(QLNN) – Theo kết quả khảo sát tại 6 địa phương điển hình về thu hồi đất để xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị mới ở tỉnh Hải Dương cho thấy, tỷ lệ lao động thiếu việc làm và chưa có việc làm sau khi bị thu hồi đất tăng nhanh, tỷ lệ lao động có đủ việc làm giảm mạnh. Do vậy, giải pháp giải quyết việc làm cho nông dân bị thu hồi đất ở Hải Dương là việc làm cần thiết hiện nay.
Thực trạng việc làm của nông dân bị thu hồi đất tại tỉnh Hải Dương
Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương, tính đến năm 2018, tổng số lao động thuộc các hộ bị thu hồi đất (THĐ) nông nghiệp là 113.142 người. Việc THĐ nông nghiệp đã làm cho 56.753 lao động bị mất việc và thiếu việc làm, buộc họ phải tìm kiếm công việc khác hoặc phải chuyển nghề, trong đó có 16.740 người bị mất việc hoàn toàn, 40.013 người bị giảm việc làm. Tính riêng giai đoạn 2010 – 2015, trung bình cứ thu hồi 1ha ĐNN sẽ làm cho 10,18 lao động bị mất việc làm, trong đó có 2,95 người bị mất việc làm hoàn toàn1. Năm 2015, bình quân số lao động mất việc làm khi thu hồi 1 ha đất nông nghiệp là 8,48 người/ha, lao động bị mất việc làm hoàn toàn là 2,65 người/ha2.
Số lao động sau khi bị THĐ nông nghiệp có đủ việc làm đến năm 2018 là 21.063 người, chiếm 37,1% trong tổng số 56.753 lao động bị ảnh hưởng do THĐ nông nghiệp, số còn lại là thiếu việc làm và thất nghiệp chiếm 62,9%. Trong số 21.063 lao động sau khi bị THĐ nông nghiệp có đủ việc làm thì có tới 75,8% (15.963 người) vẫn tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; lao động chuyển sang hoạt động phi nông nghiệp mới chỉ đạt 24,2% (5.100 người).
Lao động đã chuyển sang hoạt động phi nông nghiệp một số được tuyển dụng vào làm việc trong các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) và một số làm việc trong các khu vực, ngành nghề khác. Thống kê tại 12 huyện, thành phố của tỉnh cho thấy từ năm 2010 – 2018 có 3.808 lao động trên tổng số 56.753 lao động bị THĐ được vào làm việc trong KCN, CCN, chiếm tỷ lệ 6,7%3. Như vậy, so với diện tích đất nông nghiệp thu hồi và số người bị ảnh hưởng do THĐ thì số lao động được làm việc trong các KCN, CCN trên địa bàn còn quá ít.
Theo kết quả khảo sát tại 6 địa phương điển hình về THĐ để xây dựng các KCN, CCN, khu đô thị mới ở tỉnh Hải Dương của đề tài “Nghiên cứu thực trạng và các giải pháp giải quyết việc làm cho lao động sau khi bàn giao đất cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các khu đô thị mới trên địa bàn tỉnh Hải Dương” gồm: huyện Cẩm Giàng, huyện Bình Giang, huyện Nam Sách, huyện Kim Thành, thị xã Chí Linh và thành phố Hải Dương cho thấy, tỷ lệ lao động thiếu việc làm và chưa có việc làm sau khi bị THĐ tăng nhanh, tỷ lệ lao động có đủ việc làm giảm mạnh (xem bảng cuối bài).
Nhìn chung, việc làm của lao động nông nghiệp sau khi bị THĐ là những công việc mang tính chất tạm thời, thu nhập thấp và không ổn định, như: phụ hồ, thợ xây, buôn bán rau, thực phẩm, tạp hóa với mức thu nhập khoảng 500.000 – 600.000 đồng/tháng. Một số ít lao động chuyển sang chăn nuôi nhỏ hoặc sản xuất tiểu thủ công nghiệp, như mây, tre đan xuất khẩu, chế biến lương thực, làm mộc… Các công việc này cũng bấp bênh do thị trường tiêu thụ không ổn định và thu nhập thấp. Một phần nhỏ lao động chuyển sang kinh doanh dịch vụ xung quanh các KCN, khu đô thị, CCN, như kinh doanh ăn uống, nhà trọ, vui chơi giải trí… Đây là những công việc cho thu nhập khá hơn so với trước khi THĐ và phù hợp với những lao động trên 35 tuổi. Có một số ít lao động trẻ được tuyển dụng vào các KCN, CCN hoặc đi lao động xuất khẩu, những công việc này khá ổn định và cho thu nhập cao hơn so với mức thu nhập bình quân chung của lao động nông nghiệp.
