Những yêu cầu đối với nhà báo trong thời đại chuyển đổi số

(QLNN) – Trong thời đại truyền thông kỹ thuật số với sự “lên ngôi” của mạng xã hội, đội ngũ những người làm báo cần nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, tiếp cận và sử dụng hiệu quả những thành tựu của khoa học – công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin để sáng tạo ra những tác phẩm báo chí có giá trị về nội dung tư tưởng và cách thức thể hiện phong phú, hấp dẫn.

Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020, ngày 28/12/2019 (Ảnh: Thu Hương, www.quanlynhanuoc.vn).

 Vai trò, vị trí của nhà báo trong thời đại chuyển đổi số

Theo Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 12/2018, cả nước có 844 cơ quan báo chí in (với 184 báo in, 660 tạp chí in); 24 cơ quan báo chí điện tử độc lập. Về phát thanh và truyền hình: cả nước có 67 đài phát thanh truyền hình trung ương và địa phương; 5 đơn vị hoạt động truyền hình, với tổng số kênh phát thanh, truyền hình trong nước được cấp phép là 278 kênh 1. Cả nước có khoảng 19.000 nhà báo được cấp thẻ Nhà báo (trong đó, nhà báo được cấp thẻ ở các cơ quan báo in, báo điện tử khoảng hơn 12.500 người; phát thanh truyền hình khoảng hơn 6.500 người) 2.

Hầu hết các cơ quan báo chí hiện đại rất chú trọng xây dựng một đội ngũ nhà báo chuyên nghiệp với phương pháp, kỹ năng, tác phong làm báo phù hợp, cách viết hiện đại, sáng tạo, hấp dẫn nhằm thu hút được sự quan tâm của người đọc. Do đó, các cơ quan báo chí đã thể hiện được dòng chảy chính của xã hội, đã và đang tạo được sự đồng thuận xã hội, tạo niềm tin xã hội và tạo nên khát vọng về một Việt Nam hùng cường.

Trong thời đại số hiện nay, theo Viện nghiên cứu Báo chí Hoa Kỳ, ngay từ thời điểm năm 2013, có đến 60% các nhà báo trên toàn cầu đã sử dụng mạng xã hội (MXH) Twitter, Facebook và LinkedIn. Số lượng này tăng đều và liên tục cho đến thời điểm hiện tại 3. Tuy nhiên, MXH đang mất dần uy tín vì tin giả (Fake News), nhất là khi xã hội thông tin đang có nhu cầu ngày một lớn hơn về tin chính xác, về tin có kiểm chứng. Và đây chính là mảnh đất của báo chí. Bởi qua MXH còn giúp xã hội nhìn rõ hơn giá trị của báo chí. Báo chí “cần phải thấy rõ giá trị của mình để phát huy, thay vì bắt chước thì hãy giữ giá trị cốt lõi của mình” 4.

Nhà báo tác nghiệp tại một sự kiện (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN).

Thực tế cũng cho thấy, nhiều nhà báo nổi danh trên MXH cơ bản là những người giỏi về nghề, được nhiều người mến mộ. Họ là những người được hưởng lợi rất nhiều từ các nền tảng MXH bởi do cách thức truyền đạt thông tin đến với độc giả phù hợp với xu thế mà MXH đã tạo ra. Chính vì vậy, hiện nay nhiều tờ báo trên thế giới đã tìm cách xây dựng mô hình tòa soạn đa phương tiện, lấy báo điện tử làm trung tâm và khái niệm tòa soạn hội tụ (newsroom convergence) ra đời.

