Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân ở huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình

Nho Quan là huyện miền núi phía Tây Bắc của tỉnh Ninh Bình. Huyện Nho Quan có 27 đơn vị hành chính: 26 xã và 1 thị trấn. Theo Niên giám thống kê năm 2017 của tỉnh Ninh Bình, dân số của huyện là 149.989 người, với 9 dân tộc, trong đó dân tộc Kinh chiếm trên 80%, dân tộc Mường chiếm gần 20% tập trung chủ yếu ở 8 xã miền núi của huyện 1. Cùng với sự phát triển kinh tế và sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, trong những năm qua, diện mạo huyện Nho Quan ngày càng đổi mới, đời sống tinh thần và vật chất ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, mặt trái của quá trình phát triển đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống dân sinh, làm phát sinh khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân trên địa bàn.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư KNTC của công dân, những năm qua, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện đã coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp. Thực hiện Luật Tiếp công dân năm 2013 và Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Tiếp công dân, các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh và Quy chế làm việc của UBND huyện Nho Quan, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư KNTC, phản ánh, kiến nghị, đề nghị của công dân. Hầu hết, UBND các xã, thị trấn đều có phòng tiếp dân, được bố trí ở địa điểm thuận tiện cho người dân đi lại; đồng thời, đã thành lập được Ban tiếp công dân của huyện, bộ phận tiếp công dân ở các xã, thị trấn theo đúng quy định của pháp luật.

Thường trực HĐND huyện Nho Quan khai mạc kỳ họp thứ 6 HĐND huyện khóa IX, nhiệm kỳ 2016 – 2021 (Nguồn: http://baoninhbinh.org.vn).

Hằng năm, UBND huyện xây dựng, ban hành kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến tiếp công dân; chỉ đạo UBND các xã, thị trấn căn cứ vào kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của UBND huyện để xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền sâu rộng tới đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) và các tầng lớp nhân dân.

Theo đó, chủ tịch UBND cấp huyện và cấp xã đã thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp công dân thường xuyên, định kỳ và đột xuất theo quy định (mỗi tháng, chủ tịch UBND huyện trực tiếp tiếp dân 2 lần: vào thứ 5 của tuần thứ nhất và tuần thứ 3 trong tháng). Chủ tịch UBND các xã, thị trấn trực tiếp tiếp dân vào thứ 3 và thứ 5 hằng tuần, các ngày còn lại bố trí CBCC khác trực tiếp tiếp dân. UBND huyện và một số đơn vị cấp xã đã công khai tại bảng thông tin của cơ quan lịch tiếp dân, kết quả tiến độ giải quyết KNTC cũng như những văn bản liên quan đến lĩnh vực KNTC để nhân dân theo dõi, giám sát, qua đó nâng cao kiến thức pháp luật và ý thức trách nhiệm của đội ngũ CBCC, viên chức nhằm giải quyết có hiệu quả những yêu cầu của nhân dân.

Kết quả, năm 2018, toàn huyện đã tiếp 169 lượt công dân đến tại sở tiếp công dân của UBND các cấp. Nội dung tiếp công dân của UBND cấp huyện và cấp xã tập trung vào một số vấn đề được người dân quan tâm, như: đề nghị giải quyết các tranh chấp về đất đai, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc đền bù, thu hồi đất; kiến nghị về chế độ chính sách xã hội, đề xuất, kiến nghị ở lĩnh vực hành chính…

Thông qua việc tiếp công dân, lãnh đạo huyện và các xã đã nắm được tâm tư, nguyện vọng của công dân, từ đó có sự chỉ đạo các phòng, ban giải quyết kịp thời những khiếu kiện của công dân, không để phát sinh “điểm nóng” trên địa bàn huyện. Việc tiếp nhận và xử lý đơn thư KNTC, kiến nghị, phản ánh của công dân được thực hiện một cách nghiêm túc, đúng Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018,  qua đó, đã khôi phục, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhiều công dân, cơ quan, tổ chức.

Năm 2018, UBND các cấp trên địa bàn huyện tiếp nhận 50 đơn thư tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Trong đó, số đơn thuộc thẩm quyền giải quyết là 22 đơn, bao gồm 2 đơn tố cáo, 20 đơn kiến nghị, phản ánh, không có đơn khiếu nại.  Cụ thể: lĩnh vực đất đai 11 đơn, chiếm 50%; lĩnh vực giải phóng mặt bằng: 2 đơn, chiếm 9%; lĩnh vực chính sách xã hội khác: 9 đơn, chiếm 41% 2. Nội dung các vụ việc được Ban tiếp công dân huyện, bộ phận tiếp công dân UBND các xã, thị trấn giải thích, hướng dẫn, trả lời thỏa đáng. Chất lượng giải quyết các vụ việc được nâng cao, do đó hạn chế được đơn thư vượt cấp và hạn chế phát sinh những vụ việc phức tạp và điểm nóng, tạo lòng tin của nhân dân đối với cơ quan nhà nước, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư KNTC của công dân tại huyện Nho Quan còn một số hạn chế, như:

