(QLNN) – Sáng ngày 15/01/2020, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia cùng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học: “Cách tiếp cận và phương pháp biên soạn Địa chí Quốc gia Việt Nam lĩnh vực hành chính”.
Tới dự và đồng chủ trì Hội thảo, có TS. Đặng Xuân Hoan – Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia; GS.TS. Nguyễn Văn Kim – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; đại biểu tham dự Hội thảo có: đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ; lãnh đạo Học viện Hành chính Quốc gia; lãnh đạo Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn; các nhà khoa học trong và ngoài Học viện; cùng các thành viên nhóm nghiên cứu đề tài xây dựng Bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam.
Ngày 22/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2079/QĐ-TTg về việc phê duyệt Nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt cấp quốc gia “Xây dựng bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam” (gọi tắt là Quốc chí). Theo Quyết định, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng ban chỉ đạo; Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ quan chủ trì và chủ nhiệm nhiệm vụ là Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; Hội đồng Khoa học, Ban Chủ nhiệm Dự án là Ban thư ký, Văn phòng nhiệm vụ, Ban chủ nhiệm các nhiệm vụ thành phần.
Mục tiêu của nhiệm vụ là: Xây dựng và cung cấp tri thức cơ bản, tổng hợp về điều kiện tự nhiên, con người và văn hoá, xã hội góp phần phát triển khoa học, giao dục và nâng cao dân trí, phục vụ công tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh thông qua hình thành cơ sở dữ liệu ở dạng sách số và bộ sách in Địa chí Quốc gia Việt Nam.
Nội dung xây dựng bộ Địa chí Quốc gia sẽ tập trung vào tất cả các lĩnh vực, như: cương vực; địa lý, địa chất và tài nguyên; sinh vật, nông học và môi trường; hệ thống hành chính; nhân chủng, tộc người; hệ thống chính trị; pháp luật; quân sự và quốc phòng; ngoại giao; kinh tế; lịch sử; văn hoá, văn học; tư tưởng, tôn giáo và tín ngưỡng; giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; y dược; giao thông – vận tải…; và dựa vào quy chuẩn 4 nội dung: bộ quy chuẩn về nội dung của địa chí; bộ quy chuẩn về cơ sở dữ liệu; Atlas địa chí và quy chuẩn về địa phương chí.
Thời gian thực hiện nhiệm vụ trong vòng 5 năm bắt đầu từ năm 2018 đến hết năm 2022. Ban chủ nhiệm Nhiệm vụ đã mời gần 100 nhà khoa học trong cả nước tham gia đề tài. Học viện Hành chính Quốc gia là cơ quan phối hợp nòng cốt, Giám đốc Học viện là đồng chủ biên của công trình biên soạn này.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Đặng Xuân Hoan – Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia, khẳng định, Hội thảo được tổ chức là sự khởi động cho chuỗi các hoạt động của đề tài Quốc chí Việt Nam lĩnh vực hành chính, là dấu mốc cho hoạt động hợp tác giữa Học viện Hành chính Quốc gia và Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn trong các hoạt động nghiên cứu khoa học; là kết quả từ sự kết nối của hai cơ sở đào tạo, sự nỗ lực của Ban Chủ nhiệm đề tài, ban tổ chức Hội thảo, sự ủng hộ của các nhà khoa học.
Đồng thời, Giám đốc Học viện cũng đồng nhất quan điểm, biên soạn bộ địa chí quốc gia nói chung, địa chí quốc gia lĩnh vực hành chính nói riêng trong thời đại ngày nay không chỉ là sự tiếp nối truyền thống của tiền nhân, ghi lại, mô tả lại, xây dựng những thước phim tư liệu bằng ngôn ngữ về những sự việc, sự kiện trong lĩnh vực hành chính mà chính là sự nỗ lực để ghi lại đời sống hành chính trong thời đại sôi nổi, thời đại đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, thời đại mà vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được khẳng định.
Hội thảo là diễn đàn rộng mở, là khởi đầu của nghiên cứu địa chí quốc gia Việt Nam lĩnh vực hành chính. Kết quả thảo luận trong Hội thảo sẽ góp phần làm rõ hơn những định hướng, cách tiếp cận, phạm vi biên soạn địa chí quốc gia Việt Nam lĩnh vực hành chính để bộ địa chí có bản sắc riêng, đặc trưng riêng phản ánh đầy đủ nhất, chính xác nhất, chi tiết nhất và sinh động nhất về hành chính Việt Nam trong thời đại ngày nay.
Báo cáo tại Hội thảo, PGS.TS Đào Thanh Trường, Chủ nhiệm Nhiệm vụ Nghiên cứu và xây dựng bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam cho biết: nội dung tập Hành chính gồm 04 quyển: quốc gia; chính sách, bộ máy hành chính; nhân sự hành chính; hoạt động hành chính. Trong đó có 3 buổi hội thảo, 9 tạo đàm và thực hiện khảo sát thực tế tại 6 vùng kinh tế – xã hội với 12 tỉnh thành trong cả nước.
Tại hội thảo, các nhà khoa học đã thảo luận các nội dung về thể chế hành chính nhà nước; bộ máy hành chính nhà nước; tài chính công; nhân sự hành chính nhà nước, phương pháp biên soạn, cách thức triển khai nội dung tập Hành chính; cách thức trình bày nội dung các chương, mục theo quy chuẩn của bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam; cách tiếp cận và phương pháp biên soạn mục mẫu; những vấn đề hành chính Việt Nam hiện nay thể hiện trong Quốc chí…
Phát biểu kết thúc hội nghị PGS.TS Đào Thanh Trường cảm ơn các ý kiến của các nhà khoa học đóng góp để xây dựng tập Hành chính và mong muốn tiếp tục được sự đóng góp của các nhà khoa học không chỉ trong hội thảo mà còn quá trình biên soạn, hoàn chỉnh tập Hành chính.