Nguồn nhân lực báo chí trong thời đại số hiện nay đòi hỏi đội ngũ các nhà báo phải có phương pháp, kỹ năng, tác phong làm báo phù hợp. Cách làm báo trong “văn phòng”, ngồi cắt dán hoặc đăng nguyên bài từ các trang báo “mẹ” đang dần được thay thế bằng các hoạt động “săn tin” của đội ngũ phóng viên. Thực tế cho thấy, chỉ có những trang báo điện tử nào luôn cập nhật được những thông tin nóng hổi, có cách viết hiện đại, sáng tạo, hấp dẫn mới thu hút được sự quan tâm của người đọc. Vì thế, việc lấy tin trực tiếp, chụp ảnh, ghi âm hoặc quay phim nhằm xác minh sự thật của nguồn tin và được bình luận một cách chuyên nghiệp; tôn trọng các tiêu chuẩn chính xác, nhanh chóng và khách quan,… vẫn luôn là các yêu cầu được đặt lên hàng đầu đối với các nhà báo làm báo điện tử.

Một điều quan trọng nhất với báo chí là tâm thế của người làm nghề báo, là đạo đức nghề nghiệp của các nhà báo, đây cũng là điểm khác biệt của báo chí với MXH. Vì MXH là nơi có nhiều thông tin không được kiểm chứng, thông tin sai lệch, nhiều thông tin giả mạo, rất nhiều người đưa thông tin lên MXH thiếu tinh thần trách nhiệm, gây tác động mạnh lên đời sống xã hội, làm người dân hoang mang. Trong những trường hợp như vậy, báo chí với vai trò định hướng dư luận xã hội phải “lên tiếng” và các nhà báo cần có sự tinh thông nghề nghiệp, có bản lĩnh chính trị, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Tính thuyết phục, độ tin cậy là con đường sống còn của báo chí ngày nay và đó là trách nhiệm của nhà báo.

Nhà báo hiện đại, chuyên nghiệp phải có đạo đức nghề nghiệp, luôn xác định rõ: trong xã hội thông tin hiện nay, nếu thông tin không được kiểm chứng, thông tin sai lệch, nhiều thông tin giả mạo mà thiếu tinh thần trách nhiệm thì sẽ gây tác động rất lớn lên đời sống xã hội, gây sự hoang mang và mất lòng tin của công chúng. Chính vì vậy, trong mọi trường hợp, nhà báo phải tinh thông nghề nghiệp, có bản lĩnh chính trị, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng (được quy định rõ trong Luật Báo chí năm 2016 và Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam của Hội Nhà báo Việt Nam).

Một nhà báo vô trách nhiệm và một bài báo không chính xác, sai sự thật có thể ảnh hưởng đến số phận của một tổ chức, một con người cụ thể. Báo chí chính là một con dao sắc, nó có thể rất hữu ích nhưng cũng có thể gây tác hại khôn lường. Do vậy, trước trách nhiệm và đạo đức của nghề báo, lãnh đạo, quản lý các cơ quan báo chí phải thường xuyên quán triệt, nhắc nhở, xây dựng chuẩn mực đạo đức cho đội ngũ phóng viên, xây dựng văn hóa người làm báo. Đồng thời, “Bộ Thông tin và Truyền thông cần xử lý nghiêm những vi phạm của nhà báo, công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Cục Báo chí, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cũng đã công khai đường dây nóng để tiếp nhận các phản ánh từ tháng 9/2018” 5.

Những vấn đề đặt ra đối với nhà báo trong thời đại chuyển đổi số

Trong thời đại công nghệ số, báo chí phải dùng công nghệ nhiều hơn và điều nhà báo cần học chính là công nghệ. Công nghệ mới cũng tạo ra những giá trị mới hơn cho báo và cho độc giả. Công nghệ mới để làm việc cũ của mỗi người tốt hơn. Chẳng hạn: công nghệ AI sẽ giúp nhà báo đọc hàng triệu bản tin mỗi ngày và tổng hợp theo chủ đề,  giúp nhà báo viết các tin chuẩn mực theo đơn đặt hàng; công nghệ Big Data giúp nhà báo phân tích hàng triệu trang tin trong quá khứ, tìm ra xu thế của hàng chục năm qua, để dự đoán tương lai…

Công nghệ giúp nhà báo sửa ngữ pháp, chính tả để không gặp những lỗi thông thường. Công nghệ giúp Tổng Biên tập duyệt hàng trăm bài mỗi ngày, tránh được những “tai nạn nghề nghiệp” không đáng có. Tóm lại, công nghệ sẽ giải phóng nhà báo khỏi những việc lặp lại, cho họ nhiều thời gian hơn để sáng tạo. Nhưng công nghệ cũng sẽ lấy mất công việc của những người trung bình, bắt buộc mỗi cá nhân phải đào tạo lại để thích ứng.

