Cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính – thực trạng và giải pháp

 (QLNN) – Cải cách hành chính là một chủ trương lớn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Trong lĩnh vực tài chính, cải cách hành chính cũng là nội dung vô cùng quan trọng, nhất là đối với hoạt động quản lý thuế, hải quan, tài chính doanh nghiệp, đầu tư xây dựng cơ bản, ngân sách nhà nước… Những năm qua, nhiều giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính đã được ngành Tài chính xây dựng nhằm cải thiện vị trí xếp hạng về Chỉ số cải cách hành chính, góp phần xây dựng nền tài chính vững mạnh, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cục Tin học và Thống kê tài chính tổ chức buổi tập huấn kiến trúc chính phủ điện tử ngành Tài chính (Nguồn: http://www.taichinhdientu.vn).

Thực trạng công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính

Thực hiện nhiệm vụ về cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường kinh doanh, những năm qua, ngành Tài chính luôn nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này theo phương châm lấy người dân và doanh nghiệp (DN) làm trung tâm. Qua đó góp phần thiết thực vào việc tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất – kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và được cộng đồng DN đánh giá cao. Để triển khai hiệu quả công tác CCHC, ngành Tài chính đã thực hiện toàn diện trên các lĩnh vực như: cải cách thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), đổi mới quy trình quản lý, đổi mới công tác cán bộ…

Thứ nhất, về công tác cải cách thể chế:  luôn được gắn với công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính, trên cơ sở đó, hệ thống pháp luật tài chính đã có bước hoàn thiện quan trọng với số lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, giúp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, cải thiện môi trường kinh doanh và tạo cơ sở pháp lý để đơn giản hóa TTHC, cắt giảm điều kiện kinh doanh, hiện đại hoá quản lý. Việc nghiên cứu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính không chỉ đáp ứng yêu cầu tiến độ và nội dung theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mà còn kịp thời giải quyết những vấn đề lớn phát sinh trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế.

Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn 2011 – 2015, Bộ Tài chính (BTC) đã trình Chính phủ để trình Quốc hội 14 dự án luật; 4 nghị quyết của Quốc hội, 3 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 99 nghị định, 109 quyết định và ban hành theo thẩm quyền 1.104 thông tư, thông tư liên tịch. Từ ngày 01/01/2017 đến hết 31/8/2018, BTC đã chủ trì soạn thảo trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 2 luật, 2 nghị quyết; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 71 nghị định, 11 quyết định; đồng thời, soạn thảo và ban hành theo thẩm quyền 210 thông tư. Trong đó, có thể kể đến một số văn bản đã tác động mạnh mẽ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, tạo nhiều thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và là cơ sở pháp lý để đơn giản hóa TTHC như: Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, Luật Quản lý nợ công năm 2017…1.

Thứ hai, về hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy: hiện nay, ngoài 20 vụ, cục chuyên môn và 9 đơn vị sự nghiệp, BTC có 5 Tổng cục và tương đương trực thuộc, 183 cục địa phương, hơn 1.700 chi cục và tương đương, hơn 5.700 tổ (đội) thuộc chi cục và tương đương. Thời gian qua, BTC đã quán triệt và tổ chức thực hiện một số giải pháp đổi mới, sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả để phù hợp với yêu cầu quản lý. Từ đầu năm 2013 đến tháng 10/2018, Bộ đã cắt giảm khoảng 3.000 đầu mối các đơn vị từ cấp trung ương đến cấp tổ (đội) tại địa phương (trong đó giảm 180 đầu mối cấp phòng và tương đương; khoảng 2.800 đầu mối cấp tổ (đội) tại địa phương). Bên cạnh đó, số các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc và trực thuộc BTC đã giảm từ 35 đơn vị (cuối năm 2016) xuống còn 28 đơn vị do đã tổ chức lại, giải thể, dừng hoạt động…2.

Thứ ba, về cải cách TTHC: luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, theo đó, BTC đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc các yêu cầu về cải cách TTHC như: gắn công tác cải cách TTHC, cắt giảm điều kiện kinh doanh với công tác cải cách thể chế; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới các TTHC theo quy định của pháp luật ngay từ khâu dự thảo; chủ động rà soát, cắt giảm và nâng cao chất lượng TTHC trong lĩnh vực tài chính, nhất là TTHC liên quan tới người dân, DN; công khai, minh bạch tất cả các TTHC.

Giai đoạn 2011 – 2015, ngành Tài chính đã thực hiện rà soát cắt giảm 248 TTHC và đơn giản hóa đối với 962 TTHC. Từ năm 2016 đến nay, đã thực hiện rà soát cắt giảm 174 TTHC và đơn giản hóa 888 TTHC. Tính đến tháng 10/2018, bộ TTHC lĩnh vực tài chính còn lại 987 TTHC. Hiện tại, các đơn vị chuyên môn của BTC đã xây dựng phương án và đang trình Lãnh đạo Bộ tiếp tục xem xét phê duyệt cắt giảm trên 140 TTHC và đơn giản hóa 28 TTHC. Đồng thời, BTC đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của BTC, dự kiến sẽ cắt giảm 117 điều kiện kinh doanh trong phạm vi quản lý nhà nước của BTC 3.

Tại Hội nghị Công bố báo cáo chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC năm 2018 (APCI 2018), Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Chính phủ đã công bố báo cáo đánh giá nhóm TTHC thuế đứng thứ nhất, nhóm TTHC hải quan đứng thứ ba trong 8 nhóm TTHC được đưa vào đánh giá.

Thứ tư, về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC): thực hiện Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26/7/2017 của Chính phủ, cơ cấu tổ chức bộ máy của BTC đã hoàn thiện và đi vào ổn định. Chất lượng đội ngũ CBCC, viên chức ngày càng được nâng cao. Trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm mới, hầu hết CBCC, viên chức đều đạt chuẩn và trên chuẩn theo quy định; công tác đánh giá, luân chuyển đội ngũ CBCC, viên chức ngày càng được đổi mới.

Thứ năm, về cải cách tài chính công: đã có nhiều cải cách trong việc huy động và phân bổ, sử dụng các nguồn lực tài chính, an ninh tài chính được bảo đảm. BTC đã tập trung nguồn lực tài chính nhà nước để giải quyết các nhiệm vụ quan trọng, đúng với chức năng quản lý nhà nước; sử dụng tập trung nguồn lực cho các ưu tiên chiến lược với chính sách nhất quán, thống nhất và thực tế; nâng cao được tính chủ động, quyền hạn và trách nhiệm của các đơn vị trong việc quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách; nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính nhà nước…

Thứ sáu, về hiện đại hóa hành chính: luôn được coi trọng, từng bước đầu tư trang bị, nâng cấp hiện đại hóa trang thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu đổi mới, hiện đại hóa trong giải quyết TTHC và quản lý. Tính đến nay, 982 TTHC đã được cập nhật đầy đủ trên Cổng Thông tin điện tử ngành Tài chính, trong đó 167 TTHC được cung cấp thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 271 TTHC được cung cấp thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Tổng số hồ sơ tiếp nhận qua phần mềm “Một cửa điện tử” của BTC là 13.979.641 hồ sơ. Hệ thống khai thuế điện tử được triển khai toàn diện tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc.

Tính đến ngày 31/8/2018, cả nước có 682.242 DN tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt 99,93% trên tổng số DN đang hoạt động trên cả nước; số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận là trên 54,2 triệu hồ sơ. Công tác thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại tất cả các đơn vị hải quan đã được triển khai hiệu quả. Theo đó, các quy trình thủ tục hải quan đã kết nối Cơ chế một cửa quốc gia và được tự động hóa ở mức độ rất cao với 99,65% DN tham gia thực hiện tại 100% các đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc… Đặc biệt, BTC cũng đã tham gia hệ thống một cửa điện tử ASEAN với 4 quốc gia khác, gồm Xinh-ga-po, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Thái Lan…4.

Những kết quả CCHC của ngành Tài chính đã góp phần tác động tích cực đến việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, được xã hội cũng như cộng đồng người dân và DN đánh giá cao. Theo Báo cáo môi trường kinh doanh – Doing Business năm 2018 được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, chỉ số nộp thuế của Việt Nam đã có sự cải thiện ngoạn mục với 81 bậc từ thứ 167 lên vị trí 86/190 nền kinh tế, góp phần đưa môi trường kinh doanh của Việt Nam từ vị trí 82 lên vị trí 68/190 nền kinh tế, cải thiện 14 bậc so với năm 2017.

Đồng thời, những kết quả cải cách trong lĩnh vực tài chính cũng được thể hiện qua sự đánh giá về các chỉ số: BTC luôn nằm trong nhóm 03/19 bộ, cơ quan ngang bộ về chỉ số CCHC (Par Index) trong 4 năm qua (từ năm 2014 – 2017) và là Bộ đứng đầu về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT index) trong 6 năm liên tiếp (từ năm 2013 – 2018)5. Tháng 11/2018, BTC được nhận giải thưởng ASOCIO 2018 do Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á – châu Đại Dương trao tặng trong hạng mục “Tổ chức ứng dụng công nghệ thông tin xuất sắc” (Outstanding User Organization). Đây cũng là cơ quan đầu tiên của Chính phủ Việt Nam đón nhận giải thưởng quốc tế này.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CCHC trong lĩnh vực tài chính vẫn còn một số hạn chế, như: tính ổn định của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tài chính còn chưa cao, một số văn bản phải liên tục sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với sự biến động và phát triển của xã hội; tiến độ xây dựng chưa bảo đảm, tình trạng nợ đọng văn bản còn diễn ra.

Số lượng TTHC trong lĩnh vực tài chính còn lớn, việc công bố, công khai TTHC còn chậm, chưa đúng quy định. Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC một số lĩnh vực còn hạn chế. Bộ máy hành chính còn cồng kềnh; chất lượng đội ngũ công chức, viên chức chưa đồng đều, kỷ cương, kỷ luật hành chính một số nơi còn chưa nghiêm. Việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập kết quả đạt được chưa cao. Công tác hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng kiến trúc chính phủ điện tử trong quản lý hành chính chưa đáp ứng yêu cầu cải cách đặt ra…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do người đứng đầu một số đơn vị chưa coi trọng công tác CCHC; việc tổ chức thi hành các nhiệm vụ CCHC còn thiếu sự đồng bộ, toàn diện; trong phối hợp triển khai công việc còn thiếu sự kết nối, bổ trợ lẫn nhau giữa các đơn vị…

Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính

Để khắc phục những hạn chế trên và đẩy mạnh triển khai công tác CCHC, đáp ứng yêu cầu hội nhập, phấn đấu các chỉ số cải cách đạt chuẩn xếp hạng các nước ASEAN 4 và hướng tới tiêu chuẩn của các nước OECD như BTC đã đề ra, thời gian tới, công tác CCHC trong lĩnh vực tài chính cần tập trung vào những nội dung sau:

Một là, công tác CCHC phải được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các đơn vị. Theo đó, thủ trưởng các đơn vị thuộc BTC phải chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ về CCHC được giao tại chương trình, kế hoạch hằng năm của Bộ và của đơn vị. Việc xây dựng kế hoạch phải bảo đảm chất lượng và cần được đầu tư nghiên cứu có tầm chiến lược. Xác định rõ kết quả đối với từng nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm của từng đơn vị, lãnh đạo đơn vị và công chức được giao nhiệm vụ.

Hai là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, chính sách, công tác dự báo, phân tích xu hướng và yêu cầu cải cách để tham mưu, đề xuất xây dựng, sửa đổi các chính sách, pháp luật tài chính, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Công tác hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính phải gắn với nhiệm vụ cải cách nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch và phù hợp với thông lệ quốc tế; đồng thời, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước thông qua các cơ chế phối hợp, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm. Nhiệm vụ cải cách thể chế, xây dựng các văn bản chính sách phải được triển khai đồng bộ, gắn bó mật thiết với yêu cầu cải cách TTHC, tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả của bộ máy hành chính, hiện đại hóa hành chính.

Ba là, tiếp tục triển khai, đẩy mạnh công tác cải cách TTHC để tạo thuận lợi cho người dân và DN, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Kiểm soát việc ban hành các TTHC mới, thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động TTHC tại các văn bản quy phạm pháp luật. Tiếp tục rà soát, kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, TTHC, trên cơ sở đó kiến nghị sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật. Thực hiện tốt việc công bố, công khai các quy trình, TTHC trong lĩnh vực tài chính. Xác định cụ thể những TTHC có thể xây dựng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Tập trung phấn đấu giảm thời gian thực hiện TTHC trong lĩnh vực thuế, hải quan bằng hoặc vượt mức trung bình của các nước ASEAN-4 và hướng tới mục tiêu các nước OECD. Đồng thời, nghiên cứu đổi mới cách thức giải quyết TTHC, bảo đảm thực hiện việc giải quyết TTHC đúng thời hạn…

Bốn là, nghiên cứu để kiện toàn tổ chức bộ máy các đơn vị của BTC bảo đảm sự thống nhất trong triển khai các chức năng, nhiệm vụ theo hướng tinh gọn bộ máy, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện tinh giản biên chế theo hướng thực chất, đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng yêu cầu công việc được giao. Tổ chức, sắp xếp, chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng lộ trình, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các đơn vị theo Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26/7/2017 của Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền ban hành.

Kiện toàn đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý, bảo đảm trình độ chuyên môn cao, nâng cao chất lượng, năng lực cho CBCC, viên chức nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách. Đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo quá trình, bảo đảm tính liên tục, đa chiều theo nhiều tiêu chí và mức độ hoàn thành công việc được giao. Đẩy mạnh công tác tổ chức thi tuyển cạnh tranh vào các vị trí lãnh đạo tại các đơn vị…

Năm là, nghiên cứu hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện mục tiêu cải cách tài chính công nhằm nâng cao hiệu quả huy động các nguồn lực tài chính quốc gia, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính gắn với quá trình tái cơ cấu nền tài chính, thực hiện cân đối ngân sách tích cực, bảo đảm tỷ lệ tích lũy hợp lý cho đầu tư phát triển, bảo đảm an toàn nợ công. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách và hệ thống thuế, các chính sách về thu nhập, tiền lương, tiền công; ưu tiên dành nguồn lực cho con người, nhất là cải cách chính sách tiền lương và an sinh xã hội; phấn đấu giảm dần bội chi ngân sách; cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công theo hướng an toàn và bền vững theo chương trình hành động của Chính phủ…

Sáu là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành của các đơn vị thuộc Bộ; chú trọng việc xử lý công việc, công tác báo cáo và giải quyết TTHC được thực hiện trên môi trường mạng, qua đó nâng cao hiệu quả giải quyết công việc trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị.

Tập trung thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và hoàn thành cơ bản hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin của ngành, ban hành kiến trúc chính phủ điện tử theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; triển khai Hệ thống thông tin quản lý tài chính Chính phủ (GFMIS); công bố, cập nhật danh mục các dịch vụ hành chính công, điều kiện kinh doanh trên cổng thông tin điện tử của Bộ và các cơ quan, đơn vị; phấn đấu 100% TTHC thực hiện các dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3 và 4 đáp ứng nhu cầu thực tế của DN và người dân.

Bảy là, nghiên cứu, hoàn thiện các tiêu chí đánh giá CCHC, bảo đảm đánh giá chính xác, khách quan và công bằng kết quả triển khai CCHC tại các đơn vị. Tổ chức triển khai công tác chấm điểm để đánh giá kết quả thực hiện của các đơn vị và kịp thời đề ra các giải pháp khắc phục hạn chế trong công tác CCHC.

Chú thích:
1, 4, 5. Báo cáo tại Hội nghị đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2017 của Bộ Tài chính, ngày 12/9/2018.
2. Bộ Tài chính quyết liệt sắp xếp lại bộ máy. http://enternews.vn, ngày 24/10/2018.
3. Bộ trưởng Bộ Tài chính: Tiếp tục cắt giảm 117 điều kiện kinh doanh. https://bnews.vn, ngày 23/10/2018.

ThS. Lương Quỳnh Hoa
Bộ Tài chính