Ấn tượng du lịch Việt Nam năm 2019 và bước đi bền vững của ngành du lịch trong tương lai

(QLNN) – Nhân dịp Năm Du lịch quốc gia 2020, Ông Nguyễn Trùng Khánh – Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch đã dành cho phóng viên Tạp chí Quản lý nhà nước một buổi trao đổi cởi mở, chân tình với nội dung về phát triển du lịch Việt Nam, những bước tiến vượt bậc trong năm 2019 và định hướng phát triển du lịch Việt Nam bền vững trong thời gian tới. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Thứ trưởng Lê Khánh Hải trao tặng danh hiệu “Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế đưa khách du lịch ra nước ngoài tốt nhất Việt Nam (outbound) năm 2019” và “Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa tốt nhất Việt Nam năm 2019”. Ảnh:http://vietnamtourism.gov.vn

PV: Thưa ông, việc quảng bá hình ảnh đất nước thông qua tổ chức Năm Du lịch quốc gia (NDLQG) đã được Việt Nam thực hiện từ năm 2003 đến nay và mang lại nhiều thành tựu to lớn. Năm 2019 được xem là năm bội thu giải thưởng quốc tế của ngành Du lịch Việt Nam, vậy ông cho biết những kết quả nổi bật của ngành trong năm qua?

 Ông Nguyễn Trùng Khánh: Năm 2019, trong bối cảnh khách du lịch quốc tế trên phạm vi toàn cầu có xu hướng tăng chậm lại, trong 9 tháng năm 2019 chỉ tăng 4%, khu vực châu Á và Thái Bình Dương chỉ tăng 5%, trong khi đó du lịch Việt Nam tiếp tục đạt kết quả ấn tượng:

– Về các chỉ số chủ yếu: khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 18 triệu lượt, tăng trên 16% so với năm 2018, hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao; khách nội địa đạt khoảng 85 triệu lượt, tăng trên 6%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 720 nghìn tỷ đồng, tăng trên 16%.

Việt Nam liên tục nằm trong nhóm quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch cao hàng đầu thế giới và khu vực ASEAN, năm 2019 có khả năng vượt qua In-đô-nê-xi-a và bám sát Xinh-ga-po về lượng khách quốc tế đến.

10 thị trường có lượng khách lớn nhất của ngành du lịch Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2019. Đồ họa: Đào Loan

– Tổng hợp giai đoạn 2015 – 2019, du lịch Việt Nam đã có những thăng tiến vượt bậc về các chỉ số quan trọng: khách quốc tế đến đã tăng 2,3 lần, từ 7,9 triệu lên khoảng 18 triệu lượt, tăng bình quân khoảng 22% mỗi năm; Chỉ số năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam theo Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới tăng 12 bậc, từ 75/141 năm 2015 lên 63/140 năm 2019. Trong đó, các chỉ số về tài nguyên văn hóa và tài nguyên tự nhiên được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới.

– Về các giải thưởng nổi bật: du lịch Việt Nam lần đầu tiên được nhận giải thưởng Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới năm 2019 do World Travel Awards trao tặng và Điểm đến Golf tốt nhất thế giới năm 2019 do World Golf Awards trao tặng. Hai năm liền (2018 và 2019) đạt danh hiệu Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á, Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á. Hàng chục giải thưởng quốc tế danh giá cũng đã được trao tặng cho các doanh nghiệp du lịch Việt Nam.

– Về xúc tiến quảng bá: công tác xúc tiến, quảng bá du lịch có nhiều đổi mới, đạt hiệu quả ngày càng cao, phát huy hiệu quả cơ chế hợp tác công – tư; đẩy mạnh vai trò truyền thông của Đại sứ Du lịch Việt Nam với những mô hình, sáng kiến mới; chủ động, sáng tạo hơn khi tham gia vào các hội chợ du lịch quốc tế lớn như ITB Berlin, WTM London…; các chương trình quảng bá du lịch trên các nền tảng mạng xã hội được đẩy mạnh, đạt hiệu quả cao.