Trong thời đại công nghệ số, mô hình tòa soạn hội tụ, phóng viên, biên tập viên, phóng viên ảnh cùng hợp tác làm tin, bài thay vì hoạt động độc lập như trước. Nói một cách đơn giản, khi xảy ra sự kiện có tính thời sự, một nhóm phóng viên cùng thu thập tin tức, đồng thời, chia sẻ những thông tin đã thu thập được và thống nhất chọn cách tốt nhất để đưa tin. Khi làm việc trong môi trường truyền thông số, các nhà báo sẽ phải làm việc “đa năng” hơn và phải đối mặt với hình thức hội tụ đa phương tiện, dù bản tin đó chỉ là một mẩu tin của kênh truyền hình, hay báo mạng hoặc tờ báo in. Nhà báo tác nghiệp trong môi trường này phải chuẩn bị những bản tin đó một cách đa dạng hơn để có thể đăng tải trên nhiều phương tiện truyền thông khác nhau. Như vậy, muốn làm tốt nội dung, phóng viên, biên tập viên của tòa soạn phải là phóng viên “đa năng”, vừa có kỹ năng viết bài, vừa biết sử dụng các thiết bị kỹ thuật báo chí đa phương tiện.

Phóng viên tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa (Ảnh: TTXVN).

Thực tiễn của những tòa soạn hội tụ trong môi trường truyền thông số cho thấy, muốn xây dựng được tòa soạn hội tụ thành công, trước hết cần phải có đội ngũ phóng viên, biên tập viên có kỹ năng nghề nghiệp tốt, được đào tạo bài bản, có khả năng sử dụng nhiều thiết bị hiện đại như máy quay, máy ảnh, máy ghi âm… Đồng thời, am hiểu nhiều loại hình báo chí. Tuy nhiên, trong bất kỳ điều kiện nào, vẫn không thể thiếu các kỹ năng chuyên sâu như kỹ năng điều tra, viết chân dung, phỏng vấn, phóng sự, kỹ năng sử dụng truyền thông MXH trong tác nghiệp.

Một trong những thách thức lớn nhất của các cơ quan báo chí hiện nay là khả năng làm chủ công nghệ của các nhà báo chưa thật sự tinh nhuệ. Nhìn từ đời sống truyền thông của Việt Nam có thể thấy, vẫn chưa nhiều nhà báo sử dụng thành thạo công nghệ mới, như sử dụng các ứng dụng của máy tính bảng, điện thoại thông minh… vào hoạt động tác nghiệp. Do đó, cơ quan báo chí cần phải xây dựng được đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp và có trình độ, thế mạnh về công nghệ thông tin để phục vụ tốt nhất cho tòa soạn.

Trong môi trường truyền thông số, nhất là với mô hình tòa soạn hội tụ, mối quan hệ đa chiều và tính tương tác giữa các bộ phận trong tòa soạn thể hiện rất rõ ràng, bởi những người làm việc trong tòa soạn hội tụ phải vừa linh hoạt, sáng tạo, đồng thời phải phát huy tối đa tinh thần cộng tác, làm việc theo nhóm… Bởi lẽ, hội tụ không chỉ hiểu đơn giản là một người làm nhiều việc. Với các vấn đề, sự kiện cần khai thác sâu, đa chiều, bộ phận siêu biên tập phải tính toán phân công một nhóm làm việc tập thể mới tạo hiệu quả cao. Làm sao để tận dụng năng lực của từng cá nhân làm việc trong tập thể? Câu trả lời là cần có khâu chỉ đạo thống nhất từ trên xuống và vai trò của “Ban siêu biên tập” là rất quan trọng.

Nhà báo cần được đào tạo nhiều kỹ năng, có thể làm việc với các phương tiện khác nhau như: in ấn, trực tuyến, phát sóng video và nhiếp ảnh. Các nhà báo phải tìm hiểu và sử dụng công nghệ số để đưa tin, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của độc giả. Mỗi thành viên của tòa soạn không phải là những cá nhân chuyên biệt mà phải làm việc theo nhóm. Phóng viên trong xu thế truyền thông hội tụ cần sẵn sàng để tạo ra các nội dung phù hợp với điện thoại thông minh, máy tính bảng; biết quay video, xử lý video, đưa video lên mạng; biết ghi âm và chỉnh sửa các file âm thanh đưa lên mạng internet.

Yêu cầu về năng lực đối với nhà báo thời đại chuyển đổi số

Thứ nhất, báo chí thời kỳ hội nhập rất cần những người làm báo đa năng, nhanh nhạy và thích ứng nhanh với công việc đa dạng. Trong xu thế phát triển báo chí thời đại số, bên cạnh những trợ lực để báo chí phát triển, thì việc đào tạo đội ngũ làm báo phải giỏi nghề, đa năng, “bút sắc, lòng trong, tâm sáng” là yếu tố then chốt nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của báo chí trên mặt trận văn hóa – tư tưởng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển của đất nước.

Xu hướng làm báo hiện nay đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với nhà báo. Lao động báo chí là lao động mang tính đặc thù, vì vậy, đòi hỏi nhà báo phải có năng lực thực sự, trước hết là phải có tư duy độc lập, sáng tạo, phải biết phân tích đầy đủ bản chất của sự vật, hiện tượng khi muốn thông tin, phản ánh… Đồng thời, nhà báo phải am hiểu sâu sắc về lý luận Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đam mê nghề nghiệp, sáng tạo. Nhà báo Việt Nam đồng thời là nhà chính trị, người chiến sĩ hoạt động trên lĩnh vực tư tưởng – văn hóa của Đảng. Chính vì thế, nếu không có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhà báo khó có thể hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền, bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh chống lại những quan điểm thù địch, sai trái trong bối cảnh kẻ thù đang ráo riết “diễn biến hòa bình” với nhiều phương cách, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp như hiện nay.

Thứ hai, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, đặc biệt MXH, tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt giữa báo chí truyền thống và MXH; giữa các cơ quan báo chí và giữa các loại hình báo chí với nhau. Điều đó, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải làm chủ kỹ thuật, công nghệ làm báo hiện đại – báo chí đa phương tiện. Các nhà báo phải “tích hợp” thêm nhiều “phương tiện” với những cách thức thể hiện khác nhau, phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi.

Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của nhà báo phải được thể hiện ở tất cả các khâu trong quá trình thực hiện một tác phẩm báo chí: từ thu thập tư liệu, xử lý thông tin, giao tiếp với nguồn tin, sử dụng các phương tiện kỹ thuật trợ giúp cho đến việc hoàn thiện tác phẩm báo chí… Nhà báo được giao nhiệm vụ gì thì phải thành thạo các kỹ năng có liên quan để hoàn thành nhiệm vụ đó: có thể là kỹ năng của phóng viên, có thể là của biên tập viên, có thể là người quản lý tòa soạn… Và, khi sản phẩm báo chí đến với công chúng, họ có thể đánh giá chính xác nhà báo là người có tay nghề cao hay không? Có chuyên nghiệp không?

