Giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ hành chính công cho đồng bào dân tộc thiểu số

(QLNN) – Trong các thời kỳ cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng giải quyết tốt vấn đề dân tộc và đạt được những kết quả đáng khích lệ trên tất cả các phương diện. Tuy nhiên, trong thực tiễn, việc giải quyết vấn đề dân tộc ở nhiều nơi vẫn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Vì vậy, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là khả năng tiếp cận dịch vụ hành chính công cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Hiểu rõ tầm quan trọng và những tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế – xã hội (KTXH) của dịch vụ hành chính công (DVHCC), Đảng và Nhà nước ta đã tập trung chỉ đạo các ban, ngành thực hiện đồng bộ chương trình cải cách hành chính nhằm phát triển KTXH. Trong đó, cải cách DVHCC là một bộ phận quan trọng trong đường lối đổi mới toàn diện của Đảng và là một trong những giải pháp ưu tiên hàng đầu trong thực hiện chiến lược phát triển KTXH của Đảng và Nhà nước ta.

Một số quan niệm về tiếp cận dịch vụ hành chính công

Thuật ngữ “DVHCC” được sử dụng trên thế giới từ những năm 80 của thế kỷ XX. Ở Việt Nam, lần đầu tiên khái niệm này được đưa vào sử dụng tại Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, (tháng 8/1999) và được sử dụng phổ biến vào những năm gần đây. Theo đó, DVHCC có thể hiểu một cách khái quát: là loại hình dịch vụ gắn liền với chức năng quản lý của Nhà nước nhằm bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của tổ chức và công dân.

Tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, DVHCC được hiểu như sau: “là những dịch vụ liên quan đến hoạt động thực thi pháp luật, không nhằm mục tiêu lợi nhuận, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân dưới hình thức các loại giấy tờ có giá trị pháp lý trong các lĩnh vực mà cơ quan nhà nước đó quản lý. Mỗi DVHCC gắn liền với một thủ tục hành chính để giải quyết hoàn chỉnh một công việc cụ thể liên quan đến tổ chức, cá nhân”.

Tiếp cận DVHCC của đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) thể hiện ở khả năng  ĐBDTTS tham gia và nhận được các lợi ích từ DVHCC trong điều kiện nhất định.

Thực trạng việc tiếp cận dịch vụ hành chính công của đồng bào dân tộc thiểu số

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc. Dân tộc Kinh là dân tộc chiếm đại đa số, thường sống ở những vùng đồng bằng và ven biển. 53 dân tộc còn lại là dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống rải rác ở những vùng miền núi, biên giới, hải đảo. Mặc dù điều kiện địa lý không thuận lợi, đời sống còn nhiều khó khăn, trình độ nhận thức còn hạn chế, song các DTTS ở nước ta đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển KTXH, tạo sự đa dạng về văn hóa cũng như sự ổn định về an ninh, chính trị, quốc phòng, bảo vệ biên giới, hải đảo và bảo vệ môi trường…

Khi Internet vượt núi về trường (nguồn: http://international.viettel.vn).

Trong các thời kỳ cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đã chú trọng giải quyết tốt vấn đề dân tộc và ban hành những văn bản, chính sách nhằm phát triển vùng DTTS và miền núi. Đơn cử như Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KTXH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 – 2020… Những nỗ lực này đã góp phần tạo nên sự thay đổi căn bản và chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội của ĐBDTTS. Đời sống nhân dân vùng DTTS đã có những bước cải thiện rõ rệt: nhận thức của người dân được nâng cao;  quyền lợi và nghĩa vụ được bảo đảm; nhiều vấn đề bức xúc liên quan đến đất đai được giải quyết nhanh chóng, kịp thời… khiến người dân tin tưởng vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Đặc biệt, với những nỗ lực không ngừng từ chương trình cải cách hành chính, chất lượng DVHCC ở khu vực ĐBDTTS đã đạt được những kết quả nhất định. Đơn cử, như: đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa với một số công việc, rút ngắn thời gian giải quyết công việc… Để nâng cao khả năng tiếp cận DVHCC đối với ĐBDTTS, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm giúp ĐBDTTS tiếp cận DVHCC hiệu quả hơn. Kết quả điều tra của SIPAS 2018 về sự hài lòng của người dân và tổ chức về tiếp cận dịch vụ nói chung là 80,62%1. Kết quả trên cho thấy đã có sự cải thiện rõ rệt về mức độ tiếp cận DVHCC trong cả nước nói chung và ĐBDTTS nói riêng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tiếp cận DVHCC đối với ĐBDTTS còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế.

Thứ nhất, việc tiếp cận các kênh thông tin đa dạng và ứng dụng công nghệ thông tin đối với DVHCC của người dân nói chung và của ĐBDTTS nói riêng còn nhiều hạn chế và chuyển biến chậm. Kết quả điều tra của chỉ số SIPAS chỉ ra rằng: kênh thông tin tiếp cận cơ quan tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả DVHCC và kênh thông tin tiếp cận các quy định về thủ tục hành chính chủ yếu thông qua chính quyền xã (chiếm 78,54%) và qua công chức tại nơi nộp hồ sơ (chiếm 73,6%). Trong khi đó, việc tiếp cận qua internet chỉ có 7,1%. Bên cạnh đó, kết quả chỉ số PAPI về hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2018, cho thấy số người sử dụng internet tại nhà chiếm 52,69%,  tăng 15% so với năm 20172.

Việc tiếp cận với máy vi tính và internet đối với ĐBDTTS còn rất hạn chế. Cụ thể: tỷ lệ hộ dân tộc Hoa có kết nối internet là 47,2%; dân tộc Ngái là 17,1%; còn lại 51 dân tộc có số hộ dân tộc sử dụng kết nối internet dưới 10%; thậm chí các dân tộc SiLa, Chứt, La Hủ, Xinh Mun chỉ có dưới 1% số hộ có máy vi tính và hầu hết không được kết nối internet; đặc biệt dân tộc Brâu không có hộ nào có máy vi tính hay internet3. Những số liệu trên cho thấy, việc tiếp cận công nghệ thông tin của ĐBDTTS hiện rất hạn chế do trình độ dân trí, nguồn kinh phí và địa hình khó khăn, hiểm trở, gây khó khăn cho việc xây dựng cơ sở vật chất trong việc ứng dụng công nghệ đối với ĐBDTTS.

Thứ hai, năng lực và trình độ chuyên môn trong giải quyết công việc của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở nước ta còn nhiều bất cập. Chất lượng cán bộ, công chức, người DTTS cũng là một trong những rào cản hạn chế việc tiếp cận DVHCC đối với ĐBDTTS. Nhiều cán bộ cấp xã được bố trí công tác xuất phát từ uy tín của họ đối với cộng đồng nên chất lượng và trình độ chuyên môn chưa cao, kinh nghiệm thực tiễn trong xử lý công việc còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ, công chức chưa qua đào tạo về lý luận chính trị còn nhiều, đặc biệt là đối với số cán bộ chuyên trách cấp xã.

Thứ ba, ĐBDTTS gặp nhiều rào cản và bất cập trong tiếp cận dịch vụ công nói chung và DVHCC nói riêng do khoảng cách địa lý đến trung tâm dịch vụ hành chính hay trụ sở UBND xã thường cách xa nơi họ sinh sống.

Ngoài ra, do nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân ở các bản biên giới chưa cao, sự hiểu biết về lợi ích cũng như cách tiếp cận DVHCC của ĐBDTTS trong một bộ phận ĐBDTTS chưa đầy đủ. Ví dụ như việc cấp giấy khai sinh cho trẻ em vùng cao, do chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc làm giấy khai sinh và các giấy tờ tùy thân khác cho con em mình nên chỉ đến khi đi khám sức khỏe hay có vướng mắc về các chế độ, chính sách thì họ mới thực hiện việc đăng ký khai sinh.

Giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ hành chính công của đồng bào dân tộc thiểu số

Một là, phát triển nguồn nhân lực, ưu tiên người bản địa. Chất lượng và mức độ tiếp cận DVHCC phụ thuộc rất nhiều vào năng lực và trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức. Ngoài kiến thức chuyên môn, cán bộ, công chức cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản liên quan đến phong tục, tập quán của ĐBDTTS nơi mình công tác, giúp họ gần gũi và hiểu ĐBDTTS hơn. Chú trọng quy hoạch dự nguồn cán bộ DTTS để có chính sách đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng hợp lý. Ưu tiên phát triển đội ngũ cán bộ DTTS đông về số lượng, giỏi về chuyên môn nhằm đáp ứng yêu cầu công việc.

Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận của các cấp chính quyền để người dân hiểu được tầm quan trọng của việc tham gia sử dụng DVHCC. Đầu tư phát triển hệ thống thông tin phát thanh, truyền hình để phổ biến những thông tin cần thiết liên quan đến DVHCC. Bên cạnh đó, cấp miễn phí các ấn phẩm báo chí cho người dân. Chú trọng đầu tư xây dựng các nội dung thông tin quan trọng bằng tiếng dân tộc để người dân dễ dàng tiếp cận DVHCC.

Ba là, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong DVHCC. Để tăng hiệu quả chất lượng DVHCC, không chỉ đầu tư chất lượng nguồn nhân lực mà còn phụ thuộc vào cơ sở vật chất, trang thiết bị sử dụng trong quá trình cung cấp dịch vụ. Thiết kế xây dựng và vận hành hệ thống cung cấp cho người dân theo định hướng, phù hợp với nhu cầu và đặc điểm của người DTTS, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng DVHCC, giúp cho thời gian giải quyết công việc chính xác, cụ thể, thủ tục nhanh chóng, thuận tiện, giảm thời gian đi lại của người dân, tiết kiệm chi phí đi lại. Đồng thời, chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt đầu tư cho giao thông để rút ngắn thời gian và khoảng cách về mặt địa lý đến trung tâm xã giúp cho ĐBDTTS tiếp cận DVHCC hiệu quả.

Bốn là, để mức độ sử dụng DVHCC của ĐBDTTS tăng, cần điều chỉnh chính sách theo hướng phù hợp, như cải tiến thủ tục sao cho phù hợp với nhận thức và trình độ của người dân. Thủ tục cần đơn giản và dễ dàng tiếp cận được dịch vụ hành chính. Tăng cường thông tin để ĐBDTTS nhận thấy được lợi ích trong việc tham gia DVHCC.

Trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và yêu cầu hội nhập kinh tế của nước ta hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách phát triển KTXH, xóa đói, giảm nghèo vùng dân tộc và miền núi. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là khả năng tiếp cận DVHCC cho ĐBDTTS sẽ góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm sự ổn định chính trị và gia tăng nguồn lực cho sự phát triển bền vững đất nước.

Chú thích:
1. Hội nghị công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR index) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018 (SIPAS 2018), tại Hà Nội ngày 24/5/2019.
2. Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2018 (PAPI 2018). CECODES, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, UNDP Việt Nam (2018).
3. Tổng quan thực trạng kinh tế – xã hội của 53 dân tộc thiểu số. http://www.vn.undp.org, ngày 30/6/2018.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020.
2. Luật Công nghệ thông tin năm 2016.
3. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.
Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 – 2020.
4. Thông tư số 02/2017/TT-UBDT ngày 22/5/2017 của Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 – 2020.

ThS. Lê Thị Tuyền
    Học viện Hành chính Quốc gia