– Về lưu trú và hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật: đến nay, cả nước có khoảng 30.000 cơ sở lưu trú du lịch, với 650.000 buồng khách sạn. Các thương hiệu quốc tế lớn về khách sạn của thế giới đã tham gia kinh doanh tại Việt Nam như: Accor, Marriot, Hyatt, Intercontinental, HG, Four Seasons…, góp phần thay đổi diện mạo du lịch Việt Nam.

Đóng góp lớn của các tập đoàn kinh tế như: Sun Group, Vin Group, FLC, BIM, BRG, Mường Thanh… vào các khu vực như: Sa Pa, Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… với các dự án lớn, hiện đại, tạo động lực, đòn bẩy cho sự phát triển của du lịch Việt Nam.

– Về quản lý lữ hành: hoạt động vận chuyển khách, hướng dẫn du lịch, quản lý khu, điểm du lịch được chú trọng. Đến nay, cả nước có 2.608 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 26.514 hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ.

– Về xây dựng văn bản: xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 4 văn bản, đề án quan trọng, trong đó có Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.

Kết quả đạt được đã ngày càng khẳng định vai trò của ngành Du lịch trong nền kinh tế quốc dân với những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường và giữ vững quốc phòng, an ninh… Đặc biệt hơn, vai trò mũi nhọn của ngành Du lịch đã được Đảng và Nhà nước cũng như xã hội ghi nhận – là ngành đóng góp lớn vào GDP đất nước cũng như thúc đẩy nhiều ngành và lĩnh vực khác cùng phát triển.

Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh trao tặng danh hiệu “Doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách du lịch đường thủy tốt nhất Việt Nam năm 2019”; “Doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách du lịch bằng ô tô tốt nhất Việt Nam năm 2019”; “Hãng hàng không vận tải nhiều khách du lịch nhất năm 2019”; “Hãng hàng không có tốc độ tăng trưởng khách du lịch nhanh nhất năm 2019”. Ảnh: http://vietnamtourism.gov.vn

PV: Năm du lịch quốc gia 2020 được tổ chức tại Hoa Lư – Ninh Bình, xin ông cho bạn đọc Tạp chí Quản lý nhà nước biết rõ hơn về quy mô tổ chức?

 Ông Nguyễn Trùng Khánh: Tiếp nối sự kiện NDLQG được tổ chức rất thành công tại các vùng, miền trong cả nước: Thanh Hóa – Kết nối các di sản Thế giới (năm 2015), Phú Quốc – đồng bằng sông Cửu Long – Khám phá đất phương Nam (2016), Lào Cai – Tây Bắc – Sắc màu Tây Bắc (năm 2017), Hạ Long – Di sản, kỳ quan – Điểm đến thân thiện (năm 2018), Nha Trang – Sắc màu của biển (năm 2019), năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục được Chính phủ giao nhiệm vụ chỉ đạo, phối hợp với tỉnh Ninh Bình tổ chức NDLQG năm 2020 tại Ninh Bình với chủ đề “Hoa Lư – Cố đô ngàn năm”.

Tỉnh Ninh Bình là địa phương trọng điểm của du lịch Việt Nam, nổi tiếng với Di sản văn hóa và thiên nhiên Thế giới Tràng An, tuyệt tác của thiên nhiên đã được UNESSCO công nhận vào ngày 23/6/2014 với giá trị rất lớn về văn hóa, thẩm mỹ, địa chất, địa mạo cũng như đa dạng sinh học của Quần thể danh thắng Tràng An. Cố đô Hoa Lư hiện tại là một bộ phận của quần thể di sản thế giới Tràng An, là di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên ở Việt Nam khi đáp ứng cả hai yếu tố nổi bật toàn cầu về văn hóa và thiên nhiên.

Vì vậy, với việc lựa chọn tổ chức NDLQG năm 2020 đem đến cho Hoa Lư, Tràng An một cơ hội lớn để quảng bá thương hiệu di sản văn hóa thiên nhiên thế giới của Việt Nam nằm trên đất Ninh Bình với du khách từ khắp nơi trên thế giới nhằm tạo chuyển biến nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng về vị trí, vai trò của ngành Du lịch trong phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch gắn với bảo vệ di sản văn hóa thiên nhiên thế giới tại Việt Nam, góp phần phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch sinh thái, thiên nhiên, du lịch xanh trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Ninh Bình và các địa phương trong khu vực.