Giải pháp giải quyết việc làm cho nông dân bị thu hồi đất ở Hải Dương
Một là, gắn quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, phát triển các KCN, khu đô thị với quy hoạch sử dụng đất, giải quyết việc làm (GQVL) và đào tạo nghề.
Xây dựng chiến lược chuyển dịch cơ cấu lao động gắn với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, KCN, khu đô thị, kết cấu hạ tầng để có tầm nhìn tổng quát về GQVL cho địa phương. Cần rà soát lại quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, điều chỉnh quy hoạch thu hồi ruộng đất để xây dựng các KCN, CCN, hệ thống hạ tầng đã tạo ra những thay đổi nhất định về việc làm và đời sống kinh tế – xã hội ở các vùng nông thôn.
Hai là, gắn với kế hoạch dạy nghề, tạo việc làm, đặc biệt gắn giữa kế hoạch phát triển doanh nghiệp với kế hoạch tuyển lao động tại chỗ, có kế hoạch đào tạo cho phù hợp với ngành, nghề và cơ cấu lao động của doanh nghiệp. Thể chế hóa cam kết của người sử dụng đất trong vấn đề ưu tiên thu hút lao động tại chỗ. Hải Dương cần nắm rõ thực trạng tình hình lao động, việc làm ở những khu vực có đất bị thu hồi, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo lao động cho phù hợp. Kế hoạch đào tạo ở các địa phương phải được soạn thảo cụ thể, chi tiết, trên cơ sở tính toán các loại hình doanh nghiệp thu hút vào địa phương, nhu cầu về cơ cấu, số lượng và chất lượng nguồn lao động mà các doanh nghiệp cần để bảo đảm tính khả thi trong GQVL. Cần xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực tầm nhìn lâu dài đến năm 2030 để tạo việc làm cho nông dân bị THĐ.
Ba là, nâng cao chất lượng lao động nông thôn, mở rộng hệ thống dịch vụ việc làm. Củng cố và mở rộng hoạt động của các trung tâm dịch vụ việc làm đến từng huyện, xã trong tỉnh, chú trọng hoạt động thu thập thông tin thị trường lao động, như thông tin về số lao động chưa có việc làm, nhu cầu tìm việc làm, thông tin xuất khẩu lao động, nhu cầu học nghề, lao động mất việc và có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp… Trên cơ sở đó, cung cấp thông tin, tư vấn, giới thiệu việc làm.
Tổ chức các phiên chợ việc làm tại các vùng bị THĐ nông nghiệp để tạo điều kiện cho người nông dân, người sử dụng lao động, các trung tâm giới thiệu việc làm, các cơ sở đào tạo nghề trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi thông tin nhu cầu lao động – việc làm. Từ đó, giúp nông dân ở vùng THĐ tìm kiếm được việc làm, định hướng học nghề, thúc đẩy sự hình thành và phát triển thị trường lao động khu vực nông thôn, khu vực bị THĐ.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nhiều việc làm mới. Tỉnh cần đẩy nhanh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và coi đó là khâu đột phá để chuyển dịch cơ cấu kinh tế và GQVL.
Với thế mạnh là tỉnh có nhiều làng nghề truyền thống, Hải Dương cần đẩy mạnh công tác phát triển làng nghề, nhân rộng nghề thủ công để tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động bị THĐ nông nghiệp. Việc phát triển làng nghề vừa giúp GQVL, vừa tăng thu nhập cho người lao động nông thôn. Bên cạnh đó, tỉnh cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề đầu tư, mở rộng và nâng cao năng lực sản xuất, trang bị công nghệ tiên tiến để tạo ra những sản phẩm có giá trị cao, nâng cao sức cạnh tranh. Chuyển giao loại công nghệ cần nhiều lao động về khu vực nông thôn, như thêu ren, dệt thảm len, sơ chế nông sản, gia công giày dép, may mặc…
Phát triển các KCN, CCN của tỉnh gắn với việc phát huy lợi thế so sánh. Cần phân bố các cơ sở sản xuất theo hướng: các cơ sở chế biến lương thực, thực phẩm bố trí ở những khu vực gần hoặc trong vùng nguyên liệu; các cơ sở may xuất khẩu, sản xuất giày da có thể đặt gần khu đông dân cư để GQVL cho nhiều lao động; các xí nghiệp bố trí vào các KCN, CCN hướng theo ngành nghề.
