoại ngữ, tin học, hội nhập kinh tế quốc tế… Các chủ DN còn thiếu tư duy và tầm nhìn, chưa mạnh dạn mở rộng hợp tác liên doanh liên kết, chưa quan tâm xây dựng chiến lược phát triển DN và thương hiệu sản phẩm, thương hiệu cho DN.

Đóng góp của các DN vào ngân sách địa phương chưa cao. Kim ngạch xuất khẩu chủ yếu là các mặt hàng nông sản, tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm thô còn khá lớn, giá trị hàng hóa thấp, tính cạnh tranh không cao, thị trường không ổn định, phụ thuộc rất lớn vào sự tác động của thị trường nước ngoài.

Như vậy, có thể thấy DN trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự quan tâm hỗ trợ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, huyện, thị, thành phố trong tỉnh.

  1. Nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để DN có điều kiện tiếp cận được cơ hội và phát huy tối đa nội lực, thế mạnh trong hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất – kinh doanh của DN đã được tỉnh đặt ra.

Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có trên 6.500 DN hoạt động. Kim ngạch xuất khẩu đến năm 2020 đạt khoảng 2 tỷ USD, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt khoảng 80.000 tỷ đồng; tạo thêm việc làm cho khoảng 6.000 – 7.000 người lao động hằng năm, khoảng 50.000 lượt lao động được hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao về kỹ thuật và các kỹ năng quản lý tại DN. Số lượng DN được hưởng lợi từ các chính sách, chương trình trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực hằng năm là trên 1.000 lượt DN. Số lượng/tỷ lệ DN/năm được tham gia chương trình xúc tiến thương mại trong nước là trên 1.000 lượt DN 4.

Về ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất – kinh doanh đến năm 2020, tỉnh đặt ra mục tiêu có ít nhất 50% các DN lớn ứng dụng các phần mềm quản lý tổng thể nguồn lực DN với đầy đủ các chức năng, như: quản lý tài chính, quản lý nhân sự, quản lý hàng hoá và bán hàng, quản lý và chăm sóc khách hàng, quản lý dây chuyền cung cấp nguyên liệu. Ứng dụng các phần mềm tự động hóa dây chuyền sản xuất và phần mềm nhúng để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong sản xuất. Các DN này đều có Website và tham gia sàn giao dịch điện tử. Trong đó, xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử là một trong những vấn đề cần được quan tâm đầu tư và triển khai thực hiện.

Qua khảo sát cho thấy, hầu hết người dân sử dụng smartphone đều đã ít nhất một lần đặt mua hàng qua mạng thông qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook; các sàn giao dịch điện tử như Lazada, Shopee… Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Bình Phước, rất ít các DN, nông dân tiếp cận đến hoạt động thương mại điện tử để quảng bá, bán các sản phẩm chủ đạo của tỉnh. Trong khi đó, các DN FDI thì hàng hóa sản xuất đều phục vụ xuất khẩu nên không sử dụng thương mại điện tử.

Tuy nhiên, đối với tỉnh Bình Phước, việc xây dựng một sàn giao dịch điện tử cho các DN và người nông dân bán các sản phẩm như: điều, tiêu, cao su, cà phê không phải đơn giản chỉ là xây dựng một sàn giao dịch tương tự như Lazada, Shopee, Tiki… bởi có những đặc thù của ngành công nghiệp chế biến sản phẩm từ cây công nghiệp, đó là khối lượng sản phẩm lớn, khó lưu trữ, khó vận chuyển nhỏ lẻ, ít DN có thể chế biến, sản xuất. Bên cạnh đó, nhà máy sản xuất phải đặt ở vùng nguyên liệu nhưng thị trường tiêu thụ lại ở xa…; thói quen sản xuất nhỏ lẻ, manh mún của người nông dân; việc áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều gây khó khăn cho việc tiếp cận thị trường…

Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (TMĐT và CNTT) đã phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Bình Phước tổ chức tập huấn kiến thức Thương mại điện tử (TMĐT) cho các doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bình Phước (http://idea.gov.vn.).

Vì vậy, trong thời gian tới, để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, tỉnh Bình Phước cần tập trung vào:

Một là, thực hiện sớm các giải pháp về kỹ thuật để xây dựng sàn giao dịch hỗ trợ các DN sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, hỗ trợ nhân dân trên địa bàn tỉnh. Trong đó giao cho Sở Thông tin – Truyền thông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và công nghệ phối hợp với các đơn vị chuyên môn về công nghệ thông tin có trình độ chuyên môn cao, có am hiểu về thương mại điện tử để tư vấn cho UBND tỉnh sớm ban hành kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện nội dung này.

Trong quá trình nghiên cứu, triển khai thực hiện cần chú ý đến các yếu tố đặc trưng của sản phẩm nông nghiệp Bình Phước để tránh nhiều DN đã xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử cho ngành Nông nghiệp nhưng thất bại do chưa nắm vững các đặc trưng vùng của lĩnh vực nông nghiệp.