Xuyên suốt năm 2020 của NDLQG với chủ đề “Hoa Lư – Cố đô ngàn năm” là gần 70 sự kiện, hoạt động diễn ra liên tục trong cả nước và 33 hoạt động diễn ra tại tỉnh Ninh Bình. Cùng với đó là 16 tỉnh, thành phố trong cả nước phối hợp tổ chức và hưởng ứng như: Hà Nội, Hà Nam, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An… và các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng tổ chức nhiều hoạt động đặc sắc trong NDLQG năm 2020. Đồng thời, để tạo hiệu ứng về quảng bá, xúc tiến, đưa các sự kiện của NDLQG năm 2020 lan tỏa đến các quốc gia trong khối ASEAN, các hoạt động của NDLQG sẽ có cuộc thi Hoa hậu Kinh đô ASEAN năm 2020 (Miss Capital ASEAN năm 2020). Đây là hoạt động đặc biệt nằm trong chuỗi sự kiện của NDLQG năm 2020 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với tỉnh Ninh Bình đăng cai tổ chức.

Có thể khẳng định, NDLQG năm 2020 sẽ góp phần giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc sắc của Ninh Bình và các địa phương phối hợp tổ chức, nhằm tăng cường thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, tạo sự phát triển đột phá của du lịch, đạt hiệu quả thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo đà cho du lịch của các địa phương phát triển nhanh trong những năm tiếp theo.

PV: Với việc phát triển vượt bậc của ngành Du lịch trong những năm gần đây, xin ông cho biết định hướng lâu dài để ngành thực sự có những bước đi bền vững trong tương lai?

 Ông Nguyễn Trùng Khánh: Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã đặt mục tiêu đến năm 2020 du lịch Việt Nam cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu đến năm 2030 du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn. Trong thời gian tới, để du lịch phát triển, có những bước đi bền vững trong tương lai, ngành Du lịch tập cần trung thực hiện các giải pháp cơ bản sau đây:

Một là, đổi mới nhận thức, tư duy để phát triển du lịch với tư cách là một ngành kinh tế trong môi trường cạnh tranh, hội nhập. Tập trung phát triển các dòng sản phẩm mới như du lịch kết hợp với chăm sóc sức khỏe, du lịch nông nghiệp, du lịch gắn với sự kiện…

Hai là, tập trung triển khai các văn bản, đề án đã được Chính phủ phê duyệt, triển khai Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, đồng thời đẩy mạnh đổi mới, tuyên truyền xúc tiến quảng bá và phát triển mạnh thương hiệu du lịch việt Nam trở thành ngôi sao sáng trong cộng đồng du lịch Thế giới.

Ba là, tiếp tục đề nghị các bộ, ngành hữu quan tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ có những chính sách tạo thuận lợi cho du lịch phát triển.

Bốn là, tập trung đầu tư, cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là hạ tầng kết nối tới các khu, điểm du lịch; chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với các trung tâm du lịch lớn.

Năm là, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt nâng cao trình độ quản lý trong các doanh nghiệp, tập trung đào tạo kỹ năng nghề cho lao động du lịch theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.

Sáu là, xây dựng cơ chế liên kết vùng để huy động mọi nguồn lực phát huy vai trò tư nhân trong hợp tác công – tư. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch, tiếp tục phát huy vai trò của các nhà đầu tư chiến lược trong phát triển du lịch.

Bảy là, đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch cùng với mở rộng thị trường, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, chất lượng hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch để không phụ thuộc vào một vài thị trường khách chủ yếu như những năm vừa qua. Đây là biện pháp quan trọng nhằm từng bước tiến tới chủ động về nguồn khách du lịch và kiểm soát chất lượng dịch vụ.

Tám là, triển khai và sử dụng hiệu quả nguồn tài chính từ Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; tăng cường phối hợp công – tư, trung ương – địa phương, ứng dụng công nghệ; phát huy vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam trong xúc tiến quảng bá Việt Nam tại nước ngoài.

PV: Bước sang năm mới, chúc ông và toàn ngành Du lịch luôn thành công và phát triển. Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thu Hương thực hiện