Năm là, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động. Xuất khẩu lao động là một giải pháp quan trọng góp phần GQVL cho lao động nông thôn. Lao động xuất khẩu sau khi hết thời hạn làm việc tại nước ngoài đã có vốn tích lũy và được làm việc trong môi trường công nghiệp, khi trở về địa phương có thể sử dụng vốn đó để chuyển đổi nghề mới hoặc phát triển sản xuất – kinh doanh. Mặt khác, phần lớn lao động đi xuất khẩu thường phải trải qua các khóa đào tạo nghề ngắn hạn, khi trở về địa phương có thể học nghề nâng cao và phát triển công việc theo nghề đã được đào tạo hoặc làm việc trong các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất – kinh doanh…, đó là những ích lợi từ việc xuất khẩu lao động.
Sáu là, tạo cơ chế, chính sách kinh tế – xã hội đối với lao động lớn tuổi, lao động nữ. Lao động lớn tuổi (35 tuổi trở lên), lao động nữ là những đối tượng rất khó có khả năng chuyển đổi nghề nghiệp khi bị THĐ. Đối tượng này chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số lao động bị THĐ ở Hải Dương hiện nay. Hỗ trợ, khuyến khích người lao động nói chung, nữ lao động nói riêng tích cực tham gia vào các lớp khuyến nông, ứng dụng công nghệ mới; chính quyền địa phương kết hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, khuyến nông miễn phí hoặc chi phí thấp cho lao động tuổi 35 trở lên để giúp họ tạo việc làm trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.
Bảy là, tăng cường các hoạt động hỗ trợ trực tiếp nhằm khuyến khích người lao động tự tạo việc làm, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm. Ưu tiên cho người lao động nông nghiệp bị THĐ vay vốn từ các nguồn khác nhau với điều kiện ưu đãi về lượng vay, lãi suất, thời hạn và có sự hướng dẫn sử dụng vốn vay một cách hiệu quả. Tiếp tục triển khai hoạt động cho vay từ quỹ xóa đói, giảm nghèo, quỹ quốc gia GQVL để hỗ trợ cho người thất nghiệp, thiếu việc làm tự tạo việc làm, hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình, cơ sở sản xuất – kinh doanh, dịch vụ phát triển sản xuất ở nông thôn nhằm tạo việc làm mới cho lao động nông thôn.
Ban hành cơ chế, chính sách và có biện pháp hỗ trợ tạo điều kiện cho các tổ chức đoàn thể vùng bị THĐ như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… đứng ra thành lập quỹ tín dụng quay vòng vốn phát triển kinh tế hộ gia đình. Qua đó, quỹ tín dụng sẽ huy động các nguồn vốn từ các hội viên, đoàn thể để cho các hộ nông dân bị THĐ gặp khó khăn do không có việc làm được vay vốn có thời hạn và lãi suất ưu đãi.
Tám là, hỗ trợ đào tạo nghề. Việc hỗ trợ đào tạo nghề bằng cách không giao trực tiếp cho hộ nông dân bị THĐ mà thông qua các trung tâm dạy nghề hoặc các doanh nghiệp để tổ chức lớp học trong thời gian vừa qua ở Hải Dương là khá hợp lý. Tuy nhiên, kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động bị THĐ không vượt quá 1 triệu đồng/người như hiện nay là quá thấp, không đủ để học nghề, đặc biệt là các nghề đòi hỏi thời gian đào tạo dài. Do đó, chưa kích thích và hấp dẫn các cơ sở tích cực tham gia dạy nghề. Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh cần nâng mức hỗ trợ kinh phí học nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động bị THĐ nông nghiệp.
Chú thích:
1. Báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương năm 2018 về những giải pháp giải quyết việc làm và các vấn đề xã hội ở những nơi thu hồi đất để phát triển khu công nghiệp, khu đô thị.
2. Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu đề tài giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp trong quá trình đô thị hóa ở Hải Dương năm 2015 của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
3. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương. Báo cáo tình hình thiếu việc làm, mất việc làm, 2018.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 91/2008/NQ-HĐND ngày 22/02/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương khóa XIV kỳ họp thứ 11 về Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh Hải Dương đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.
ThS. Lương Thị Quyên
Trường Chính trị tỉnh Hải Dương