Hai là, tuyên truyền đến người trực tiếp sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp thô để họ hiểu, nắm bắt các thông tin về ngành mình đang sản xuất, tránh phá vỡ quy hoạch dẫn đến sản lượng vượt nhu cầu của thị trường. Đồng thời, họ cũng phải được tiếp cận sàn giao dịch điện tử để có được thông tin chính thức từ nhà nước về giá cả hàng hóa, sản lượng dự tính, nhu cầu thị trường…

Ba là, Nhà nước cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính (TTHC), công khai, minh bạch thông tin hỗ trợ DN. Các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện cải cách TTHC, thực hiện rà soát, đơn giản hóa và công khai TTHC ở tất cả các ngành, lĩnh vực: cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận đăng ký DN, thuế,… nhằm hỗ trợ DN giảm tối thiểu thời gian giải quyết các TTHC trên cơ sở quy định của pháp luật. Cập nhật và đăng tải công khai các TTHC đã có và mới phát sinh lên website của các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố. Đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, hệ thống một cửa điện tử đã được triển khai ở nhiều sở, ban, ngành, địa phương từng bước đơn giản hóa TTHC dễ hiểu, dễ thực hiện.

Thực hiện hỗ trợ DN tiết kiệm chi phí và rút ngắn thời gian cho DN, nhà đầu tư trong thực hiện các thủ tục đầu tư theo Quyết định số 01/2016/QĐ-UBND ngày 07/01/2016 của UBND tỉnh. Thực hiện tổ chức đối thoại với cộng đồng DN, với báo chí – truyền thông để kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc và tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN.

Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại hỗ trợ DN mở rộng thị trường. Khuyến khích DN tăng cường xuất khẩu, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa dịch vụ thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, các đoàn khảo sát, học tập, trao đổi hợp tác cũng như tham gia hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm các mặt hàng chủ lực của tỉnh (cao su, điều, tiêu,…), tạo điều kiện mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

Hỗ trợ DN đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu DN và chỉ dẫn địa lý nhằm nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm dịch vụ. Tăng cường công tác quản lý nhà nước và hỗ trợ các DN tham gia các đề án khuyến công quốc gia và địa phương, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” một cách thiết thực, hiệu quả. Hỗ trợ ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh cho các DN nhằm giúp DN mở rộng thị trường xuất khẩu.

Bốn là, hỗ trợ đổi mới công nghệ và áp dụng công nghệ mới trong các DN. Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hỗ trợ, phổ biến và chuyển giao công nghệ trong các DN, hỗ trợ đầu tư nâng cao trình độ công nghệ cho các DN để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường. Chú trọng các DN hoạt động xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp giày da, dệt may không nhuộm, công nghiệp chế biến gỗ, hạt điều…

Hỗ trợ các DN áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cấp chứng chỉ chất lượng sản phẩm, chứng chỉ quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin về cơ chế, chính sách về khoa học – công nghệ, sở hữu trí tuệ trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về sự cần thiết phải đổi mới công nghệ, tầm quan trọng của việc thiết lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao năng lực DN trong môi trường cạnh tranh quốc tế.

Năm là, phát triển kết cấu hạ tầng, tạo mặt bằng sản xuất – kinh doanh cho các DN. Thực hiện công khai các quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quỹ đất còn chưa sử dụng, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch, mặt bằng sản xuất cho các DN có nhu cầu về đất, bảo đảm cho việc giao đất, cho thuê đất, các dự án, công trình đầu tư tại địa phương để các nhà đầu tư biết, tự quyết định và thực hiện dự án đầu tư theo quy hoạch đã được duyệt.

Phát triển kết cấu hạ tầng đối với các khu, cụm công nghiệp theo hướng đồng bộ về điện, nước, xử lý chất thải, thông tin liên lạc, dịch vụ nhằm phục vụ và hỗ trợ tốt nhất cho các DN đầu tư và sản xuất – kinh doanh.

Thực hiện và phổ biến tới DN các chính sách khuyến khích và thu hút đầu tư về giao đất và cho thuê đất theo Quyết định số 01/2016/QĐ-UBND ngày 07/01/2016 của UBND tỉnh nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư.

Sáu là, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn lao động. Thực hiện khảo sát có chất lượng nhằm đánh giá đúng nhu cầu đào tạo nghề hoặc chuyển đổi nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp thông tin chính xác và đầy đủ cho DN. Hỗ trợ phát triển thị trường lao động thông qua tổ chức các sàn giao dịch, phiên giao dịch việc làm, tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, góp phần tích cực kết nối cung – cầu lao động.

Tăng cường quản lý hoạt động liên kết đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo; thực hiện đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, nhất là những ngành nghề mới theo định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Xây dựng và triển khai có hiệu quả các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực như các khóa đào tạo: khởi sự DN, quản trị DN, quản trị DN chuyên sâu,… theo quy định tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DN nhỏ và vừa, Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 13/8/2014 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hướng dẫn trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các DN nhỏ và vừa.

Chú thích:
1, 2, 3. Chương trình phát triển doanh nghiệp tỉnh Bình Phước giai đoạn 2016 – 2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 2100/QĐ-UBND ngày 08/8/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh).
4. Quyết định số 2792/QĐ-UBND ngày 16/12/2011 của UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin tỉnh Bình Phước đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
2.Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 13/8/2014 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hướng dẫn trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

                          Lê Ngọc Tân 
                       TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước