Giáo dục ở Phần Lan và những gợi mở cho cải cách giáo dục ở Việt Nam

(QLNN) – Phần Lan có cách giảng dạy đặc biệt, chú trọng chất lượng hơn số lượng. Đội ngũ giáo viên sẽ cố gắng khuyến khích học sinh học tập nhưng nếu học sinh đó không muốn học hoặc không có khả năng học, họ muốn tập trung tìm kiếm một công việc thực tế hơn, giáo viên sẽ không vì thế mà liên tục cho học sinh đó điểm thấp. Một trong những hướng đi mới của hệ thống giáo dục Phần Lan là giảng dạy dựa trên sự kiện, hiện tượng.
Ở Phần Lan mọi học sinh đều được hưởng giáo dục như nhau.
 Nền giáo dục Phần Lan

Thứ nhất, về chương trình, nội dung giáo dục.

Hệ thống giáo dục của Phần Lan hiện nay bao gồm các chương trình cho trẻ nhỏ dưới 2 tuổi và chương trình cho trẻ độ tuổi mầm non (từ 2 – 6 tuổi); chương trình giáo dục cơ bản toàn diện bắt buộc kéo dài chín năm (bắt đầu từ lúc 7 tuổi và kết thúc ở 15 tuổi). Sáu năm đầu tiên, học sinh sẽ được học với một giáo viên duy nhất dạy các môn (trừ các môn năng khiếu), 3 năm cuối cấp sẽ được học theo từng giáo viên bộ môn như: toán, khoa học, kinh tế gia đình,… Sau khi thời gian giáo dục cơ bản 9 năm tại một trường học phổ thông hỗn hợp, học sinh ở độ tuổi 16 có thể chọn tiếp tục học tại trường đại học hoặc theo học một trường dạy nghề, cả hai thường mất ba năm theo học và giáo dục cho người lớn (suốt đời, liên tục). Kể từ khi thực hiện quy trình Bologna1, tất cả những người có bằng cử nhân đều đủ điều kiện để nghiên cứu học tập cao hơn (sau đại học).

Phần Lan không có chương trình giáo dục đóng khung. Mọi giáo viên quyết định sách và chương trình giảng dạy. Nội dung giáo dục được thiết kế để có thể tiếp cận với từng học sinh. Mỗi tiết học thường có một trợ lý đặc biệt, theo dõi và giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài ra, nhà trường có những lớp phụ đạo và gia sư kèm cho những học sinh cần cải thiện thành tích, đặc biệt đào tạo những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Sau khi tốt nghiệp, trẻ em Phần Lan sẽ biết cách trả tiền thuế, lập trang web quảng cáo, tính phần trăm chiết khấu hoặc vẽ bản đồ. Có 7 kỹ năng mà chương trình giáo dục được Phần Lan đặt mục tiêu xây dựng, trong đó có năng lực về văn hóa, kỹ năng sử dụng đa ngôn ngữ, kinh doanh, “tư duy và học tập để học hỏi”2.

Thứ hai, về phương pháp dạy và học.

Thay vì cơ cấu thành từng bài giảng, giáo viên cho phép học sinh dùng 6 tuần để nghiên cứu về một chủ đề từ nhiều góc độ. Chẳng hạn, chủ đề về dân nhập cư có thể được khám phá từ địa lý (họ đến từ đâu), lịch sử (điều gì đã xảy ra trước đó) và văn hóa (những truyền thống của họ). Các học sinh thường được yêu cầu thể hiện năng lực của họ để giải quyết các vấn đề liên quan đến sự phát triển, tiến hóa, mất việc, ăn kiêng, các vấn đề chính trị, bạo lực, chiến tranh, đạo đức trong thể thao, thực phẩm, tình dục, thuốc và âm nhạc… Những vấn đề đó trải rộng qua nhiều lĩnh vực, chủ đề và thường yêu cầu học sinh phải có nhiều kỹ năng và kiến thức. Nguyên tắc cơ bản của một giáo viên là đối xử với học sinh với thái độ khách quan, công bằng.

Học sinh được nghỉ ngơi và dành thời gian cho gia đình thay vì làm bài tập (mỗi học sinh chỉ dành tối đa 30 phút cho bài tập về nhà mỗi ngày). Cứ sau 45 phút học tập, học sinh Phần Lan được nghỉ 15 phút3. Các trường đều có một hệ thống bảng điện tử gọi là Wilma, giúp giáo viên, viên chức, bác sỹ, nhà tâm lý học có thể phản hồi về học sinh và liên lạc với phụ huynh. Không có học sinh nào sợ nhận điểm xấu ở Phần Lan. Lớp học là nơi khuyến khích trẻ, không phải nơi răn đe trẻ.

Thứ ba, về các chính sách ưu đãi.

Với hơn 12,2% ngân sách nhà nước dành cho giáo dục nên ở Phần Lan là một hệ thống giáo dục không thu học phí4. Học sinh không phải đóng học phí; không phải chi trả cho những khoản về bữa trưa, các tour du lịch, tham quan bảo tàng, hoạt động ngoại khóa, xe buýt đưa đón nếu nhà cách trường hơn 2 km, sách giáo khoa, tài liệu học tập, máy tính, máy tính bảng… Mọi trẻ em đều đăng ký vào trường gần nhất. Tất cả các trường từ thành thị đến nông thôn đều được tài trợ cơ sở vật chất và trang thiết bị như nhau.

Thứ tư, giáo viên có vị thế và được coi trọng.

Bắt đầu từ những năm 70 thế kỷ XX, Phần Lan đã tiến hành đổi mới việc tuyển chọn và đào tạo những giáo viên tương lai của đất nước. Đây là một bước căn bản trong quá trình cải cách giáo dục. Việc đào tạo giáo viên của Phần Lan rất nghiêm ngặt và chọn lọc. Chỉ có khoảng 10% sinh viên đăng ký được chọn học ngành sư phạm. Tất cả giáo viên đều phải có bằng thạc sỹ và tất cả phải được đào tạo trong cùng một chương trình đào tạo chất lượng cao. Để trở thành giáo viên, họ phải trải qua hai vòng tuyển gắt gao.

Vòng một là một kỳ thi với nhiều ứng sinh tham dự, các khoa chỉ lấy khoảng 10% các thí sinh có kết quả cao nhất từ trên xuống; vòng hai được thực hiện bằng phỏng vấn cá nhân để kiểm tra động cơ, khả năng sáng tạo của thí sinh…

Các giáo sinh Phần Lan được đào tạo không những để trở thành giáo viên (một nghề được tôn trọng nhất trong xã hội) mà còn trở thành những nhà giáo dục. Điều này được thể hiện ngay trong nội dung vòng thi đầu tiên vào các trường. Các thí sinh phải làm bài dựa trên nghiên cứu các tài liệu khoa học và nghề nghiệp được cung cấp trước. Trong chương trình đào tạo của các khoa sư phạm, các môn học thuộc về nghiên cứu là 70 tín chỉ (1 tín chỉ của Phần Lan (ECTS) tương đương từ 25 – 30 giờ làm việc) gồm các môn như: nhập môn nghiên cứu giáo dục; phương pháp nghiên cứu định lượng, phương pháp nghiên cứu định tính…

Tất cả các giáo viên đều tốt nghiệp thạc sỹ và càng ngày càng có nhiều hiệu trưởng và giáo viên có bằng tiến sỹ ở các trường phổ thông. Lương trung bình hằng tháng của giáo viên là 3.500 euro. Tiền lương và danh tiếng của giáo viên cũng không phụ thuộc vào thành tích của học sinh5. Chính vì thế, giáo viên sẽ không bị đánh giá qua điểm số của những học sinh mà họ dạy.

