Tăng cường quản lý hoạt động phòng cháy, chữa cháy tại các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang

 (QLNN) – Trước tình hình cháy, nổ diễn biến hết sức phức tạp, các cơ sở hoạt động trong khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang lại luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao. Việc nâng cao hiệu quả tổ chức các hoạt động phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở thuộc khu công nghiệp trong thời gian tới là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng và cần thiết.

Khu công nghiệp Vân Trung tại tỉnh Bắc Giang. (Nguồn: https://bacgiang.vn).

Bắc Giang là tỉnh thuộc Đông Bắc Bộ, liền kề vùng kinh tế trọng điểm phía bắc, có diện tích 3.827 km 2; trong đó tổng diện tích quy hoạch và triển khai các khu công nghiệp (KCN) cùng một số cụm công nghiệp gần 1.500 ha 1. Việc hình thành nhiều KCN với nhiều cơ sở sản xuất hàng hóa đa dạng đã góp phần đưa tỉnh Bắc Giang chuyển mình theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội và dần khẳng định được vị thế là trung tâm kinh tế lớn thứ hai của vùng trung du và miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội thì tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy, nổ ngày càng gia tăng. Trước tình hình đó, đặt ra yêu cầu về công tác quản lý và bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại các KCN ngày càng cao và càng có ý nghĩa quan trọng.

Tại Bắc Giang, các KCN được quy hoạch liền kề nhau, gần với các đô thị lớn, thuận lợi cả về đường bộ, đường sông, đường sắt và đường hàng không. Hiện nay, tỉnh Bắc Giang có 06 KCN với tổng diện tích 1.462 ha2, tập trung chủ yếu ở hai huyện Việt Yên, Yên Dũng và nằm ngay quốc lộ 1A nên rất thuận lợi cho các nhà đầu tư. Tính đến hết quý I năm 2019, tổng số dự án thu hút đầu tư trong KCN là 317 dự án đăng ký đầu tư còn hiệu lực. Trong đó, có 94 dự án trong nước và 223 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 7.856 tỷ đồng và 3.095,5 triệu USD. Các KCN của tỉnh đã giải quyết việc làm cho khoảng 85.000 lao động 2.

Về ngành nghề: sản xuất linh kiện điện tử, năng lượng; linh kiện ngành viễn thông, ngành thép, xăng dầu…, nên tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ lớn. Tính chất nguy hiểm cháy nổ của các cơ sở trong KCN còn do có chứa các nguyên liệu dễ cháy: nhựa, giấy, xăng dầu,… Bên cạnh đó, các cơ sở này tồn chứa nhiều hóa chất mà nếu cháy sẽ tạo ra lượng lớn khói khí độc ảnh hưởng đến môi trường và nguy cơ nổ các thiết bị sản xuất.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn PCCC tại các KCN, thời gian qua, các cấp chính quyền của Bắc Giang đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm tăng cường các biện pháp, giải pháp bảo đảm an toàn PCCC trong quá trình sản xuất, như: Công văn số 2883/UBND-NC ngày 23/8/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang về tăng cường công tác PCCC và thu hồi vũ khí, vật liệu nổ; văn bản số 1845/SXD-TTr ngày 15/9/2017 của Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang về tăng cường công tác PCCC trong đầu tư xây dựng công trình… Trong đó, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (PC07) – Công an tỉnh Bắc Giang là cơ quan tham mưu trực tiếp cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước về PCCC trên địa bàn tỉnh nói chung và trong các KCN nói riêng.

Bằng nhiều biện pháp, Phòng PC07 – Công an tỉnh Bắc Giang đã làm tốt công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC đối với các cơ sở hoạt động trong KCN; công tác hướng dẫn, kiểm tra an toàn PCCC; công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC cho người đứng đầu cơ sở, lực lượng PCCC cơ sở cũng như cán bộ, người lao động làm việc trong các KCN. Đồng thời, thực hiện công tác huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ, xây dựng phong trào toàn dân PCCC; lập và diễn tập các phương án chữa cháy. Bước đầu, những mặt hoạt động quản lý PCCC trên đã góp phần nâng cao được nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về PCCC của người đứng đầu cơ sở hoạt động trong KCN cũng như cán bộ, công nhân viên và người lao động làm việc tại các cơ sở trong KCN.

Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai các hoạt động PCCC tại các KCN còn nhiều hạn chế do việc tổ chức các hoạt động PCCC tại cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Chẳng hạn như: người đứng đầu cơ sở chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình; lực lượng PCCC tại các cơ sở còn thiếu về số lượng, biên chế và yếu về chuyên môn, nghiệp vụ PCCC; các phương tiện PCCC tại chỗ chưa đủ theo yêu cầu về số lượng và kém về chất lượng; công tác xây dựng, diễn tập phương án chưa phù hợp với tình hình thực tế; công tác tự kiểm tra an toàn PCCC chưa được duy trì thường xuyên, thực hiện chưa đầy đủ; kinh phí phục vụ cho hoạt động PCCC tại cơ sở chưa được quan tâm đúng mức.

Các tồn tại, thiếu sót trên chủ yếu là do người đứng đầu các cơ sở hoạt động trong KCN còn xem nhẹ công tác PCCC, chưa nhận thức đầy đủ và toàn diện tầm quan trọng của công tác PCCC đối với hoạt động sản xuất – kinh doanh của cơ sở mình quản lý. Do vậy, các hoạt động PCCC của các KCN chỉ được tổ chức khi cơ quan Cảnh sát PCCC yêu cầu, chưa có tính tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC.

Công tác diễn tập phòng cháy, chữa cháy (Nguồn internet).

Trước tình hình cháy, nổ diễn biến hết sức phức tạp, các cơ sở hoạt động trong KCN tỉnh Bắc Giang lại luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và sự phát triển kinh tế bền vững của tỉnh, nên việc nâng cao hiệu quả tổ chức các hoạt động PCCC tại các cơ sở thuộc KCN trong thời gian tới là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng và cần thiết. Theo đó, cần tập trung vào các vấn đề:

Một là, đối với Phòng PC07- Công an tỉnh Bắc Giang cần:

(1) Bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về PCCC cho đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra an toàn PCCC nói chung và quản lý KCN của tỉnh nói riêng. Dự báo tình hình và chủ động tham mưu, hướng dẫn ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang, người đứng đầu các cơ sở hoạt động trong KCN thực hiện tốt các quy định của pháp luật về PCCC, như: Luật PCCC năm 2001, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC năm 2013; Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC; Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16/12/2014 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC…

Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức hội thi, hội thao cho lực lượng PCCC cơ sở tại các KCN hằng năm. Chú trọng vào hướng dẫn lực lượng PCCC sử dụng thuần thục các phương tiện PCCC được trang bị, nắm bắt được nguyên lý hoạt động và cách sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng các phương tiện PCCC theo đúng quy định.

(2) Hướng dẫn Ban Quản lý các KCN tỉnh, người đứng đầu các cơ sở, lực lượng PCCC cơ sở trong KCN thực hiện nghiêm túc công tác tự kiểm tra an toàn về PCCC nhằm kịp thời phát hiện thiếu sót và có các biện pháp, giải pháp khắc phục kịp thời để không xảy ra cháy nổ. Tổ chức tuyên truyền kiến thức PCCC cho người đứng đầu cơ sở, cán bộ, công nhân của các nhà máy, xí nghiệp trong KCN theo từng nhóm ngành nghề trong KCN. Biên soạn các bài giảng riêng cho từng nhóm ngành nghề, gắn với từng loại cơ sở, quy mô, tính chất và đặc điểm nguy hiểm cháy nổ của cơ sở và tổ chức cho cán bộ đến từng cơ sở tuyên truyền hướng dẫn định kỳ, kết hợp với kiểm tra việc đánh giá nhận thức về kiến thức PCCC sau mỗi buổi tuyên truyền.

(3) Xây dựng phương án chữa cháy phối hợp nhiều lực lượng, hằng năm tổ chức thực tập các tình huống trong phương án tại các cơ sở thuộc KCN. Để thực hiện hiệu quả nội dung này cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của Ban Quản lý KCN, người đứng đầu cơ sở hoạt động trong các KCN. Đồng thời, phương án chữa cháy được xây dựng cần phải cụ thể, sát với điều kiện thực tế, đề ra những tình huống cháy, nổ rõ ràng, dự kiến được khả năng cháy lan, nguy cơ nổ… Trong tình huống cháy được diễn tập cần phân công nhiệm vụ cụ thể cho các lực lượng tham gia, trong đó chú trọng lực lượng nòng cốt là lực lượng PCCC cơ sở.