Trong thời đại bùng nổ thông tin, thời đại của kinh tế tri thức hiện nay. Trình độ của công chúng không ngừng được nâng cao, vì vậy, nhà báo cần phải liên tục trau dồi, tích lũy kiến thức văn hóa – xã hội để trở thành người có tầm hiểu biết rộng lớn. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thể hiện ở chỗ nhà báo phải là chuyên gia trong lĩnh vực mà mình theo dõi và phản ánh. Nhà báo kinh tế phải có chuyên môn sâu về kinh tế, nhà báo môi trường phải là chuyên gia về môi trường, nhà báo thể thao phải có kiến thức sâu sắc về thể thao… Những yếu tố nói trên đòi hỏi nhà báo hiện đại phải được đào tạo hết sức bài bản, kỹ lưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và liên tục được bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng để theo kịp yêu cầu của thực tiễn.

Có thể nói, nhà báo phải làm chủ kỹ thuật, phương tiện để xử lý công việc ở mọi lúc, mọi nơi, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là có thông tin hấp dẫn độc giả, vì vậy, người làm báo cần hội đủ 3 yếu tố: ý tưởng, nhanh nhạy và có tri thức toàn diện (kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau). Để không bị đào thải, các nhà báo cần lăn lộn với nghề, giỏi nghề từ thực tiễn, không ngừng trau dồi, tích lũy kiến thức văn hóa – xã hội để trở thành người có tầm hiểu biết rộng. Có như vậy, sản phẩm báo chí mới đủ độ sâu sắc để thuyết phục được công chúng.

Thứ ba, phải thông thạo ngoại ngữ, tin học. Dù được đào tạo chuyên sâu về bất cứ lĩnh vực nào thì nhà báo cũng phải trang bị cho mình ít nhất một ngoại ngữ để tự tin trong tác nghiệp. Đồng thời, có trình độ tin học phù hợp. Ngoài ra, kỹ thuật – công nghệ là yếu tố quan trọng trong báo chí đa phương tiện.

Nói tóm lại, những người làm báo phải thay đổi tư duy về cách làm báo trong thời đại công nghệ số; sẽ có sự thay đổi cấu trúc tòa soạn cũng như thay đổi một số chức danh, xây dựng chính sách, tận dụng yếu tố công nghệ, hạ tầng kỹ thuật, đào tạo nhân lực… mới phát huy được yêu cầu về xây dựng tòa soạn hội tụ trong thời đại số. Tuy nhiên, trong dòng chảy của truyền thông thế giới, không có mô hình nào đứng yên. Vì thế, các cơ quan báo chí có thể điều chỉnh cho phù hợp và đội ngũ các nhà báo phải là những người có năng lực, trình độ, tinh thông nghiệp vụ và đa năng, một người phải làm được nhiều việc để có một tòa soạn hoạt động hiệu quả nhất trong môi trường truyền thông số. Và: “Báo chí đang đứng trước các thách thức lớn chưa từng có, nhưng thách thức nào cũng chính là cơ hội, cơ hội để đổi mới chính mình, cơ hội để tái sinh báo chí. Sự tái sinh ấy bắt đầu từ chính các nhà báo”. 6

Chú thích:
1, 2. Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 (tổ chức tại Hà Nội, ngày 28/12/2018).
3. Hòa Bình. 6 lời khuyên dành cho các nhà báo thời hiện đại. https://www.baogiaothong.vn, ngày 21/6/2018.
4, 5, 6. Phát biểu của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại Lớp “Bồi dưỡng nâng cao kiến thức quản lý nhà nước về báo chí”, sáng ngày 13/11/2018.
Tài liệu tham khảo:
1. Đinh Văn Hường. Tổ chức và hoạt động của tòa soạn. H. NXB Đại học Quốc gia, 2013.
2. Nguyễn Thành Lợi. Tác nghiệp báo chí trong môi trường truyền thông hiện đại. H. NXB Thông tin và truyền thông, 2014.
3. Nguyễn Văn Dững. Cơ sở lý luận báo chí. H. NXB Lao động, 2013.
ThS. Nguyễn Thị Thúy Vân
Học viện Hành chính Quốc gia