Những gợi mở cho cải cách giáo dục ở Việt Nam

Theo kết quả đánh giá từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD thực hiện, Việt Nam xếp hạng thứ 12 trong bảng xếp hạng danh sách 20 quốc gia tốt nhất trên thế giới về giáo dục6. Có được kết quả này là nhờ một phần ở mức đầu tư cao về giáo dục cũng như văn hóa học tập chăm chỉ của học sinh từ khi còn nhỏ đến độ tuổi 15. Tuy nhiên, giáo dục Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, vì vậy, từ những kinh nghiệm của Phần Lan, chúng ta cần tập trung vào những giải pháp sau đây:

Một là, cần đầu tư có hiệu quả cho giáo dục,vì đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển. Ở Việt Nam, đầu tư cho giáo dục luôn được quan tâm và ưu tiên (Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế), theo đó chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo đạt mức 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Mặc dù ngân sách chi lớn nhưng cách làm lại chưa thật hiệu quả. Do đó, giáo dục cần phải được tiếp tục ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, trong đó cần có nhiều chính sách ưu đãi hơn nữa để tạo sự công bằng trong giáo dục.

Hai là, đổi mới nội dung, chương trình giảng dạy. Ở Phần Lan không quá chú trọng đến giảng dạy lý thuyết mà họ tập trung đào tạo những thứ mà người học sẽ sử dụng trong làm việc và cuộc sống như: kỹ năng tư duy, kỹ năng sử dụng đa ngôn ngữ, kỹ năng tự học, kỹ năng phát hiện dấu hiệu của một vấn đề, kỹ năng thích nghi với sự thay đổi…

Từ bài học này, đối với Việt Nam, để tiến hành việc đổi mới, trước tiên chúng ta cần rà soát toàn bộ chương trình giáo dục các cấp để phát hiện những nội dung không còn phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội, với chính sách pháp luật hiện hành và xu hướng giáo dục trên thế giới cần bổ sung, sửa đổi nội dung, bảo đảm tính cập nhật của các chương trình đào tạo. Sau đó, đi đến hoàn thiện theo hướng tăng cường tính chuyên sâu, tính ứng dụng, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm được những vấn đề lý luận nền tảng chung và những kỹ năng cần thiết đối với người học. Người học cần được tiếp cận những nội dung phù hợp, dựa trên nhu cầu thực tế đòi hỏi; đáp ứng yêu cầu đổi mới tư duy.

Ba là, đổi mới phương pháp giảng dạy. Ở Phần Lan, giảng dạy dựa trên phương pháp đưa ra các sự kiện, đồng thời phương pháp giảng dạy đối với từng đối tượng khác nhau thì sẽ vận dụng những phương pháp khác nhau (ví dụ đối với học sinh chưa hiểu rõ bài giảng sẽ thiết kế một chương trình giảng dạy riêng cho học sinh đó). Với phương pháp giảng dạy như vậy sẽ tạo điều kiện cho học sinh phát huy khả năng tư duy, sáng tạo của bản thân, khả năng ghi nhớ, tự suy nghĩ và không phụ thuộc vào tư duy của giáo viên.

Việt Nam cũng sẽ có những đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, trong đó có đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của người học. Ví dụ như: tăng cường giáo dục công dân, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh, coi trọng hơn nữa các môn khoa học xã hội và nhân văn, nhất là tiếng Việt, lịch sử dân tộc, địa lý và văn hóa Việt Nam; tổ chức cho sinh viên, học sinh tham gia công tác xã hội, các hoạt động văn nghệ, thể thao phù hợp với yêu cầu giáo dục toàn diện.

Trong quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và sự bùng nổ của công nghệ thông tin – thời đại công nghệ 4.0, chúng ta có thể sử dụng nhiều phương pháp giảng dạy hiện đại khác nhau như: khi dùng phần mềm trình chiếu chúng ta đưa ra các hình ảnh, video 3D về sự kiện có liên quan để bài giảng được sinh động, người học ghi nhớ và tư duy sâu. Mục tiêu cuối cùng của việc đổi mới phương pháp giảng dạy là giúp cho người học biết được mình đã thu nhận được những kiến thức gì? Và có những kỹ năng gì cần áp dụng để xử lý các vấn đề trong thực tiễn.

Bốn là, đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục. Ưu điểm nổi bật trong giáo dục của Phần Lan là luôn khuyến khích và không ép buộc học sinh học tập, không đặt nặng vấn đề đánh giá kết quả học tập của người học, đặc biệt, việc học lại 1 năm không phải vấn đề lớn của người học. Từ đó, chúng ta cần nhìn nhận lại về đánh giá, bình xét đối với người học hiện nay (nhất là đối với người học có kết quả học lực yếu…). Cần tiếp tục thực hiện để học sinh, sinh viên được đánh giá về thầy, cô giáo, đồng thời cũng cần xem lại các tiêu chí đánh giá do nhà trường, do ngành Giáo dục đưa ra để cải thiện thang, bảng đánh giá.

Năm là, nâng cao chất lượng và vị thế của đội ngũ giáo viên. Trong đó, trọng tâm cần đào tạo sư phạm gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các cấp nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục; đồng thời, trong công tác tuyển dụng, cần ưu tiên lựa chọn phương thức tuyển dụng giáo viên giỏi, có tâm, có tầm, có tài và đặc biệt là có đạo đức nghề nghiệp. Từ đó sẽ nâng cao vai trò của giáo viên như giáo viên Phần Lan được trao quyền tự quản – tự quyết hoàn toàn về nội dung được định hướng và phương pháp giảng dạy.

Sáu là, đào tạo bậc đại học cần gắn với sử dụng. Hiện nay, thực trạng sinh viên ra trường không có việc làm tương đối lớn hoặc nếu có việc cũng không đúng với chuyên ngành mình đã được đào tạo. Chính vì vậy, chúng ta cần có chiến lược trong giáo dục và đào tạo, không ôm đồm về số lượng mà cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng. Để làm được điều này, Chính phủ cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa chính phủ với nền kinh tế thị trường nhằm giải quyết hiệu quả quan hệ giữa cung và cầu cho nguồn nhân lực.

Bảy là, xã hội hóa dịch vụ giáo dục. Một trong 4 nhiệm vụ trọng tâm được nêu rõ trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, đó là khuyến khích thành lập trường tư thục chất lượng cao. Do đó, Nhà nước cần đưa ra những chính sách ưu đãi, khuyến khích thực hiện xã hội hóa cung cấp dịch vụ giáo dục (đất đai, thuế, tín dụng…) khuyến khích các cơ sở giáo dục chủ động trong việc thu hút các nguồn vốn đầu tư của xã hội./.

Chú thích:
1. Tiến trình Bologna (Bologna Process) là sáng kiến cải cách giáo dục đại học của các nước châu Âu bắt đầu vào năm 1999. Mục tiêu của Bologna là tạo được một khu vực giáo dục đại học châu Âu (European Higher Education Area) vào năm 2010.
2. Chapter 6 by Irmeli Halinen,“The new educational curriculum in Finland”, QOC V7 CH06 DEF.pdf. http://www.allianceforchildhood.eu.
3. Luật pháp Phần Lan quy định cứ mỗi 45 phút giảng dạy, các học sinh phải có 15 phút để chơi, thư giãn theo Nghị định của Chính phủ về các mục tiêu chung về giáo dục được nêu trong Đạo luật về Giáo dục trung học phổ thông và phân phối giờ học (955/2002).
4, 5. 15 điều giáo dục Phần Lan khiến thế giới ngưỡng mộ. vnexpress.net. ngày 24/8/2017.
6. Việt Nam lọt top 20 quốc gia tốt nhất trên thế giới về giáo dục. https://dantri.com.vn, ngày 13/01/2017.
TS. Nguyễn Thị Thu Hòa  
Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ tại TP. Hồ Chí Minh
ThS. Vũ Thị Loan
Bộ Nội vụ