Hai là, đối với đơn vị quản lý KCN (cụ thể là Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang) cần: nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác PCCC tại KCN do tỉnh quản lý. Chủ động phối hợp với PC07- Công an tỉnh trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức các hoạt động PCCC hằng năm. Phối hợp với cơ quan Cảnh sát PCCC tuyên truyền cho người đứng đầu các cơ sở trong KCN để nâng cao ý thức, nhận thức chấp hành pháp luật về PCCC cho đối tượng này. Thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra công tác PCCC, công tác thường trực, tuần tra; thực hiện việc thay ca, đổi trực bảo đảm công tác PCCC luôn có cán bộ thường trực để xử lý. Bên cạnh đó, việc tuyển chọn người vào lực lượng PCCC cơ sở cần bảo đảm về thể lực, trí lực, sức khỏe, phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC và phải được cấp giấy chứng nhận huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Đồng thời, trong công tác quản lý, việc quy hoạch lại hay mở rộng quy hoạch cần phải thông báo cho cơ quan Cảnh sát PCCC biết để thực hiện đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Xây dựng nội quy, quy định về PCCC trong KCN, đôn đốc, nhắc nhở người đứng đầu các cơ sở hoạt động trong KCN thực hiện nghiêm túc nội quy, quy định đã được niêm yết và các quy định của pháp luật về PCCC đối với cơ sở.

Ba là, đối với người đứng đầu cơ sở, lực lượng PCCC cơ sở trong KCN thuộc địa bàn tỉnh: chủ động phối hợp với cơ quan Cảnh sát PCCC, Ban Quản lý các KCN tỉnh trong tổ chức các hoạt động PCCC tại cơ sở do mình quản lý. Xây dựng lực lượng PCCC cơ sở bảo đảm theo đúng quy định về số lượng cũng như chất lượng. Phối hợp với lực lượng cảnh sát PCCC tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC cho lực lượng PCCC cơ sở và cán bộ, công nhân viên làm việc trong cơ sở; xây dựng phương án chữa cháy tại chỗ và diễn tập các tình huống trong phương án định kỳ ít nhất một năm một lần.

Nắm bắt được quy mô, tính chất hoạt động và đặc điểm nguy hiểm cháy, nổ của cơ sở do mình quản lý và từ đó xây dựng nội quy, quy định về an toàn PCCC cho phù hợp. Đồng thời, cùng với lực lượng PCCC cơ sở thực hiện nghiêm túc công tác tự kiểm tra an toàn PCCC, công tác thường trực bảo vệ hàng ngày cũng như việc chấp hành nội quy, quy định của cán bộ, công nhân viên làm việc tại cơ sở. Trang bị, mua sắm quản lý và bảo dưỡng các phương tiện PCCC theo đúng quy định. Hằng năm, bố trí kinh phí cho tổ chức các hoạt động PCCC tại cơ sở mình quản lý.

Nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng PCCC cơ sở, cụ thể: xây dựng, củng cố kiện toàn về tổ chức bảo đảm biên chế hợp lý và thường xuyên duy trì hoạt động của đội PCCC cơ sở. Trên cơ sở quy mô, tính chất hoạt động sản xuất – kinh doanh và đặc điểm nguy hiểm cháy, nổ của cơ sở để xây dựng đội PCCC cơ sở về tổ chức, biên chế và chế độ hoạt động bảo đảm yêu cầu về PCCC. Thực hiện tốt công tác huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC cho lực lượng PCCC cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nội dung huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC phải thiết thực, gắn với thực tiễn hoạt động PCCC của cơ sở, phù hợp với trình độ, nhận thức của người tham gia huấn luyện. Lực lượng PCCC cơ sở cần chủ động học tập kiến thức, nghiệp vụ PCCC, tăng cường công tác tự kiểm tra an toàn PCCC, thực tập các tình huống cháy, nổ trong phương án chữa cháy đã xây dựng. Chấp hành nghiêm túc nội quy, quy định của ban quản lý các KCN tỉnh, cũng như quy định của pháp luật về PCCC.

Những vụ hỏa hoạn xảy ra tại các KCN đang là mối hiểm họa khó lường bởi công tác cứu hỏa gặp nhiều khó khăn, thiệt hại rất lớn về tài sản, ảnh hưởng đến công việc, đời sống của hàng nghìn công nhân… Chính vì vậy, việc “phòng lửa” cần được tập trung hơn là “chống lửa”.

Chú thích:
1. Địa lý, lịch sử, hành chính, kinh tế tỉnh Bắc Giang. Bách khoa toàn thư. https://vi.wikipedia.org, ngày 09/4/2019.
2. Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. https://www.bacgiang.gov.vn, ngày 11/4/2019.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo số 1213/BC-PCCC ngày 14/11/2018 của Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ – Công an tỉnh Bắc Giang về tổng kết công tác năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ năm 2019.
2. Luật Phòng cháy, chữa cháy năm 2001.

Trần Thị Thịnh
Trường Đại học Phòng cháy, chữa cháy