Việc giải quyết công việc trên một số lĩnh vực chưa tuân thủ đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật. CBCC làm nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết đơn thư của công dân còn hạn chế về năng lực, thiếu kinh nghiệm trong giải quyết đơn thư, dẫn đến có đơn thư vượt cấp. Khi giải quyết KNTC, kiến nghị, phản ánh còn ngại va chạm, sợ liên đới trách nhiệm. Quá trình xử lý và tiếp nhận các nội dung KNTC, kiến nghị, phản ánh của công dân ở các đơn vị cơ sở còn chậm…

Những bất cập, hạn chế trên có nguyên nhân chủ yếu do địa bàn hành chính của huyện rộng, có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; đội ngũ CBCC làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về KNTC còn ít. Hơn nữa, còn có đơn vị chưa chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật cho nhân dân; chưa thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Việc quản lý, lưu trữ hồ sơ của một số cơ quan, đơn vị chưa đầy đủ, còn thất lạc (hồ sơ đất đai) nên khó khăn trong việc giải quyết. Cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ cho công tác tiếp dân ở một số xã còn thiếu, như máy tính, máy in, máy phô tô…

Để nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư KNTC của công dân, cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền trong triển khai, thực hiện công tác tiếp công dân.

Đề cao trách nhiệm, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác giải quyết KNTC, kiến nghị của công dân. Các cấp ủy cần có nghị quyết lãnh đạo công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC. Các cấp chính quyền cần có kế hoạch thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết KNTC, phân công trách nhiệm một cách rõ ràng, cụ thể để giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc KNTC. Lãnh đạo UBND huyện và UBND các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân và giải quyết KNTC thuộc thẩm quyền. Trong quá trình giải quyết, các tổ chức và cá nhân được phân công phải thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ khách quan, làm rõ nguyên nhân phát sinh KNTC, kết luận rõ đúng, sai, đề ra phương án giải quyết phù hợp, có lý, có tình.

Hai là, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ CBCC được phân công tiếp công dân về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng giao tiếp với công dân.

Cần không ngừng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng giao tiếp cho đội ngũ CBCC của huyện nói chung và bộ phận CBCC làm công tác tiếp công dân nói riêng. UBND huyện và UBND các xã, thị trấn cần thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp công dân, bố trí cán bộ có đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm, phẩm chất đảm nhiệm công tác tiếp công dân. Đối với những vụ việc phức tạp, lãnh đạo phải đích thân tiếp công dân, đối thoại với công dân và trực tiếp chỉ đạo giải quyết với tinh thần “giải quyết để bảo đảm yên dân chứ không giải quyết xong việc”.

Ba là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho công tác tiếp dân.

Thực tế hiện nay, ở các xã, thị trấn nói chung việc vận dụng hệ thống trang thiết bị cho hoạt động tiếp công dân vẫn còn mang tính chất thủ công nên khi muốn tra cứu lại thông tin của buổi tiếp công dân mất nhiều thời gian, gây khó khăn cho công tác hoặc giải quyết nội dung yêu cầu, kiến nghị, phản ánh, KNTC của công dân. Do đó, cùng với phương án tiếp công dân cần giải quyết KNTC quy về một đầu mối ở mỗi cấp để thuận tiện trong việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đòi hỏi công tác này phải được ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, giúp cho người có thẩm quyền giải quyết nắm bắt được đầy đủ thông tin một cách nhanh chóng, chính xác. Đặc biệt, chú trọng xây dựng phần mềm quản lý đối với đối với công tác tiếp công dân ở từng xã, thị trấn và đối với toàn huyện nói chung.

Bốn là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ, nhân dân.

Để góp phần nâng cao nhận thức của công dân về pháp luật nói chung và công tác KNTC nói riêng, đòi hỏi phải tăng cường tuyên truyền, giải thích cho công dân hiểu được quyền và nghĩa vụ của họ trong lĩnh vực này. Điều đó yêu cầu phải có một đội ngũ CBCC hiểu biết pháp luật và nắm bắt rõ được công việc cần làm của mình, bao gồm cả kỹ năng và sự vận dụng sáng tạo linh hoạt những quyết định mới của pháp luật trong hướng dẫn, giải thích cho công dân hiểu.

Làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư KNTC là thể hiện bản chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân, tăng cường mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước, giúp cho Đảng, Nhà nước tiếp nhận được những thông tin phản hồi từ thực tế, những vấn đề nảy sinh từ cuộc sống, từ đó đề ra những chủ trương, quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân.

Chú thích:
1. Niên giám Thống kê năm 2017 tỉnh Ninh Bình. H. NXB Thống kê, 2017.
2. Báo cáo số 315/BC-UBND ngày 11/12/ 2018 của Ủy ban nhân dân huyện Nho Quan về công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ năm 2019.

ThS. Đinh Thị Như Hoa
Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình